Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ hai - 26/12/2022 08:28
Ngày 23/12/2022, thực hiện Quy chế dân chủ, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức buổi Đối thoại giữa sinh viên và lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2022, với sự tham gia của các thầy/cô trong Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu, lãnh đạo các Trường/Viện/đơn vị cấp 2, các thầy/cô giáo, Đoàn TNCS HCM, Hội Sinh viên và đông đảo sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Song song với đối thoại trực tiếp tại Hội trường C2, buổi Đối thoại được truyền trực tiếp trên ứng dụng Teams, thống kê lúc cao điểm có gần 10.000 sinh viên theo dõi.
2 năm qua, Bách khoa Hà Nội nỗ lực cải thiện môi trường giảng dạy, học tập và hỗ trợ các sinh viên
Sau 2 năm gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, buổi đối thoại năm 2022 thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tại buổi đối thoại, các sinh viên được lắng nghe cụ thể một số hoạt động của Nhà trường cùng một số nội dung Nhà trường đã có sự ghi nhận, tiếp thu để làm tốt hơn trong các hoạt động học tập của các sinh viên. So sánh với năm 2020, vào thời điểm hiện tại – tháng 12/2022, rất nhiều hoạt động liên quan tới cải thiện điều kiện học tập của sinh viên, đó là:
Cải tạo các giảng đường, phòng học, hạ tầng công nghệ thông tin, thư viện, ký túc xá, môi trường học tập thể thao và văn hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy và học, đáp ứng nhu cầu của sinh viên thế hệ mới; 15 Phòng thí nghiệm đào tạo các chuyên ngành Điện, Điện tử, Cơ khí, Cơ điện tử và Vật liệu đầu tư mới với tổng kinh phí 270 tỷ đồng từ dự án SAHEP theo nguồn vốn của Ngân hàng thế giới đã được đưa vào sử dụng;
Nhà trường đã cải tạo, sửa chữa 13.170 m2 các cơ sở vật chất phục vụ người học bao gồm: 3 nhà Ký túc xá B5, B6, B7; cùng các khu thể thao sân bóng B9, sân bóng rổ nhà B7, nhiều giảng đường, phòng học tại các nhà D3, D3-5, D5. Đặc biệt, bể bơi Bách khoa đã đi vào hoạt động bình thường từ tháng 4/2022 và sẽ hoạt động theo chu kỳ 8 tháng phục vụ đào tạo và 4 tháng bảo trì, bảo dưỡng vào mùa đông. Hiện tại nhà B10 và B13 của KTX, sân B13 đã hoàn thành sửa chữa và đưa vào sử dụng;
5 sân bóng chuyền, bóng rổ đang trong giai đoạn thi công nước rút để phục vụ các em sinh viên từ tháng 12/2022. Tổng diện tích cải tạo, sửa chữa phục vụ giảng dạy, nghiên cứu và hỗ trợ người học trong năm 2022 đạt 13.170m2 so với 9.359m2 năm 2021;
Công tác Giáo dục Quốc phòng – An ninh đã hoàn thành đổi mới cơ sở vật chất và phương pháp giảng dạy, sử dụng Nhà B7 và Sân tập Nhà B13, theo hình mẫu tập trung, đảm bảo chất lượng và tác phong quân sự. Từ năm học 2022-2023 các em sinh viên sẽ học tập Quốc phòng An ninh theo phương thức mới, hiện đại, hiệu quả.
Nhà trường đã triển khai cung cấp dịch vụ Wifi cho các giảng đường khu nhà D8, TC.
Đầu năm 2022, Ban Giám hiệu đã ban Kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ CLB sinh viên năm 2022. 100% các Trường/Viện đào tạo có CLB sinh viên về học thuật, ngoại ngữ. Một số đơn vị có CLB hoạt động mạnh như Trường CNTT&TT, Trường Điện – Điện tử, Trường Cơ Khí, Viện Ngoại Ngữ, Viện Kinh tế và Quản lý, Viện Toán tin Ứng dụng, Viện Công nghệ Sinh học Thực phẩm, Viện Kỹ thuật Hóa học,…
Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên, Phòng ban có các CLB sinh viên về năng khiếu, sở thích và tình nguyện. Hiện có một số CLB/Tổ/Đội sinh viên mạnh như: CLB hỗ trợ học tập, CLB sinh viên 5 tốt, CLB HMC, CLB MIC, CLB Võ Thuật, CLB HUST-UPRACE, Tổ iCTSV, Đội TN đồng hương Thanh Hóa, Đội TN đồng hương Phú Thọ, Đội TN đồng hương Nam Định,... Số sinh viên tham gia hoạt động CLB tăng so với năm trước, tập trung vào nhóm sinh viên năm 1, 2.
Năm 2022, Đại học Bách khoa Hà NộiTriển khai các hoạt động tư vấn về sức khỏe thể chất và tinh thần cho người học; Đổi mới phương pháp và chất lượng công tác cố vấn học tập và trợ giảng tại các đơn vị chuyên môn. Các hoạt động tư vấn về sức khỏe thể chất và tinh thần cho người học được tích cực triển khai theo nội dung Đề án “Tăng cường hiệu quả công tác hỗ trợ, tư vấn học tập và tâm lý cho sinh viên giai đoạn 2021 – 2025”.
Tháng 9/2022, Nhà trường đã xây dựng và ban hành Quy tắc văn hóa giao tiếp trong nhà trường và môi trường mạng gồm 6 điều cho cán bộ và giảng viên, 6 điều cho người học ngắn gọn, để nhớ để thực hiện.
Học bổng Trần Đại Nghĩa đã được xét duyệt và trao tặng đến những sinh viên Bách khoa Hà Nội có hoàn cảnh khó khăn, có ý chí, nghị lực vươn lên trong học tập. Trong học kỳ 2021.2, số suất học bổng được trao tặng và tổng số tiền học bổng lần lượt tăng 34%, tăng 55,4%. Bên cạnh đó, Bách khoa Hà Nội tiếp tục khai thác có hiệu quả 10 chương trình học bổng do doanh nghiệp tài trợ: EVN, Mirae Asset, LG Display, Vietchem, AI-CCF, Chắp cánh Bách khoa, TOEIC-CCF, CCAN-CCF, TNG, Zeon với tổng giá trị khoảng 4 tỷ đồng.
Tại buổi đối thoại, PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội – chia sẻ với sinh viên 3 điểm tốt mà Nhà trường đã làm được thời gian vừa qua:
1. Cải thiện các điều kiện liên quan đến sinh viên giúp cho công việc học tập của các sinh viên tốt hơn;
2. Công tác chuyển đổi số của Nhà trường đã triển khai mạnh mẽ, tạo điều kiện cho tất cả cán bộ, giảng viên, sinh viên Bách khoa Hà Nội hoạt động được tốt hơn;
3. Nhà trường mong muốn xây dựng được một môi trường đúng như phương châm phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội: Nhà trường làm nền tảng - Người thầy là chủ thể, là động lực phát triển - Người học là trung tâm. “Môi trường đấy phải thể hiện ở tác phong làm việc, bằng những hành động, hành vi của sinh viên ở trong trường và chúng tôi ghi nhận các thầy/cô, các em sinh viên có rất nhiều tiến bộ trong 2 năm vừa qua” – PGS. Huỳnh Quyết Thắng nhận định.
Các thầy cô tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ với các câu hỏi, đề xuất, tâm tư của sinh viên
Buổi đối thoại đã diễn ra với tinh thần dân chủ, cởi mở. Các thầy trong Ban Giám hiệu và các thầy/cô phụ trách phòng/ban/Viện/Trường/Trung tâm khuyến khích sinh viên nêu nhiều ý kiến đóng góp, nhiều góc nhìn, tôn trọng sinh viên chia sẻ tâm tư nguyện vọng, đề xuất sáng kiến. Các câu hỏi trực tiếp tại buổi đối thoại cùng với gần 8.000 ý kiến chuyển về qua tổ chức Đoàn TNCS HCM và Hội Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, đã được chia thành 8 nhóm vấn đề:
1. Công tác đào tạo;
2. Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy;
3. Dịch vụ dành cho sinh viên, vệ sinh môi trường;
4. Hệ thống CNTT và dịch vụ số;
5. Học bổng, học phí, hỗ trợ tài chính cho sinh viên;
6. Hoạt động ngoại khóa;
7. An ninh trật tự;
8. Thái độ phục vụ.
Trong 4 giờ đồng hồ, các câu hỏi đã được thầy Hiệu trưởng Huỳnh Quyết Thắng và các thầy Phó Hiệu trưởng: Nguyễn Phong Điền, Huỳnh Đăng Chính, Trần Ngọc Khiêm cùng các thầy/cô giáo phụ trách các phòng/ban về cơ sở vật chất, công tác sinh viên, thư viện Tạ Quang Bửu, an ninh trật tự, trung tâm y tế… giải đáp rất cụ thể. Những vấn đề sinh viên còn chưa hiểu, các thầy cô ân cần lắng nghe, giải thích cặn kẽ; Những kiến giải, giải pháp rất tích cực, sáng tạo của sinh viên cho các vấn đề còn tồn tại được các thầy/cô đón nhận rất cầu thị; Một số vấn đề có thể giải quyết ngay đã được ghi nhận ngay để giải quyết dứt điểm trong thời gian sớm nhất…
Qua nội dung hỏi – đáp của sinh viên và lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội, có thể thấy quan điểm xuyên suốt của Nhà trường là luôn tạo điều kiện cho sinh viên được thể hiện bản thân một cách tốt nhất. Các thầy/cô cũng bày tỏ mong muốn bên cạnh việc trau dồi chuyên môn, các sinh viên sẽ phát triển kỹ năng sống, nhân cách của bản thân. Chính các sinh viên cũng cảm nhận được trong 2 năm qua, cả thầy cả trò Bách khoa Hà Nội đều có sự tiến bộ vượt bậc trong các hoạt động học tập, sửa chữa cơ sở vật chất.
Với Quy tắc ứng xử được Nhà trường đề ra trong năm 2022, Đại học Bách khoa Hà Nội tập trung vào một bước mới: Bên cạnh những công việc đang làm, đã làm và sẽ tiếp tục làm tốt, Nhà trường mong muốn các sinh viên và các thầy/cô chủ động trong phát triển giao tiếp, hành vi ứng xử, qua đó, mỗi sinh viên sẽ trưởng thành hơn, cảm nhận được sự quan tâm của các thầy/cô giáo với sinh viên.
Phát biểu kết thúc buổi đối thoại, PGS. Huỳnh Quyết Thắng chân thành chia sẻ cùng các sinh viên: “Thầy mong muốn các em tự đề xuất những giải pháp để sinh viên Bách khoa Hà Nội cùng làm, cùng phát triển, cùng trưởng thành. Qua đó, chúng tôi sẽ tự hào về các em là những sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội đang phát triển tốt cả về nhân cách, học tập, sẽ trở thành những người có ích cho xã hội trong tương lai. Hy vọng năm sau chúng ta sẽ có nhiều kết quả tốt đẹp hơn, cả thầy và trò cùng tiến bộ vượt bậc”.
Buổi đối thoại diễn ra với chất lượng hỏi – đáp rất cao. Kết thúc buổi đối thoại, các sinh viên rất hài lòng với những câu trả lời, giải thích của các thầy/cô giáo. Không chỉ giải đáp các khúc mắc, nhiều sinh viên còn nhận được các kiến thức mới, biết thêm về triết lý hoạt động, sứ mạng, tầm nhìn, các hoạt động chuyên sâu của nơi mình theo học, nhìn thấy rõ hơn trách nhiệm, mục tiêu phấn đấu khi trở thành sinh viên và trên tất cả là nhận được tình cảm thầy – trò, thương yêu sinh viên của những người thầy, người cô Bách khoa Hà Nội.
Hình ảnh các sinh viên nán lại tối muộn, vui tươi, phấn khởi chụp ảnh cùng các thầy/cô giáo đã nói lên tinh thần dân chủ, cởi mở, sinh viên là trung tâm trong mọi hoạt động của Đại học Bách khoa Hà Nội. Buổi đối thoại đã tiếp thu được, ghi nhận được nhiều ý kiến xây dựng từ sinh viên để công việc, hoạt động của Nhà trường 2023 có nhiều chuyển biến tốt hơn. Đó là ý nghĩa lớn nhất của hoạt động dân chủ diễn ra thường niên tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nguyễn Thị Thu – K67, Trường Cơ khí và sinh viên tên Nga – K67, Viện Toán ứng dụng và Tin học chia sẻ cảm xúc hài lòng về buổi đối thoại bổ ích. Thu và Nga đến từ sớm theo dõi buổi đối thoại, hai sinh viên cảm nhận các thầy/cô không chỉ trả lời câu hỏi mà còn giúp sinh viên được mở rộng rất nhiều kiến thức về Bách khoa Hà Nội và các dịch vụ xung quanh.
Còn Trần Hữu Bách – K67, Trường Điện - Điện tử cho biết: “Lúc đầu em rất tò mò về buổi đối thoại. Ngồi dự, lắng nghe các giải đáp, em thấy Nhà trường đã trả lời đầy đủ các thắc mắc của các anh chị và các bạn sinh viên, đem đến sự hài lòng cho sinh viên. Em cảm nhận tất cả các thầy/cô đều trả lời rất tình cảm, chân thành. Em cảm ơn các thầy/cô!”
Đã học tại Đại học tại Đại học Bách khoa 3 năm, Lê Trường và Đinh Trung Nguyên – K65, Viện Kinh tế và Quản lý trên đường đi về vẫn sôi nổi bàn nhau về các nội dung buổi đối thoại. Hai em đặc biệt ấn tượng với câu trả lời, những chia sẻ của PGS. Đinh Văn Hải – Trưởng phòng Công tác sinh viên. “Chúng em thấy thầy rất chân thành, cầu thị khi nói về vấn đề thái độ chưa hợp lý của chuyên viên trong phòng” – Nguyên nói.