Gặp 4 sinh viên Trường Cơ khí Bách khoa Hà Nội vừa đoạt giải Nhất cá nhân trong kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc năm học 2021-2022, gợi chuyện mãi mà 4 chàng trai cứ rụt rè không muốn kể nhiều về mình. Câu chuyện lúc đầu còn chưa cởi mở, nhưng sau câu trả lời dí dỏm với vẻ mặt rất nghiêm túc về phản ứng của gia đình khi nghe tin con đoạt giải Nhất của Nguyễn Quang Long: “Bố mẹ em bảo: Giỏi lắm, con trai của ta!”, tiếng cười vang đã xóa tan những nhút nhát ban đầu.
Câu chuyện về những ngày tháng ôn luyện, nhiều khó khăn đã vượt qua, kinh nghiệm làm bài thi để đạt giải Nhất… được chia sẻ trong tiếng cười vui của 4 sinh viên vừa dự Lễ Vinh danh sinh viên đoạt giải kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc, tay nâng niu Giấy khen của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Từ trái qua: PGS. Phạm Văn Sáng - Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, sinh viên Lê Minh An, Nguyễn Quang Long, Nguyễn Duy Anh, Phạm Lê Bắc và PGS. Vũ Toàn Thắng - Trưởng khoa Cơ điện tử (Trường Cơ khí) tại Lễ Tuyên dương khen thưởng các đội tuyển, sinh viên đạt giải Olympic Cơ học toàn quốc 2022
3/4 sinh viên kinh nghiệm “chinh chiến” sân chơi học sinh giỏi quốc gia
Trong 4 sinh viên đoạt giải Nhất cá nhân Olympic Cơ học toàn quốc năm nay, có đến 3 sinh viên đã từng có kinh nghiệm “chinh chiến” sân chơi Học sinh giỏi quốc gia từ năm học cấp 3. Đó là Lê Minh An (CTTN Cơ điện tử K64) – giải Nhì Học sinh giỏi Quốc gia môn Vật lý năm 2019, cựu thành viên đội tuyển Quốc gia tham dự Olympic quốc tế; Nguyễn Quang Long (CTTN Cơ điện tử K65) – Giải Nhất Học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý năm 2020; Phạm Lê Bắc (CTTT Kỹ thuật ô tô K64) – cựu thành viên đội tuyển Olympic tỉnh Nghệ An.
Cùng với Nguyễn Duy Anh (CTTN Cơ điện tử K65), 4 chàng trai đã đoạt giải Nhất 2 lĩnh vực trong kỳ thi Olympic Cơ học sinh viên toàn quốc vừa qua: An, Long, Duy Anh “ẵm” 3 giải Nhất lĩnh vực Cơ học kỹ thuật; Bắc giành giải Nhất lĩnh vực Thủy lực.
Ấn tượng về kỳ thi của An, Long, Duy Anh là đề thi lĩnh vực Cơ học kỹ thuật… dễ! An làm hết 1,5 tiếng, kiểm tra tỉ mỉ bài làm 2 lần vẫn còn 1 tiếng nữa mới hết giờ. An nộp bài ra khỏi phòng thi, trong lòng vẫn lo lắng nhỡ đâu có phần nào làm không đúng.
An cho rằng cái khó của bài thi Cơ học Kỹ thuật là trình bày, viết phương trình, vì phải viết nhiều dòng nên dễ bị nhầm. Cậu đã “vấp” phải lỗi này trong kỳ thi chọn vào đội tuyển. Lúc đó, làm xong ra khỏi phòng, An xem lại bài thấy khá nhiều lỗi sai: Chép từ dòng trên xuống dòng dưới bị sai nên sai cả bài. Vì thế lúc đi thi cậu đã rất chú ý điều này.
Còn Long dí dỏm kể: “Có 3 tiếng làm bài thi, em làm hết 1 tiếng, còn ngồi soát lại bài. Ra phòng sớm em lại hơi lo lắng, tự nghĩ: Mình làm được thì các bạn khác cũng làm được. Nhỡ không được giải thì sao?”. Sở dĩ Long lo như vậy vì sợ mình lại giống như hai lần chọn đội tuyển đều làm được hết bài, thừa thời gian nhưng đều bị sai do lỗi không cẩn thận. Sau kỳ thi này, bài học Long rút ra là không được hấp tấp mà cần cẩn thận khi làm bài.
Duy Anh thì cười hiền nhớ lại: “Câu đầu tiên đội Bách khoa gặp nhau khi thi xong là: Đề dễ nhỉ! Em mang đề thi và đáp án về gửi thầy, chờ mãi không thấy thầy nói gì. Chắc chúng em làm không bị sai!
Thi xong, cả đội nhớ đến lời thầy giáo hướng dẫn Nguyễn Thái Minh Tuấn và thầy Phạm Thành Chung dặn trước khi đi thi: “Làm bài không được chủ quan. Các em luôn nhớ Đội Bách khoa chúng ta là đội mạnh, nếu mình không làm được thì đội khác cũng không làm được. Hãy cứ tự tin, bình tĩnh!”. Và cả đội yên tâm chờ kết quả.
Phạm Lê Bắc là thí sinh duy nhất của đội Cơ khí Bách khoa giành giải Nhất cá nhân lĩnh vực Thủy lực. Theo Bắc, đặc thù Thủy lực khó nhất là việc hiểu hệ thống. Lúc ôn luyện thầy hướng dẫn Phạm Văn Sáng cho cả đội tiếp cận nhiều hệ thống phức tạp. Nhưng khi làm bài thi, có những hệ thống Bắc và các bạn chưa gặp bao giờ.
“Dành thời gian hiểu đề còn lâu hơn thời gian làm bài. Khi hiểu rồi thì cứ “áp dụng công thức là ra!” – Bắc chia sẻ.
Thời gian ôn luyện đáng nhớ
Hỏi 4 sinh viên Trường Cơ khí Bách khoa nhớ nhất gì sau kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc năm nay? Phạm Lê Bắc kể ngay về thời gian ôn luyện kỷ lục của mình: 2 năm!
Phạm Lê Bắc và các bạn ôn luyện cùng thầy Phạm Văn Sáng tại phòng bộ môn 3 buổi tối/tuần
Thì ra đội tuyển của Bắc thành lập từ trước khi dịch Covid-19, dự định ôn để thi ngay trong năm 2020, nhưng dịch bệnh phức tạp khiến kỳ thi bị hoãn lại, đến 2022 mới tổ chức. Tính tổng thời gian cậu đã ôn luyện 2 năm cho kỳ thi này.
Thời gian ôn luyện cũng rất đặc biệt: 3 buổi tối/tuần, từ 6h-8h. Sở dĩ ôn muộn như vậy vì đội thi gồm nhiều sinh viên đến từ các ngành/lớp khác nhau, rất khó để khớp thời gian tập trung. Các sinh viên thường học cả ngày hoặc học xong buổi chiều là gặp nhau ở phòng bộ môn để ôn cùng thầy Phạm Văn Sáng.
“Thầy Sáng rất tâm lý với sinh viên. Học với thầy rất vui với những bài học thực tế thiết thực. Thấy chúng em tinh thần hơi chùng xuống do học cà ngày mệt mỏi, thầy lại động viên cả nhóm. Phòng bộ môn luôn có bánh kẹo để bọn em thêm năng lượng học tập.
2 năm ôn luyện, cũng có những thành viên rơi rụng vì đã ra trường, vì chờ đợi lâu quá nên cũng hơi nản. Trước khi công bố thi, em vẫn nhận tin nhắn của nhiều bạn hỏi: Ê, hỏi thầy Sáng xem năm nay có thi không nhé! Chúng em yêu trường, quý thầy và muốn được bung sức sinh viên Cơ khí Bách khoa lắm” – Bắc chia sẻ.
Thầy Nguyễn Thái Minh Tuấn ôn luyện cùng nhóm thi Cơ học kỹ thuật theo hình thức online
Thầy Phạm Thành Chung ôn luyện cùng nhóm thi Cơ học kỹ thuật theo hình thức online
Ngược lại với nhóm thi Thủy lực, nhóm thi Cơ học kỹ thuật của An, Long, Duy Anh lại ôn luyện rất chớp nhoáng. Tập hợp đội tuyển tháng 4/2022, ôn luyện khoảng 3 buổi online, tháng 6/2022 cả nhóm thi luôn.
Chỉ qua mấy buổi học như vậy, cả nhóm đã có ấn tượng về hai thầy hướng dẫn giảng bài dễ hiểu, sinh viên hỏi gì thầy cũng giải đáp được hết. Duy Anh nhờ học các thầy mà tự nhận tư duy làm bài đã trở nên logic hơn, không kiểu “làm theo trực giác” như trước nữa.
Tự hào màu áo đỏ Bách khoa Hà Nội
Khi đi thi và lên bục nhận giải, các sinh viên Trường Cơ khí đều rất hãnh diện khi khoác màu áo đỏ truyền thống. “Mặc đồng phục Trường chúng em thấy có thêm sức mạnh tinh thần. Lúc vào thi, và lúc trao giải, cả nhóm đến rất sớm. Nhìn xung quanh thấy toàn màu áo đỏ Bách khoa với chữ HUST, sinh viên nào cũng rất tự hào” – Cả 4 sinh viên giải Nhất nói.
4 chàng trai đều mong muốn nếu có cơ hội sẽ thi tiếp kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc năm 2023, thử sức ở một lĩnh vực mới. Minh An và Lê Bắc, năm sau sẽ bận rộn hơn với đồ án tốt nghiệp, kế hoạch tham gia thi sinh viên NCKH và sáng tạo tại Trường, cân nhắc việc học lên thạc sĩ hay trải nghiệm thực tế việc làm. Giải Nhất cuộc thi Olympic Cơ học 2022 sẽ là một “dấu ấn” đẹp trong CV của cả hai nếu có ý định ra trường đi làm ngay.
Còn Quang Long và Duy Anh vẫn đang “nghe ngóng bản thân” để quyết định hướng đi tương lai. Long muốn được trải nghiệm nhiều cuộc thi để thỏa sức trai tại Bách khoa Hà Nội. Duy Anh hiện đã được tham gia lab thầy Bùi Đình Bá, bắt đầu tìm kiếm ý tưởng để thi NCKH.
Học siêu như vậy, nhưng 4 chàng trai không hề “mọt sách” tẹo nào, có lúc còn hơi “mải chơi” nữa! Nếu bạn muốn giao lưu với 4 chàng trai vàng của Trường Cơ khí, hãy thử mời 4 bạn trai hóm hỉnh này đánh một ván game hay tạt qua phòng tuyển sinh giờ nghỉ, làm một vài “séc” bóng bàn nhé!
BẢNG VÀNG SINH VIÊN BÁCH KHOA HÀ NỘI KỲ THI OLYMPIC CƠ HỌC TOÀN QUỐC NĂM HỌC 2021-2022 3 giải NHẤT đồng đội gồm các môn: |
Gia Hân. Ảnh: Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội
Tác giả: Phạm Thanh Huyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn