Giáo sư Phan Lương Cầm, nhà khoa học nghị lực và bản lĩnh

Thứ năm - 10/04/2025 08:38

GS. Phan Lương Cầm sinh ra tại Huế, gắn bó hơn 40 năm sự nghiệp tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Trên vai trò Phu nhân Thủ tướng Võ Văn Kiệt, bà đã góp phần cho thành tựu ngoại giao của Việt Nam thời kỳ đầu hội nhập quốc tế. GS Phan Lương Cầm để lại ấn tượng sâu sắc về nét đẹp phụ nữ Việt Nam, nghị lực, bản lĩnh, mạnh mẽ mà giàu tình cảm

GS Phan Lương Cầm (hàng ngồi, thứ hai từ phải sang) cùng đồng nghiệp tại PTN Kỹ thuật Điện hóa trong thập niên 1990. Nguồn ảnh: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

Người phụ nữ mạnh mẽ, sinh ra trên mảnh đất Cố đô

Giáo sư Phan Lương Cầm sinh năm 1943 tại Huế trong một gia đình yêu nước. Cụ thân sinh của bà là Đại tá Phan Tử Lăng, đã hoạt động tích cực từ những ngày trước Cách mạng tháng Tám tại Huế cùng với Giáo sư Tạ Quang Bửu. 

Khi lớn lên trong hoàn cảnh thời kháng chiến, bà đã phải rời quê hương ra miền Bắc. Đến giai đoạn bối cảnh miền Bắc tràn đầy khí thế phát triển công nghiệp theo Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965, bà Cầm đã lựa chọn theo học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào năm 1962, ngành Hóa học. Quyết định ấy đã nói lên tính cách mạnh mẽ của bà ngay từ thời còn đi học.

Năm 1965, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngành Hóa học, bà Phan Lương Cầm trở thành giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Vượt qua những thử thách trong thời chiến và khó khăn khi Đại học Bách khoa Hà Nội phải sơ tán lần thứ nhất lên Lạng Sơn, bà Phan Lương Cầm đã trau dồi chuyên môn nghề nghiệp, và tiếp tục được lựa chọn sang Liên Xô (cũ) theo học ngành luyện kim tại Đại học Tổng hợp Lomonosov vào năm 1968.

Sau 5 năm làm nghiên cứu sinh, bà hoàn thành luận án Tiến sĩ chuyên ngành Điện hóa - Ăn mòn kim loại và trở về nước, công tác tại Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 1973 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2008.

Nhà khoa học bản lĩnh, có ảnh hưởng quốc tế

Đối với một phụ nữ, theo lẽ thường thì lựa chọn ngành điện hóa, vật liệu, luyện kim dường như là quá vất vả, nặng nhọc. Song nhà khoa học Phan Lương Cầm là trường hợp khác biệt. Bản lĩnh nghề nghiệp của bà đã được đồng nghiệp và nhiều thế hệ sinh viên ghi nhận. Một nhà khoa học với thần thái đĩnh đạc, tác phong làm việc trách nhiệm, mạnh mẽ vượt qua những khó khăn về giới, khẳng định rằng phụ nữ có thể dấn thân vào mọi lĩnh vực. Năm 1991, bà nhận học hàm Phó giáo sư và năm 1995 nhận giải thưởng Kovalevskaia danh tiếng. Sau đó năm 2001, trở thành nữ Giáo sư đầu tiên của Đại học Bách khoa Hà Nội. 

Với phong cách làm việc sáng tạo, có nhiều mối liên hệ trong nước và quốc tế, GS. Phan Lương Cầm là một trong những người sáng lập và Chủ tịch đầu tiên của Hội Khoa học - Kỹ thuật ăn mòn và bảo vệ kim loại Việt Nam. Đồng thời, bà còn là Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu và ăn mòn châu Á - Thái Bình Dương nhiệm kỳ 1999 - 2001. Ngay từ thập niên 1980 - 1990, khi đất nước còn rất nhiều khó khăn về kinh tế và cơ sở vật chất cho nghiên cứu, GS. Phan Lương Cầm vẫn luôn nỗ lực tìm giải pháp để mình và đồng nghiệp có thể làm khoa học, khẳng định bản lĩnh trên các diễn đàn quốc tế.

Phu nhân Thủ tướng với nét phụ nữ Việt Nam điển hình, tình cảm và nghị lực

Ấn tượng ngay vẻ bên ngoài của GS. Phan Lương Cầm là sự mạnh mẽ giàu nghị lực, mái tóc luôn búi cao, phong cách dứt khoát của người làm kỹ thuật. Nhưng sau công việc, bà mang hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu, rất giàu tình cảm, chăm sóc gia đình chu toàn, làm điểm tựa tinh thần vững chắc cho người chồng là Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Giai đoạn Thủ tướng (ban đầu là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) Võ Văn Kiệt giữ trọng trách từ năm 1991 đến năm 1997 là thời gian Việt Nam mới bắt đầu hội nhập quốc tế, rất cần mở rộng quan hệ với nhiều đối tác mới. Vì vậy, những nghi thức ngoại giao với sự tham dự của Phu nhân Thủ tướng có tác dụng rất quan trọng, để tạo nên hình ảnh đất nước Việt Nam mang tinh thần hội nhập, quốc tế hóa. Khi nhìn lại thập niên 1990 với nhiều kết quả đột phá về ngoại giao mà Việt Nam đã đạt được, có thể thấy một phần góp sức của Phu nhân Thủ tướng khi ấy, người phụ nữ Việt Nam điển hình, nghị lực mà giàu tình cảm.

thủ tướng yết kiến nhà vua Nauy.jpg
Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phu nhân Phan Lương Cầm yết kiến Nhà Vua Na Uy Harald V (1995). Nguồn ảnh: website ĐSQ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Na Uy

Nhiều người gần gũi với Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn kể lại câu chuyện mặc dù có chế độ phục vụ cấp cao, nhưng Phu nhân Thủ tướng nhiều lần tự mình sắp xếp những bữa cơm tiếp khách trong nhà, như một bà nội trợ trong bao gia đình Việt Nam khác.

Sau này, khi ông Kiệt đã mất, còn lại một mình, GS. Phan Lương Cầm vẫn tiếp tục sống và làm việc đầy nghị lực. Khi nghỉ hưu, bà chuyển vào TP. Hồ Chí Minh sống từ năm 2008, song vẫn luôn hoạt động xã hội, nhất là các hoạt động khuyến học.

Mang tâm huyết nhà giáo đến trọn đời

Hơn 40 năm công tác tại Đại học Bách khoa Hà Nội, dù đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, song lĩnh vực giáo dục là điều GS. Phan Lương Cầm luôn tâm huyết. Bà tham gia khởi xướng học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ từ năm 2003 và luôn trực tiếp tham gia các hoạt động, tự tay trao gửi các phần học bổng. Đó không chỉ là phần hõ trợ vật chất, mà hơn thế là sự trao gửi niềm tin và tâm huyết của một người trọn đời làm nghề giáo đến với những số phận khó khăn. Đến năm 80 tuổi, dù sức khỏe không còn như trước, GS. Phan Lương Cầm vẫn sẵn sàng tham gia các hoạt động khuyến học ở nhiều địa phương.

Giáo sư Phan Lương Cầm, người gieo mầm cho Tiếp sức đến trường - Ảnh 1.
GS Phan Lương Cầm trao học bổng Tiếp sức đến trường. Nguồn ảnh: Báo Tuổi trẻ online 

Ngày 09 tháng 4 năm 2025, GS. Phan Lương Cầm đã về với cõi an yên vĩnh hằng. Thêm một sự chia tay mãi mãi với những nhà giáo Bách khoa thuộc thế hệ đã đi qua những cuộc chiến vĩ đại của đất nước và những gian nan thời kỳ đầu hội nhập, để đặt nền tảng cho ngày nay.

Song tấm gương về nghị lực, bản lĩnh và ý chí đưa đất nước vươn lên của GS Phan Lương Cầm và thế hệ của bà sẽ còn lan tỏa mãi. 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây