Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ sáu - 16/05/2025 02:02
Đại diện các đơn vị tổ chức chụp ảnh kỷ niệm
Ngày 15/5, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, hội thảo “Cơ hội nghiên cứu AI và thu hút nhân tài tại Việt Nam” đã diễn ra thu hút sự tham gia của hơn 60 doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Sự kiện do Đại học Bách khoa Hà Nội, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp tổ chức, với sự hỗ trợ của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO).
Bách khoa Hà Nội nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu trí tuệ nhân tạo liên ngành, đa quốc gia
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - nhấn mạnh vai trò then chốt của AI trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Đại học Bách khoa Hà Nội luôn nỗ lực thúc đẩy AI thông qua giáo dục toàn diện, đầu tư các nghiên cứu có ảnh hưởng đến xã hội và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng khẳng định AI không thể phát triển nếu thiếu nền tảng nhân lực chất lượng cao. Các trường đại học cần trở thành trung tâm đổi mới, nơi vừa đào tạo, vừa kết nối, vừa kiến tạo tri thức. PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - phát biểu khai mạc
Tháng 6/2024, Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI4LIFE), đặt mục tiêu trở thành một trong ba trung tâm nghiên cứu AI trọng điểm quốc gia.
AI4LIFE là tổ chức nghiên cứu ứng dụng AI liên ngành đầu tiên tại Việt Nam, tập trung hoạt động dựa trên ba trụ cột chính: Nghiên cứu chuyên sâu về AI; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực AI; Phát triển các giải pháp ứng dụng AI.
Một số giải pháp nổi bật AI4LIFE đã phát triển có thể kể đến như: Hệ thống giám sát ô nhiễm không khí sử dụng AI và IoT; Hệ thống web dành cho các bác sĩ có khả năng chuyển đổi hình ảnh CT thành hình ảnh PET; Ứng dụng chăm sóc sức khoẻ có thể sử dụng qua điện thoại thông minh;...
Tại hội thảo, PGS. Nguyễn Phi Lê - Phụ trách Viện AI4LIFE - công bố khởi động chương trình hợp tác giữa AI4LIFE và các doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu từ tháng 6 năm nay. Dự án hướng tới các doanh nghiệp mong muốn xây dựng các giải pháp Al thiết kế riêng theo nhu cầu, những doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực Al trẻ, ưu tú tại Việt Nam. PGS. Nguyễn Phi Lê chia sẻ tại hội thảo
Mô hình triển khai dự kiến như sau: Doanh nghiệp đưa ra bài toán => Doanh nghiệp cùng Viện AI4LIFE lựa chọn sinh viên thực hiện dự án trong thời gian 6–12 tháng => Sau khi kết thúc dự án doanh nghiệp có thể tuyển dụng sinh viên mong muốn. Mô hình này vừa giải bài toán thực tiễn cho doanh nghiệp, vừa nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo sinh viên có đủ cả kiến thức và kỹ năng thực tế.
Theo PGS. Nguyễn Phi Lê chương trình hợp tác giữa AI4LIFE và các doanh nghiệp Nhật Bản được kỳ vọng góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt – Nhật, đồng thời tăng cường kết nối giữa Đại học Bách khoa Hà Nội và các doanh nghiệp Nhật Bản, từ đó mang lại các giải pháp AI có giá trị cao cho doanh nghiệp.
Nhiều cơ hội cho nhân tài Việt theo đuổi lĩnh vực trí tuệ nhân tạo
Theo ông Kubo Yoshitomo - Phó Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo không chỉ là công nghệ mà còn là lời giải cho các bài toán xã hội.
Từ năm 2022, JICA đã triển khai dự án DX-Lab với ba trọng tâm: Ươm tạo các startup công nghệ số; Thúc đẩy liên kết ba bên giữa Nhà nước - cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; Phát triển nguồn nhân lực. Ông Kubo Yoshitomo - Phó Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam
Trong thời gian tới, JICA sẽ phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội và Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) triển khai chương trình phát triển nhân lực AI và chương trình tăng tốc khởi nghiệp Al.
Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) cũng có nhiều hoạt động thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong năm 2025, nổi bật là Dự án AI NextRise và Chương trình tăng tốc khởi nghiệp AI chuyên sâu.
Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên - Trưởng phòng Hỗ trợ Doanh nghiệp, NIC - cho biết: AI NextRise tập trung kết nối sinh viên ưu tú, đam mê AI từ các cơ sở giáo dục đại học đầu ngành trong lĩnh vực này như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội,... với doanh nghiệp Nhật Bản. Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên - Trưởng phòng Hỗ trợ Doanh nghiệp, NIC
Chương trình Tăng tốc khởi nghiệp AI dành riêng cho các startup ứng dụng AI, tập trung vào đoạn tiền hạt giống (pre-seed) và hạt giống (seed), hỗ trợ 5 hạng mục chính: Cố vấn chuyên sâu từ các chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật và kinh doanh; Kết nối 1:1 với doanh nghiệp, khách hàng tiềm năng và đối tác công nghệ; Cung cấp hạ tầng kỹ thuật như cloud, GPU/TPU, API, dữ liệu và không gian làm việc; Hỗ trợ gọi vốn, chuẩn bị tài liệu và kết nối với nhà đầu tư trong và ngoài nước; Hậu cần và vận hành.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ sở giáo dục đại học, đơn vị nghiên cứu, tổ chức và doanh nghiệp công nghệ, Việt Nam đang từng bước xây dựng một hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo toàn diện - nơi tài năng trẻ được phát hiện, ươm mầm và phát triển bền vững. Những dự án của Đại học Bách khoa Hà Nội, JICA hay NIC không chỉ mở ra cánh cửa cơ hội cho các tài năng trẻ, mà còn góp phần đưa Việt Nam vươn lên trở thành điểm đến tiềm năng trong bản đồ đổi mới sáng tạo AI của khu vực và thế giới.