TS trẻ thành lập công ty khởi nguồn từ công nghệ năng lượng Xanh

Chủ nhật - 20/11/2022 23:01
TS. Phạm Tùng Dương
TS. Phạm Tùng Dương

Ngay khi trở về Trường Đại học Bách khoa Hà Nội theo Đề án thu hút Giảng viên xuất sắc cuối năm 2020 đầu năm 2021, TS. Phạm Tùng Dương đã chia sẻ về kế hoạch rất tham vọng của mình: Từ những kiến thức, kinh nghiệm học được tại Đức và Hàn Quốc, anh sẽ nghiên cứu và phát triển các thế hệ pin “Made in Bach Khoa” với những tính năng vượt trội, hiệu suất cao, thân thiện với môi trường, góp phần thay đổi ngành pin tích trữ năng lượng tại Việt Nam.

Sau hơn 1 năm, những ấp ủ đó đã được từng bước hiện thực hóa, khi anh đứng giữa đông đảo các sinh viên và đồng nghiệp Bách khoa trong buổi triển lãm nhân sự kiện thành lập trường 15/10, tự hào tuyên bố trong tiếng “wow” thán phục: Đây là những pin khối lớn đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ pin kẽm ion phóng nạp thế hệ mới, đặt dấu mốc quan trọng trong việc thương mại hóa sản phẩm pin tiềm năng này tại Việt Nam! 

Hôm đó cũng là lần đầu tiên TS. Tùng Dương và các sinh viên của mình cắm thiết bị chạy thử pin, nghe tiếng máy chạy rào rào khi được nối vào pin, thầy trò cứ như say âm thanh, đứng im xúc động. Đó có lẽ là âm thanh tuyệt nhất mà TS. Tùng Dương được nghe từ trước đến giờ!

Loại “pin xanh” khỏa lấp khoảng trống lớn về công nghệ

Cách đây 6 năm tại Hàn Quốc, TS. Dương đã tiếp xúc với công nghệ pin kẽm ion phóng nạp thế hệ mới, tham gia một số nhóm nghiên cứu nước sở tại về công nghệ này… Đây là công nghệ không phải quá mới trên thế giới. Tuy nhiên, TS. Dương khẳng định nhóm của anh là một trong những nhóm nghiên cứu đầu tiên trên thế giới có thể lắp được một hệ thống pin khối lớn có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn.

Trên thế giới, các nhà khoa học mới chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu với quy mô đơn giản. Còn TS. Tùng Dương và các cộng sự đã đi hết chặng đường từ nghiên cứu đến sản phẩm thử nghiệm và tiến đến thương mại hóa trong vòng 8-10 tháng, cho ra sản phẩm thành hình hài và sắp tới là quy chuẩn quy trình sản xuất, ra được sản lượng, quy chuẩn về kỹ thuật, tính ứng dụng của sản phẩm, sẵn sàng đi bán hàng. Để “đốt cháy” giai đoạn, cho ra được sản phẩm thương mại trong thời gian siêu kỷ lục đó là một hành trình gian khổ của cả thầy giáo trẻ và các sinh viên của Viện Vật lý kỹ thuật, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

TS. Dương nhớ lại: “Tôi và 20 sinh viên Bách khoa miệt mài làm ngày đêm, làm cả ngày nghỉ cuối tuần trong phòng nghiên cứu. Cũng có lúc khó khăn, nhưng BGH Nhà trường, các đồng nghiệp đã rất hỗ trợ, khuyến khích nhóm. Chính thầy trò trong lab cũng động viên lẫn nhau, cuối cùng cả nhóm xốc lại tinh thần, quyết tâm “chiến đấu”!

Nghe anh nói có vẻ nhẹ nhàng, nhưng nhìn thầy giáo trẻ gầy hẳn đi (anh tiết lộ sụt 10kg) so với lúc mới vào trường đủ thấy anh đã dốc tâm sức thế nào cho đề tài nghiên cứu này.  Bên cạnh đó, anh cũng cần chăm chút cho gia đình nhỏ của mình, chuẩn bị chào đón đưa con đầu lòng…tưởng tượng TS. Tùng Dương đã “ba đầu sáu tay” lo việc trường, việc nhà như thế nào.

Hỏi TS. Tùng Dương lý do anh quyết tâm nghiên cứu pin, anh tâm huyết chia sẻ những trăn trở về môi trường. Việt Nam hiện đang sử dụng hơn 80-90% pin nhập khẩu từ nước ngoài. Một số nơi quảng cáo đó là pin Lithium nhưng thực tế đó là pin axit chì vì pin Lithium giờ đây đã trở lên rất đắt. Chỉ trong vòng 1 năm, giá pin Lithium đã tăng gấp 5 lần và còn đang tăng tiếp. Trong tương lai, chỉ có những sản phẩm công nghệ xa xỉ mới sử dụng pin Lithium. Tính về giá thành, đây không phải là loại pin được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày.

Buồn thay, pin axit chì chứa các loại kim loại nặng độc hại như thủy ngân, chì, kẽm, cadmium, thạch tín… Rác thải pin axit chì đang là vấn nạn gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí…, là tác nhân gây ra một số căn bệnh nan y cho con người trên toàn thế giới.

Hỏi: Nhưng nếu không dùng pin axit chì thì dùng cái gì thay thế?

TS. Dương: Đang có một khoảng trống rất lớn về công nghệ giữa pin axit chì và pin lithium. Loại pin chúng tôi nghiên cứu sẽ khỏa lấp khoảng trống ấy.

Dựa trên nghiên cứu TS. Dương làm ở Hàn Quốc và Đức và tại Đại học Bách khoa, đã đến thời điểm chín muồi để thầy giáo trẻ Bách khoa thành lập công ty khởi nguồn spin-off và ra sản phẩm pin kẽm ion phóng nạp thế hệ mới – loại pin khắc phục các nhược điểm của pin axit chì với chất lượng gấp đôi, đặc biệt, không gây phát thải, ảnh hưởng đến môi trường, có thể tái chế đến 90%.

z3870050430236 93e08d7292ab0ae83cb82fbd94c08110
TS. Phạm Tùng Dương (hàng ngồi, thứ 3 từ trái sang) trong buổi lễ Ký kết hợp tác thành lập Công ty spin-off DTP Battcom giữa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, BK Holddings và Công ty LVT 

Hình hài công ty spin-off DTP Battcom 

Trong suốt cuộc trò chuyện về hành trình nghiên cứu, tìm nhà đầu tư, xây dựng và triển khai đề án thành lập công ty spin-off… TS. Phạm Tùng Dương luôn nói: Tôi may mắn! Tuy nhiên, những gì thực tế diễn ra cho thấy kiến thức chuyên môn, nhiệt huyết và năng lượng, triển vọng có thể đi xa hơn nữa… của thầy giáo Bách khoa đã khiến nhà đầu tư tin tưởng tuyệt đối.

PGS. Nguyễn Ngọc Trung – Phó Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu – là người đầu tiên hỗ trợ TS. Dương kết nối với doanh nghiệp. Từ đây, anh được gặp một nhà đầu tư thiên thần là một cây đa cây đề trong giới công nghệ của Việt Nam hỗ trợ TS. Dương xây dựng và duy trì một phòng thí nghiệm hiện đại, bài bản trong suốt 1 năm vừa qua; kết nối anh với các nhà đầu tư khác, chia sẻ với thầy giáo Bách khoa những khó khăn về giấy tờ, thủ tục…

Trên tinh thần công ty spin-off nhà khoa học làm chủ, mô hình Công ty Cổ phần DTP Battcom với vốn điều lệ 15 tỷ vnđ của TS. Phạm Tùng Dương đang trong giai đoạn hoàn thành các thủ tục giấy tờ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là 1 trong số cổ đông của công ty.

Định hướng phát triển công ty DTP Battcom không tập trung quá nhiều vào sản xuất mà lấy chuyển giao công nghệ làm giá trị cốt lõi của công ty, gắn chặt với nghiên cứu khoa học và môi trường đại học lấy sinh viên làm nòng cốt để nghiên cứu và phát triển các thế hệ pin tiên tiến trong tương lai.

Như vậy công ty DTP Battcom sẽ có công nghệ lõi đi kèm quy trình sản xuất để tạo ra một sản phẩm có thông số kỹ thuật đặc thù cho một ứng dụng đặc trưng. Hiện công ty đã được Cục sở hữu trí tuệ công nhận 1 bằng sáng chế về pin kẽm ion phóng nạp thế hệ mới, chủ sở hữu là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau khi thành lập công ty, TS. Dương sẽ đăng ký thêm nhiều bằng sáng chế nữa liên quan tới các loại pin mới hết sức quan trọng cho sự phát triển năng lượng bền vững.

Trong tương lai, anh không dừng lại ở việc thành lập 1 công ty spin-off, sẽ có nhiều công ty nữa khi anh làm dày lên thành tích các NCKH, sáng chế của mình. “Tôi mong muốn trở thành một DTP group của rất nhiều nghiên cứu liên quan đến nguồn năng lượng xanh, cung cấp nguồn năng lượng cho tất cả các ngành khác, nghiên cứu xong sẽ có nhà xưởng sản xuất, kinh doanh…”

Khởi sự một lĩnh vực hoàn toàn mới, không tránh khỏi những giây phút chông chênh, mệt mỏi. Nhưng với thầy giáo trẻ Bách khoa Phạm Tùng Dương, anh luôn vững tin vì sau lưng anh luôn có bệ phóng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, có tập thể đồng nghiệp, sinh viên luôn nhiệt tình hỗ trợ, động viên. Và hiện TS. Phạm Tùng Dương đang hừng hực khí thế với như nhất tâm nhiệm: TIẾN LÊN, THÀNH CÔNG!

“Kế hoạch từ giờ đến khi về hưu của tôi là lập một Viện Nghiên cứu pin năng lượng ngang tầm thế giới ở Hải Dương – quê hương tôi. Ngay từ bây giờ tôi đã xác định xây dựng đội ngũ, tất cả các sinh viên của tôi sẽ học lên thạc sỹ, định hướng làm tiến sỹ. Viện nghiên cứu sẽ có mô hình: Ttrung tâm nghiên cứu là trái tim, các nhà máy, công xưởng sản xuất, phòng thí nghiệm sẽ là vệ tinh xung quanh...”- TS. Phạm Tùng Dương – Viện Vật lý Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Kế hoạch từ giờ đến khi về hưu của tôi là lập một Viện Nghiên cứu pin năng lượng ngang tầm thế giới ở Hải Dương – quê hương tôi. Ngay từ bây giờ tôi đã xác định xây dựng đội ngũ, tất cả các SV của tôi sẽ học lên thạc sỹ, định hướng làm tiến sỹ. Viện nghiên cứu sẽ có mô hình: Ttrung tâm nghiên cứu là trái tim, các nhà máy, công xưởng sản xuất, PTN sẽ là vệ tinh xung quanh...”- TS. Phạm Tùng Dương – Viện Vật lý Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội.  

Gia Hân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây