Tổ chức kiểm định AUN-QA: ‘Chất lượng không phải là bề ngoài ấn tượng'

Thứ ba - 19/07/2022 20:00

Để giữ vững vị thế trường đại học khoa học – kỹ thuật hàng đầu Việt Nam, Bách khoa Hà Nội không ngừng đưa chất lượng đào tạo tiệm cận với khu vực và thế giới.

“Chúng tôi có 20 chương trình đào tạo đã nhận giấy chứng nhận kiểm định chất lượng AUN-QA, còn 4 chương trình vừa thông qua quy trình đánh giá và cũng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của AUN-QA,” PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Bách khoa Hà Nội, phát biểu tại buổi làm việc với các chuyên gia AUN-QA chiều ngày 19/7.

Hiện 40% số chương trình đào tạo bậc đại học của Bách khoa Hà Nội đạt chất lượng kiểm định theo bộ tiêu chuẩn chung được công nhận giữa các trường đại học trong mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA).  

Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2017 – 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội coi việc kiểm định tất cả các chương trình đạo theo tiêu chuẩn chất lượng của khu vực và quốc tế là một nhiệm vụ trọng tâm.

Gần đây nhất, 4 chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn khu vực là Tiếng Anh chuyên nghiệp Quốc tế, thuộc Viện Ngoại ngữ; Công nghệ thông tin Việt - Nhật, thuộc Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông; Toán – Tin, thuộc Viện Toán Ứng dụng và Tin học; và Chương trình Kỹ thuật Nhiệt, thuộc Trường Cơ khí.

PGS. TS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Bách khoa Hà Nội, cho biết năm 2012 Trường bắt đầu kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn AUN-QA. Ảnh: Duy Thành.  

AUN-QA (ASEAN University Network – Quality Assurance) là bộ tiêu chuẩn tạo ra sự liên thông và công nhận chất lượng đào tạo giữa các trường đại học trong và ngoài AUN. Đây là bộ tiêu chuẩn với các quy tắc khắt khe. Mỗi quy tắc đều có các tiêu chí rõ ràng, cụ thể và tập trung đánh giá những điều kiện đảm bảo chất lượng của toàn chương trình đào tạo.

Theo đó, AUN đánh giá toàn diện các chương trình đào tạo ở nhiều khía cạnh bao gồm chuẩn đầu ra, khung chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công tác đảm bảo chất lượng, và kết nối giữa nhà trường, sinh viên, với doanh nghiệp.

Lực đẩy đến từ hệ thống đánh giá chất lượng nội bộ

Bách khoa Hà Nội coi “tự đánh giá chất lượng” giống như việc xây dựng và củng cố sức mạnh nội tại. Đó là quá trình Nhà trường tự đánh giá một cách liên tục và mang tính hệ thống, dựa trên các tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiệu quả thực tế của hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển nhân lực, nâng cấp cơ sở vật chất và các vấn đề liên quan khác; từ đó kịp thời điều chỉnh nguồn lực và tiến hành các thay đổi cần thiết.

Bách khoa Hà Nội là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam áp dụng hệ thống tiêu chuẩn ISO 21001:2018 để quản lý chất lượng giáo dục “toàn diện và công bằng”. Tiêu chuẩn ISO 21001:2018 giúp Bách khoa Hà Nội tối ưu hóa hoạt động giảng dạy và học tập và tinh giản các quy trình làm việc cho phù hợp với xu thế phát triển giáo dục trên thế giới và phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

 “Chúng tôi đang số hóa hệ thống quản lý chất lượng nội bộ,” PGS. TS Trương Việt Anh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, chia sẻ với đoàn công tác AUN-QA. “Việc xây dựng cơ sở dữ liệu dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.”

Đảm bảo chất lượng đào tạo cũng chính là cách một trường đại học thể hiện năng lực tự chủ. Theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, kiểm định chất lượng giáo dục là điều kiện để trường đại học thực hiện quyền tự chủ, bao gồm xác định chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành mới, liên kết đào tạo với nước ngoài, xác định mức học phí tương xứng với chất lượng đào tạo.

Tháng 10 năm 2016, Bách khoa Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện. Khi không gian tự quyết được nới ra, Nhà Trường đã nhanh chóng cải thiện cơ sở vật chất và phát triển đội ngũ giảng viên tinh hoa, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Bách khoa Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục đại học có tỉ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ cao nhất Việt Nam, cao gần gấp 3 lần so với tỉ lệ trung bình của toàn quốc. Hiện nay, hàng năm tổng kinh phí các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp của Bách khoa Hà Nội đạt hơn 100 tỉ đồng, kinh phí chuyển giao và dịch vụ khoa học công nghệ đạt 22 tỉ đồng, năm sau luôn tăng cao hơn năm trước.

PGS. TS. Trương Việt Anh, Trưởng phòng Quản lý Chất lượng, chia sẻ về Hệ thống đánh giá chất lượng nội bộ của Bách khoa Hà Nội tại buổi làm việc ngày 19/7. Ảnh: Duy Thành. 

“Sau khi Bách khoa Hà Nội trở thành một đại học tự chủ toàn diện, bước tiếp theo Bách khoa Hà Nội sẽ phát triển thành một đại học nghiên cứu cao cấp với chất lượng đạt chuẩn mực quốc tế,” GS. TS. Huỳnh Trung Hải, Trưởng phòng Quản lý Nghiên cứu, chia sẻ về tầm nhìn tương lai. “Do vậy, việc kiểm định chất lượng, bao gồm hệ thống nội bộ và đánh giá từ các tổ chức độc lập bên ngoài, ngày càng quan trọng.”  

Hiệu trưởng Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học không phải là đích đến mà là một quá trình phấn đấu không ngừng. “Việc khó nhất với chúng tôi là làm sao để làm mới mình mỗi ngày,” PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nói về mục tiêu đưa Bách khoa Hà Nội trở thành một trường đại học có thứ hạng cao ở không chỉ Đông Nam Á mà còn trên thế giới.

‘Chất lượng không phải là bề ngoài gây ấn tượng’

Giám đốc điều hành mạng lưới AUN, TS. Choltis Dhirathiti, đặt câu hỏi cho các lãnh đạo của Bách khoa Hà Nội tại cuộc họp ngày 19/7. Ảnh: Duy Thành. 

“Lên vị trí số 1 đã khó, giữ vững vị trí số 1 còn khó hơn,” TS. Choltis Dhirathiti, Giám đốc điều hành mạng lưới AUN, chia sẻ. Ông cho biết mục đích của chuyến làm việc lần này là để học hỏi kinh nghiệm quản lý chất lượng của Trường đồng thời nắm bắt xu thế phát triển của hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam. 

Từ năm 2016 đến nay, Bách khoa Hà Nội liên tiếp ghi tên vào các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới. Thành quả này là minh chứng cho những nỗ lực không mệt mỏi của Nhà Trường trong việc chuẩn hóa các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học.

Tháng 7 năm 2017, Bách khoa Hà Nội vươn lên vị trí đầu tiên trong số các trường đại học của Việt Nam xuất hiện trên bảng xếp hạng Webometrics.  Chỉ trong vòng 6 tháng, Trường tăng 663 bậc và trở thành đại học thứ 1.101 tốt nhất thế giới và số 1 tại Việt Nam về năng lực số hóa cũng như mức độ ảnh hưởng về tài nguyên học thuật và nghiên cứu khoa học.

Tháng 10 năm 2017, Bách khoa Hà Nội là một trong 4 trường đại học đầu tiên của Việt Nam được cấp giấy chứng nhận kiểm định theo tiêu chuẩn châu Âu. Điều này minh chứng cho cam kết: liên tục nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo của Nhà trường.

Đợt kiểm định AUN-QA gần nhất diễn ra theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ảnh chụp màn hình. 

"Bách khoa Hà Nội là một trong những trường đại học hàng đầu ở Việt Nam và Đông Nam Á. Trở thành một trường đại học có vị thế trong khu vực châu Á là điều tất yếu tiếp theo,” TS. Choltis Dhirathiti nhận định. 

Các chứng nhận kiểm định quốc tế giúp Bách khoa Hà Nội khẳng định với xã hội về sự minh bạch trong chất lượng đào tạo, nghiên cứu. Sự công nhận của các tổ chức đánh giá độc lập đồng thời mở đường cho Bách khoa Hà Nội đẩy nhanh và mạnh quá trình chuẩn hóa tất cả các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn khu vực và thế giới, góp phần dẫn đến sự thăng hạng của Nhà trường trên hàng loạt các bảng xếp hạng đại học uy tín.

Đại diện AUN-QA trao Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cho Chương trình Kỹ thuật Môi trường thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường vào ngày 19/7. Ngoài ra, trong đợt này, AUN-QA còn trao giấy chứng nhận cho ba chương trình khác của Bách khoa Hà Nội bao gồm Kỹ thuật Dệt, Kỹ thuật In và Kỹ thuật Vật lý. Ảnh: Duy Thành

“Tôi chân thành cảm ơn sự hỗ trợ của AUN-QA, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19,” Hiệu trưởng Huỳnh Quyết Thắng bày tỏ. Trong hai năm dịch bệnh, Trường vẫn tiến hành công tác kiểm định các chương trình đào tạo theo như kế hoạch. Các chuyên gia AUN-QA không thể đến Việt Nam để đánh giá trực tiếp. Thay vào đó, việc kiểm định được tiến hành trực tuyến.

Lắng nghe lãnh đạo của Bách khoa Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm, Trưởng đoàn AUN-QA, TS. Choltis Dhirathiti, kết luận chất lượng đào tạo của một trường đại học trước tiên đến từ chính việc tự đánh giá và quản lý chất lượng một cách bài bản; sau là nhờ sự liên kết và hợp tác giữa các trường trong khu vực.

“Chất lượng không phải là bề ngoài ấn tượng, thứ để quảng cáo hay làm hình ảnh,” ông Choltis Dhirathiti nói. “Chất lượng, giống như cách Bách khoa Hà Nội làm, thể hiện ở sự tin tưởng của doanh nghiệp và của xã hội.”  

CCPR

Tác giả: Phạm Hồng Hạnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây