Cô trò Bách khoa sáng chế trợ lý giấc ngủ thông minh

Thứ năm - 09/06/2022 20:19

TS. Lê Minh Thùy – Giảng viên Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội – vẫn nhớ ngày đầu tiên cách đây 4 năm trò chuyện cùng cậu sinh viên năm nhất Vương Tiến Đạt. Khi đó, cô rất ấn tượng cậu sinh viên mới toe nhưng đã tự tin đề xuất đề tài nghiên cứu mong được cô hướng dẫn. Ý tưởng ban đầu của Đạt khá… kỳ lạ: Nghiên cứu một thiết bị để người dùng ngủ ít nhưng lại tỉnh táo, khỏe mạnh cho các sĩ tử ôn thi, chạy deadline! Và cô Thùy đã phản biện với Đạt rất… gắt!

2 năm suy nghĩ, “quay xe” ý tưởng 

Trong số các bạn sinh viên cô Thùy hướng dẫn, Vương Tiến Đạt là sinh viên khá đặc biệt. Cậu là sinh viên duy nhất mỗi lần lên gặp cô Thùy đều trình bày ý tưởng rất khác biệt. Thường đa số ý tưởng nghiên cứu là giảng viên đưa ra giới thiệu cho sinh viên sau khi lắng nghe mong muốn, hướng đi của các em. Đạt là sinh viên duy nhất ngay từ năm 1, khi nhập môn tìm hiểu về ngành nghề đã đến gặp giảng viên để trình bày ý tưởng muốn làm thiết bị can thiệp vào giấc ngủ để hiệu suất làm việc của người trẻ cao hơn mà vẫn đảm bảo hiệu quả công việc. 

Nhận được những câu hỏi phản biện của cô giáo, Đạt lúc đó khá sốc. Cậu kể: Ý tưởng của tôi xuất phát từ chính bản thân lúc ôn thi vào đại học. Tôi tâm huyết lắm nên khi không thể trả lời nhiều câu hỏi của cô Thùy, tôi rất buồn. Tôi còn suy nghĩ: Cô sao khắt khe thế…

Sau cuộc gặp đó, TS. Thùy đã tìm tài liệu, gửi cho Đạt đường link về một nhóm có ý tưởng tương tự ở Hàn Quốc và Mỹ, khởi nghiệp bằng thiết bị chăm sóc giấc ngủ, nếu Đạt quyết tâm theo đuổi thì nên xem tài liệu và suy nghĩ lại. 

Vương Tiến Đạt rất cầu thị, kiên trì tìm hiểu, quan sát người thân như bà và mẹ - những người không có giấc ngủ đủ đầy hàng ngày. Một ngày, Đạt gặp cô giáo Lê Minh Thùy, trình bày cú “quay xe” ý tưởng: Nghiên cứu thiết bị hỗ trợ giấc ngủ! Chuyên ngành của Đạt là điều khiển tự động hóa, thiết bị này một phần nào đó là về lĩnh vực Internet vạn vật (Internet of Thing - IoT), phù hợp để tích hợp trong các hệ thống nhà thông minh, có chức năng đo và thu thập các thông số liên quan tới chất lượng giấc ngủ để có cơ sở cho việc đưa ra quyết định điều khiển các thông số trong môi trường giúp người dùng có giấc ngủ ngon, rất gần với ngành học của cậu. Cú chuyển hướng ý tưởng này không đến ngay lập tức, mà mất 2 năm – đủ để thấy sự chín chắn, nghiêm túc của Vương Tiến Đạt trong theo đuổi nghiên cứu.

Cô Thùy nhớ lại: “Tôi thấy Đạt có tiếp thu các nhận xét của cô giáo, của các bạn học. Bình thường các em khác khi bị phản biện như vậy sẽ bỏ hoặc sốc, chán. Nhưng Đạt thì không, em vẫn kiên nhẫn, về tìm hiểu các chu trình ngủ, các cảm biến để đo được các thông số chất lượng của giấc ngủ, tìm hiểu nhiều tài liệu liên quan. Tôi luôn âm thầm theo sát em để hỗ trợ bất cứ khi nào Đạt cần”.

Vương Tiến Đạt (ngoài cùng bên trái ảnh) và các bạn trong nhóm HieDream

Mang ý tưởng đi thi, thiết bị dần thành hình

Sau thời gian các thành viên “in, out”, nhóm nghiên cứu thiết bị hỗ trợ giấc ngủ hiện có 5 thành viên, trong đó 3 thành viên là sinh viên Bách khoa Hà Nội học tại Trường Điện – Điện tử và Viện Toán ứng dụng và Tin học, 2 thành viên khác học về kinh tế và y khoa Trường ĐH Thăng Long và Đại học Y Hà Nội. Các thành viên hỗ trợ, bổ sung nhau về các kiến thức kỹ thuật, CNTT, Marketting, y học…

Tìm hiểu thực tế ở Việt Nam, nguồn lực nghiên cứu về giấc ngủ còn nhiều hạn chế về cả thiết bị nghiên cứu lẫn các thiết bị đo kiểm trong phòng thí nghiệm nên Đạt và các bạn cố gắng mang ý tưởng về thiết bị hỗ trợ giấc ngủ của mình tham gia các cuộc thi khoa học, lắng nghe các nhận xét, phản biện từ chuyên gia xem ý tưởng đã đi đúng hướng chưa; bên cạnh đó tìm kiếm nguồn lực phát triển sản phẩm. Đây là quá trình rất đáng nhớ với Vương Tiến Đạt và các bạn. 

Cuộc thi đầu tiên năm 2020, Đạt kể mình thuyết trình trong vẻ mặt khá mơ hồ, hoang mang của giám khảo. Nhưng dần dần, các cuộc thi sau đã khác.

Niềm vui đạt giải quán quân của nhóm HieDream

Đạt kể lại: Điều tôi nhớ nhất là những lần mang ý tưởng đi thi. Cứ sau mỗi lần thi, về hoàn thiện ý tưởng, bổ sung những phần còn khuyết thiếu, lần thi sau truyền tải tốt hơn, đưa được nhiều tài liệu để thuyết phục người nghe hơn. Các giám khảo tin ý tưởng của nhóm khả thi, sáng tạo. Minh chứng là Giải thưởng nhóm đạt được: Quán quân miền bắc, Top 3 toàn quốc Thử thách sáng tạo xã hội Việt Nam VSIC 2020; Top 10 Startup Vietnam Frontier - Australia 2021; Top 20 Hack4Growth Global 2021; Top 35 Db-SNUbiz Global Startup Challenge 2022 (đang dự thi Round 2).

Sau mỗi cuộc thi, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn, thiết bị dần thành hình. 

Tên thiết bị được nhóm đặt là HieDream - Smart Sleep Assistant, áp dụng giải pháp IoT giúp kết nối các thiết bị có sẵn trong căn hộ, cung cấp một giải pháp tự động hóa toàn diện cải thiện chất lượng giấc ngủ, đồng thời cũng theo dõi tình trạng sức khỏe qua giám sát giấc ngủ cá nhân trên ứng dụng điện thoại. 

Sản phẩm thu thập chỉ số nhịp tim, chuyển động cơ thể trong khi ngủ nhằm dự đoán giai đoạn ngủ, qua đó tính toán chất lượng giấc ngủ. Qua việc dự đoán các giai đoạn ngủ, thiết bị sẽ đánh thức người dùng vào thời điểm tỉnh táo nhất. Sản phẩm thiết lập các điều kiện ánh sáng, nhiệt độ, âm thanh tối ưu theo tình trạng giấc ngủ người dùng. Từ đó giúp người dùng ngủ dễ hơn, sâu hơn, không gặp phải các vấn đề cảm cúm, sốt sau khi thức giấc.

HieDream được cấu tạo bởi 3 thành phần chính: Cảm biến giấc ngủ như một chiếc đồng hồ đeo tay: Đo đạc các chỉ số về nhịp tim, thân nhiệt và cảm biến chuyển động xuyên suốt quá trình ngủ…; Thiết bị điều khiển trung tâm IoT: Gắn đèn, loa và các cảm biến môi trường, đi kèm với bộ điều khiển quạt, điều hòa. Thiết bị sẽ tự động điều khiển điều kiện môi trường theo tình trạng giấc ngủ, cải thiện chất lượng giấc ngủ người sử dụng; Mobile App quản lý thông tin giấc ngủ, giúp cá nhân hóa và phân tích chất lượng giấc ngủ sau khi sử dụng sản phẩm.

Thiết bị hỗ trợ giấc ngủ thông minh cũng theo Vương Tiến Đạt vào đồ án tốt nghiệp, vào hồ sơ xin việc của cậu ở FPT, gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng. Đang học năm cuối Bách khoa Hà Nội nhưng Đạt đã là một nhân viên lập trình của FPT, đi làm cả ngày và được công ty tạo điều kiện thời gian để tiếp tục hoàn thành khóa học. Hiện tại, khi gặp cậu, đồng nghiệp FPT hay vỗ vai hỏi thăm: Này, thiết bị giấc ngủ thế nào rồi! Cố gắng đi đến cùng nhé!

Với Đạt, thật hạnh phúc khi được mọi người công nhận, rằng nghiên cứu của mình không phải là “mấy cậu sinh viên chém gió”!

TS. Lê Minh Thùy cùng các sinh viên Bách khoa Hà Nội

Start-up từ “lab tự phát” 

Để có được HieDream như hôm nay, Đạt nhận định: Không có cô giáo Lê Minh Thùy, nhóm em không thể triển khai HieDream như hiện tại!
 

Phòng lab cô Thùy và các SV ngồi nghiên cứu được cô trò gọi vui là “lab tự phát”. Khi cô Thùy từ Pháp về làm việc tại Bách khoa Hà Nội năm 2015, cô đã thành lập nhóm nghiên cứu, tạo môi trường cho sinh viên làm việc với nhau, các sinh viên sẽ được hỗ trợ. 

“Tôi thấy rất phí khi sinh viên làm nhiều ý tưởng khá hay nhưng xong rồi lại bỏ đi, không phát triển lên được. Tôi đề xuất bộ môn cho tôi sử dụng phòng 328 C1 để các sinh viên tập trung nghiên cứu, trang thiết bị phòng lab thì đi xin hoặc tôi bỏ tiền túi ra mua linh kiện. Sinh viên sẽ được trải nghiệm tự làm mạch, học từ chính lỗi mình mắc phải. Tôi cũng nhận một số bài toán và đặt hàng của doanh nghiệp, hướng dẫn sinh viên làm. Kinh phí từ đấy lấy cho vào quỹ lab. Kinh phí cho sinh viên nghiên cứu ban đầu lấy từ cô giáo, sau thì trích từ dự án.

Tôi đề ra quy định chỉ cho sinh viên một lần tài trợ thôi. Nếu sau đấy, sản phẩm không chạy được thì sinh viên phải trả lời được câu hỏi tại sao. Nếu chỉ ra được lỗi thì sẽ khắc phục ở bản 2. Nếu không thì sinh viên phải đầu tư linh kiện để làm lại mạch, các sản phẩm từ trước đến nay vẫn làm với mô hình như vậy”. – TS. Lê Minh Thùy chia sẻ. 

Hỏi cô Thùy: “Vậy với thiết bị HieDream thì sao?”

- “Riêng với thiết bị hỗ trợ giấc ngủ thông minh, đến giờ vẫn nhóm Đạt vẫn chưa lấy của tôi đồng nào. Chắc cậu muốn “chạy” xong rồi mới lấy tiền một lần!” - Cô Thùy vui vẻ tiết lộ.

Vương Tiến Đạt thuyết trình về sản phẩm trước cô giáo, các bạn và anh chị trong lab

Hiện nhóm của Vương Tiến Đạt đang có một sản phẩm hoàn thiện trong phòng thí nghiệm. Nhóm đang chuẩn bị cho bước tiếp theo, làm 5-10 thiết bị. Chặng đường còn dài vì Đạt và các bạn còn phải hoàn thiện cả phần cứng và phần mềm, web, app… Kiên định như cách đây 4 năm hình thành ý tưởng, Vương Tiến Đạt quyết tâm theo đuổi nghiên cứu đến khi ra sản phẩm để khảo sát người dùng, thương mại hóa. 

Trước mắt, Đạt đặt mục tiêu tiếp tục học cao học tại Bách khoa Hà Nội cùng HieDream, viết bài báo khoa học quốc tế về nghiên cứu này. Hiện có một nhóm sinh viên tại phòng lab tự phát của TS. Lê Minh Thùy đang triển khai dự án vòng đeo tay chăm sóc cho những người bị bệnh truyền nhiễm. TS. Thùy gợi ý Đạt kết hợp với nhóm này để có thể kế thừa, chỉnh sửa, sử dụng trong dự án của mình, giảm giá thành sản phẩm, đặt mục tiêu cuối năm 2022 sẽ có HieDream hoàn thiện, có một sản phẩm “ra tấm ra món” để tự tin nói chuyện với các nhà đầu tư!

Từ ý tưởng của sinh viên, nuôi dưỡng đam mê, tận tâm hướng dẫn, cô trò Bách khoa đang Start-up ngay từ phòng lab!

5 thành viên sáng chế trợ lý giấc ngủ thông minh
Vương Tiến Đạt – SV năm 4 Chương trình tài năng Điều khiển tự động, Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trưởng nhóm;
Lê Thanh Phương – SV năm 4 Chương trình điều khiển tự động, Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội;
Đoàn Lê Tường Vi – SV năm 3 Hệ thống Thông tin quản lý, Viện Toán ứng dụng và Tin học, Đại học Bách khoa Hà Nội;
Vũ Thu Hiền – chuyên ngành Marketting, ĐH Thăng Long;
Nguyễn Hoàng Long – SV năm 4 Y đa khoa – ĐH Y Hà Nội.

Gia Hân

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây