“Thủy thủ đoàn Bách khoa” đồng hành cùng thí sinh 2k7 tìm đúng bến đỗ!

Thứ bảy - 19/07/2025 02:30
Tàu ngầm tri thức Bách khoa Hà Nội chạy hết tốc lực đưa thí sinh đến bến đỗ phù hợp
Tàu ngầm tri thức Bách khoa Hà Nội chạy hết tốc lực đưa thí sinh đến bến đỗ phù hợp
Mang hình tượng chiếc tàu ngầm hiện đại đang lặn sâu khám phá tri thức, gian tư vấn chung của Đại học Bách khoa Hà Nội tại Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng 2025 (ngày 19/7) đã thu hút hàng ngàn thí sinh và phụ huynh “lên tàu” để được tư vấn chuyên sâu, lựa chọn nguyện vọng xét tuyển vào 65 chương trình đào tạo. Mỗi ngành học là một tọa độ, mỗi giảng viên là một thủy thủ dày dạn kinh nghiệm, giúp sĩ tử 2k7 định vị đam mê, xác định hướng đi và tìm ra bến cảng phù hợp nhất cho tương lai.

Sự kiện Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng 2025 do Báo Tuổi Trẻ và Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Tại khu vực miền Bắc, sự kiện diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội quy tụ gần 160 gian tư vấn của phần lớn các trường đại học, cao đẳng lớn trên địa bàn thành phố.
 
Đại diện Bộ GDĐT và các cơ sở giáo dục đại học chia sẻ tại Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng 2025
Tham gia sự kiện, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức tư vấn tại 2 khu vực: Khu vực tư vấn chung; Khu vực tư vấn chuyên sâu về ngành, nghề và 65 chương trình đào tạo.

Những "đặc sản" Bách khoa Hà Nội thu hút thí sinh 

Mỗi ngày hội tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội lại mang đến một “menu đặc sản” khiến thí sinh và phụ huynh đi ngang là phải ngoái lại, đi vào là muốn nán lại thật lâu.

Tại trung tâm khuôn viên ngày hội, các sĩ tử 2k7 dễ dàng nhận ra khu vực “đóng quân” ấn tượng được thiết kế theo hình tượng tàu ngầm đậm chất công nghệ, nổi bật với sắc đỏ truyền thống gắn liền với bản sắc, tinh thần kỹ thuật của ngôi trường đầu ngành.

Vào trong các gian tư vấn chuyên sâu tại Hội trường C2, thí sinh và phụ huynh được đón tiếp bởi “thuỷ thủ đoàn” đầy năng lượng gồm các giảng viên, sinh viên Bách khoa Hà Nội từ tất cả các Trường/Khoa/Trung tâm đào tạo. 

Các “tư vấn viên” lắng nghe, trao đổi trực tiếp với thí sinh, phụ huynh những thông tin cần thiết; giải đáp những vướng mắc trong quá trình tìm hiểu các ngành, trường, phương thức xét tuyển cũng như các bước đăng ký nguyện vọng xét tuyển sao cho hiệu quả. 

Để tăng cơ hội cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, thầy, cô giáo Bách khoa Hà Nội sẽ đề xuất một số ngành gần, ngành có tính liên ngành. Chương trình đào tạo tại Bách khoa Hà Nội được thiết kế liên kết chặt chẽ với nhau, do đó bên cạnh ngành học mục tiêu, thí sinh có thể cân nhắc đặt thêm nguyện vọng. Ngoài ra, mỗi bàn tư vấn đều được chuẩn bị sẵn các mã QR để thí sinh kết nối với đội ngũ tư vấn online sẵn sàng giải đáp thắc mắc sau buổi tư vấn. 
 
Giảng viên Bách khoa Hà Nội nhiệt tình tư vấn cho thí sinh
Tại gian tư vấn Bách khoa Hà Nội, không khó gặp những câu nói “Bố/mẹ/anh/chị của em cũng học Bách khoa!”, truyền thống “cả nhà học Bách khoa” là một trong những lý do thôi thúc nhiều sĩ tử quyết tâm trở thành HUSTers K70, “all-in” tất cả nguyện vọng vào Đại học Bách khoa Hà Nội!

Vượt trăm cây số để nghe tư vấn tuyển sinh, chọn ngành

Xuất phát từ TP. Hạ Long (Quảng Ninh) lúc 4h30’ sáng, hai bố con học sinh Dương Hoàng Bách - Lớp 12 Chuyên Tin, Trường THPT Chuyên Hạ Long  đến nghe tư vấn cụ thể hơn về ngành học. 

Bách chia sẻ, em đặt nguyện vọng 1 vào Chương trình tiên tiến Kỹ thuật Ô tô (TE-E2) của Đại học Bách khoa Hà Nội vì nhận thấy ngành có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, nhất là lĩnh vực xe điện đang “khát” nhân lực chất lượng cao. Với lợi thế tiếng Anh, Bách mong muốn học trong môi trường chuẩn quốc tế để có thêm cơ hội du học, trao đổi. 
 
20250719 DSC 8164
Hai bố con Dương Hoàng Bách (bìa trái) lắng nghe thầy giáo Bách khoa Hà Nội tư vấn 
Dương Hoàng Bách cho biết em đã tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của Đại học, đặc biệt là bảng quy đổi điểm chuẩn và dự báo mức điểm trúng tuyển được Nhà trường công bố hôm qua (18/7): “Rất rõ ràng và dễ hiểu, giúp em định hướng nguyện vọng chính xác hơn!”

Nguyễn An Thảo và Nguyễn Thục Minh - đôi bạn thân đến từ Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐHQGHN - đã "chốt" nguyện vọng 1 vào Đại học Bách khoa Hà Nội từ rất sớm. An Thảo “mê” Chương trình tiên tiến Phân tích kinh doanh (EM-E13) từ năm lớp 10, còn Thục Minh chọn Hệ thống thông tin quản lý (MI2) theo định hướng gia đình và đặt mục tiêu du học Hàn Quốc trong tương lai.

“Em biết Bách khoa Hà Nội có nhiều chương trình học bổng và hợp tác với các đại học Hàn Quốc, nên càng có động lực thi vào trường.” - Thục Minh chia sẻ. 
 
20250719 DSC 8238
Đôi bạn thân Nguyễn An Thảo (trái) và Nguyễn Thục Minh
Với nền tảng ngoại ngữ vững vàng, lại học tốt các môn KHTN, hai cô gái lựa chọn các ngành đều đang “hot” trong thời kỳ chuyển đổi số, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực tài chính, logistics và công nghệ. 

“Chỉ mong cùng đỗ để hẹn nhau đi ăn mừng thật to!” - An Thảo hào hứng bật mí dự định của đôi bạn thân.

Bốn “chiến hữu” lớp 12A Trường THPT Trần Phú - Phú Thọ (trước đây là Vĩnh Phúc) gồm Đỗ Đức Anh, Trương Khánh Hưng, Phạm Khôi Nguyên và Nguyễn Hoàng Nhật Minh đã rủ nhau bắt xe xuống Hà Nội để tham dự ngày hội.

Cả nhóm đều chung chí hướng: Đăng ký ngành Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa (EE2). Để “chắc suất” trúng tuyển, các em cũng đăng ký một số ngành thuộc nhóm có điểm chuẩn dự báo thấp hơn của Đại học Bách khoa Hà Nội.
 
Từ trái qua: Phạm Khôi Nguyên, Đỗ Đức Anh, Nguyễn Hoàng Nhật Minh và Trương Khánh Hưng
“Chúng em đã đi cùng nhau suốt thời gian cấp 3 và giờ muốn cùng bước tiếp tại giảng đường đại học. Bách khoa Hà Nội là ước mơ chúng em ấp ủ từ lâu và sẽ quyết ‘all-in’ để trở thành HUSTers K70!” - Nhật Minh phấn khởi chia sẻ.

Ngành nào sinh viên chưa ra trường đã “đắt show”?

Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai nhiều chương trình đào tạo bắt kịp xu thế phát triển của thời đại như: Khoa học máy tính (IT1), Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo (IT-E10), Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ Nano (MS2),... Nguồn nhân lực chất lượng cao do Nhà trường đào tạo đã và đang góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với 65 chương trình đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ phát hiện nhân lực công nghệ kỹ thuật mũi nhọn, mà còn duy trì các chương trình đào tạo có ý nghĩa chiến lược đối với phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thực tế cho thấy, sinh viên theo học các ngành này dù chưa tốt nghiệp đã được doanh nghiệp săn đón, cho thấy tiềm năng nghề nghiệp lớn và nhu cầu nhân lực cao.

Là một ngành học đặc thù tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Tiếng Anh Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ (FL1) được thiết kế để đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong bối cảnh hội nhập, với ba định hướng chính: biên - phiên dịch, giảng dạy và nghiên cứu. Sinh viên ngành này không chỉ giỏi ngoại ngữ mà còn có kiến thức nền tảng về kỹ thuật - công nghệ, từ đó mở ra nhiều cơ hội học tập và làm việc quốc tế. 
 
Sinh viên K67 Nguyễn Văn Hải Đăng (phải) và người thầy đáng mến TS. Trịnh Thị Ánh Hằng
Sinh viên K67 Nguyễn Văn Hải Đăng là một ví dụ tiêu biểu: Ngay từ năm hai, Đăng đã tham gia dịch cabin tại Hội nghị Thượng đỉnh FOSS Asia 2024. Cậu sinh viên FL1 cũng giành được học bổng trao đổi toàn phần DiscoverNUS tại Đại học Quốc gia Singapore và đang chuẩn bị hồ sơ cao học tại đây. Sau khi hoàn thành việc học, Hải Đăng mong muốn quay trở lại Bách khoa Hà Nội làm giảng viên, tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ sau. Hải Đăng là một trong rất nhiều sinh viên xuất sắc của ngành FL1 đang không ngừng nắm bắt cơ hội và phát triển mạnh mẽ trong môi trường học thuật năng động Bách khoa.

Còn Kỹ thuật Thực phẩm (BF2) là một trong những ngành khoa học thiết yếu và gần gũi nhất với cuộc sống. Đây là lĩnh vực nghiên cứu tổng hợp về khoa học cơ bản, vi sinh, hóa sinh, khoa học dinh dưỡng, y dưỡng, công nghệ sinh học và kỹ thuật để phát triển, quản lý nguồn thực phẩm.
 
Đội ngũ giảng viên, sinh viên Trường Hoá và KHSS nhiệt huyết, sẵn sàng giải đáp cho thí sinh
Nhiều thí sinh hỏi đùa “học ngành này có phải học nấu ăn?” được PGS. Vũ Thu Trang - Giám đốc Chương trình đào tạo BF2 dí dỏm phản hồi: “Đây là căn bếp khổng lồ, nhưng là căn bếp của tri thức và cơ hội phát triển đấy!”. Theo cô Trang, hơn 90% sinh viên có việc làm trong vòng 6 tháng sau tốt nghiệp, cho thấy sức hút lớn của một ngành học vừa gần gũi, vừa thiết yếu trong mọi giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.

Một trong những ngành nổi bật đang “được lòng” cả sinh viên lẫn doanh nghiệp là Chương trình tiên tiến Phân tích kinh doanh (EM-E13), thuộc Trường Kinh tế - Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là chương trình đạt kiểm định quốc tế AQAS, chú trọng phát triển tư duy phân tích và năng lực ứng dụng công nghệ vào kinh doanh. 
 
Bàn tư vấn của Trường Kinh tế tiếp nhận nhiều thí sinh có nhu cầu tìm hiểu ngành EM-E13
Sinh viên EM-E13 có nhiều cơ hội việc làm từ sớm, không ít bạn đi thực tập từ năm 2, năm 3: Hàng năm, Trường Kinh tế phối hợp cùng Khoa Toán – Tin tổ chức ngày hội việc làm để sinh viên tiếp cận trực tiếp với các doanh nghiệp trong ngành; Trong các đợt bảo vệ tốt nghiệp, danh sách đề tài sẽ Trường được gửi cho các doanh nghiệp đối tác, “chấm” sinh viên từ trước cả khi ra trường; Thông qua các hoạt động liên kết với các trường nước ngoài, sinh viên cũng có thể nắm bắt các cơ hội học tập, làm việc quốc tế;...

Mỗi ngành học đều có giá trị riêng trong sự phát triển chung của xã hội và đều mở ra những cánh cửa nghề nghiệp nếu người học thật sự đam mê và nghiêm túc theo đuổi. Nếu còn phân vân trong quá trình đăng ký nguyện vọng, đừng ngại đặt câu hỏi, thầy cô giáo Bách khoa luôn sẵn sàng lắng nghe, đồng hành và giải đáp mọi thắc mắc để giúp các em đưa ra lựa chọn đúng đắn và tự tin nhất!
 
Ảnh: Dĩnh Khiêm - Khánh Duy

Tác giả: Nguyễn Thu Huệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây