PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường, khẳng định Bách khoa Hà Nội đang nỗ lực phát triển trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu, khẳng định vị thế hàng đầu Việt Nam, tiếp cận với chuẩn mực của khu vực và thế giới.
Ngày 17-18/11, hội thảo trực tuyến về “Đảm bảo và kiểm định chất lượng trong giáo dục đại học: Bài học thực tiễn từ Đức và Việt Nam” được tổ chức bởi trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức, nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 65 năm ngày thành lập trường.
Trong buổi hội thảo, hai nội dung quan trọng về đảm bảo chất lượng được trao đổi và thảo luận gồm đảm bảo chất lượng bên trong và bên ngoài cơ sở giáo dục đại học và kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của các tổ chức quản lý và kiểm định Châu Âu.
Theo PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Bách khoa Hà Nội luôn nỗ lực thực hiện có lộ trình các mục tiêu cải tiến chất lượng trong mọi hoạt động với phương châm: “Nhà trường làm nền tảng - Người thầy là chủ thể, là động lực phát triển - Người học là trung tâm”.
“Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đang tập trung đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng theo các tiêu chuẩn giáo dục đại học châu Âu nhằm thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế”, Hiệu trưởng chia sẻ.
Đảm bảo chất lượng giáo dục là quá trình nhằm đánh giá và cải tiến hoạt động của trường đại học theo những tiêu chuẩn chất lượng về đào tạo, nghiên cứu khoa học, gắn kết và phát triển cộng đồng.
Trong tự chủ đại học, đảm bảo chất lượng giáo dục là một trong những nội dung quan trọng nhất để nâng cao chất lượng chuẩn đầu ra và góp phần nâng cao vị thế, uy tín của môi trường.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng tại buổi hội thảo ngày 17/11. Ảnh: CCPR - Duy Thành
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã xây dựng và ban hành 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, thực hiện 5 mục tiêu chiến lược phát triển trong giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, 32 chỉ số đánh giá và đo lường việc thực hiện các mục tiêu chiến lược được xây dựng.
Mục tiêu đầu tiên là phát triển thành một đại học nghiên cứu đa lĩnh vực với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ thông qua chuyển đổi số và quy hoạch phát triển các lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu.
Mục tiêu thứ hai là xây dựng hình mẫu một Bách khoa Hà Nội tự chủ toàn diện với mô hình quản trị tiên tiến, hệ thống tài chính vững mạnh, hạ tầng khuôn viên và cơ sở vật chất hiện đại ngang tầm khu vực.
Mục tiêu thứ ba là xây dựng môi trường học thuật sáng tạo, cởi mở và quốc tế hóa để thu hút sinh viên và học giả trong nước và quốc tế.
Mục tiêu thứ tư là nâng chất lượng của tất cả các chương trình đào tạo đạt mức cao theo các tiêu chuẩn kiểm định khu vực hoặc quốc tế, đồng thời đưa Trường lên nhóm đầu khu vực theo xếp hạng khả năng việc làm của người tốt nghiệp.
Mục tiêu thứ năm là hình thành trung tâm sáng tạo công nghệ mang tầm cỡ khu vực, thu hút nhiều nguông tài trợ và đầu tư của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong thời gian tới, Bách khoa Hà Nội phấn đấu trở thành nhóm đầu khu vực theo xếp hạng năng lực sáng tạo.
Lộ trình đặt ra, tới năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành một đại học tự chủ toàn diện, có mô hình tổ chức và quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn, khẳng định vị thế trong và ngoài nước.
Hiện Trường có 3 chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao đạt chuẩn kiểm định kỹ sư Pháp và châu Âu (CTI ENAEE), 11 chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn của Hiệp hội các trường ĐH Đông Nam Á (AUN-QA), 2 chương trình được kiểm định theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Kế toán viên công chứng Úc (CPA)…
Buổi hội thảo có sự tham gia của đại diện từ Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Đại sứ quán Đức, cơ quan trao đổi hàn lâm Đức, các tổ chức kiểm định chất lượng từ Việt Nam và Đức, cùng các lãnh đạo, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực đảm bảo và kiểm định chất lượng tại khối các trường đại học Việt Nam.
Trong buổi hội thảo, các bài thuyết trình về chính sách và xu hướng đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học tại Việt Nam, giới thiệu và ứng dụng các tiêu chuẩn ESG, AQSQ và ASIIN của các trường đại học tại Việt Nam và thực trạng về đảm bảo chất lượng tại các trường đại học Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm. PGS. Trương Việt Anh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, mở đầu cho bài phát biểu đến từ các trường đại học Việt Nam để chia sẻ bài toán thực tiễn của trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) là một trong những tổ chức đi đầu về hỗ trợ các chương trình trao đổi sinh viên và các nhà khoa học. DAAD đã hỗ trợ trên 1,9 triệu học giả trong và ngoài nước. DAAD cũng đóng vai trò như một hiệp hội của các trường Đại học, Cao đẳng Đức và các sinh viên.
Tác giả: Phạm Thanh Huyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn