Hul Sovannthyda, sinh viên K65 lớp Khoa học máy tính 02, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, là đại diện sinh viên Campuchia tại ĐHBK Hà Nội. Cuộc gặp gỡ tranh thủ giữa trưa tuy ngắn ngủi nhưng cô gái trẻ cũng kịp chia sẻ nhiều điều thú vị.
Một cuộc sống thoải mái ở quê hương thứ hai
Sovannthyda đã hoàn thành một năm học Khoa học máy tính ở Campuchia rồi mới sang Việt Nam học. Trong khá nhiều sự lựa chọn khi giành được học bổng du học tại Việt Nam, cô chọn Công nghệ thông tin ở Bách khoa Hà Nội vì được các tiền bối chia sẻ kinh rằng: Ngành Công nghệ thông tin tại Bách khoa Hà Nội hiện đang “hot” nhất. Sau thời gian trải nghiệm học tại Việt Nam, theo cô, “chất lượng đào tạo Khoa học máy tính ở đây tốt hơn ở Campuchia, máy móc hiện đại và thầy cô giỏi”.
Sovannthyda tham gia Tết Campuchia ở Việt Nam năm 2022. Ảnh: NVCC
Cơ hội việc làm của du học sinh Campuchia tại Việt Nam sau khi về nước cũng khá rộng mở. Campuchia có trụ sở một công ty Việt Nam ở ngay thủ đô. Do vậy, ứng viên biết tiếng Việt sẽ có nhiều ưu thế. Sovannthyda cho biết: “Ở Campuchia, mức lương cho sinh viên mới ra trường khá thấp, còn ở Việt Nam, sinh viên tốt nghiệp từ Bách khoa Hà Nội sẽ có cơ hội việc làm rộng mở hơn”.
“Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Quả thực, khó khăn lớn nhất của Sovannthyda là tiếng Việt. Nhiều môn học, cô không thể bắt kịp nhịp độ của giảng viên và các bạn, không chỉ do tiếng Việt khó, còn bởi các thầy cô đến từ nhiều vùng miền khác nhau, có nhiều từ Sovannthyda không biết.
Tuy nhiên, thầy cô và sinh viên Bách khoa Hà Nội luôn quan tâm các du học sinh. Các bạn được thầy cô phụ đạo thêm các môn chính trị, được hướng dẫn cách ôn bài và trả lời sao cho đúng trọng tâm. Nếu vẫn chưa hiểu, các bạn về nhà tự học thêm qua sách vở và hỏi bạn bè cùng lớp. “Các bạn Việt Nam rất vui vẻ, hòa đồng, giúp đỡ tôi rất nhiều trong học tập”, Sovannthyda nói.
Ngoài học bổng cử nhân được cấp bởi hai chính phủ Việt Nam – Campuchia, Sovannthyda còn nhận được hỗ trợ từ gia đình, giúp cô có một cuộc sống thoải mái ở “quê hương thứ hai” này. Ở Việt Nam, cô chỉ cần đi học, thời gian rảnh Sovannthyda tận dụng để đi thăm các địa điểm du lịch ở Việt Nam.
Cô đã đi Tam Chúc, Tam Đảo, Tây Thiên, … cùng nhiều người Campuchia ở Việt Nam. Cô cho rằng “tự đi du lịch ở Việt Nam rất dễ dàng và vui vẻ”. Mọi thứ cô đặt trước hoàn toàn qua các ứng dụng trên điện thoại. Sắp tới, cô muốn đến thăm nhiều địa danh xa hơn như Đà Nẵng, Sapa, …
Thời đỉnh dịch, tất cả sinh viên quốc tế ở ký túc xá Campuchia đều đã dương tính với vi-rút. Các bạn bị nhiễm Covid-19 được các thầy cô hỗ trợ đồ ăn, mỗi bạn 3 thùng mì tôm, gạo, … để đảm bảo không phải ra ngoài. Các bạn cũng được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, chi trả 80% chi phí khám chữa bệnh tại Trung tâm y tế của Trường. Sau khoảng 1 tuần, với sự giúp đỡ và thăm hỏi thường xuyên của các thầy cô, sinh viên ở ký túc xá đã hoàn toàn khỏi bệnh.
Cũng trong thời gian đó, Phòng Công tác sinh viên Nhà trường đã tích cực phối hợp với Ban quản lý ký túc xá sinh viên quốc tế để tổ chức tiêm phòng Covid-19 Hiện nay, gần 100% sinh viên quốc tế đã tiêm phủ mũi 2, 3 vắc-xin.
Sovannthyda chia sẻ rằng: Các thầy cô quản lý ký túc xá rất thân thiện, vui vẻ nhưng cũng rất “dữ” khi sinh viên đi chơi về quá giờ giới nghiêm. Thường 12h đêm các thầy cô sẽ đóng cửa, đôi khi các cô cậu sinh viên ham chơi về muộn sẽ bị thầy cô mắng, không cho vào. “Lúc đó chúng tôi lại nài nỉ, thầy cô thương tình lắm mới cho vào”, cô sinh viên trẻ kể lại.
2021 là năm đầu tiên Sovannthyda được dự Tết Việt do các thầy cô ở ký túc xá tổ chức. Tết Việt, mọi người về quê hết nên Hà Nội thưa người, khiến cô nhớ nhà và nghĩ về gia đình nhiều hơn. Tuy nhiên, năm 2022 được về quê hương do dịch Covid19, cô lại thấy nhớ Việt Nam, tự tổ chức Tết Việt tại Campuchia.
“Tết Campuchia diễn ra vào tháng 4 dương lịch, trong ba ngày, người Campuchia thích đi chùa, té nước vào nhau và thoa bột thơm lên má nhau để chúc một năm mới may mắn”, Sovannthyda chia sẻ. Tết Campuchia vừa rồi, sinh viên Campuchia tại Bách khoa Hà Nội cũng tự tổ chức tại ký túc xá và mời một số thầy cô, sinh viên Việt Nam tham dự. Sovannthyda kể, các bạn Việt Nam dự Tết Campuchia vui quá còn hỏi “Một năm chỉ có một Tết thôi à?”.
Sinh viên đi du học không chỉ để biết thêm kiến thức, áp dụng vào công việc và cuộc sống sau này, mà còn góp phần tạo nên sự giao thoa văn hóa hai nước, đưa những con người khác dòng máu xích lại gần nhau hơn.
Sovannthyda thích các địa điểm du lịch và món ăn Việt Nam. “Tôi đam mê nhất là bún đậu mắm tôm, hương vị Việt khiến tôi thòm thèm khi về Campuchia”, Sovannthyda cười. Cô từng đi tìm nơi bán món này ở Campuchia nhưng không ngon bằng ở Việt Nam. Khẩu vị người Campuchia khá cay, khi cô mời các bạn Việt Nam ăn thử món cà ri đặc sản, các bạn đều lắc đầu từ chối vì “quá cay, không thể ăn được”.
Những câu chuyện “dở khóc dở cười”
Theo đại diện sinh viên Campuchia, có lẽ vì cùng thuộc khu vực Đông Nam Á, người Việt Nam rất giống người Campuchia, rất thân thiện, cho cô cảm giác “đây như ngôi nhà thứ hai”.
Cũng vì thế, Sovannthyda gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười. Khi sang Việt Nam học, cô đã “tậu” xe máy để tiện di chuyển từ ký túc xá đến Trường. “Ở Campuchia, lái xe dưới 125cc không cần bằng lái” nên khi sang Việt Nam, cô từng bị… cảnh sát giao thông phạt vì chưa có bằng lái. Thậm chí, Sovannthyda còn từng bị công an Việt Nam nghi ngờ, coi là… nói dối vì trông không giống người nước ngoài, cho đến khi cô đưa ra giấy tờ tùy thân.
Sovannthyda tại buổi lễ gặp mặt lưu học sinh Campuchia ở Vĩnh Phúc năm 2022. Ảnh: NVCC.
Cuối năm 2021 là khoảng thời gian “khủng hoảng” của Sovannthyda khi cô gặp khá nhiều chuyện “xui xẻo”. Trong vòng hai tuần, cô bị hỏng xe đến hai lần do cho bạn mượn và bị tai nạn giao thông. Sau đó hai tuần thì cô bị mất điện thoại.
Khi gặp khó khăn, cô cảm thấy nhớ nhà nhiều hơn, muốn về với gia đình nhưng cũng không dám nói với bố mẹ, chỉ có thể chia sẻ với những người bạn tại Việt Nam. “Đây là điều may mắn nhất của tôi, khi đến Việt Nam học có những người bạn tốt, có thể trò chuyện mỗi lúc vui buồn”, Sovannthyda xúc động.
Ở Campuchia, ngoài thời gian học trên trường, các bạn phải về làm việc nhà, không được ra ngoài đi chơi. Ở Việt Nam, các bạn được ở ký túc xá, ăn và sống cùng nhau trong một phòng 4 thành viên, “chúng tôi thân thiết với nhau như một gia đình”. Thậm chí, Sovannthyda còn sang nhà bạn chơi, đây là một trải nghiệm mà theo cô, nếu ở Campuchia, cô sẽ không bao giờ có được.
Gặp cô gái nhỏ tại lớp học tiếng Việt ở Sơn Tây, Thai Socheat, đồng hương của Sovannthyda, đã trở thành một trong những người bạn thân nhất của cô. “Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã chơi rất thân với nhau và tới giờ chưa từng cãi nhau một lần”, cậu khẳng định.
Với Thai Socheat, Sovannthyda rất vui tính, tốt bụng và luôn ủng hộ bạn bè. Đó là lý do giúp hai bạn có thể đồng hành cùng nhau trên quãng đường thanh xuân tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ngày 24/6/2022, là đại diện sinh viên Campuchia tại Bách khoa Hà Nội, Sovannthyda đến Nhà hát Lớn (Hà Nội) để tham dự Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967-24/6/2022). Cô hào hứng và thích nhất chương trình giao lưu nghệ thuật của hai nước, “đặc biệt là bài hát rất hay tả về vẻ đẹp của Hà Nội”.
Tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia đã được tôi luyện qua những năm đấu tranh giành độc lập, tự do. Đó cũng là cơ sở, là nền tảng vững chắc để hai nước tiếp tục phát huy trong giai đoạn hiện nay, cùng hướng tới hợp tác, phát triển, thịnh vượng...
Để tiếp tục giữ gìn và không ngừng vun đắp quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia, hai bên thường xuyên coi trọng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, sẵn sàng làm hết sức mình, chân thành giúp đỡ lẫn nhau, vượt qua khó khăn thử thách vì mối quan hệ hai nước ngày càng tốt đẹp và lợi ích tối cao của nhân dân mỗi nước.
Trao đổi, hỗ trợ sinh viên hai nước du học cũng là một trong những chiến lược hợp tác song phương, phát triển nền giáo dục đôi bên. Chính phủ Việt luôn tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên Campuchia đến học tập, sinh sống và làm việc. Các du học sinh Campuchia tại Đại học Bách khoa Hà Nội là những minh chứng sống tốt nhất cho những cố gắng thắt chặt tình hữu nghị của hai quốc gia.
Sovannthyda yêu cả Việt Nam và Campuchia: “Vì là con gái duy nhất của ba mẹ, ba mẹ muốn tôi về Campuchia làm việc. Nhưng nếu được làm việc ở Việt Nam thì đó cũng là một cơ hội tốt cho tôi”. |
Hạ San
Tác giả: Trần Thu Trang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn