Hội thảo khoa học nghiên cứu và giảng dạy các môn Lý luận chính trị

Thứ tư - 09/11/2016 19:03

Sáng nay (10/11/2016), Khoa Lý luận Chính trị, Trường ĐHBK Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học nghiên cứu và giảng dạy các môn lý luận chính trị tại phòng 312 – D3 nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Trường. Hội thảo đã tập trung thảo luận về chủ đề đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập các môn Lý luận chính trị nhằm phục vụ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả giáo dục hiện nay.

Hội thảo có sự hiện diện của GS Đinh Văn Phong – Phó Hiệu trưởng; PGS Nguyễn Anh Tuấn –Trưởng Khoa Triết học, ĐHKHXH&NV – ĐH Quốc gia Hà Nội; PGS Hoàng Thúc Lân – Trưởng Khoa Triết học, ĐH Sư phạm Hà Nội; TS Mai Thị Thanh – Trưởng Khoa Lý luận Chính trị cùng các nhà khoa học đến từ các trường ĐH: ĐH Ngoại thương, Học viện Biên phòng, ĐH Công nghiệp Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Sĩ quan Pháo binh và các cán bộ giảng viên Khoa Lý luận Chính trị.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Hội thảo nhận được 31 báo cáo của các nhà khoa học, giảng viên, trong đó có 6 báo cáo được chọn trình bày tại hai phiên. Tại Hội thảo, các đại biểu lắng nghe nhiều báo cáo, tham luận của các nhà khoa học, giảng viên mang tính thực tiễn cao như báo cáo của ThS Ngô Quế Lân về Tăng cường sự gắn kết của công tác giáo dục lý luận chính trị với các hoạt động đoàn thể và rèn luyện kỹ năng xã hội cho sinh viên ĐHBK Hà Nội; Yêu cầu nhằm đổi mới phương pháp học tập các môn học lý luận chính trị cho sinh viên của PGS Hoàng Thúc Lân; Một số biện pháp nâng cao hiệu quả tự học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng hiện nay của ThS Vương Xuân Hiệp – ĐH Công nghiệp Hà Nội…

Hội thảo mang lại nhiều giá trị đích thực, đạt được tính thực tiễn và có thể ứng dụng vào thực tế giáo dục, đào tạo của Trường nhằm nâng cao chất lượng dạy và học các môn Lý luận chính trị. Đồng thời, Hội thảo còn là dịp để các nhà khoa học, đội ngũ cán bộ giảng dạy có cơ hội gặp gỡ, trao đổi học thuật, đối thoại giải đáp thắc mắc, đề xuất các giải pháp,... nhằm rút ra tiếng nói chung, phương pháp chung trong quá trình hoạt động nghiên cứu và giảng dạy các môn Lý luận chính trị tại các trường đại học nói chung và ĐHBK Hà Nội nói riêng.

Cẩm Lệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây