Hội nghị thống nhất lên kế hoạch và triển khai xây dựng hệ sinh thái Khởi nghiệp & Sáng tạo cho sinh viên tại các trường Đại học. Đại học Bách khoa Hà Nội có trách nhiệm trở thành trung tâm hỗ trợ để xây dựng hệ sinh thái chung Miền Bắc.
Sáng ngày 15/7/2020, buổi họp chỉ đạo thực hiện đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh sinh viên (HSSV) khởi nghiệp đến năm 2025” diễn ra giữa lãnh đạo trường Đại học Bách khoa Hà Nội và đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo ông Bùi Tiến Dũng, Thư ký Đề án 1665 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường đại học đã bắt đầu xây dựng chiến lược thúc đẩy khởi nghiệp trong sinh viên, song còn mang tính nhỏ lẻ và chưa liên kết, dẫn đến những đóng góp của các trường đại học trong phong trào khởi nghiệp chưa gây được nhiều dấu ấn.
Trong thời gian đầu của đề án, 3 trường Đại học là: ĐHBK Hà Nội, Đại học Khoa học Huế và Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM được chọn thí điểm xây dựng hệ sinh thái Khởi nghiệp & Sáng tạo cho Học sinh sinh viên ở từng vùng. Được biết, nhà nước sẽ cấp số vốn đầu tư ban đầu 7,5 tỷ đồng cho mỗi đơn vị để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, với 5 tỷ đồng kinh phí duy trì cho các năm tiếp theo.
Theo đó, buổi hội nghị đặt ra ba vấn đề trọng tâm: một là, tăng cường công tác truyền thông về Khởi nghiệp & Sáng tạo; hai là, nâng cao hiểu biết và kỹ năng cho sinh viên về Khởi nghiệp & Sáng tạo; ba là, hỗ trợ các nhóm, cá nhân có năng lực, khả năng phát triển về Khởi nghiệp & Sáng tạo tham gia vào các dự án khởi nghiệp trong thực tế.
ĐHBK Hà Nội đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp kỹ thuật
Qua báo cáo của các đơn vị trong trường ĐHBK Hà Nội, các hoạt động liên quan đến Khởi nghiệp & Sáng tạo của sinh viên đã được trường triển khai đồng bộ và đẩy mạnh trong những năm vừa qua.
Về công tác đào tạo, 9 học phần về văn hoá kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp được xây dựng để các sinh viên làm quen với các kỹ năng khởi nghiệp thực tế. Nhà trường cũng cử 12 cán bộ theo chương trình đào tạo về sáng tạo, khởi nghiệp với kỳ vọng xây dựng đội ngũ cố vấn khởi nghiệp cho các chương trình trong thời gian sắp tới.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu, khoá học về sáng tạo và khởi nghiệp của nhà trường đã ghi nhận hơn 400 hồ sơ đăng ký, một minh chứng cho sự quan tâm ngày càng tăng của sinh viên đối với khởi nghiệp và sáng tạo.
Theo đó, trong những năm vừa qua, nhiều cuộc thi về ý tưởng và khởi nghiệp cấp Viện và cấp Trường được tổ chức, có thể kể đến Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học, cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa... Công tác truyền thông cũng được chú trọng hơn, đảm bảo những ý tưởng và dự án tiềm năng có thể tiếp cận đến đông đảo công chúng. Cũng trong hội nghị, cuộc thi SV-Startup 2020 được thống nhất kế hoạch triển khai và tổ chức trong tháng 10 tới.
Cùng với sự ra đời của quỹ Sáng tạo khởi nghiệp BK-Fund, BK-Holding đang hỗ trợ đắc lực cho quá trình thương mại hoá công nghệ và khởi nghiệp, thực hiện theo đúng kim chỉ nan: các nghiên cứu và ý tưởng phải được hiện thực hoá và bước vào đời sống.
Kết thúc hội nghị, đại diện của Bộ GD&ĐT đã trao tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân có đóng góp cho công tác tổ chức cuộc thi SV-Startup 2019. Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội vinh dự là đơn vị được trao tặng bằng khen.
GS. Đinh Văn Phong – Phó hiệu trưởng nhà trường, PGS. Đinh Văn Hải – trưởng phòng CTSV, ThS. Trần Quang Khải – Phó trưởng phòng CTSV đã được trao tặng bằng khen cho các cá nhân đóng góp cho công tác tổ chức cuộc thi SV-Startup 2019.
Trung Dũng - Thu Hà
Ảnh: Trung Dũng
Tác giả: Phạm Thanh Huyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn