Bách khoa Hà Nội hợp tác với LG Display Việt Nam: "Hai bên cùng thắng"

Thứ hai - 11/07/2022 20:34

Hợp tác giữa Bách khoa Hà Nội và LG Display Việt Nam đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh công ty Hàn Quốc có tham vọng xây dựng cơ sở R&D, làm đòn bẩy mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Ngày 8/7, Đại học Bách khoa Hà Nội và Công ty LG Display Việt Nam Hải Phòng ký thỏa thuận ghi nhớ hợp tác nhằm đẩy mạnh hoạt động đào tạo và hướng nghiệp nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Hiệu trưởng PGS. Huỳnh Quyết Thắng cho biết Bách khoa Hà Nội chủ trương đẩy mạnh phát triển hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025. Ông tin rằng bản ghi nhớ hợp tác sẽ là dấu mốc khẳng định quan hệ hợp tác ngày càng sâu sắc giữa hai bên. Trong khi đó, Tổng giám đốc LG Display Việt Nam mong rằng đây là mối quan hệ hợp tác "hai bên cùng thắng" và các hoạt động cụ thể trong tương lai sẽ giúp phát huy tiềm năng và thế mạnh riêng của mỗi bên.

‘Không cần phỏng vấn những ứng viên tốt nghiệp Bách khoa Hà Nội’

Theo thỏa thuận, Bách khoa Hà Nội sẽ xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn, đào tạo đại học và sau đại học để đáp ứng yêu cầu nhân lực của LG Display Việt Nam Hải Phòng. Ngược lại, công ty Hàn Quốc cam kết trao học bổng cho sinh viên và học viên sau đại học của Bách khoa Hà Nội.

Ngoài ra, LG Display sẽ tiếp nhận sinh viên Bách khoa Hà Nội đến thực tập và phản hồi với Nhà Trường về năng lực của các thực tập sinh nhằm thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo đại học và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

“Tôi được biết hàng trăm cựu sinh viên của Bách khoa Hà Nội đã và đang làm việc cũng như nắm giữ những vị trí quan trọng tại LG Display,” PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Bách khoa Hà Nội, phát biểu. “Ngày hôm nay chúng tôi rất vui mừng được có mặt tại đây để thúc đẩy sự hợp tác của chúng ta lên một tầm cao mới.”

PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng (thứ tư từ trái sang) thảo luận nội dung hợp tác giữa Đại học Bách khoa Hà Nội và công ty LG Display Việt Nam Hải Phòng, tại khu công nghiệp Tràng Duệ, thuộc khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng, ngày 8/7. Ảnh: LGDVNHP. 

“Chúng tôi xin cảm ơn Đại học Bách khoa Hà Nội đã đào tạo ra những nhân tài,” Tổng giám đốc LG Display tại Việt Nam Suk Myung Su, mở đầu bài phát biểu. Ông Suk cho biết hiện có khoảng 200 cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội đang làm việc tại công ty, chiếm 1% tổng số nhân lực của LG Display Việt Nam.  

Ông Suk Myung Su rất ấn tượng khi biết 83% sinh viên Bách khoa Hà Nội có việc làm chỉ ba tháng sau khi tốt nghiệp. “Chúng tôi mong muốn có thể chiêu mộ được 30% số sinh viên đó,” lãnh đạo LG Display nói.

LG Display, được thành lập năm 1999, là doanh nghiệp liên doanh giữ LG Electronics Hàn Quốc và tập đoàn điện tử đa quốc gia Philips của Hà Lan. Hiện LG Display là nhà sản xuất màn hình tinh thể lỏng lớn nhất thế giới. Sở hữu các công nghệ màn hình tiên tiến, LG Display cung cấp tấm nền màn hình cho hầu hết các hãng sản xuất đồ điện tử, đặc biệt màn hình điện thoại thông minh trong đó có các dòng iPhone của Apple. 

Năm ngoái, LG Display tuyên bố rót thêm 1,4 tỷ USD vào nhà máy tại Hải Phòng, nâng tổng vốn đầu tư lên 4,65 tỷ USD. Theo hãng tin Reuters, khoản đầu tư mới này sẽ giúp tạo thêm 10.000 việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm lên 6,5 tỷ USD.

Từ 2016 đến 2021, số lượng nhân sự làm việc tại LG Display đã tăng gần 7 lần. Dự kiến đến cuối năm nay, với tất cả ba nhà xưởng đi vào vận hành, số lượng lao động sẽ lên tới hơn 29.000 người.

“Với sinh viên tốt nghiệp Bách khoa Hà Nội, nộp đơn ứng tuyển vào LG Display Việt Nam, chúng tôi chắc sẽ không cần tiến hành phỏng vấn,” ông Suk Myung Su dí dỏm bày tỏ niềm tin vào chất lượng đào tạo của Bách khoa Hà Nội.

Tổng giám đốc LG Display Việt Nam Hải Phòng Suk Myung Su lắng nghe ý kiến của lãnh đạo Bách khoa Hà Nội trước lễ ký biên bản thỏa thuận ghi nhớ hợp tác tại khu công nghiệp Tràng Duệ, thuộc khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng, ngày 8/7. Ảnh: LGDVNHP. 

Về phía Bách khoa Hà Nội, Nhà trường định hướng trở thành đại học nghiên cứu đổi mới – sáng tạo, tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, có vị thế cao trong khu vực và trên thế giới. Do vậy, hợp tác với doanh nghiệp được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo ra “thế hệ sinh viên toàn cầu”, vững lý thuyết và mạnh thực hành.

Với mục tiêu đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, Bách khoa Hà Nội đẩy mạnh đào tạo theo chuẩn quốc tế bao gồm giảng dạy và học tập bằng tiếng Anh và tăng cường rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên. Nhà Trường còn đề cao các chương trình thực tập dài ngày tại doanh nghiệp.

“Chúng tôi ý thức được khoảng cách đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp,” PGS.TS Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác sinh viên, cho rằng trường đại học chủ yếu giúp sinh viên phát triển tư duy giải quyết vấn đề và rèn luyện thái độ học tập suốt đời. Trong khi đó, doanh nghiệp kỳ vọng tuyển nhân lực có thể bắt tay ngay vào giải quyết các bài toán cụ thể.

Lãnh đạo hai bên nhất trí rằng các chương trình thực tập và đào tạo thực địa có thể giúp thu hẹp khoảng cách này. Theo đó, sinh viên năm cuối tham gia vào các dự án thực tại doanh nghiệp và được trả lương theo đóng góp thực tế. Như vậy, khi tốt nghiệp, sinh viên đã có ít nhất một năm kinh nghiệm. Ngoài những lợi thế về thực hành chuyên môn, sinh viên còn hiểu rõ cần chuẩn bị gì để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ cao

Hiệu trưởng Bách khoa Hà Nội cho rằng sự hợp hai bên sẽ không chỉ dừng ở các chương trình tuyển dụng nhân lực chất lượng cao mà còn phát triển theo hướng xây dựng các đề tài, nghiên cứu chuyển giao công nghệ theo nhu cầu từ phía công ty.

“Tiến xa hơn, chúng ta có thể nghĩ về việc thiết lập một phòng thí nghiệm R&D chung (R&D: nghiên cứu và phát triển) đặt tại Bách khoa Hà Nội,” PGS. TS. Huỳnh Quyết Thắng nói.

Bách khoa Hà Nội xác định 4 lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ ưu tiên là Công nghệ dữ liệu và hệ thống thông minh; Năng lượng và Môi trường bền vững; Vật liệu mới; Khoa học và Công nghệ Sức khỏe.

“Điện – Điện tử, Công nghệ Thông tin, Cơ khí và Khoa học Vật liệu hiện là những nhóm ngành tiên phong trong liên kết và hợp tác với doanh nghiệp trong các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao,” Hiệu trưởng Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ.

Hiệu trưởng PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, cùng các cán bộ của Bách khoa Hà Nội, tham quan phòng trưng bày các sản phẩm màn hình sản xuất theo công nghệ OLED của LG Display Việt Nam Hải Phòng tại khu công nghiệp Tràng Duệ, thuộc khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng, ngày 8/7. Ảnh: LGDVNHP. 

Trách nhiệm của các trường đại học gắn liền với hoạt động nghiên cứu khoa học, tạo ra tri thức, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống; đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Trong khi đó, mối quan tâm của các doanh nghiệp là đảm bảo lợi ích của cổ đông, doanh thu, và thị phần thương mại.

Dù mục đích hoạt động khác nhau, trường đại học và doanh nghiệp cùng đi tìm lời giải cho các vấn đề của xã hội thông qua nghiên cứu và phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Dựa vào điểm chung này, việc liên kết giữa đại học và doanh nghiệp trở thành mối quan hệ tương hỗ, đem lại lợi ích cho cả hai bên.

“Các nhóm nghiên cứu mạnh của Bách khoa Hà Nội đang tìm kiếm sự hợp tác từ các chuyên gia quốc tế,” Hiệu trưởng Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh. Hợp tác năng động giữa giảng viên Bách khoa Hà Nội và các chuyên gia của LG Display sẽ mở ra các hướng nghiên cứu, những ứng dụng công nghệ, thậm chí sản phẩm thương mại có tính cạnh tranh trên thị trường.

GS. TS. Huỳnh Trung Hải, Trưởng phòng Quản lý Nghiên cứu, cho biết Bách khoa Hà Nội có đầy đủ các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngoài ra, Nhà trường đang hoàn thiện hệ sinh thái sáng tạo – khởi nghiệp nhằm đẩy mạnh thương mại hóa các ứng dụng công nghệ.

Vì vậy, việc hợp tác sẽ giúp LG Display Việt Nam tiếp cận gần hơn với nguồn nhân tài R&D. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh công ty Hàn Quốc có tham vọng xây dựng cơ sở R&D để mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

LG Display là công ty đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công màn hình OLED cảm ứng, trong suốt, kích cỡ 77 inch, với độ phân giải UHD. Ảnh: CNET. 

Tại Việt Nam, LG Display tập trung vào sản xuất màn hình theo công nghệ OLED. Các tấm nền OLED (Organic Light Emitting Diode, tạm dịch là đi-ốt phát quang hữu cơ) tự phát ra ánh sáng khi có dòng điện chạy qua, trong khi đó, màn hình LCD cần nguồn sáng bên ngoài. Tỷ lệ tương phản về mặt kỹ thuật số- một yếu tố quyết định chất lượng hình ảnh- của màn hình OLED là vô hạn. Lợi thế của OLED không chỉ là chất lượng hình ảnh mà còn đến từ khả năng phản hồi và độ mượt của màn hình.

Năm 2012, Samsung- đối thủ cạnh tranh trực tiếp của LG- đã từ bỏ công nghệ này sau một thời gian ngắn thử nghiệm do giá thành cao và mức độ sản xuất phức tạp. Như vậy, trong suốt 10 năm qua, LG Display là nhà sản xuất màn hình OLED lớn nhất, nếu không muốn nói là duy nhất, trên thế giới.

“Bách khoa Hà Nội và LG Display là những nhà tiên phong trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ tại Việt Nam và Hàn Quốc,” Hiệu trưởng Huỳnh Quyết Thắng nói. “Tôi tin tưởng rằng lễ ký kết ngày hôm nay sẽ là sự khởi đầu cho một sự hợp tác mới, hợp tác đa phương giữa nhà trường và doanh nghiệp, một hợp tác phát triển trong quan hệ cung-cầu, mang kỳ vọng của hai bên.”

CCPR

Tác giả: Nguyễn Kim Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây