Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ năm - 17/07/2025 07:00
Sự kiện chào mừng Tân sinh viên K69 Khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục. Ảnh: Khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục
Ngành Quản lý Giáo dục (mã xét tuyển ED3) đã và đang thu hút nhiều sự quan tâm của thí sinh nhờ chương trình đào tạo thực tiễn và cơ hội nghề nghiệp phong phú. Sinh viên ED3 K70 tương lai hãy cùng lắng nghe chia sẻ từ tiền bối để có thêm thông tin đăng ký nguyện vọng nhé!
Là khóa sinh viên đầu tiên của ngành Quản lý giáo dục, Khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục, ba gương mặt tiêu biểu K69 - Đỗ Thị Hoài Anh, Vũ Thị Hiền và Trần Thị Thanh Thúy - sẽ “bật mí” hành trình học tập, cảm nhận sau một năm học đầy trải nghiệm và những lời khuyên sâu sắc tới các hậu bối đang đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề.
Vừa học từ giảng đường, vừa học từ trải nghiệm thực tế
Từng là học sinh trường chuyên, Đỗ Thị Hoài Anh lựa chọn xét tuyển ngành Quản lý Giáo dục bằng phương thức xét tuyển tài năng diện 1.3, đạt điểm số ấn tượng 97.68, là thủ khoa đầu vào của Khoa theo diện xét tuyển này.
Chia sẻ lý do chọn ngành Quản lý Giáo dục của Bách khoa Hà Nội, Hoài Anh hóm hỉnh bày tỏ: “Mình nghĩ trở thành Gen 1 của ngành chắc sẽ... ‘ngầu’ lắm!”. Nhưng hơn cả, Hoài Anh dành sự yêu thích đặc biệt cho Đại học Bách khoa Hà Nội từ những năm học cấp ba, ước mơ làm việc trong ngành Giáo dục, do đó ED3 đã được đặt tại nguyện vọng 1 của “sắn Bách khoa” khi đăng ký xét tuyển. Đỗ Thị Hoài Anh (bìa trái) cùng gia đình tham gia sự kiện Gặp gỡ Idol XTTN năm 2024. Ảnh: NVCC
Sau năm học đầu tiên, Đỗ Thị Hoài Anh khẳng định lựa chọn của mình là hoàn toàn đúng đắn: ED3 10 điểm không có nhưng!
Môn học yêu thích nhất của Hoài Anh là Kỹ năng mềm, thực hiện bài tập nhóm cần xây dựng kịch bản và quay – dựng, biên tập video với chủ đề về kỹ năng tự chọn. Cô sinh viên năm Nhất cũng bày tỏ sự hứng thú với các học phần Giải tích, Đại số - những môn học vốn nổi tiếng “khoai” với sinh viên Bách khoa.
Đỗ Thị Hoài Anh vừa hăng hái học tập, tích lũy tri thức trên giảng đường, vừa tích cực tham gia các hoạt động ngoại khoá. Cô bạn là thành viên CLB Truyền thông HUST Media Club, phụ trách quay, dựng video. “Mình nghĩ rằng truyền thông cũng là một hình thức giáo dục, một công cụ để làm giáo dục, mình muốn sử dụng nó để tạo ảnh hưởng tích cực trong lĩnh vực này.” - Hoài Anh nhận định tham gia CLB là cơ hội giúp cô vận dụng kiến thức từ ngành học vào thực tế và học hỏi thêm từ bạn bè.
Sau một năm học, cô sinh viên năng động đã đạt Học bổng Khuyến khích học tập. Hoài Anh chia sẻ ba yếu tố mấu chốt để có kết quả này: Lập kế hoạch rõ ràng, học nhóm hiệu quả và sự đồng hành của gia đình, thầy cô.
“Thầy, cô Bách khoa luôn đồng hành cùng chúng mình, không chỉ giảng dạy mà còn sẵn sàng định hướng, hỗ trợ, lắng nghe. Đó là điều mình rất trân trọng.” - Đỗ Thị Hoài Anh bày tỏ.
Với Hoài Anh, ngành ED3 là mảnh đất màu mỡ để phát triển đam mê, khai phá bản thân và là bước đệm vững chắc để thực hiện ước mơ trở thành một chuyên gia Giáo dục truyền cảm hứng!
Chọn ED3 là nơi “tập lớn”
“Lúc mới thi tốt nghiệp THPT xong, mình loay hoay với việc chọn ngành, chọn nghề. Tìm hiểu đủ ngành, làm nhiều bài test trên mạng, nhờ cả... chatGPT tư vấn mà vẫn băn khoăn không biết đặt nguyện vọng thế nào.” - Vũ Thị Hiền hồi tưởng chính mình của một năm về trước.
Được gia đình định hướng, Hiền bắt đầu tìm hiểu thông tin về ngành Quản lý Giáo dục và bị thu hút bởi những video truyền thông sử dụng đồ họa sống động, trực quan, đầy màu sắc công nghệ của ngành. Và điều đó đã đưa Vũ Thị Hiền trở thành sinh viên K69 Đại học Bách khoa Hà Nội.
“Mình từng nghĩ học Bách khoa sẽ rất khô khan, thuần kỹ thuật. Nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Môi trường tại Khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục rất cởi mở, truyền cảm hứng.” - Cô sinh viên năm Nhất không chỉ được thu nạp kiến thức mà còn phát triển kỹ năng mềm, tư duy phản biện - những yếu tố quan trọng để bước chân ra thị trường lao động.
Vũ Thị Hiền cũng tiếp xúc với công việc thực tiễn từ sớm thông qua các buổi tọa đàm, hội thảo chuyên đề cùng chuyên gia giáo dục và chuyến tham quan thực tế tại một trung tâm đào tạo kỹ năng cho học sinh để tìm hiểu mô hình quản lý giáo dục ngoài nhà trường. Qua đó, Hiền định hình được một bức tranh rõ ràng hơn về con đường nghề nghiệp tương lai: “Những hoạt động này giúp mình hiểu rõ hơn về yêu cầu thực tế của thị trường, từ đó phát triển kỹ năng phù hợp và hoàn thiện bản thân.” Vũ Thị Hiền (bìa trái) cùng thầy cô, bạn bè tham gia Hội nghị Sinh viên NCKH lần thứ 42. Ảnh: NVCC
Vũ Thị Hiền đã có một năm học đầy nỗ lực, đạt được Học bổng Khuyến khích học tập học kỳ 1 năm học 2024-2025 với GPA 3,46 và giải Khuyến khích poster tại Hội nghị Sinh viên NCKH lần thứ 42. Nhưng hơn cả thành tích, điều Hiền tự hào nhất là sự trưởng thành của bản thân: Biết lắng nghe nhiều hơn, nhìn vấn đề đa chiều hơn và bước ra khỏi vùng an toàn. Cô sinh viên K69 Quản lý Giáo dục bày tỏ: “ED3 là nơi mình lựa chọn để ‘tập lớn’, hoàn thiện hơn mỗi ngày!”
Yêu nhất là người Bách khoa!
Trần Thị Thanh Thúy nhớ như in lần đầu đến Đại học Bách khoa Hà Nội tham gia Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển, trò chuyện cùng TS. Nguyễn Thị Thanh Tú - Giảng viên Khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục và “phải lòng” ngành ED3 từ đó.
Như mối nhân duyên đã định, Thanh Thuý trở thành sinh viên Quản lý Giáo dục, gặp lại cô giáo Bách khoa đã truyền cảm hứng cho Thuý đến với ngành và trở thành học trò của cô.
Thuý cũng “điểm danh” các thầy, cô giáo Bách khoa để lại cho cô bạn ấn tượng sâu sắc sau một năm học: Thầy Trưởng khoa - PGS. Lê Hiếu Học sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận và trả lời tận tâm ý kiến của sinh viên; TS. Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - Giảng viên chủ nhiệm luôn yêu thương và hỗ trợ sinh viên hết mực;...
Trần Thị Thanh Thuý bộc bạch, ấn tượng sâu sắc nhất sau một năm học là con người Bách khoa: “Thầy, cô và bạn bè trong Đại học đều rất giỏi, tận tình và luôn sẵn sàng hỗ trợ. Môi trường Bách khoa không chỉ giúp mình học tốt hơn mà còn khiến mình cảm thấy trân trọng, biết ơn những người tuyệt vời xung quanh!”. Sinh viên Trần Thị Thanh Thúy trong một hoạt động trải nghiệm thực tế của Khoa. Ảnh: NVCC
Là một thành viên năng động của CLB EdTech Bách khoa và EduNext Bách khoa, Thúy dần hoàn thiện kỹ năng viết content, thiết kế PowerPoint, kỹ năng thuyết trình - những yếu tố “nhỏ mà có võ” để cô tự tin hoàn thành các bài tập lớn, tham gia các dự án học thuật. Nỗ lực học tốt, năng nổ hoạt động ngoại khóa, Thanh Thuý đặt mục tiêu trở thành “thợ săn học bổng” trong những năm học tiếp theo tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
Từ những trải nghiệm cá nhân, Trần Thị Thanh Thuý gửi gắm đến các sinh viên ED3 K70 tương lai: “Hãy dành thời gian lắng nghe bản thân để hiểu rõ thế mạnh, đam mê của mình trước khi quyết định nguyện vọng. Nếu yêu thích Quản lý Giáo dục, chắc chắn lựa chọn đồng hành cùng Khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục, gắn bó với Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ không làm các em thất vọng! Chúc 2k7 sớm nhận được giấy báo trúng tuyển vào ngành các em đã chọn, hẹn gặp các em sau cánh cổng Parabol!”
Từ năm học 2024-2025, Đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu tuyển sinh ngành Quản lý Giáo dục, góp phần mở ra một hướng đi mới trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện nền giáo dục Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số sâu rộng.
Bên cạnh khối kiến thức đại cương, sinh viên ngành Quản lý Giáo dục tại Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ được trang bị những kiến thức chuyên môn đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nghề nghiệp. Các môn học tự chọn theo hai hướng chuyên sâu gồm: Module 1 về Quản lý giáo dục số với việc ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý giáo dục; Module 2 về Quản lý chất lượng giáo dục.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Quản lý Giáo dục có thể đảm nhận nhiều vị trí như chuyên viên quản lý hành chính giáo dục, khảo thí, kiểm định chất lượng, phát triển chương trình đào tạo, nghiên cứu giáo dục, hoặc công tác tại các cơ sở giáo dục, cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế. Ngoài ra, sinh viên cũng có cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục hoặc học tiếp bậc cao học để trở thành giảng viên.