Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ ba - 11/06/2024 00:13
Giành 7 kỳ học bổng khuyến khích học tập, nhận học bổng đào tạo chuyên sâu tại Nissan Automotive Technology Việt Nam, Nguyễn Văn Tiến - K64 Khoa Vật lý Kỹ thuật – khiêm tốn tự nhận bản thân “rất bình thường”. Nghe Tiến nói vậy, bạn bè có phần… ức bởi “nói vậy mà không phải vậy”! Tháng 5/2024, Nguyễn Văn Tiến tốt nghiệp sớm Bách khoa Hà Nội với tấm bằng Xuất sắc, được Tập đoàn Nissan trải thảm đỏ đón chờ.
Từ cậu bé không có ý định học đại học…
Gia đình Nguyễn Văn Tiến làm nông tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Tiến có 3 anh chị em trạc tuổi nhau nên chi phí sinh hoạt, học tập của các con đè nặng lên vai bố mẹ.
Ngày nhỏ, cứ mỗi dịp nghỉ hè là mấy cậu nhóc trong xóm rủ nhau đi chơi điện tử, tụ tập bắn bi, chọi cỏ gà nhưng Tiến thì chỉ thích ... ở nhà xem tivi. Tiến nhớ lại: Hồi đó tôi ở nhà một phần vì muốn giúp đỡ bố mẹ, phần vì không có tiền “đánh net”. Những bộ phim tài liệu về các hành tinh, sự giãn nở của vũ trụ, thuyết big bang,... chiếu trên VTV2 đã hình thành niềm đam mê khoa học trong cậu học sinh ngày ấy.
“Tôi luôn tò mò về những hiện tượng thiên nhiên, chẳng hạn như tại sao Trái đất có hình cầu, sóng thần đến từ đâu hay khi nào thì nhìn thấy nhật thực... và Vật lý đã giúp tôi tìm ra các câu trả lời” – Nguyễn Văn Tiến say sưa chia sẻ về đam mê của mình.
Với thành tích Toán, Lý, Hóa luôn đứng top đầu của lớp, cậu học sinh Thái Bình tự tin đặt nguyện vọng vào ngành Vật lý Kỹ thuật của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nhưng ngày nhận giấy báo trúng tuyển, Tiến buồn nhiều hơn vui.
“Gia cảnh khó khăn, tôi quyết tâm phải học tốt để vào đại học tiếp cận tri thức cao hơn, sau này tự lo cho bản thân và có điều kiện giúp đỡ gia đình. Thế nhưng, khi cánh cổng đại học mở ra thì lại bị chặn bởi sự nghèo khó.”
Vì áp lực học phí, chi phí sinh hoạt ở thủ đô, Nguyễn Văn Tiến định đóng lại cánh cổng học tập rộng mở của mình.
... đến chàng sinh viên xuất sắc Bách khoa Hà Nội
Thấu hiểu cậu con trai hiếu thảo không nỡ để gia đình vất vả, bố mẹ Nguyễn Văn Tiến không đành lòng để cậu từ bỏ ước mơ. Hai người nông dân chân chất xưa nay luôn cố gắng không vay nợ, lần đầu tiên chạy vạy khắp nơi, mượn người thân, hàng xóm để lo đủ học phí cho con; đã thế còn phải khuyên nhủ, động viên con trai đi học đại học. Sự hy sinh của bố mẹ đã tiếp thêm sức mạnh cho Nguyễn Văn Tiến trên hành trình chinh phục ước mơ của mình.
Để bố mẹ không phải lo lắng tiền bạc, cậu sinh viên Thái Bình đã đi làm gia sư kiếm thêm thu nhập. Tiến cũng không vì kiếm tiền mà lơ là việc học hành, thành tích học tập của cậu luôn ở mức xuất sắc, giành 7 kỳ học bổng khuyến khích học tập của Nhà trường, học bổng đào tạo chuyên sâu tại Nissan Automotive Technology Việt Nam. Tháng 5 vừa qua, Tiến là sinh viên duy nhất của ngành Vật lý Kỹ thuật tốt nghiệp sớm với tấm bằng Xuất sắc.
Nguyễn Văn Tiến tự nhận thành tích bản thân đạt được “rất bình thường” so với các bạn đồng môn. Chia sẻ bí quyết học giỏi, Tiến bày tỏ: “Tôi nghĩ để đạt kết quả cao, ai cũng phải nỗ lực ngày đêm. Dù có thông minh thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng không thể học kiến thức một kỳ chỉ trong một đêm. Vậy nên, mấu chốt để có thành tích tốt chắc chắn nằm ở sự chăm chỉ.”
Ban ngày, Tiến đi học đầy đủ theo thời khóa biểu trên lớp. Hôm nào không có tiết, Tiến tranh thủ tham gia các hoạt động ngoại khóa để tích lũy thêm điểm rèn luyện. Đến tối, Nguyễn Văn Tiến dành thời gian đi làm gia sư. Cuối tuần, Tiến không đi chơi mà ở nhà để ôn tập lại các kiến thức trên lớp đã học trong tuần.
Một bí quyết nữa được sinh viên xuất sắc Bách khoa Hà Nội chia sẻ, đó là không “giấu dốt”. Nguyễn Văn Tiến luôn biết ơn vì được các thầy cô khoa Vật lý Kỹ thuật hướng dẫn, chỉ bảo nhiệt tình, trong đó PGS. Lương Hữu Bắc là người thầy Tiến dành tình cảm đặc biệt.
Nguyễn Văn Tiến kể lại, giai đoạn thực hiện đồ án tốt nghiệp dưới sự hướng dẫn của thầy Lương Hữu Bắc, cậu “hành” thầy hơi nhiều. Có những hôm 9, 10 giờ đêm, thầy Hữu Bắc vẫn say sưa giải đáp những thắc mắc của sinh viên.
“Thầy Bắc rất nhiệt tình, cởi mở nên học trò của thầy cũng không ngại hỏi. Có khi, hỏi càng nhiều, thầy càng vui vì thấy chúng tôi ham học. Sự tận tâm của thầy là điều mà tôi không thể nào quên” – Tiến chia sẻ.
Xuất sắc chinh phục nhà sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản
Tình yêu Vật lý của Nguyễn Văn Tiến ngày càng được hun đúc khi học tập dưới mái trường Bách khoa Hà Nội. Nếu như những kiến thức ở cấp học dưới giúp Tiến trả lời câu hỏi về nguyên lý hoạt động của các hiện tượng tự nhiên quen thuộc, thì những kiến thức Tiến thu nạp được tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã giúp cậu đào sâu hơn về chuyên môn, từ đó có thể ứng dụng trong cuộc sống và công việc.
Cuối năm 2023, Nguyễn Văn Tiến biết đến chương trình học bổng đào tạo chuyên sâu tại Nissan Automotive Technology Việt Nam thông qua group học tập của Khoa và mạnh dạn ứng tuyển. Qua vòng thi viết và vòng phỏng vấn, Nguyễn Văn Tiến xuất sắc được nhận vào làm việc tại Nissan ngay khi chưa tốt nghiệp đại học.
Với chàng trai Thái Bình đầy hoài bão, đây là “quả ngọt” trong quá trình tích lũy tại Bách khoa Hà Nội. Là sinh viên ngành Vật lý Kỹ thuật, Nguyễn Văn Tiến được trang bị kiến thức nền tảng, các kỹ năng thực hành Vật lý, được tiếp cận nghiên cứu các cơ chế của thiết bị hiện đại. Nghe tên “Vật lý Kỹ thuật” có thể hình dung đây là ngành liên quan nhiều đến máy móc, thiên về nghiên cứu kỹ thuật, bởi vậy chương trình đào tạo của ngành có tính ứng dụng rất cao với công việc thiết kế điện - điện tử cho bản vẽ linh kiện ô tô của Tiến tại Nissan.
Tiến cảm thấy bản thân may mắn vì không chỉ có cơ hội làm việc tại một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, mà còn thích nghi với công việc nhanh chóng. “Tôi được các anh chị đồng nghiệp là cựu sinh viên Bách khoa hỗ trợ rất nhiều trong giai đoạn hội nhập ở môi trường mới. Điều này càng làm tôi cảm thấy yêu mến và tự hào khi là sinh viên Bách khoa Hà Nội.”
Sau 4,5 năm miệt mài đèn sách, giờ đây, Nguyễn Văn Tiến đã có thể phụ giúp kinh tế gia đình. Chàng trai Bách khoa biết ơn bố mẹ, anh chị đã luôn là điểm tựa vững chắc để cậu có thể tiếp tục theo đuổi học tập, biết ơn các thầy cô Bách khoa đã dìu dắt mình trưởng thành và biết ơn chính bản thân vì đã không tự bỏ niềm đam mê!