Khi doanh nghiệp hỗ trợ các nhà khoa học trẻ làm nghiên cứu

Thứ hai - 23/11/2020 20:07

Thách thức duy nhất mà các nhà khoa học đối mặt chỉ nên là thách thức trong khoa học chứ không phải thách thức cơm-áo-gạo-tiền, theo giám đốc điều hành Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup.

Sau khi lấy bằng cử nhân chuyên ngành vật liệu của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trương Tiến Hoàng Dương dự định sang Đức học thạc sĩ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã thay đổi mọi tính toán. Không thể đi nước ngoài, lựa chọn tốt nhất với Hoàng Dương là học cao học tại Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS). Đây là một cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo sau đại học của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyên ngành khoa học vật liệu, vật liệu điện tử. “Viện ITIMS mở ra cho tôi cơ hội xin học bổng toàn phần làm tiến sĩ ở các trường đại học nổi tiếng trên thế giới,” Hoàng Dương nói về lý do quan trọng, bên cạnh chất lượng đào tạo, ảnh hưởng đến quyết định chọn Viện ITIMS.

Trương Tiến Hoàng Dương, học viên cao học của Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trả lời phỏng vấn bên lề lễ trao học bổng của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup ngày 23/11. Ảnh: CCPR - Hạnh Phạm.

Trương Tiến Hoàng Dương xác định đi theo con đường nghiên cứu khoa học ngay từ thời học đại học. Dù vậy, khi thấy hầu hết bạn bè đều có công việc và thu nhập ổn định sau khi tốt nghiệp, chàng thanh niên 22 tuổi không khỏi cảm thấy sốt ruột. Hoàng Dương không muốn quyết định học tiếp của mình trở thành gánh nặng tài chính cho gia đình nên cậu định tìm một công việc bán thời gian để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. “Đương nhiên, việc đi làm, không ít thì nhiều, sẽ ảnh hưởng đến việc học và làm khoa học,” Hoàng Dương chia sẻ. Tuy vậy, một lần nữa, mọi thứ không như dự tính.

Tại lễ trao học bổng của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup ngày hôm qua, Hoàng Dương là một trong số 293 học viên thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ nhận học bổng với tổng trị giá 38 tỷ đồng. “Với học bổng này, tôi có thu nhập 10 triệu một tháng để tự trang trải cuộc sống mà không cần phải đi làm thêm, nghĩa là tôi có thể tập trung 100% vào làm khoa học” cậu nói. “Ngoài hỗ trợ về tài chính, học bổng còn mang ý nghĩa ghi nhận năng lực làm khoa học và tính khả thi trong hướng nghiên cứu của tôi.”

Năm nay là năm thứ hai Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup trao học bổng tiến sĩ trị giá 150 triệu đồng/ năm; học bổng Thạc sĩ trị giá 120 triệu đồng/năm. Số lượng học bổng năm 2020 tăng gấp đôi so với năm 2019, trong đó, Bách khoa Hà Nội có 28 học viên cao học và nghiên cứu sinh tiến sĩ nhận học bổng. Tiêu chí nhận học bổng của Quỹ là ứng viên phải có kế hoạch học tập, hướng nghiên cứu cụ thể và có ý nghĩa trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ. Các chuyên gia đánh giá hồ sơ là hơn 80 giáo sư, tiến sĩ có uy tín đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam.

Lãnh đạo Trường cùng các học viên cao học và nghiên cứu sinh tiến sĩ của Bách khoa Hà Nội tham dự buổi lễ ngày 23/11. Ảnh: VinIF.

GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học của Quỹ, cho rằng ngày nay khoa học, công nghệ là con đường nhanh nhất để phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Vingroup hiện tập trung khai thác các đột phá công nghệ và thành tựu khoa học trên thế giới, kết hợp với nguồn cơ sở dữ liệu của Việt Nam cùng năng lực nghiên cứu của người Việt để giải quyết các vấn đề đặc thù của đất nước.

“Để đạt được mong muốn đó thì bước quan trọng nhất là đào tạo con người, nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ các nhà khoa học trẻ cho đất nước,” GS. Vũ Hà Văn nhận định.

Ngoài ra, theo GS. Vũ Hà Văn, việc trao học bổng này còn xuất phát từ thực tế là từ trước đến nay, ở Việt Nam, xã hội coi việc học thạc sĩ, tiến sĩ là để lấy bằng cấp, học vị và dùng bằng cấp và học vị làm bàn đạp tiến thân. Trong khi thế giới coi việc học thạc sĩ, tiến sĩ là một nghề như nhiều nghề khác. “Đương nhiên, đi làm thì phải được trả lương. Các nghiên cứu sinh tiến sĩ và học viên cao học cần sự hỗ trợ tài chính để họ toàn tâm toàn ý vào làm khoa học,” GS. Vũ Hà Văn nói.

Theo thống kê, 20% số học bổng năm nay được trao cho các nhà khoa học trẻ trong ngành Hóa học, tiếp theo là Sinh học với 15% và Công nghệ thông tin và Khoa học máy tính với 14%. Theo PGS. Phan Thị Hà Dương, Giám đốc điều hành Quỹ, điều này phản ánh xu hướng phát triển khoa học công nghệ ở Việt Nam song song với thế giới.

Những ứng viên nhận học bổng không bị ràng buộc bởi bất cứ điều khoản nào với Quỹ cũng như với tập đoàn Vingroup. Mọi kết quả nghiên cứu khoa học hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của cá nhân các nhà khoa học. “Theo cam kết, khi công bố kết quả nghiên cứu, tôi sẽ đề cập đến Quỹ VinIF trong phần cảm ơn,” Đặng Thị Tuyết Ngân, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Hóa học, cho rằng mọi mối quan hệ lâu bền đều phải đem lại lợi ích cho cả hai bên và lợi ích mà Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup nhận được vượt xa khỏi việc quảng bá cho hình ảnh của doanh nghiệp.

Đặng Thị Tuyết Ngân, nghiên cứu sinh tiến sĩ của Viện Kỹ thuật Hóa học thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tại lễ trao học bổng của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup ngày 23/11. Ảnh: CCPR - Hạnh Phạm.

Nghiên cứu sinh Tuyết Ngân đang theo đuổi đề tài thu hồi và xử lý các nguyên tố kim loại quý hiếm. Đây là một vấn đề nóng trên thế giới khi mà nhu cầu xử lý kim loại hiếm như indi dùng trong màn hình tinh thể lỏng ngày càng cao. Giáo sư hướng dẫn tại trường Đại học Quốc gia Đài Loan mong muốn cô sang làm tiến sĩ toàn thời gian. “Hai con còn nhỏ nên tôi không thể ra nước ngoài làm tiến sĩ trong suốt một thời gian dài,” nữ giảng viên Viện Kỹ thuật Hóa học của Bách khoa Hà Nội chia sẻ. “Trong khi, học bổng tiến sĩ toàn thời gian ở nước ngoài không khó tìm thì học bổng bán thời gian rất hiếm.”

Đến tận năm thứ hai nghiên cứu tiến sĩ, Tuyết Ngân mới biết đến học bổng của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup. Cô cho biết học bổng có thể hỗ trợ việc mua hóa chất để thực hiện thí nghiệm. Do đặc thù của ngành kỹ thuật, chi phí thí nghiệm và phân tích mẫu chiếm phần lớn nhất trong tổng chi phí làm nghiên cứu sinh. Ngoài khoản 150 triệu học bổng mỗi năm, cô cũng được trường bên Đài Loan hỗ trợ máy móc và thiết bị phân tích trong mỗi lần sang đó tập trung nghiên cứu. Đồng thời, cô cùng thầy hướng dẫn tại Việt Nam đã thu hút thành công nguồn tài trợ từ Ngân hàng Thế giới để xây dựng được một hệ thống thí nghiệm.

Giám đốc điều hành Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup cho rằng mục đích của mọi sự hỗ trợ tài chính, bao gồm học bổng VinIF, là giúp các nhà khoa học trẻ không còn lo lắng về vấn đề cơm-áo-gạo-tiền. “Thách thức duy nhất mà họ cần đối mặt chỉ nên là thách thức trong khoa học,” PGS. Hà Dương phát biểu tại lễ trao học bổng.

Sau gần hai năm, nghiên cứu sinh tiến sĩ Tuyết Ngân đã có những thành công bước đầu. Cô vừa công bố một bài báo đăng trên tạp chí khoa học thuộc nhóm ISI-Q1, nghĩa là các tạp chí chiếm vị trí cao nhất về hệ số tác động IF được liệt kê trong các danh bạ của Viện Thông tin Khoa học Mỹ, và báo cáo tại hội thảo tương đương một bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước.

Hồng Hạnh

TIN LIÊN QUAN:

Giúp sinh viên tìm việc, khởi nghiệp ra mắt trong bối cảnh Covid-19

Bách khoa Hà Nội và UNDP xây dựng bộ chỉ số đánh giá môi trường

Giá trị của tấm bằng Tiến sĩ Bách khoa Hà Nội

Tác giả: Phạm Thanh Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây