Sinh viên Bách khoa NCKH: Vào nhiều vai, “bơi xa bờ”

Thứ hai - 04/07/2022 22:30
Nguyễn Huy Hoàng (thứ sáu từ trái qua) đại diện nhóm nhận giải Nhất tại Hội nghị Tổng kết Tháng Sinh viên NCKH và sáng tạo năm học 2021-2022
 
Khoảnh khắc thay mặt cả nhóm lên khán đài nhận Giải Nhất Sinh viên Bách khoa NCKH & Sáng tạo năm học 2021-2022, Nguyễn Huy Hoàng – KTCK-K62, Trường Cơ khí - nhớ lại cả quãng đường cùng các anh em trong 3CS Lab, cùng thầy giáo hướng dẫn – TS. Trương Đức Phức – nghiên cứu ngày đêm để tối ưu hóa sản phẩm.
 
Trong gia đình thứ hai thân thương đó, Hoàng và thầy giáo, các anh em trong lab đã vượt qua nhiều khó khăn, áp dụng kiến thức đã học để làm ra những sản phẩm thông minh, giúp ích cho cuộc sống.
 
TS. Trương Đức Phức và nhóm sinh viên nghiên cứu, chế tạo cửa phân làn thông minh Smart Gate
TS. Trương Đức Phức và nhóm sinh viên nghiên cứu, chế tạo cửa phân làn thông minh Smart Gate
Thầy “làm khó” để trò vượt qua chính mình
 
Nhóm nghiên cứu của Hoàng gồm 5 thành viên gồm các sinh viên K62, K63, K64. Hoàng là anh cả, trưởng nhóm, phụ trách phần thiết kế và tối ưu kết cấu cơ khí, các sinh viên còn lại chia nhau làm về chế tạo máy, điều khiển và xử lý cơ sở dữ liệu…
 
Đề tài NCKH của nhóm Nguyễn Huy Hoàng là: Thiết kế và chế tạo hệ thống cửa phân làn thông minh Smart Gate. Nghe tên đề tài đã thấy hấp dẫn, đặc biệt khi sản phẩm làm ra có sự tích hợp cơ khí với công nghệ IoT, điều khiển thông minh. 
 
Hoàng được giao nhiệm vụ thiết kế và tối ưu kết cấu hệ thống cửa thông minh. Cậu hì hụi làm ngày đêm, nhưng ra được mẫu nào là thầy lắc đầu mẫu đấy. Cũng thấy ức chế lắm, quyết tâm làm một cái thật nuột nà, hoàn chỉnh, nghĩ chắc lần này thầy sẽ ưng! Nhưng KHÔNG, thầy vẫn không bằng lòng, yêu cầu Hoàng chỉnh sửa và cải tiến. Hoàng lúc đó muốn buông tất cả, không làm mẫu cửa nào nữa.
 
Bình tâm lại, Hoàng quyết định gặp riêng thầy trao đổi một buổi để hỏi đến tận cùng lý do tại sao các mẫu cửa trước của cậu không đạt. Hai thầy trò trao đổi cả buổi sáng.
 
Thầy khuyên Hoàng và các sinh viên khi thiết kế sản phẩm, cậu không chỉ là người thiết kế mà cần đặt mình trong vai người sử dụng, người gia công chế tạo, người lắp ráp, người sửa chữa bảo dưỡng… Ngoài ra cần chú ý đến tính thẩm mỹ của sản phẩm, chi phí gia công, chế tạo… Nghĩa là phải có cái nhìn tổng thể về sản phẩm.
 
Mẫu cửa của cậu với người thiết kế có thể đáp ứng được về mặt nguyên lý hoạt động, nhưng chưa có tính thẩm mỹ, ngoài ra khả năng gia công và lắp ráp khó khăn dẫn đến chi phí sản xuất cao. Quá trình sửa chữa, bảo dưỡng còn gặp nhiều khó khăn… Do đó, cần phải chỉnh sửa lại thiết kế.
 
Lý giải của thầy Phức khiến Hoàng tâm phục khẩu phục. 
 
Còn cậu sinh viên năm 3 Cơ điện tử Nguyễn Hoàng Vũ được giao nhiệm vụ xử lý cơ sở dữ liệu vào ra của hệ thống cửa phân làn thông minh. Công việc này đòi hỏi phải tìm hiểu nhiều về CNTT - kiến thức cậu chưa từng được học. Vũ bỏ thời gian mày mò tìm tài liệu, học hỏi thêm các anh trong Lab, bạn bè trong trường,… cuối cùng cũng hoàn thành được nhiệm vụ thầy giao.
 
Nhưng mỗi lần gặp thầy để báo cáo, thầy Phức lại “nâng cấp” giao thêm cho cậu nhiệm vụ mới. Gặp thầy 10 lần báo cáo về tiến độ thì 10 lần thầy bảo Vũ cập nhật thêm tính năng cho web cơ sở dữ liệu – như cậu nói là thầy cứ bắt “bơi xa bờ”! 
 
Mỗi lần như vậy, Vũ lại quay lại tìm hiểu, học hỏi thêm để hoàn thành nhiệm vụ thầy giao. Nếu không kiên trì, chắc cậu đã bỏ cuộc lâu rồi, bởi “những cái tôi làm không liên quan gì đến kiến thức tôi học ở trường cả!” – Vũ nói. Nhưng càng về sau, khi quen dần với “guồng” của thầy Phức, Vũ đã làm càng ngày càng nhanh hơn.
 
Có thể nói, hiện tại cậu tự tin mình có thể làm việc nhóm, có kiến thức tương đối về xử lý cơ sở dữ liệu và tích hợp hệ thống IoT vào các hệ thống và sản phẩm Cơ khí để tạo ra nhiều tính năng thông minh mới cho các sản phẩm. 
 
Hỏi thầy giáo hướng dẫn Trương Đức Phức: Có phải thầy thích làm khó sinh viên không? 
 
Thầy giáo trẻ cười rất sảng khoái: Quan điểm của tôi là sinh viên nếu được định hướng tốt, biết rõ mình cần phải làm gì thì sẽ tiếp cận rất nhanh. Dù không đúng mảng kiến thức đang học, nhưng hiện có rất nhiều chương trình có thể tự học, tìm tài liệu, cùng với sự hỗ trợ của thầy cô và bạn bè... Việc tìm tòi học hỏi đó quan trọng hơn là cứ đi theo lối cũ ai cũng biết. Như vậy mới tạo ra giá trị mới! Đây là bước đầu để các em tiếp tục dấn thân hơn nữa trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sản phẩm, tạo ra các thách thức lớn hơn khả năng của mình, vượt qua giới hạn của bản thân!
 
Sinh viên Nguyễn Huy Hoàng thay mặt cả nhóm thuyết trình đề tài NCKH trước các thầy/cô hội đồng
Sinh viên Nguyễn Huy Hoàng thay mặt cả nhóm thuyết trình đề tài NCKH trước các thầy/cô hội đồng
Tiềm năng thương mại hóa sản phẩm NCKH của sinh viên Bách khoa
 
Hoàng, Vũ và các sinh viên trong nhóm sau một thời gian nghiên cứu đã có sản phẩm thành hình hài. Cửa phân làn thông minh Smart Gate của nhóm tự tin cạnh tranh với các loại cửa thông minh khác trên thị trường ở tính năng ưu việt, tiết kiệm vật liệu và công suất, giá thành chỉ bằng khoảng 1/2. 
 
Với cửa thông minh thông thường, đa số kết cấu dùng điều khiển động cơ để cửa đóng chậm mở nhanh, dẫn tới công suất động cơ lớn, tiêu tốn về năng lượng. 
 
Thiết kế cửa phân làn thông minh của nhóm sinh viên Bách khoa sử dụng một số kết cấu trong cơ khí có tính năng đóng chậm mở nhanh. Với hệ thống đó, động cơ sử dụng có thể giảm công suất xuống, tiết kiệm điện và năng lượng hơn.
 
Ngoài ra, các chi tiết trong hệ thống cửa Smart gate đã được tính toán tối ưu hóa về kết cấu dựa trên phương pháp phần tử hữu hạn để các chi tiết đáp ứng yêu cầu về độ bền và khả năng chịu lực, nhưng khối lượng của các chi tiết là nhỏ nhất, Do đó giảm được chi phí về vật liệu, giảm khối lượng của hệ thống mà vẫn đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật. 
 
Bên cạnh đó, liên quan đến điều khiển và xử lý dữ liệu, hầu hết cửa trên thị trường hiện nay cơ bản chỉ có chức năng quản lý ra vào. Hệ thống cửa phân làn thông minh của nhóm sinh viên Bách khoa làm ngoài chức năng quản lý ra vào, những dữ liệu ra vào sẽ được lưu trên hệ thống server.
 
Nhà quản lý có thể dựa vào dữ liệu ra – vào của nhân viên, đưa ra các thống kê về thời gian làm việc, thời gian đi muộn - về sớm, thời gian nghỉ… từ đó có đánh giá về lương, thưởng, KPI; xử lý dữ liệu hàng tháng, hàng năm, giúp doanh nghiệp tìm hiểu thực trạng làm việc của nhân viên, từ đó có các chiến lược để điều chỉnh, cải tiến. “Trong tương lai gần, các tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi số sẽ áp dụng các mô hình như vậy” – TS. Trương Đức Phức cho biết. 
 
Điều quý giá hơn cả: Giữa các sản phẩm cửa thông minh nhập ngoại, cửa phân làn Smart Gate là sản phẩm Made in Việt Nam! Với ưu thế về giá thành, tính năng, nhóm sinh viên phát triển Smart Gate rất kỳ vọng vào tiềm năng thương mại hóa sản phẩm. TS. Phức bày tỏ tin tưởng: Nếu có cơ hội chúng tôi sẽ chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp hoặc khuyến khích sinh viên khởi nghiệp. 
 
Trong tương lai nhóm sẽ cải tiến, nâng cấp tính năng nhận diện của sản phẩm, có thể dùng khuôn mặt, thẻ từ, vân tay, quét QR code… để đa dạng hóa việc sử dụng cửa thông minh; Về cơ khí, kiểu dáng của sản phẩm sẽ cần thiết kế trau chuốt hơn nữa. Ngoài ra, nhóm sinh viên cần đánh giá kỹ hoạt động ổn định cả hệ thống để đảm bảo sản phẩm chế tạo ra hoạt động đạt độ tin cậy. 
 
Nhóm 5 sinh viên Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội đạt giải Nhất Sinh viên NCKH và Sáng tạo năm học 2021-2022
Nhóm 5 sinh viên Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội đạt giải Nhất Sinh viên NCKH và Sáng tạo năm học 2021-2022
Giữa đêm nhận tin nhắn giục… tiến độ của thầy giáo!
 
Thời điểm phỏng vấn các sinh viên Trường Cơ khí, thấy các em rất thảnh thơi! Mấy sinh viên còn đùa vui: “Đang guồng bận rộn ngày đêm nghiên cứu đề tài, giờ rảnh quá bọn em không quen! Còn mong được thầy “mắng” như hồi nghiên cứu!”. 
 
Hỏi: Thầy mắng nhiều lắm không?
 
Sinh viên: Khi làm việc, thầy rất nghiêm, nhưng trong cuộc sống, thầy tình cảm lắm. Chúng em coi thầy như người thân trong gia đình!
 
Nói thế thôi, chứ nhận tin nhắn bố mẹ không run, còn nhận tin nhắn thầy vào giữa đêm, hẹn sinh viên sáng/chiều mai đến trường báo cáo tiến độ là cả nhóm lại… hoảng! Rồi hè nhau họp nhóm online để rà soát lại những gì đã triển khai, mai báo cáo thầy. Guồng công việc cứ thế mà răm rắp theo đúng kế hoạch. Để thấy thầy hướng dẫn Trương Đức Phức rất nghiêm khắc, làm việc khoa học đến thế nào!
 
Thầy Phức tâm huyết nói về việc xây dựng triết lý chia sẻ tại 3Cs Lab: Người thầy không phải cái gì cũng biết, cần phải có sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, bạn bè để vướng đâu là nhờ họ chỉ giúp cho. Chỉ qua một vài lần như vậy, các sinh viên sẽ trưởng thành. Sau này các em lại chia sẻ kiến thức mình lĩnh hội cho khóa sau. Chia sẻ kiến thức sẽ rút ngắn được thời gian rất nhiều. Vì thế các sản phẩm của Lab nhìn khá trau chuốt vì có khá nhiều sinh viên ra trường rồi làm về lĩnh vực đấy, trong khả năng, các anh hỗ trợ luôn cho đàn em. 
 
Lý giải về việc “mắng” sinh viên nhiều, thầy Phức cười: Không mắng đâu, tôi góp ý, giục giã để các em vượt lên chính mình thôi! 
 
Nhiều sinh viên khi mới vào 3Cs Lab với thầy Phức rất “lớ nga lớ ngớ”. Sau một thời gian đào tạo khoảng 6 tháng đến 1 năm hoặc hơn, sinh viên “lột xác” về tư duy kỹ thuật, tư duy giải quyết vấn đề, kỹ năng trình bày, nắm được kiến thức khá rộng liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật. Để trao đổi chuyên môn, tư vấn cho sinh viên, có khi thầy Phức mất nguyên cả buổi sáng. 
 
Tò mò hỏi thầy: Sao thầy họp lâu thế?
 
Thầy Phức tiết lộ: Tôi tư vấn, định hướng cho sinh viên, góp ý để các em cải tiến từ tác phong, nhận thức. Nhiều em mới vào lab cái gì cũng kêu khó, em không làm được! Đó là điều rất dở với một kỹ sư làm kỹ thuật khi luôn tìm lý do để từ chối. Tôi phải “chỉnh” để sinh viên thay đổi suy nghĩ đó. Sau một thời gian rèn luyện, tôi rất vui khi thấy sinh viên đã thay đổi nhận thức, đam mê, xông pha, quyết liệt, dám nghĩ dám làm!
 
Sự thay đổi tích cực này của sinh viên chính là động lực để thầy Phức cũng như các thầy/cô giáo Bách khoa tâm huyết và đam mê gắn bó với sinh viên NCKH. 
 
Hình ảnh thầy hướng dẫn Trương Đức Phức luôn tâm huyết, nhiệt tình đã tác động rất lớn đến các sinh viên. Sinh viên chưa bao giờ thổ lộ với thầy, nhưng thầy là “Idol” của không ít cậu kỹ sư cơ khí tương lai.
 
Như Nguyễn Hoàng Vũ, cậu rất muốn sau này được như thầy giáo của mình. Lý do: Em chưa bao giờ gặp một thầy giáo nhiệt tình như thế. Mới đây em lên hỏi thầy về định hướng nên đi làm hay học thạc sĩ, thầy đã tư vấn em hướng du học nước ngoài. Không chỉ tư vấn, thầy còn ngay lập tức cầm điện thoại liên hệ với một số đầu mối em có thể xin học bổng… Em rất cảm động vì thầy lo cho tương lai của em. Trước nay, chỉ bố mẹ em mới lo lắng cho em như thế!
 
Nhà tài trợ không… hối thúc 
 
Có thể gọi các bậc phụ huynh của nhóm sinh viên NCKH là những chủ đầu tư không bao giờ hối thúc mà toàn tâm toàn ý tài trợ lâu dài cho các con NCKH. 
 
Khi sản phẩm làm xong, sinh viên trong nhóm về nhà giới thiệu các hình ảnh, video clip về Smart Gate với bố, mẹ và người thân trong gia đình, giống như báo cáo tiến độ cho nhà tài trợ.
 
Có thể coi các phụ huynh là những giám khảo, phản biện đầu tiên của đề tài NCKH này, khi mọi người thắc mắc đặt câu hỏi và các sinh viên trả lời thuyết phục về tính năng, những điểm ưu việt của sản phẩm. Người thân ai cũng tự hào, giục phải share video clip qua điện thoại để còn khoe với bà con xóm làng, rằng “kỹ sư tương lai nhà tôi thiết kế và chế tạo cửa thông minh đấy!”. 
 
Nguyễn Hoàng Vũ vui vẻ kể: “Bên lề cuộc thi Sinh viên NCKH và sáng tạo năm học 2021-2022 có cuộc thi BK-V.IDEA. Em về kể với mẹ, nhờ mẹ like, share thông tin cho nhóm. Mẹ em xem thấy có tên con trai nên thích lắm, chia sẻ cho khắp mọi người, nhờ mọi người like, kiểu vừa nhờ vừa… khoe!”
 
Chính vì có hậu phương, có tài trợ vững chắc như vậy nên nhóm sinh viên Trường Cơ khí rất yên tâm NCKH, kể cả khi có dự định muốn nâng cấp sản phẩm sau này!
 
Hy vọng trong thời gian gần, thầy và trò sẽ có “nhà tài trợ chuyên nghiệp” để có thêm động lực và cả áp lực nghiên cứu, sáng tạo hơn nữa với sản phẩm cửa phân làn thông minh Smart Gate. Để giải Nhất NCKH cấp Trường của Bách khoa Hà Nội sẽ “đất” phô diễn vẻ đẹp khoa học ứng dụng hơn nữa trong thực tế!
 

NHÓM SINH VIÊN NGHIÊN CỨU, CHẾ TẠO SMART GATE

Nguyễn Huy Hoàng – KTCK-K62
Nguyễn Xuân Hậu – KTCK-K63
Nguyễn Hoàng Vũ – CTTNCĐT-K64
Ngô Anh Tuấn – CTTNCĐT-K64
Vũ Hữu Nghĩa – CTTNCĐT-K64
Giáo viên hướng dẫn:  TS. Trương Đức Phức

Gia Hân. Ảnh: NVCC

Tác giả: Phạm Thanh Huyền

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây