Ngày 18/02, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức lễ nghiệm thu hai gói tài trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam PV GAS với tổng giá trị 5.2 tỉ đồng. Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa nhằm nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò Bách khoa Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh: “Sự thành công của các thế hệ cựu sinh viên là niềm hạnh phúc của thầy cô, niềm tự hào của Bách khoa Hà Nội. Nhà trường ghi nhận những đóng góp, đặc biệt là trong đào tạo, của PV GAS”.
Bà Võ Thị Thanh Ngọc, thành viên Hội đồng quản trị PV GAS, là cựu sinh viên K37 ngành Hoá dầu -Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: “4/6 Ủy viên Hội đồng quản trị là cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội; trong đó có ông Dương Mạnh Sơn là Chủ tịch Hội đồng quản trị, cũng là thành viên Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội và ông Hoàng Văn Quang là Tổng Giám đốc PV GAS”.
Bà nhấn mạnh thêm: “Cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội là một tài sản giá trị, một “viên gạch vững chắc” trong sơ yếu lý lịch của tôi. Tôi mong sinh viên Bách khoa Hà Nội cũng có được niềm tự hào và sự tự tin như tôi ngày hôm nay”.
Hiện nay, khoảng 150 cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội nằm trong cơ quan điều hành của PV GAS, giữ những vị trí quan trọng trong kỹ thuật, sản xuất, vận hành, quản lý các đơn vị (chiếm khoảng 15% cán bộ chủ chốt của Tổng Công ty).
Sinh viên ngành hàn đang thực hành trên máy móc được PV GAS tài trợ. Ảnh: Duy Thành
Lãnh đạo PV GAS đề cao đầu tư vào con người và kỹ thuật, đặc biệt là đầu tư vào Bách khoa Hà Nội. Tổng Công ty Khí Việt Nam đã tài trợ toàn bộ thiết bị phòng thí nghiệm ngành hàn cho Trường Cơ khí. Đây là cơ hội để sinh viên được rèn luyện thực hành song song với lý thuyết ngay khi ngồi trên ghế nhà trường.
Hiện nay, do số lượng sinh viên không nhiều, mỗi khóa của Trường Cơ khí chỉ có một lớp Công nghệ hàn. “Có lẽ do sinh viên sợ nóng, độc nên còn e dè, nhưng hiện nay kỹ sư hàn làm việc trên máy móc đều là bán tự động, robot tự động hoàn toàn. Mỗi móc đều có máy hút lọc không khí, quy định an toàn; sinh viên được trang bị khẩu trang, găng tay da, tạp dề, giày bảo hộ, quần áo bảo hộ, … kỹ càng”, cán bộ kỹ thuật Trần Thị Mai Doan, Trường Cơ khí, giải thích.
Công nghệ hàn là ngành đang được Việt Nam, Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới dành sự quan tâm. Đây là ngành siêu trường siêu trọng. Những sản phẩm được tạo ra có kích cỡ lớn hơn rất nhiều thứ mình đưa vào, không bị hạn chế về kích thước và hình học, không giới hạn sáng tạo, không ngừng nâng cao. Sự hỗ trợ của máy móc giúp sản phẩm không bị hạn chế bởi bàn tay của người thợ.
Nguyễn Tiến Hiệp, sinh viên K62 Công nghệ hàn, chia sẻ: “Sau khi học xong, tôi tự tin bước ra đời, trở thành một kỹ sư hàn phục vụ cho đất nước. Đặc biệt, Việt Nam một nơi rất tiềm năng và còn nhiều đất diễn cho sinh viên ngành này”.
Sinh viên Trường Cơ khí rất vui vẻ và hào hứng trước các trang thiết bị hiện đại của PV GAS. Tài trợ này mở rộng khả năng thực hành của người học, giúp sinh viên có cái nhìn thực tế, tiếp xúc với máy móc, thực hiện các phương pháp hàn mà trước đây chỉ được học trên lý thuyết.
Phòng thực hành mô phỏng kinh doanh của Viện Kinh tế và Quản lý. Ảnh: Duy Thành
Bên cạnh đó, PV GAS cũng tài trợ 48 máy tính cho phòng thực hành mô phỏng kinh doanh của Viện Kinh tế và Quản lý. Viện đã ấp ủ ý muốn có phòng máy riêng để thực hiện một số dự án phát triển cho sinh viên, liên quan mô phỏng kinh doanh, các phần mềm, … để phân tích dữ liệu, mô phỏng chuỗi cung ứng logistic, … Phòng máy được nghiệm thu vừa kịp để Viện sẵn sàng đón sinh viên trở lại sau đợt nghỉ dịch kéo dài.
Trần Trang
Tác giả: Phạm Thanh Huyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn