Ngày 7/11/2016, tại P923, Tòa nhà Tạ Quang Bửu, Viện Dệt may – Da giầy và Thời Trang hợp tác với Tổ chức phát triển hợp tác văn hóa giáo dục (Uni-Italia) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Craft to business – Strategic tools for managing the fashion system and the meaning of quality through made in Italy Products” nhằm trao đổi về công cụ quản lý hệ thống thời trang, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn sản xuất nhằm tăng hiệu quả đào tạo cho sinh viên của Viện.
Hội thảo được hướng dẫn bởi hai chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực quản lý, kinh doanh và thiết kế thời trang là bà Anna Giorgini và ông Niccolò Sbaraglia đến từ Trường ĐH Polimoda Ý. Chương trình còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Đại sứ quán Ý tại Việt Nam; bà Trần Hồng Hạnh – Trưởng phòng Uni-Italia Việt Nam; PGS Phan Thanh Thảo – Viện trưởng Viện Dệt may – Da giầy và Thời trang, Trường ĐHBK Hà Nội cùng giảng viên và sinh viên của Viện.
Trong bối cảnh Hiệp định FTA sắp ký kết và TPP đã đàm phán thành công, ngành công nghiệp Dệt may - Da giầy Việt Nam đang có những chiến lược phát triển để nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của ngành trong chuỗi giá trị Dệt may - Da giầy toàn cầu. Ngành sẽ chuyển dần hoạt động sản xuất theo phương thức ODM (Original Design Manufacturer - tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng) hoặc OBM (Own Branding & Manufacturer - sản phẩm gắn thương hiệu của doanh nghiệp). Trước thực tiễn đó, sự hợp tác chặt chẽ giữa trường đại học và đối tác trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, NCKH và CGCN, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra sản phẩm mới, nâng cao năng suất lai động và hiệu quả sản xuất kinh doanh là rất cần thiết, đặc biệt là các đối tác nước ngoài đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển công nghệ thời trang.
Chuyên gia Niccolò Sbaraglia
Mở đầu bài thuyết trình, ông Niccolò Sbaraglia – giảng viên Trường ĐH Podimoda, nhà quản lý, chuyên gia kiểm định chất lượng các sản phẩm thời trang cao cấp của Ý đã đưa ra câu hỏi “Tại sao chúng ta phải đầu tư vào chất lượng sản phẩm? Làm thế nào để làm ra những sản phẩm thời trang có giá trị?”. Ông đã đưa ra quy trình gồm 5 bước, đó là: Sáng tạo, tính hữu dụng, thủ công, sản xuất quy mô nhỏ, sản xuất quy mô lớn. Yếu tố đầu tiên được ông chú trọng tới là tính sáng tạo, tức là luôn tìm tòi những điều mới; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong việc tạo dựng ý tưởng gắn liền với xu hướng thời trang “tối giản” của thế giới. Theo đó, các nhà thiết kế dựa vào cảm hứng từ các công trình kiến trúc, sản phẩm nội thất, vật dụng hình khối lỏng... tối giản để lấy ý tưởng thiết kế trang phục. “Một sản phẩm đẹp thôi chưa đủ mà còn phải hữu dụng” – ông Niccolò Sbaraglia cho biết – “Do vậy, đối với sản phẩm mẫu đầu tiên, các bạn phải lên màu, cắt 2D trên giấy, chuẩn bị vật liệu, dập, khâu – những công việc thủ công này đòi hỏi sự cẩn thận tỉ mỉ; sau đó phải kiểm tra lại sản phẩm kỹ lưỡng từng đường may, họa tiết rồi mới đưa ra sản xuất.... Ở Ý, các công ty đều tập trung vào sản xuất chất lượng chứ không quan tâm đến số lượng”.
Chuyên gia Niccolò Sbaraglia hướng dẫn sinh viên
Ông Niccolò Sbaraglia cũng dành thời gian trao đổi và hướng dẫn sinh viên cách lựa chọn chất liệu và truyền cảm hứng và niềm tin để trở thành những chuyên gia thực thụ trong ngành Dệt may – Da giầy và Thời trang. Ông đưa ra 2 lời khuyên: thứ nhất, sinh viên hãy dành thời gian đến xưởng sản xuất trong lĩnh vực dệt may để tìm hiểu học hỏi thật nhiều chứ không nên quá chú ý vào việc đi xem biểu diễn thời trang, thứ hai, bạn cần phải học tập thì mới có thể sáng tạo và làm ra những sản phẩm có chất lượng cao.
Hội thảo đã mang lại nhiều bài học bổ ích, trau dồi thêm kiến thức về thời trang đối với người tham dự nhờ sự chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm lý luận và thực tiễn về hệ thống thời trang và công cụ quản lý thời trang chủa các chuyên gia đến từ Ý – đất nước nổi tiếng về thời trang kinh điển đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa trường đại học của Ý và Việt Nam.
Hoàng Anh
Ảnh: Kim Chi
Tác giả: TT TT & QHCC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn