Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hôm qua tổ chức Hội thảo Các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghệ điện quang mặt trời với mục tiêu nâng cao hiệu suất chuyển đổi năng lượng sơ cấp.
Năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển dịch năng lượng trên thế giới từ những năm đầu của thế kỷ 21. Đặc biệt, công nghệ điện quang mặt trời phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây. Tổng công suất đặt tích lũy của điện quang mặt trời trên thế giới đáp ứng khoảng 4% nhu cầu điện năng toàn cầu.
Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng và quy mô các dự án điện quang mặt trời đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong việc bổ sung nguồn năng lượng sạch trong hệ thống điện Việt Nam, song cũng đặt ra không ít thách thức cho việc phát triển hiệu quả và bền vững loại hình công nghệ năng lượng này ở Việt Nam.
GS. Ngô Xuân Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật Bộ Khoa học và công nghệ tham dự buổi hội thảo ngày 29/4. Ảnh: Trần Trang
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS. Ngô Xuân Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật Bộ Khoa học và công nghệ khẳng định: “Năng lượng là ngành kinh tế quan trọng tác động đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trong cả nước.”
Thông qua hội nghị này, GS. Ngô Xuân Bình cũng tin tưởng rằng việc đóng góp ý kiến tham luận của các nhà quản lý, các nhà khoa học sẽ giúp định hướng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam bền vững. Trong đó định hướng phát triển ngành công nghệ năng lượng mặt trời trong sản xuất lưu trữ là một trong những điểm cốt lõi cần phải tập trung, thúc đẩy phát triển.
TS. Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hỗ trợ Tập đoàn cũng xây dựng và hoàn thiện phát triển hệ thống điện năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Tại hội thảo, PGS. Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu về chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Trường giai đoạn 2018 - 2025 và tầm nhìn đến 2030: “Nhà trường đang gấp rút hoàn thành 4 đề án quy hoạch, phát triển 4 lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên trong đó có lĩnh vực năng lượng và môi trường bền vững với 2 định hướng chính là công nghệ năng lượng tái tạo và công nghệ hiệu quả năng lượng. Theo tôi đây là chủ đề liên ngành có tính thời sự cao nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần bảo vệ môi trường.”
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tham dự buổi hội thảo ngày 29/4. Ảnh: Trần Trang
Cũng trong buổi hội thảo, 4 báo cáo chuyên đề bàn về Công nghệ điện mặt trời ở Việt Nam, trong đó có 2 báo cáo chuyên đề từ Đức và Hà Lan qua hình thức trực tuyến. Sau đó, các nhà khoa học có buổi trao đổi, thảo luận với các chuyên gia đến từ Tập đoàn Điện lực Pháp.
Nguyễn Trung Nam, sinh viên K62 Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng các bạn học của mình cũng đến tham dự hội thảo với mong muốn tìm hiểu những vấn đề về xử lý điện mặt trời khi loại năng lượng này đang phát triển ồ ạt, “khoảng 20 năm nữa, rác thải ở Việt Nam sẽ được xử lý như thế nào?”
Bên cạnh đó, Trung Nam khẳng định lý do chọn nghiên cứu ngành Nhiệt lạnh của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: “Năng lượng là một ngành giống thực phẩm và may mặc, con người ai cũng cần và không bao giờ lỗi thời.”
Trần Trang
Tác giả: Hà Kim
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn