Một buổi sáng đầu tuần, gặp Tuấn tại một quán cà phê – nơi cậu thường xuyên lui tới cùng bạn bè, tôi thực sự ấn tượng bởi vẻ ngoài đầy tự tin của tân kỹ sư Trường Điện – Điện tử. Hoàng Tuấn luôn tạo ra không khí vui vẻ, thoải mái trong suốt buổi chia sẻ về hành trình 5 năm tại Bách khoa Hà Nội. Cậu kể về môn Triết học yêu thích, các cuộc thi về trí tuệ, sắc đẹp cậu từng tham gia và cả cách cậu học đến vài trăm từ mới mỗi tuần.
Chàng trai “thích thú với thi cử”
Từ bé, Hoàng Tuấn đã là người hướng ngoại, thường xuyên tham gia rất nhiều các hoạt động xã hội, đặc biệt là biểu diễn văn nghệ và thể thao. Cậu nhận thấy: “Việc được tiếp xúc với nhiều người khiến tôi cảm thấy thích thú, vui vẻ, có thêm nhiều kinh nghiệm”.
Cấp ba, Tuấn được các thầy cô giáo và bạn bè trong lớp ủng hộ, đi cùng từ Hà Tĩnh lên Hà Nội để tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Cậu đã đạt giải nhất Tuần, tiếp tục tham gia vào vòng thi Tháng và đứng thứ 2.
Bùi Hoàng Tuấn tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia (Ảnh: NVCC)
Hồi còn là sinh viên năm hai, Tuấn là một trong những cán bộ lớp nên được mời tham dự buổi lễ tuyên dương Sinh viên 5 tốt khi Tuấn chưa biết đến danh hiệu này. Lúc đó, bảng thành tích của mọi người đã khơi dậy trong Tuấn động lực học. Cậu tham gia cuộc thi Olympic Vật lý toàn quốc, Olympic Tiếng Anh, tham gia nghiên cứu khoa học, các câu lạc bộ học thuật trong trường. Các giải thưởng khi tham gia những cuộc thi này tiếp tục là nguồn động lực của cậu sinh viên. “Càng đạt được nhiều, tôi càng muốn thi thêm, bởi vậy tôi nghĩ mình là người thích thi cử”, Tuấn cười.
Bùi Hoàng Tuấn dự thi cuộc thi Mr & Mrs BK 2020 (Ảnh: NVCC)
Năm 2020, Hoàng Tuấn tham gia cuộc thi Mr & Mrs BK – cuộc thi tài năng và sắc đẹp dành cho tất cả sinh viên Bách khoa Hà Nội. Cậu muốn thử sức ở một sân chơi mà nhiều người nghĩ rằng chỉ phù hợp với những sinh viên năng động, “thích chơi hơn học”. Theo quan điểm của Tuấn: “Các bạn sinh viên rất nên tham gia vào những hoạt động ngoại khóa để phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp xã hội, mở mang kiến thức và tạo thêm mối quan hệ”.
“Triết học Mác Lê-nin có phần hấp dẫn hơn Tự động hóa”
Kể về lý do lựa chọn Bách khoa Hà Nội để theo học sau khi tốt nghiệp trường THPT, Hoàng Tuấn cho rằng cậu có một cái duyên rất tình cờ với Bách khoa. Hồi Tuấn còn là học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Tĩnh, khá nhiều anh chị khóa trên đã học ngành Tự động hóa của Bách khoa Hà Nội. Chính các anh chị đã định hướng và giới thiệu cho Tuấn ngành học này, đặc biệt là về cơ hội việc làm sau khi ra trường rất rộng mở.
Sau khi được học đúng với nguyện vọng của mình, Tuấn thấy ngành học khá thú vị, không những liên quan tới Tự động hóa mà cả về lĩnh vực Công nghệ thông tin và các ngành Cơ khí khác. Cậu vẫn luôn cảm thấy Bách khoa Hà Nội là một lựa chọn tuyệt vời, vì vậy trong suốt quá trình học tập, Tuấn luôn cố gắng để kết quả đầu ra tốt nhất có thể.
Trong quá trình cố gắng và nỗ lực ấy, Tuấn đã đạt được liên tiếp các thành tựu đáng nể như Giải Nhất môn Thí nghiệm Kỳ thi Olympic Vật lý sinh viên Toàn quốc, Giải Nhất Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường,Top 30 vòng thi Starlight Round – cuộc thi Star Award 2021, nhiều năm liền đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp Trường, cấp Thành phố và cấp Trung ương.
Cũng nhờ nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều thầy cô, Tuấn mới có thể đạt được những thành quả này. Chia sẻ về ấn tượng sâu sắc nhất, cậu nhắc tới TS. Mai Thị Thanh, giảng viên cao cấp môn Lý luận Mác Lê-nin, Khoa Lý luận chính trị: “Tôi coi cô như mẹ của mình. Bất kể sự việc gì trong cuộc sống, hai cô trò đều tâm sự rất thân thiết và gần gũi”. Với cậu kỹ sư xuất sắc, cô Thanh là giảng viên không những dày dặn kinh nghiệm chuyên môn mà còn là người rất tâm lý, thấu hiểu sinh viên.
Mặc dù theo học chuyên ngành Kỹ thuật Điều khiển – Tự động hóa, Tuấn lại lựa chọn nghiên cứu khoa học về Lý luận chính trị. TS. Mai Thị Thanh đã truyền tải kiến thức, nguồn cảm hứng và hướng dẫn cậu về ngành khoa học này. “Nếu thực sự tìm hiểu sâu về bản chất, tôi thấy Triết học Mác Lê-nin còn hấp dẫn hơn cả ngành Tự động hóa đang theo học”, kỹ sư xuất sắc bộc bạch. Ngoài những kiến thức về Triết học, cô còn chia sẻ cho Tuấn kỹ năng sống và nhiều bài học quý giá.
Hoàng Tuấn và TS.GVCC. Mai Thị Thanh trong buổi lễ Tốt nghiệp của cậu (Ảnh: NVCC)
Gặp gỡ TS. Mai Thị Thanh, Khoa Lý luận chính trị, cô chia sẻ: “Có thể nói, sinh viên Bùi Hoàng Tuấn là người xuất hiện ở đâu cũng làm người ta dễ chịu. Sự thông minh cùng với nỗ lực không ngừng đã giúp em đạt kết quả xuất sắc trong học tập. Sự kết hợp hài hòa giữa học, hoạt động phong trào và kỹ năng sống đã giúp em Tuấn trở thành một sinh viên toàn diện. Tôi tin rằng những thành tích em đạt được tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ chắp cánh cho em thành công trong sự nghiệp của mình”.
200 từ mới tiếng Nhật, 300 từ mới tiếng Anh trong … một tuần!
Với lượng kiến thức đào tạo khá nặng của trường Kỹ thuật hàng đầu Việt Nam, Tuấn cho rằng học nặng là điều hiển nhiên để sinh viên chịu khó tư duy và cố gắng hơn. Nói về cách sắp xếp thời gian học, Tuấn cũng từng chia sẻ ở Câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt rằng cứ mỗi ngày Chủ nhật, cậu lại lên kế hoạch cho tuần tới bằng bảng Excel. Hoàng Tuấn chia các khung giờ theo giờ học trên lớp, cố định lịch học. Thời gian còn lại, cậu dành để thu nạp toàn bộ kiến thức đã học trong tuần. “Đặc biệt, tôi không bao giờ xếp kín lịch bởi cần dành khoảng trống cho các việc đột xuất hoặc đôi lúc tôi cần được nghỉ ngơi”, tân kỹ sư nhấn mạnh.
Để đạt được kết quả tốt nghiệp xuất sắc trường Điện – Điện tử, Tuấn đã áp dụng hai phương pháp học 2-1-2 và 1-0-0 do cậu sáng tạo ra. Không chỉ sử dụng để học các môn “khó nhằn” chuyên ngành Tự động hóa, Tuấn còn thông thạo ba ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Thái nhờ các phương pháp thú vị này. Trong một tuần, cậu có thể học thuộc hơn 200 từ mới tiếng Nhật và gần 300 từ mới tiếng Anh.
Theo Tuấn, phương pháp 2-1-2 dùng để học và ghi nhớ kiến thức lâu dài. Số 2 có nghĩa là khi học kiến thức mới, trong tuần đầu cần ôn lại ít nhất hai lần. Số 1 tiếp theo là trong tuần tới, cậu sẽ ôn lại kiến thức đó một lần và số 2 cuối cùng là trong tháng đó, cậu phải ôn lại ít nhất hai lần.
Phương pháp thứ hai Hoàng Tuấn dùng để học trong thời gian ngắn hạn, phù hợp cho các môn tư duy là 1-0-0. “Những bạn chuẩn bị thi mà chưa kịp học nên thử áp dụng phương pháp này”, Tuấn cười. Số 1 ở đây là khi mở đề bài, hãy đọc luôn đáp án mà không mất thời gian suy nghĩ. Sau đó, xem đề bài rồi tự giải mà không nhìn đáp án. Còn số 0 cuối cùng là không nhìn vào đề và đáp án, tự nhớ đề và tự giải đáp. Khi học theo cách này, Tuấn nhớ ngay ra cách xử lý vấn đề khi đi thi.
Bùi Hoàng Tuấn (cầm hoa) chụp ảnh kỷ niệm cùng gia đình trong lễ tốt nghiệp của mình (Ảnh: NVCC)
Tuấn nhắn nhủ tới các sinh viên ngành Tự động hóa nói riêng và trường Điện – Điện tử nói chung: “Các em sinh viên năm Nhất và năm 2 cần biết rằng các môn học đại cương không có gì quá khó đâu, các môn chuyên ngành còn khó hơn. Đối với sinh viên năm 3 và năm 4, hãy tập trung vào đồ án để có kết quả thật tốt. Đó chính là sản phẩm đầu tay của các bạn sau 4, 5 năm học ở Đại học Bách khoa Hà Nội”.
Dự định sắp tới của tân thủ khoa là sang Nhật Bản để tham gia kỳ thi Kỹ sư điện trưởng của công ty afterFIT, sau đó sinh sống và làm việc tại đây. Tuấn đã được công ty nhận đào tạo từ năm thứ 4 đại học cho tới khi tốt nghiệp. Với vốn ngoại ngữ và năng lực của mình, Tuấn đặt nhiều niềm tin và hy vọng về một tương lai rộng mở tại xứ sở hoa Anh Đào.
Tú Uyên
Tác giả: Trần Thu Trang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn