Câu hỏi 43. Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bao gồm những nội dung gì?
Trả lời: Hiến pháp Việt Nam công nhận và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là việc Nhà nước ban hành các quy định pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền sở hữu công nghiệp như tác giả, chủ văn bằng bảo hộ và những chủ thể khác liên quan đến việc sử dụng quyền sở hữu công nghiệp. Nhà nước tổ chức cơ quan xác lập quyền, quy định thủ tục, trình tự để xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các đối tượng sở hữu công nghiệp phải đăng ký. Muốn được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, tác giả và những chủ thể khác có liên quan phải nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ tại Cục Sở hữu Trí tuệ.
Đối tượng của bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bao gồm quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, tên thương mại và quyền sử dụng đối với tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý.
Người nào sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp của người khác đang trong thời gian bảo hộ mà không xin phép chủ sở hữu các đối tượng này thì bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (trừ các trường hợp có quy định riêng) và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bao gồm ba nội dung: Thứ nhất là ban hành các quy định của pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp; Thứ hai là cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp cho các chủ thể khác nhau khi đáp ứng các yêu cầu theo quy định (xác lập quyền); Thứ ba là bằng các phương thức, biện pháp khác nhau bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ văn bằng (bảo vệ quyền).
Câu hỏi 44. Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp là gì?
Trả lời: Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp được hiểu là nhà nước và chủ văn bằng sở hữu công nghiệp sử dụng các phương thức pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu các đối tưọng sở hữu công nghiệp của mình, chống lại mọi sự xâm phạm để giữ nguyên vẹn quyền sở hữu các đối tượng này.
Quyền sở hữu công nghiệp được bảo vệ bằng các biện pháp hành chính, dân sự và hình sự. Trong đó chủ sở hữu công nghiệp có thể tự bảo vệ hoặc bằng hoạt động của cơ quan nhà nước thông qua việc khởi kiện tại Toà án, hoặc tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác như Thanh tra Khoa học và Công nghệ, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Hải quan, Quản lý thị trường (Điều 199 Luật SHTT).
Câu hỏi 45. Hoạt động bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp nhằm mục đích gì?
Trả lời: Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp là để bảo vệ pháp chế, là bảo đảm sự chấp hành các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Hoạt động bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp nhằm đảm bảo cho các nội dung của quy phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp được thi hành nghiêm chỉnh, có hiệu lực, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của xã hội và của chủ văn bằng.
Các đối tượng sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ là tài sản của doanh nghiệp, của cá nhân được pháp luật thừa nhận.
Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp để thực hiện quyền và nghĩa vụ quốc tế. Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ và nhiều hiệp định thương mại. Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Nội dung của các văn bản này, đặc biệt của Hiệp định các khía cạnh sở hữu trí tuệ liên quan tới thương mại (TRIPS) đều quy định trách nhiệm của các bên tham gia trong việc thực thi các điều khoản đã cam kết, trong đó đảm bảo việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân là chủ văn bằng đang được bảo hộ tại Việt Nam
Câu hỏi 46. Quyền tự bảo vệ là gì?
Trả lời: Quyền tự bảo vệ là quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghịêp áp dụng các biện pháp khác nhau để tự bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp của mình, bao gồm:
áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp: Đưa các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, Văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu, phạm vi, thời hạn bảo hộ và các thông tin khác về quyền sở hữu công nghiệp lên sản phẩm, phương tiện dịch vụ, nhằm thông báo rằng sản phẩm là đối tượng quyền sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ và khuyến cáo người khác không được xâm phạm; sử dụng phương tiện hoặc biện pháp kỹ thuật nhằm đánh dấu, nhận biết, phân biệt, bảo vệ sản phẩm được bảo hộ.
Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm bằng các thông báo bằng văn bản cho ngưòi có hành vi xâm phạm quyền.
Khởi kiện ra Toà án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình (Điều 198.1.a Luật SHTT, Điều 21 Nghị định 105/2006/NĐ-CP)
Câu hỏi 47. Tổ chức, cá nhân không phải là chủ thể quyền sở hữu công nghịêp có quyền yêu cầu xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghịêp không?
Trả lời: Tổ chức, cá nhân không phải là chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, nhưng bị thiệt hại hoặc phát hiện hành vi xâm phạm quyền chỉ có thể yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý trong trường hợp thoả mãn hai điều kiện; Thứ nhất hàng hoá bị xâm phạm quyền thuộc các nhóm sản phẩm, hàng hoá là lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh và chữa bệnh, thức ăn dành cho chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho môi trường, vật nuôi, thiệt hại cho người tiêu dùng và xã hội. Thứ hai: Cung cấp được chứng cứ là có thiệt hại (Điều198.2 Luật SHTT, Điều 23 Nghị định 105/2006/NĐ-CP).
Câu hỏi 48. Trường hợp bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể yêu cầu xử lý không?
Trả lời: Tổ chức, cá nhân khi bị cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính về sở hữu công nghiệp xử phạt các hành vi vi phạm theo Điều 30 Nghị định 120/2005/NĐ-CP, hoặc khởi kiện dân sự tại Toà án, hoặc yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật về cạnh tranh (Điều 198.3 Luật SHTT).
Câu hỏi 49. Pháp luật quy định có những biện pháp nào để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp ?
Trả lời: Để bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, pháp luật quy định ba biện pháp để xử lý các hành vi xâm phạm quyền. Tuỳ theo tính chất và mức độ xâm phạm, hành vi xâm phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự và theo quy định sau đây:
1. Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
2. Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 211 của Luật SHTT, theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm hoặc do cơ quan có thẩm quyền chủ động phát hiện.
Hình thức, mức phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt hành vi xâm phạm và các biện pháp khắc phục hậu quả tuân theo quy định của Nghị định 106/2006/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.
3. Biện pháp hình sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm trong trường hợp hành vi đó có yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp hình sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự (Điều 199.1 Luật SHTT, Điều 4 Nghị định 105/2006/NĐ-CP).
Câu hỏi 50. Ngoài ba biện pháp nêu trên, còn có biện pháp nào được áp dụng để ngăn chặn và xử lý hành vi xâm phạm quyền không?
Trả lời: Trong trường hợp cần thiết các cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu liên quan đến sở hữu công nghiệp, biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử phạt hành chính.
Biện pháp khẩn cấp tạm thời là các biện pháp dưới đây được áp dụng theo yêu cầu của chủ thể quyền đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó, gồm: thu giữ, kê biên, niêm phomg, cấm thay dổi hiện trạng, cấm di chuyển, cấm dịch chuyển quyền sở hữu.
Biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử phạt hành chính là các biện pháp tạm giữ người, tạm giữ hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm, khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật, khám nơi cất giấu hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm về sở hữu công nghiệp và các biện pháp hành chính khác quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (Pháp lệnh XLVPHC).
Biện pháp kiểm soát hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu liên quan đến sở hữu công nghiệp được áp dụng khi chủ thể quyền sở hữu công nghiệp trực tiếp hoặc thông qua người đại diện nộp đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hoặc nộp đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 199, Điều 207, Điều 211 Luật SHTT).
Câu hỏi 51. Những cơ quan nào có thẩm quyền bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp?
Trả lời. Theo quy định hiện hành, phù hợp với chức năng quản lý Nhà nước và chức năng xét xử, những cơ quan dưới đây có chức năng bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xét xử. Thẩm quyền áp dụng biện pháp hành chính của cơ quan xử lý vi phạm được quy định cụ thể như sau:
1. Cơ quan Thanh tra Khoa học và Công nghệ các cấp có thẩm quyền bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biệp pháp hành chính thông qua việc xử phạt các hành vi vi phạm hành chính, hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp xảy ra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác, quảng cáo, lưu thông, trừ hành vi xảy ra trong xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
2. Cơ quan Quản lý thị trường các cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi phạm về sở hữu công nghiệp xảy ra trong lưu thông hàng hóa và kinh doanh thương mại trên thị trường.
3. Cơ quan Hải quan các cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp xảy ra trong nhập khẩu hàng hóa.
4. Cơ quan Công an các cấp có thẩm quyền phát hiện, xác minh, thu thập thông tin, chứng cứ của hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp và cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm và xử phạt các hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp.
5. ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp xảy ra tại địa phương mà mức phạt, hình thức xử phạt, biện pháp xử lý áp dụng đối với hành vi đó vượt quá thẩm quyền của các quan có thẩm quyền khác (Điều 200.1 Luật SHTT, Điều 17 Nghị định 106/2006/NĐ-CP).
Câu hỏi 52. Toà án có vai trò gì trong hoạt động xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp?
Trả lời: Toà án có vai trò xét xử các vụ kiện dân sự, hình sự và hành chính liên quan đến sở hữu công nghiệp như sau:
Toà hành chính: Xét xử các vụ kiện hành chính liên quan đến quyết định hành chính trong việc xác lập, huỷ bỏ văn bằng bảo hộ quyền và vụ kiện đối với quyết định xử phạt hành chính hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Toà dân sự: Xét xử theo thủ tục tố tụng dân sự các vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp.
Toà hình sự: Xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự các vụ án liên quan đến hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp có dấu hiệu tội phạm (Điều 200.2 Luật SHTT).
Câu hỏi 53. Mối quan hệ của các cơ quan bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp trong quá trình bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp?
Trả lời: Ngoài hệ thống Toà án các cấp độc lập trong hoạt động xét xử hình sự, dân sự các vụ án vi phạm quy định quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp đến mức phải xử lý bằng pháp luật hình sự, khởi kiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải xử lý bằng biện pháp dân sự, các cơ quan hành chính có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính có các mối quan hệ:
Phối hợp trong việc cung cấp thông tin về diễn biến tình hình hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp, quy luật, thủ đoạn hoạt động trong sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp. Phối hợp trong việc hoạch định chủ trương, chính sách, kế hoạch liên quan đến hoạt động chống hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp của từng ngành và từng địa phương.
Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm trong việc sản xuất buôn bán hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp. Phối hợp trong việc xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể, cử cán bộ tham gia thanh tra, kiểm tra. Hỗ trợ nhau về phương tiện, kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát. Tiến hành công tác thẩm tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, giám định về sở hữu công nghiệp đối với hàng hoá, sản phẩm có dấu hiệu vi phạm.
Phối hợp trong việc xử phạt các vụ việc phức tạp, thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.
Phối hợp với các chủ sở hữu công nghiệp trong việc phát hiện và xác định hàng hoá giả mạo sở hữu côngnghiệp (Chương trình phối hợp hành động của 7 bộ: KH&CN, VH-TT, NN&PTNT, CA, TC, TM, BC-VT).
Câu hỏi 54. Trong trường hợp xử lý một vụ việc cụ thể, các cơ quan này còn có trách nhiệm phối hợp với nhau không?
Trả lời: Khi xử lý một vụ việc cụ thể, các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm có trách nhiệm phối hợp như sau:
1. Cơ quan đã nhận đơn yêu cầu xử lý vi phạm có trách nhiệm gửi yêu cầu phối hợp xử lý vi phạm cho các cơ quan có thẩm quyền liên quan để yêu cầu phối hợp xử lý vi phạm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: cùng hành vi vi phạm liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp nhưng thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan khác nhau hoặc cùng một hành vi vi phạm xảy ra tại nhiều địa bàn hoặc nhiều địa phương khác nhau (Điều 23.1.a Nghị định 106 /2006/NĐ-CP).
2. Sử dụng kết quả xem xét, xử lý đơn yêu cầu xử lý vi phạm của cơ quan khác: Cơ quan xử lý vi phạm có quyền sử dụng kết quả xác định hành vi vi phạm, xác định hàng hóa vi phạm do cơ quan có thẩm quyền khác thực hiện (nếu có), để bảo đảm thống nhất về biện pháp xử lý và mức phạt đối với các hành vi vi phạm giống nhau, tương tự nhau hoặc cùng liên quan đến một đối tượng sở hữu công nghiệp của cùng chủ thể quyền (Điều 23.2.a Nghị định 106/2006/NĐ-CP).
Câu hỏi 55. Phải thực hiện những thủ tục gì để yêu cầu phối hợp trong xử lý vi phạm về sở hữu công nghiệp?
Trả lời: Để thực hiện việc phối hợp các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các thủ tục sau:
1. Cơ quan đã nhận đơn yêu cầu xử lý vi phạm gửi thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền ở địa bàn khác phối hợp xử lý vi phạm với các nội dung chính sau đây: thông tin tóm tắt về vụ việc; tóm tắt về hành vi vi phạm và phạm vi, quy mô vi phạm xảy ra tại địa phương hoặc trong lĩnh vực quản lý của cơ quan nhận yêu cầu; bản sao đơn yêu cầu xử lý vi phạm và bảo sao các tài liệu, ảnh chụp mẫu vật kèm theo; tóm tắt kết quả xem xét đơn yêu cầu xử lý vi phạm; kiến nghị những nội dung cần phối hợp xử lý và ấn định thời hạn chậm nhất là mười lăm ngày để cơ quan nhận yêu cầu trả lời;
2. Cơ quan nhận yêu cầu phối hợp xử lý vi phạm có trách nhiệm trả lời trong thời hạn ấn định, nêu rõ lý do không tiến hành xử lý vi phạm theo yêu cầu (nếu có).
Câu hỏi 56. Thanh tra là gì? Nội dung thanh tra, kiểm soát về sở hữu công nghiệp?
Trả lời: Thanh tra, kiểm soát (thanh tra) là sự xem xét, đánh giá và xử lý việc thực hiện pháp luật của tổ chức, cá nhân do tổ chức, người có thẩm quyền thực hiện theo trình tự pháp luật quy định nhằm phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân khác.
Hoạt động của cơ quan Thanh tra được gọi là thanh tra. Hoạt động của cơ quan Quản lý thị trường được gọi là kiểm soát.
Thanh tra để làm gì (mục đích)? – Thanh tra để bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, để phục vụ quản lý nhà nước, để bảo vệ lợi ích nhà nước quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp
Ai có quyền thanh tra (chủ thể)? – Tổ chức, người có thẩm quyền được pháp luật giao trách nhiệm.
Thanh tra ai (đối tượng)? – Thanh tra đối với các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý nhà nước của tổ chức mình.
Thanh tra cái gì (nội dung)? – Thanh tra việc thực hiện pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp của tổ chức mình.
Thanh tra như thế nào (nghiệp vụ)? – Thanh tra theo trình tự, nghiệp vụ do pháp luật quy định (Điều 4.1 Luật Thanh tra).
Thanh tra về sở hữu công nghiệp là hoạt động của cơ quan hành pháp (Thanh tra khoa học và công nghệ, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Quản lý thị trường, Hải quan) nhằm mục đích đảm bảo cho hiệu lực pháp luật về sở hữu công nghiệp được thực thi nghiêm chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm quy định quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu quyền, đảm bảo cho quyền sở hữu công nghiệp của chủ văn bằng, tác giả không bị xâm phạm, chống cạnh tranh không lành mạnh, đấu tranh để phòng ngừa và xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp.
Nội dung thanh tra về sở hữu công nghiệp bao gồm thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quá trình xác lập quyền sở hữu công nghiệp, sử dụng quyền đã được xác lập, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu (bao gồm cả hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp), quyền tác giả, quyền sử dụng và các nghĩa vụ của chủ văn bằng, tác giả các đối tượng sở hữu công nghiệp. Thanh tra để giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình xác lập quyền, sử dụng quyền, và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Câu hỏi 57. Thẩm quyền, nguyên tắc áp dụng quyền của các lực lượng thực thi khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về sở hữu trí tuệ?
Trả lời: Theo quy định của Luật Thanh tra, Pháp lệnh XL VP HC và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong quá trình tiến hành thanh tra, kiểm soát (thanh tra) về sở hữu công nghiệp, các cơ quan (Đoàn thanh tra) bảo vệ quyền bằng biện pháp hành chính có các quyền chung là:
Quyền yêu cầu, trưng cầu giám định. Quyền yêu cầu bao gồm yêu cầu các cơ quan có liên quan đến nội dung thanh tra về sở hữu công nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung thanh tra, liên quan đến vụ việc vi phạm và xâm phạm quyền.
Quyền yếu cầu còn được áp dụng đối với đối tượng thanh tra, buộc thực hiện các hành động cụ thể theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thanh tra tại cơ sở.
Quyền trưng cầu giám định là quyền của cơ quan bảo vệ quyền bằng biện pháp hành chính yêu cầu tổ chức, giám định viên sở hữu công nghiệp có kết luận về tình trạng pháp lý của các đối tượng sở hữu công nghiệp đang được xem xét, tình trạng tương tự, trùng hoặc vi phạm phạm vi bảo hộ của các đối tượng sở hữu công nghiệp. Các cơ quan trưng cầu giám định sử dụng kết quả giám định là một trong các căn cứ để kết luận về tình trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Quyền kiểm kê, xác minh: Trong quá trình thanh tra, các cơ quan có thẩm quyền có quyền kiểm kê số lượng hàng hoá mang dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Trong trường hợp nghi ngờ, có quyền tiến hành các biện pháp xác minh các thông tin, số liệu, chứng cứ để tìm ra sự thật, làm cơ sở cho kết luận tình trạng vi phạm, xâm phạm quyền.
Quyền quyết định, định đoạt: Trong quá trình thanh tra các cơ quan có thẩm quyền có quyền quyết định như quyết định niêm phong, tạm giữ các hàng hoá vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyết định xử phạt và quyết định định đoạt đối với tang vật vi phạm.
Quyền kết luận, kiến nghị: Khi kết thúc, cơ quan có thẩm quyền có quyền kết luận có hay không hành vi vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, kết luận về mức độ vi phạm. Đồng thời đưa ra các kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp nhằm bổ sung, hoàn thiện chính sách, biện pháp, cơ chế quản lý về sở hữu công nghiệp, đấu tranh chống các hành vi xâm phạm quyền, sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp.
Quyền chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra: Trong trường hợp hành vi xâm phạm quyền, sản xuất, buôn bá hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp đã có dấu hiệu là tội phạm, cơ quan có thẩm quyền thanh tra phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự (Điều 39, Điều 49 Luật Thanh tra, Điều 22 Nghị định 106/2006/NĐ-CP).
Nguyên tắc áp dụng quyền: Trong quá trình thực hiện các quyền nói trên, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, phải tuân theo các nguyên tắc:
Nguyên tắc khách quan, đúng thẩm quyền, công khai.
Trình tự áp dụng quyền: Thuyết phục, ấn định yêu cầu và thời gian thực hiện.
Đối tượng của thanh tra về sở hữu công nghiệp là cơ quan xác lập văn bằng bảo hộ, tổ chức, cá nhân là chủ văn bằng và các tổ chức, cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài thực hiện các hành vi vi phạm quy định quản lý và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
Câu hỏi 58. Đề nghị cho biết hình thức, phương pháp thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về sở hữu công nghiệp?
Trả lời: Thanh tra, kiểm tra và kiểm soát (thanh tra) để thực hiện yêu cầu quản lý về sở hữu công nghiệp và xử lý các hành vi vi pham, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Để phát hiện vi phạm, xâm phạm cần tiến hành hoạt động thanh tra. Việc lựa chọn vấn đề (đề tài, nội dung) thanh tra cần phải căn cứ vào: Chỉ đạo, yêu cầu của lãnh đạo trong công tác quản lý Nhà nước về sở hữu công nghiệp; thông tin về tình hình thực hiện các quy định của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; sự xuất hiện của hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, hàng hoá xâm phạm quyền, yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp; khả năng thực hiện của tổ chức thanh tra. Từ đó, lựa chọn đề tài thanh tra theo từng chuyên đề hoặc toàn diện, nhiều nội dung, hoặc chỉ để giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo. Thanh tra toàn diện (đồng thời thanh tra nhiều nội dung với nhiều đối tượng sở hữu trí tuệ), hoặc thanh tra các nội dung nêu trong đơn, thư khiếu nại, tố cáo, yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền để nhằm giải quyết từng vụ, việc.
Tùy theo yêu cầu của quản lý Nhà nước mà có thể tiến hành thanh tra theo diện hoặc theo điểm.
Thanh tra theo diện là tiến hành thanh tra nhiều cơ sở trên cùng một địa bàn (một quận, một tỉnh) hoặc trên một khu vực (nhiều tỉnh hoặc cả nước) về cùng một nội dung nhất định, trong thời gian nhất định để phục vụ cho những yêu cầu nhất định (thường gọi là thanh tra diện rộng).
Thanh tra theo điểm là chỉ tiến hành thanh tra từng cơ sở với những nội dung và những mục đích khác nhau.
Thanh tra có thể định kỳ hoặc đột xuất. Tùy thuộc tính chất hoạt động của cơ sở, của dấu hiệu vi phạm mà thanh tra định kỳ (một năm một lần). Thanh tra đột xuất để xác định sự tuân thủ thường xuyên, nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp của cơ sở hoặc khi cơ sở có dấu hiệu vi phạm và trong trường hợp do yêu cầu của việc giải quyết đơn thư yêu cầu xử lý xâm phạm quyền của chủ sở hữu quyền. Thanh tra về sở hữu công nghiệp chủ yếu là tiến hành đột xuất (Điều 34 Luật Thanh tra).
Câu hỏi 59. Đề nghị cho biết trình tự thanh tra, kiểm soát chống xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp?
Trả lời: Trình tự tiến hành thanh tra, kiểm soát (thanh tra) về sở hữu công nghiệp thông thường tiến hành theo các bước chung và phụ thuộc vào hoạt động thanh tra tiến hành trên diện rộng theo chuyên đề (đối với nhiều cơ sở) hay chỉ tiến hành với với một cơ sở. Dù tiến hành theo diện rộng hoặc một cơ sở, định kỳ hoặc đột xuất, đều được tiến hành theo các trình tự tương đối giống nhau và có ba gia đoạn cơ bản (chuẩn bị thanh tra, thanh tra tại cơ sở, kết thúc thanh tra) với các công việc chủ yếu như sau:
Gia đoạn chuẩn bị thanh tra: Vạch kế hoạch thanh tra gồm xây dựng đề cương thanh tra, kiểm tra cụ thể, giúp các thành viên nắm được công việc của mình, sự liên quan giữa các nội dung công việc. Đề cương cần ngắn gọn nhưng đủ nội dung, gồm: Một là mục đích, yêu cầu và thời gian thanh tra, kiểm tra. Hai là các công việc cần hoàn thành và phần việc của từng người, thời gian hoàn thành. Ba là kế hoạch tiến hành và kết thúc. Cần họp bàn để thống nhất quan điểm, nội dung thanh tra và các công việc cần tiến hành, đặc biệt là các công việc tiến hành tại cơ sở. Thống nhất một số vấn đề về chuyên môn như: lấy mẫu, số lượng mẫu cần lấy, trưng cầu giám định và các công việc cần thiết khác.
Thông thường các Thanh tra viên (Thanh tra Khoa học và Công nghệ), Kiểm soát viên (Quản lý thị trường), Sỹ quan Cảnh sát (Công an) là thành phần chủ yếu của các đoàn thanh tra. Tuy nhiên, thường có các chuyên viên của các bộ phận quản lý hoặc ở các cơ quan khác tham gia đoàn. Nhận thức, quan điểm trước nội dung thanh tra và đối tượng thanh tra của những người này có thể khác nhau. Vì vậy, đoàn phải trực tiếp quản lý họ và sử dụng khả năng chuyên môn của họ. Phải căn cứ nội dung, đối tượng thanh tra mà tính toán cân nhắc số lượng cán bộ cần huy động và cân nhắc loại chuyên môn và trình độ cho phù hợp. Cần lưu ý thông tin về người được mời tham gia như số lần đã tham gia thanh tra, mối quan hệ với đối tượng thanh tra, khả năng am hiểu chuyên môn. Thời gian thanh tra có thể ngắn nhưng vẫn phải phân công công việc cụ thể cho từng thành viên (thư ký ghi biên bản, thành viên nào chú ý nội dung nào…). Cơ cấu đoàn thanh tra phải gọn nhẹ, đủ cán bộ có trình độ chuyên môn để có thể xem xét và đề xuất được các kết luận đúng đắn khi thanh tra tại cơ sở để cơ sở không thể bác bỏ. Trưởng đoàn còn phải dự kiến các tình huống phức tạp có thể xảy ra, phương án xử lý và có kế hoạch phân công cho các thành viên trong đoàn thực hiện các công việc như:
Tổ chức thu thập thông tin, nghiên cứu đối tượng và các tài liệu liên quan (văn bằng bảo hộ, các chứng cứ, hình ảnh, hiện vật hàng hoá vi phạm, tính chất, mức độ vi phạm, thậm chí các bài báo nói về tình hình vi phạm của cơ sở trong nhiều trường hợp cũng có rất nhiều thông tin, các đơn thư khiếu nại, tố cáo… là những tài liệu có những thông tin cần nghiên cứu). Các văn bản của các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu công nghiệp có liên quan đến nội dung thanh tra là những tài liệu rất cần sử dụng để đối chiếu trước khi kết luận.
Rà soát các thủ tục pháp lý (quyết định thanh tra, kiểm tra thông báo kế hoạch thanh tra, kiểm tra… chuẩn bị các phương tiện kỹ thuật).
Thông báo quyết định thanh tra thời gian làm việc tại cơ sở và đề cương báo cáo cho cơ sở (nếu cần thiết thông báo cho cơ quan chủ quản, chính quyền và cơ quan quản lý ngành ở địa phương). Trường hợp đột xuất thì không thông báo (Quyết định 2151/2006/QĐ-TTCP).
Câu hỏi 60. Đề nghị cho biết một số công việc cơ bản khi tiến hành thanh tra tại cơ sở?
Trả lời: Giai đoạn tiến hành thanh tra tại cơ sở. Tổ chức tiếp xúc giữa đoàn và đối tượng thanh tra với các nội dung: Trưởng đoàn thông báo quyết định thanh tra nói rõ mục đích yêu cầu, nội dung phương pháp tiến hành và thời gian thanh tra tại cơ sở. Thông báo các nguyên tắc làm việc và các yêu cầu của đoàn để cơ sở đáp ứng. Thủ trưởng của cơ sở được thanh tra báo cáo tình hình thi hành pháp luật về sở hữu công nghiệp theo các nội dung đoàn yêu cầu. Đoàn chất vấn để làm sáng tỏ các nội dung chưa rõ (câu hỏi cần bám sát nội dung thanh tra, làm rõ thêm báo cáo và làm căn cứ cho các kết luận sau này). Hạn chế câu hỏi quá xa nội dung thanh tra.
Thanh tra tại cơ sở, xem xét hiện trường nơi sản xuất, buôn bán, nơi chứa các hàng hoá, sản phẩm có yếu tố vi phạm về sở hữu công nghiệp. Tiến hành lấy mẫu giám định trong trường hợp cần thiết (lập biên bản lấy mẫu, niêm phong có chữ ký của cơ sở). Chụp ảnh, ghi hình hiện trạng tang vật vi phạm, nơi sản xuất hàng hoá vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Lập các biên bản thanh tra biên bản vi phạm: Trong quá trình làm việc cần chuẩn bị lập biên bản thanh tra, kiểm tra theo mẫu quy định, ghi trước các nội dung đã rõ có tính chất thủ tục như: Tên những người tham gia để khi Trưởng đoàn kết luận có thể nhanh chóng hoàn thành biên bản này. Đồng thời, nếu thấy có dấu hiệu vi phạm thì thư ký cũng chuẩn bị sẵn biên bản vi phạm hành chính.
Các biên bản này phải có chữ ký của Trưởng đoàn, những người tham gia chứng kiến (đặc biệt là biên bản vi phạm hành chính), chữ ký của đại diện cơ sở được thanh tra. Trường hợp sau khi đã thuyết phục mà đại diện cơ sở được thanh tra không chịu ký thì Trưởng đoàn cần ghi rõ đã thuyết phục nhưng đại diện cơ sở vẫn không ký và yêu cầu những người cùng chứng kiến ghi nhận.
Trường hợp kết quả thanh tra tại cơ sở chưa đủ để kết luận hành vi xâm phạm, cần có thời gian tham vấn ý kiến của các cơ quan chuyên môn, các cơ quan có thẩm quyền khác thì chỉ lập biên bản thanh tra, chưa lập biên bản vi phạm hành chính. Trong trường hợp này cần ghi rõ hện trạng nêu trên. Cơ quan thanh tra sẽ làm việc với cơ sở được thanh tra khi có kết quả tham vấn, khi có kết quả giám định sở hữu công nghiệp (Quyết định 2151/2006/QĐ-TTCP).
Câu hỏi 61. Khi kết thúc thanh tra, cần tiến hành những công việc gì?
Trả lời: Giai đoạn kết thúc thanh tra xử lý vi phạm (nếu có): Căn cứ kết quả thanh tra tại chỗ và các tài liệu chính thức khác, căn cứ kết quả tham vấn các cơ quan có trách nhiệm về chuyên môn, căn cứ kết quả phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý khác, Trưởng đoàn thanh tra cần chuẩn bị báo cáo kết quả trình cho cấp đã ký quyết định thanh tra để làm căn cứ cho việc ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.
Báo cáo kết quả thanh tra: Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra là sản phẩm tập trung và quan trọng thể hiện kết quả làm việc của đoàn. Báo cáo cần kịp thời, trong thời hạn cho phép, cần ngắn gọn, nêu được hiện trạng chấp hành pháp luật của cơ sở được thanh tra. Nếu có vi phạm thì cần nêu mức độ, tình tiết và các biện pháp cơ sở đã áp dụng để khắc phục. Các kiến nghị, đề nghị và các biện pháp đoàn đã áp dụng. Kết luận sự vi phạm phải rõ ràng, dứt khoát, phân tích được nguyên nhân và hậu quả làm cơ sở cho cấp có thẩm quyền ra các quyết định xử lý. Kết luận về sự vi phạm phải nêu trên cơ sở số liệu, tình trạng, không suy luận. Cần có sự nhất trí của cả đoàn khi kết luận hành vi vi phạm của cơ sở.
Quyết định xử phạt và áp dụng các biện pháp khác: Căn cứ báo cáo kết quả thanh tra và các biên bản thanh tra, kiểm tra và biên bản vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp, người có thẩm quyền ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc ra quyết định phải đảm bảo các yêu cầu về hình thức, nội dung của một văn bản áp dụng pháp luật như đúng thẩm quyền, đủ các điều kiện cần và đủ của việc xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng đúng văn bản nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp hoặc lĩnh vực thương mại, ghi đầy đủ các điều khoản về quyền và địa chỉ khiếu nại, thời gian có hiệu lực.
Kết thúc cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đoàn cần đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về sở hữu công nghiệp và chống hàng hoá giả mạo. Thông qua kết quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra cần tổng kết tình hình để nêu thành các vấn đề có tính chất nổi cộm, xuất hiện đại trà ở nhiều địa phương, nhiều cơ sở, hoặc hiện tượng xuất hiện lặp lại, nêu thành chuyên đề báo cáo đề xuất các biện pháp để cấp có thẩm quyền giải quyết (Quyết định 2151/2006/QĐ-TTCP).
Câu hỏi 62. Đề nghị cho biết thời hạn của một cuộc thanh tra về sở hữu công nghiệp?
Trả lời: Theo quy định, thời hạn của một cuộc thanh tra sở hữu công nghiệp được tổ chức theo hình thức Đoàn thanh tra không quá 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra đến khi kết thúc cuộc thanh tra tại cơ sở được thanh tra.
Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra có thể gia han một lần. Thời gian gia hạn không quá thời hạn 30 ngày.
Như vậy, dù cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ hay do Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành cũng phải tuân theo thời hạn trên (Điều 48.1 Luật Thanh tra).
Câu hỏi 63. Trong các cơ quan quản lý khoa học và công nghệ, những người nào có thẩm quyền ra quyết định thanh tra về sở hữu công nghiệp?
Trả lời: Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ có quyền ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra về sở hữu công nghiệp hoặc phân công thanh tra viên thực hiện nhiệm vụ thanh tra về sở hữu công nghiệp.
Trong trường hợp cần thiết Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra.
Trường hợp phân công Thanh tra viên tiến hành thanh tra độc lập về sở hữu công nghiệp thì người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra phải xác định rõ phạm vi, nhiệm vụ, thời hạn tiến hành thanh tra về sở hữu công nghiệp để thanh tra viên đó thực hiện (Điều Nghị định 87/2006/NĐ-CP).
Câu hỏi 64. Tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm về sở hữu công nghiệp có quyền và nghĩa vụ gì?
Trả lời: Tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm về sở hữu công nghiệp có các quyền:
Giải trình những vấn đề liên quan đến sở hữu công nghiệp thuộc nội dung thanh tra. Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước và không liên quan đến nội dung thanh tra. Khiếu nại với người ra quyết định thanh tra về các quyết định, hành vi của Trưởng Đoàn thanh tra, Thanh tra viên, các thành viên khác của đoàn trong quá trình thanh tra khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó trái pháp luật. Khiếu nại với Thủ trưởng cơ quan thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về kết luận, quyết định xử lý về thanh tra khi có căn cứ cho rằng kết luận, quyết định đó trái pháp luật. Trong khi chờ giải quyết, người khiếu nại vẫn phải thực hiện các quyết định đó.
Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Cá nhân là đối tượng thanh tra về sở hữu công nghiệp có quyền tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra, Thanh tra viên và các thanh viên khác của Đoàn Thanh tra về sở hữu công nghiệp (Điều 53 Luật Thanh tra)
Nghĩa vụ của đối tượng thanh tra về sở hữu công nghiệp là chấp hành quyết định thanh tra; cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan thanh tra, Đoàn thanh tra, Thanh tra viên và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp.
Chấp hành yêu cầu, kết luận thanh tra, quyết định xử lý của cơ quan thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra, Thanh tra viên, Kiểm soát viên, Cảnh sát và cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 54 Luật Thanh tra).
Câu hỏi 65. Các yếu tố quyết định kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm soát?
Trả lời: Để việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát (thanh tra) việc thực hiện các quy định của pháp luật, chống xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có kết quả, cần lưu ý một số yếu tố sau:
Lựa chọn đề tài thanh tra về sở hữu công nghiệp: Phải căn cứ vào yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, tình hình, mức độ vi phạm, tình trạng xâm phạm quyền, đối tượng sở hữu công nghiệp bị vi phạm, quy mô vi phạm, vi phạm ở giai đoạn sản xuất hay lưu thông…mà quyết định lựa chọn đề tài thanh tra.
Trưởng đoàn có vai trò quan trọng, quyết định kết quả của cuộc thanh tra. Vì hoạt động của đoàn thanh tra chỉ có giá trị pháp lý trong thời gian ngắn (cho đến thời điểm người có thẩm quyền căn cứ kết luận trong biên bản thanh tra và biên bản vi phạm hành chính để ra quyết định xử lý), Đoàn thanh tra, kiểm tra mà chủ yếu là Trưởng đoàn phải là người đối diện với tổ chức, cá nhân vi phạm, giải quyết các tình hình khó khăn, phức tạp hoặc đột xuất khi làm việc tại cơ sở, đồng thời lại là người thể hiện quan điểm của cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm về kết luận của đoàn. Khi tiến hành thanh tra, nếu trưởng đoàn không am hiểu các văn bản pháp quy, các kiến thức quản lý Nhà nước cũng như quản lý sở hữu công nghiệp thì khó phát hiện được hành vi vi phạm, khó có được kết luận thuyết phục.
Thu thập chứng cứ: Chứng cứ là căn cứ chủ yếu để quyết định kết luận có hành vi xâm phạm quyền hay không? Các bên có trách nhiệm chứng minh hành vi của mình. Lưu ý nghĩa vụ chứng minh là của chủ sở hữu công nghiệp. Chứng cứ do các bên cung cấp đều được xem xét khách quan, bình đẳng. Bên cạnh đó đoàn thanh tra, kiểm tra còn phải tự mình thu thập các chứng cứ khách quan khác trong trường hợp cần thiết.
Đảm bảo các yêu cầu của cuộc thanh tra, kiểm tra.
Kết luận, xử lý các hành vi vi phạm và đề xuất các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm các quy định quản lý và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Câu hỏi 66. Cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp bị xâm phạm có được chứng kiến việc thực hiện tiến hành thanh tra, kiểm tra hay không?
Trả lời: Quá trình chuẩn bị thanh tra, kiểm tra về sở hữu công nghiệp, chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin, chứng cứ để cơ quan có thẩm quyền xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra.
Khi tiến hành thanh tra, kiểm tra tại cơ sở có hành vi xâm phạm quyền, chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp có thể chứng kiến. Việc chứng kiến của chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp nhằm giúp cho việc xác định dấu hiệu vi phạm của hàng hoá, nhằm xác nhận những hàng hoá do chủ sở hữu công nghiệp đưa ra thị trường hoặc hàng xâm phạm quyền, hàng giả.
Khi chứng kiến hoạt động thanh tra, kiểm tra tại cơ sở nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp có mặt phải ký vào biên ban thanh tra, kiểm tra và biên bản vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp với tư cách là bên bị thiệt hại. Trường hợp không ký biên bản cũng phải ghi rõ lý do.
Trong quá trình chứng kiến hoạt động thanh tra, kiểm tra, chủ sở hữu quyền phải thực hiện đúng các quy định, yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền đang thực hiện cuộc thanh tra, kiểm tra, không tìm hiểu những nội dung ngoài nội dung thanh tra, kiểm tra về sở hữu công nghiệp.
Tác giả: Phòng Khoa học Công nghệ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn