Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp toàn quốc SV Startup” là cuộc thi hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề của cộng đồng, xã hội, các giải pháp đột phá trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội. Đến với SV Startup năm nay, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lựa chọn hai dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế của sinh viên để tham dự vòng bán kết.
BK307 – Công cụ thông minh hỗ trợ hoạt động truyền dịch
Đội BK307 gồm 5 thành viên đến từ Phòng thí nghiệm Quang Cơ điện tử – Lab 307. Là đội thi đăng quang Quán quân của Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020, được các thầy cô trong hội đồng Cố vấn chuyên môn đánh giá rất cao. Các đội thi trường bạn đều rất dè chừng khi nhận xét: BK307 là một “đối thủ đáng gờm” tại SV Startup 2021.
Thành viên Ngô Mạnh Tùng – K62 Trường Cơ khí, Đội trưởng BK307 – cho biết: “Một trong những phương pháp điều trị điển hình có mặt tại mọi bệnh viện cũng như tất cả những cơ sở y tế là truyền dịch. Thêm vào đó, với bối cảnh đại dịch Covid hiện nay, một bác sĩ sẽ phải chăm sóc số lượng bệnh nhân lớn hơn rất nhiều so với bình thường, riêng công việc giám sát truyền dịch cũng gây áp lực dẫn đến quá tải hệ thống y tế.
Mục tiêu của dự án là tạo ra một sản phẩm vừa đáp ứng nhu cầu hỗ trợ bác sĩ trong quá trình giám sát bình truyền dịch, vừa giúp bác sĩ dễ dàng hơn trong việc quản lý thông tin điều trị của bệnh nhân và là nguồn dữ liệu đầu vào của bệnh án điện tử – một dự án quy mô quốc gia đang được triển khai.”
“Nhìn chung, khó khăn nhất đối với nhóm chúng tôi chính là lựa chọn tiếp cận một ngành mang tính đặc thù cao – ngành y tế. Do đó, từ công đoạn tìm kiếm thông tin, khảo sát thị trường, thu thập ý kiến từ chính các nhân viên y tế đã là một quá trình rất dài. Bên cạnh đó, việc xây dựng sản phẩm đủ tin cậy đối với khách hàng và vượt qua các kiểm định pháp lý về sản phẩm cũng rất khó khăn.” – thành viên Vũ Danh Tiến – K63 Trường Cơ khí – chia sẻ.
Thách thức đi kèm với cơ hội, nhận thấy thị trường tiềm năng cùng niềm tin vào sản phẩm của mình, BK307 vẫn kiên định và tiếp tục theo đuổi dự án. Và quan trọng nhất, với sức trẻ cùng khao khát cống hiến, các thành viên của đội vẫn đang tiếp tục vượt qua nghịch cảnh để đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng cao và hoàn thiện hơn nhằm góp phần giúp đỡ đội ngũ y/bác sĩ trong công việc cứu người đầy thiêng liêng.
“Tôi nhớ TS.Cao Xuân Bình – Cố vấn chuyên môn của nhóm – luôn nhắc: “Các em phải thoát ra khỏi suy nghĩ mình là sinh viên, sống còn với dự án này thì mới thành công được”. Đây là câu nói giúp nhóm lên lại tinh thần làm việc sau một quãng thời gian dự án tạm ngừng vì nhiều khó khăn, giúp chúng tôi có lại góc nhìn chính xác hơn về vai trò của bản thân trong dự án này để có thái độ làm việc đúng đắn hơn.” – Nguyễn Văn Mạnh – K64 Trường Cơ khí – kể lại.
BKLungS – Giải pháp hiệu quả cho bệnh phổi ở trẻ em
BKLungS là một đội mới thành lập không lâu, gồm 6 thành viên của iBME Lab tại phòng 418 tòa C9, Đại học Bách khoa Hà Nội. Là gương mặt mới tại các sân chơi khoa học kỹ thuật, không có nhiều kinh nghiệm chinh chiến tại các sân chơi lớn như BK307, song BKLungS đã có một phần thuyết trình xuất sắc tại vòng cơ sở SV Startup.
“Hệ thống hỗ trợ phát hiện sớm các vấn đề về phổi ở trẻ em bằng cách xử lý âm thanh” ban đầu chỉ đơn thuần là một đề tài nghiên cứu ở iBME Lab. “Trong quá trình tiếp cận đề tài, tôi và các thành viên trong nhóm đã nhận thấy một số vấn đề ở bệnh phổi như phát hiện bệnh muộn, lây chéo khi vào viện, bệnh viện quá tải,… Đặc biệt đối với trẻ em là một đối tượng với sức đề kháng kém lại càng là vấn đề đáng quan tâm hơn. Với kiến thức đã và đang học được, đội chúng tôi quyết định “đánh liều”, thử sức với đề tài này tại sân chơi SV Startup.” – thành viên Nguyễn Thị Hồng Ánh, K64 Trường Điện – Điện tử chia sẻ.
Trong quá trình thực hiện, BKLungS cũng gặp phải một số vấn đề khó khăn khiến đôi lúc các thành viên nản chí. “Cái chúng tôi còn yếu chính là ngoại ngữ. Do vốn tiếng Anh chuyên ngành còn ít ỏi nên cả nhóm gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và đọc hiểu tài liệu.” – thành viên Đinh Nghĩa Hiệp – K64 Trường Điện – Điện tử – kể lại.
Mọi người thường bảo “vào Bách khoa để làm việc khó”. Cái gì càng đẹp, càng hay thì càng khó thấm, khó hiểu, nhưng những gì càng khó thì mới càng hấp dẫn người ta chứ! Với động lực “vượt qua khó khăn chính là tôi luyện, trau dồi bản thân để trở nên hoàn thiện hơn”, các thành viên BKLungS đã đoàn kết, cùng nhau vượt chướng ngại vật!
“Chúng tôi rất tự hào khi được chọn là một trong hai đội thi đại diện Bách khoa Hà Nội tham gia SV-Startup bởi có khá nhiều đề tài hay cũng tham gia tranh tài lần này. Cả nhóm hi vọng sẽ có được sản phẩm hoàn thiện nhất để mang đến SV Startup và đạt được kết quả vượt ra ngoài mục đích nghiên cứu.” – thành viên Vũ Đình Đức – K66 Trường Điện – Điện tử – hào hứng chia sẻ.
Năm nay các dự án về ngành y tế nổi lên như một xu thế vì tính thời sự, dự án nào cũng thể hiện tầm vóc, quy mô và tính cấp thiết đối với xã hội. Cả BKLungS và BK307 được các thầy cô trong hội đồng Ban Giám khảo đánh giá cao về tiềm năng phát triển trong tương lai cũng như là dự án có khả năng thu hút nhiều “nhà đầu tư thiên thần”.
Hi vọng với những lời góp ý, động viên của thầy cô, với tiêu chí “Không có áp lực, không có kim cương”, các đại diện của Bách khoa sẽ cố gắng hết sức và để lại nhiều dấu ấn tại cuộc thi SV Startup 2021 cũng như có thể đưa sản phẩm đi vào thực tiễn.
Thục Anh. Ảnh: Duy Thành. Nguồn: Hust
Tác giả: Nguyễn Kim Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn