Bách khoa ngày trở về 2024: Bản giao hưởng của niềm tự hào, hạnh phúc!

Chủ nhật - 13/10/2024 05:00
Các CSV K14 Khoa Hoá (nay thuộc Trường Hoá và Khoa học sự sống)
Các CSV K14 Khoa Hoá (nay thuộc Trường Hoá và Khoa học sự sống)
Với các thế hệ người Bách khoa, tháng 10 gắn với Ngày kỷ niệm thành lập Bách khoa Hà Nội, cũng là dịp mỗi năm nhớ về tuổi thanh xuân với bao nhiệt huyết, hoài bão. Đến hẹn lại lên, trong ngày trời thu tháng 10/2024, những người Bách khoa lại cùng nhau hội ngộ, chia sẻ niềm tự hào lớn lao, tình yêu cháy bỏng về mái nhà chung Bách khoa Hà Nội.

Ngày trở về của những người Bách khoa năm nay như một bản giao hưởng tuyệt vời: Có những thanh âm của hoài niệm tuổi trẻ đã qua, có nốt nhạc bay bổng của niềm tự hào, kỳ vọng về thế hệ tiếp nối,… Tất cả hoà quyện với nhau tạo nên những giai điệu đầy cảm xúc cho những tâm hồn chan chứa tình yêu với Bách khoa Hà Nội.
 
20241012 CBO 5923 20241012 CBO 5936
20241012 CBO 5926 20241012 CBO 5933
Các thể hệ người Bách khoa nô nức trở về Nhà

Thanh âm đánh thức hoài niệm tuổi trẻ vẻ vang

Trong không khí xúc động bồi hồi, các cựu sinh viên K14 Khoa Hoá (nay thuộc Trường Hoá và Khoa học sự sống) như trở lại lứa tuổi đôi mươi đầy nhiệt huyết thuở nào. Những mái đầu bạc bên nhau rôm rả ôn chuyện cũ, chỉ cho nhau xem những thay đổi của trường xưa.

Cô Nguyễn Thị Hiền - đại diện Hội liên khoá 14 Khoa Hoá – vẫn còn nhớ như in kỷ niệm những ngày đầu nhập học cách đây 55 năm. Đó là những ngày vui nhất của các cô cậu tân sinh viên khi đỗ vào ngôi trường mơ ước, nhưng cũng là những ngày đất nước khó khăn trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt.
 
z5925577370595 cc291fee3a323539585a247f4cde0601
Các thành viên Hội liên khoá 14 Khoa Hoá góp mặt trong "Bách khoa ngày trở về 2024"
Vừa học, các cô cậu học trò thỉnh thoảng lại phải chạy đi sơ tán. Học được 2 năm, đến năm 1971, kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng, nhiều sinh viên Bách khoa Hà Nội đã tạm gác bút nghiên, tạm biệt thầy cô, bạn bè và mái trường để lên đường vào Nam chiến đấu, một lòng “chưa thắng giặc Mỹ chưa về Bách khoa”.

Những sinh viên ở lại cũng dốc sức cho công cuộc xây dựng đất nước ở phía Bắc. Cứ mỗi chiều sau giờ tan học, sinh viên Bách khoa Hà Nội cùng nhau lên những chuyến xe đi đắp đê, chống bão lũ. “Họ đón chúng tôi ở ngay cổng Parabol đấy! Hồi ấy vất vả nhưng chúng tôi thấy ý nghĩa vô cùng!” – Dòng suy nghĩ của cựu sinh viên Nguyễn Thị Hiền như ngược về thời gian cách đây hơn nửa thế kỷ. 

Đầu tháng 10 vừa qua, gần 80 cựu sinh viên K14 Khoa Hoá đã tổ chức họp mặt tại Toà nhà Cựu sinh viên – Đại học Bách khoa Hà Nội nhân kỷ niệm tròn 50 năm K14 ra trường và 55 năm ngày nhập học. Có những người ở nước Úc xa xôi đã bay về hội ngộ bạn cũ, cũng có những người ở miền Nam trở lại trường xưa. Những sinh viên dũng cảm ngày nào giờ tóc đã hoa râm, mỗi người đều thành công ở những công việc riêng, sinh sống ở những nơi khác nhau nhưng ai nấy đều chung cảm xúc trân quý tuổi trẻ vẻ vang dưới mái trường Bách khoa Hà Nội. Họ là thế hệ sinh viên đã truyền cảm hứng cho các thế hệ sau noi gương cống hiến, xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh.

Cùng chung cảm xúc bồi hồi như các cựu sinh viên Khoa Hoá, ngày hội ngộ đã đánh thức biết bao ký ức đứng trên giảng đường của TS. Phan Thị Huệ - Cựu giáo chức Khoa Kỹ thuật Điện (nay là Trường Điện – Điện tử). 
 
e7a700c0 4382 4d4f bcdf cc4c78d6899d
TS. Phan Thị Huệ (bìa phải) - Cựu giáo chức Khoa Kỹ thuật Điện (nay là Trường Điện – Điện tử) - vui mừng hội ngộ đồng nghiệp trong ngày trở về
Đã 16 năm kể từ ngày cô Huệ rời xa bục giảng nhưng cảm xúc dâng lên trong ngày trở lại tưởng như chỉ mới chia xa. Cả một trời thương yêu nghẹn ngào dâng lên mang theo ký ức về ngôi trường thân quen với bóng cây lipa rợp lá vàng trước toà C1, những gương mặt hồn nhiên của học trò, những nụ cười rộn ràng của đồng nghiệp.

Giữa không khí náo nhiệt, ồn ã của ngày trở về, TS. Phan Thị Huệ như trẻ lại. Kỷ niệm này chưa mờ, kỷ niệm khác đã ùa đến. Cứ nhớ nhớ, thương thương hoài không dứt. Thỉnh thoảng, đang say sưa trò chuyện với đồng nghiệp cũ, lại có vài người học trò đến chào hỏi cô Huệ, hỏi thăm sức khoẻ người thầy năm xưa. 

Cô Huệ kể năm nào cũng chờ đến ngày này để trở về thăm ngôi nhà thứ hai của mình. Trong đôi mắt lấp lánh niềm tự hào, TS. Phan Thị Huệ mừng vì trò cũ nay đã thành tài, trường xưa ngày càng phát triển. “Tôi yêu và sẽ mãi yêu ngôi nhà Bách khoa Hà Nội của tôi!”

Nốt nhạc thăng hoa kết nối các thế hệ người Bách khoa
 
z5926776354148 f3ce2810fa373a868927f60fceae16c0
Tập thể lớp Kỹ thuật Ô tô K51 - Các cô cậu học trò năm xưa ngày hôm nay mang theo cả gia đình nhỏ cùng về thăm Bách khoa Hà Nội, tạo nên gia đình lớn của ngành Kỹ thuật Ô tô K51 với hơn 90 thành viên 
Yêu trường, mến thầy, nhiều sinh viên vẫn giữ mối liên hệ thân thiết với trường xưa. Như cựu sinh viên Khúc Trường An - K54 ngành Kỹ thuật Ô tô, hiện đang công tác tại Toyota Việt Nam, mỗi khi có dịp đều cố gắng sắp xếp công việc để tề tựu với các thế hệ người Bách khoa.

Hồi còn đi học, người thầy anh ấn tượng sâu sắc là PGS. Đàm Hoàng Phúc, vì hồi đó hai thầy trò có bộ râu giống y nhau y! Anh An gọi thầy Phúc là “idol” bởi thầy đã truyền cảm hứng rất nhiều để anh bền bỉ theo đuổi nghề, cũng bởi thầy giáo của anh có độ phủ sóng rất cao trên truyền thông, người làm ngành ô tô có lẽ ai cũng đã từng nghe danh thầy! 
 
20c66116 eea9 48ba a443 04f79239c86c
CSV Khúc Trường An - K54 ngành Kỹ thuật Ô tô (phải) và người thầy "idol" PGS. Đàm Hoàng Phúc
Cậu học trò K54 đùa rằng chỉ cần gõ tên “Đàm Hoàng Phúc” trên các công cụ tìm kiếm là sẽ ra hàng loạt thông tin của thầy anh với vai trò là “chuyên gia ngành xe”, giám khảo quen thuộc ngồi ghế nóng trong các hội thảo, cuộc thi trong lĩnh vực ô tô. Anh An hóm hỉnh ví thầy Phúc như “sao hạng A” của ngành, độ nổi tiếng và uy tín của thầy từ khi anh ra trường chỉ có tăng lên chứ chưa bao giờ hạ nhiệt!

Mỗi lần về trường, anh An vui nhất là nhìn thấy các thầy cô vẫn mạnh khoẻ, vẫn hăng say với nghề giáo. Anh An cũng mừng vì thế hệ đàn em có cơ hội được học tập, thí nghiệm trong môi trường khang trang, hiện đại hơn. Thỉnh thoảng, khi công ty tìm kiếm các vị trí ngành Kỹ thuật Ô tô, anh sẽ gửi thông tin về trường xưa, nhiệt tình tư vấn, hỗ trợ hậu bối nắm bắt cơ hội. 

Ngày trở về năm nay, các cựu sinh viên, sinh viên ngành Kỹ thuật Ô tô hẹn nhau có mặt từ sớm để có nhiều thời gian giao lưu, trò chuyện. Cách bàn anh Khúc Trường An không xa, một nhóm các sinh viên K66, K67 đang rôm rả thảo luận về ngày hội. Thỉnh thoảng lại vang lên tiếng chào hỏi khi nhận ra đàn anh khoá trên. 

Sinh viên Ngô Ngọc Hiển – K66 ngành Kỹ thuật Ô tô, Trường Cơ khí rất vui khi gặp gỡ trực tiếp các cựu sinh viên. Mấy anh em đã trao đổi, trò chuyện online nhiều lần nhưng vì công việc bận rộn nên có người chưa bao giờ được gặp trực tiếp. Biết dịp “ngàn năm có một”, mấy sinh viên đang làm việc tại lab tạm gác công việc, nhập hội “Bách khoa ngày trở về”.

Hiển cũng hào hứng vì được nhìn thấy những hình ảnh rất khác của thầy cô. Không còn sự nghiêm túc khi lên giảng đường, các thầy cô trẻ trung, sôi nổi không kém sinh viên! Với Ngọc Hiển, đây là một ngày nhiều cảm xúc và sẽ trở thành kỷ niệm đẹp thời sinh viên. Hiển tự nhủ, sau này khi trở thành cựu sinh viên, cậu cũng sẽ như đàn anh đi trước, tiếp tục vun đắp đàn em và chắc chắn sẽ trở về khi Bách khoa gọi! 
 
20241012 CBO 6073 20241012 CBO 6086
20241012 CBO 6115 20241012 CBO 6107
20241012 CBO 6024 20241012 CBO 6023
Ngày trở về của những con tim chung tình yêu mang tên Bách khoa Hà Nội

Sau tất cả, “Bách khoa ngày trở về 2024” đã đọng lại trong trái tim người Bách khoa ký ức đẹp đẽ, kỷ niệm đáng nhớ, tựa như những giai điệu trầm bổng tuyệt đẹp trong bản giao hưởng đầy cảm xúc, khích lệ người Bách khoa tiếp tục tiến về phía trước để khẳng định giá trị “Trách nhiệm - Sáng tạo - Chính trực - Xuất sắc”, nối dài trang sử vẻ vang 68 năm của Đại học Bách khoa Hà Nội. 

* Chuỗi hoạt động chương trình "Bách khoa Ngày trở về 2024" nhân dịp kỷ niệm 68 năm thành lập Đại học do Mạng lưới Cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức, được Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) và Công ty Cổ phần Đầu tư CETECH tài trợ. 
 
Ảnh: Dĩnh Khiêm - Đức Lộc

Tác giả: Nguyễn Thu Huệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây