Bách khoa Hà Nội giúp tôi tư duy: “Làm gì cũng có kỹ thuật!”

Thứ tư - 16/10/2024 01:00
Doanh nhân Phạm Trung Kiên - CSV K32, Phó TGĐ Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội
Doanh nhân Phạm Trung Kiên - CSV K32, Phó TGĐ Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội
Nếu tìm từ khóa “Phạm Trung Kiên - Phó TGĐ Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội” trên mạng, thông tin nhân vật đều gắn với các hoạt động của Đại học Bách khoa Hà Nội. Có lẽ, kín tiếng với bên ngoài, nhưng với ngôi trường học tập 5 năm, ông Phạm Trung Kiên – CSV Khóa 32 ngành Hóa - Thực phẩm lại rất cởi mở. Dường như khi trở về ngôi nhà Bách khoa, các CSV đều cảm thấy thoải mái, ấm áp với bao kỷ niệm đẹp, được quay trở lại là những cô cậu sinh viên tinh nghịch, tràn đầy hoài bão, ước mơ năm nào!

Mở đầu buổi trò chuyện với Đặc san Bách khoa, ông Phạm Trung Kiên cười vui nhớ lại thời đi học!

“Tôi nhớ nhất mùa thi Bách khoa!”

- Nhà tôi ở khu A3, tập thể Bách khoa, vậy nên ngôi trường Bách khoa Hà Nội với tôi thân thuộc lắm. Tôi nhớ như in Tòa nhà giảng đường từ C1 đến C9 do Liên Xô trước đây thiết kế và xây dựng, ban công rộng rãi, có lan can được sơn đỏ; chiếc cổng Parabol cong cong ở đường Nam Bộ (nay là đường Giải Phóng). Học cấp 3, thầy giáo dạy chúng tôi môn Toán có lần nói vui: Cổng Parabol có độ dốc lớn nên thi vào trường dễ… trượt. Những dấu ấn đẹp ấy cùng đam mê ngành Kỹ thuật đã khiến tôi đặt nguyện vọng thi đại học là Bách khoa Hà Nội. 

* Xin phép hỏi nhỏ, chàng sinh viên Phạm Trung Kiên có bị “trượt vỏ chuối” lần nào khi học Bách khoa Hà Nội không?

- (Cười) Tôi cũng bị thi lại nhiều môn! Thanh niên đang tuổi lớn và còn đang tự hào với cú “vượt vũ môn” đỗ đại học nên thời gian đầu cũng có phần “ngủ quên trên chiến thắng”! Học ở Bách khoa, vừa vào học những tiết đầu tiên đã học một khối lượng kiến thức nhiều, giảng đường lớn, thầy cô giảng nhanh, tài liệu ít, sáng học sớm từ 6h45’ đến 12 trưa… Các bạn cần phải tập trung cao độ ngay từ đầu đấy!  

* Nếu nhìn lại thời thanh xuân học ở Bách khoa Hà Nội, ông sẽ nhớ tới kỷ niệm nào nhất?

- Tôi nhớ mùa thi Bách khoa với câu thơ vui: “5 năm với 9 kỳ thi, một kỳ tốt nghiệp… còn gì là xuân”! Những học kỳ đầu, tôi không có nghỉ hè vì phải thi lại! Tuy nhiên khi đã vào nếp và rút ra được những phương pháp nghe/ghi chép và học bài, tôi đã có được những “năm tháng xuân” ở Bách khoa. Có lẽ tôi là người phù hợp với thực tiễn nên những lần đi thực tập ở các nhà máy, tôi nắm bắt nhanh!
 
Doanh nhân Phạm Trung Kiên (bìa trái) và cán bộ giảng viên Bách khoa Hà Nội
Ông Phạm Trung Kiên (bìa trái) chụp ảnh kỷ niệm cùng thầy cô giáo Trường Hoá và Khoa học sự sống trong một lần về thăm trường
  “Biết ơn các thầy/cô giáo Bách khoa rèn dạy tôi được như ngày hôm nay!”

* Những thầy/cô nào có ảnh hướng nhất tới ông trong quá trình học tập và rèn luyện tại Bách khoa Hà Nội?

- Học kỳ đầu tiên chúng tôi học nhập môn tiếng Nga, 5 kỳ tiếp theo, chúng tôi được học cô Hà Kim Bảo – một cô giáo có phương pháp giảng dạy tuyệt vời và luôn nhắc chúng tôi cần khiêm tốn học hỏi. Tôi nhớ cô rất không bằng lòng với sự kiêu căng của một vài bạn đã được học tiếng Nga ở PTTH. 

Sau 2 năm học cơ bản, năm 3 và năm 4 chúng tôi học những môn bổ trợ liên quan đến chuyên ngành. Tôi học Công nghệ Thực phẩm liên quan nhiều đến Hóa. 

Sinh viên chúng tôi hay nói vui: “Hóa Công là “ông” Hóa Lý” để nói về độ khó của các môn! Trong khoa Hóa Công lại có câu: “Nhất thầy Cử, nhì thầy Xoa…” vì các thầy rất nghiêm khắc, hỏi vấn đáp khó. Tôi may mắn thi vấn đáp thầy Cử được 5 điểm (vừa đủ không phải thi lại), thầy còn cho thêm 1 điểm vì làm bài tập đầy đủ! 

Những năm học chuyên ngành Lên men, thầy cô giáo nào cũng có ảnh hưởng đến suy nghĩ, động lực và sáng tạo của tôi từ đó cho đến sau này: Thầy Nguyễn Đình Thưởng chuyên ngành Rượu cồn có kiến thức thực tiễn uyên thâm; Thầy Hoàng Đình Hòa viết sách về Công nghệ sản xuất malt và bia, có giọng nói truyền cảm và rất nghiêm khắc; Cô Nguyễn Thị Hiền giảng dạy về Nấm men, hỗ trợ sinh viên nhiều tài liệu tham khảo. Cô cũng là người cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm về phương pháp nghiên cứu, viết luận văn; Cô Kim Anh - một giảng viên trẻ rất có tầm nhìn - dạy môn Vi sinh vật; Cô Phạm Anh đưa chúng tôi tham quan cơ sở sản xuất dấm tại nhà cô. Chúng tôi xúc động lắm.

Còn rất nhiều thầy cô kính mến mà tôi không kể hết được. Một số thầy cô đã đi xa… Tôi biết ơn các thầy cô rất nhiều!

Bách khoa Hà Nội dạy chúng tôi tư duy giải quyết vấn đề

* Ông công tác tại Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - đúng chuyên môn ông học ở Bách khoa Hà Nội là Hóa thực phẩm. Vậy với vị trí quản lý - Phó Tổng giám đốc công ty, những kiến thức ở Bách khoa có giúp gì cho ông không?

- Giúp nhiều lắm chứ! Học Bách khoa Hà Nội giúp tôi cách tư duy “làm gì cũng có kỹ thuật”, hạn chế thao tác thừa, từ đó tôi chia sẻ cách làm để công tác sản xuất được tối giản, tìm giải pháp mới để người lao động thuận lợi trong vận hành. Tôi cũng luôn vận dụng thành tựu KHKT vào thực tiễn, đem lại hiệu quả cao hơn, đóng góp Ngân sách Nhà nước nhiều hơn.

Một số bạn trong lớp tôi đang làm chủ những doanh nghiệp khởi nghiệp với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, họ đều trưởng thành ở những lĩnh vực kỹ thuật không đúng chuyên ngành học, nhưng lại rất thành công. Thế mới thấy Bách khoa Hà Nội đào tạo chúng tôi có được tư duy giải quyết vấn đề quý giá như thế nào!
 
20241012 CBO 6086
Ông Phạm Trung Kiên (bìa phải) nhận hoa cảm ơn từ BTC sự kiện “Bách khoa Ngày trở về” 2024
* Từ những trải nghiệm cá nhân, theo ông, sinh viên cần chú ý học tập như thế nào để ra trường có thể làm việc được ngay? Ở vị trí nhà tuyển dụng, ông đánh giá như thế nào về năng lực, chuyên môn của sinh viên Bách khoa Hà Nội?

- Thế hệ trẻ 2K hiện nay rất giỏi, rất nhạy bén, nhanh nhẹn về công nghệ và ngoại ngữ. Chỉ cần các em lắng lại, chưa vội lo làm giàu về kinh tế, mà chuyên tâm làm giàu về kiến thức thực tiễn, đóng góp một phần cho xã hội thì sẽ không lo không được đáp đền xứng đáng.

Khi tuyển dụng, chúng tôi rất mong muốn các em vào sẽ làm được việc ngay, như vậy là cần kinh nghiệm thực tế. Sinh viên Bách khoa khá sâu về lý thuyết và thực nghiệm, tuy nhiên cần tăng cường thời gian thực tập hoặc lao động ở các cơ sở sản xuất. Chúng tôi đã, đang và sẽ cố gắng hợp tác với Nhà trường, tạo điều kiện để sinh viên Bách khoa đến tham quan, thực tập.
 

“Habeco chúng tôi vinh dự và tự hào là chất men gắn kết, lan tỏa niềm vui, tình bằng hữu giữa bao thế hệ Người Bách khoa trong sự kiện “Bách khoa Ngày trở về”. Không có niềm vui nào hơn khi được chứng kiến những khuôn hình rạng rỡ nụ cười, không khí tưng bừng nhiệt thành “tay bắt mặt mừng” ở ngày hội những người Bách khoa về “NHÀ”. Chỉ tiếc nuối thời gian buổi chiều tối Thứ Bảy tuần thứ hai tháng 10 sao trôi nhanh quá!”

Doanh nhân Phạm Trung Kiên - Phó TGĐ Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội

Mỹ Linh (thực hiện)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây