Sáng ngày 11/09/2019, Tọa đàm chuyển giao công nghệ và tri thức Việt Nam – Châu Âu đã diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội với sự tham gia của hơn 80 cán bộ đến từ các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa Học và Công nghệ, Phái đoàn Châu Âu tại Việt Nam, đại diện 03 trường Đại học tại Châu Âu, các trường Đại học tại Việt Nam, cùng một số nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và nhà báo quan tâm.
Buổi tọa đàm tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là chương trình nằm trong khuôn khổ dự án “Mạng lưới đào tạo chuyển giao công nghệ và tri thức Việt Nam – Châu Âu” do Ủy ban Châu Âu tài trợ gọi tắt là VETEC, gồm 5 sự kiện tọa đàm. Với mục tiêu thiết kế và xây dựng các mô hình đào tạo cho các đối tượng từ cán bộ đến nhà lãnh đạo nhằm hỗ trợ các đối tác tại Việt Nam và các thành viên liên quan nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ - tri thức, mở rộng các cơ hội tiếp cận đối với các đối tác doanh nghiệp, VETEC đã tiến hành thực hiện các khóa tập huấn chuyển giao công nghệ - tri thức cho các lãnh đạo, cán bộ Châu Âu cũng như Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Buổi tọa đàm, GS. TS. Đinh Văn Phong, Phó Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh “Trường ĐHBKHN rất quan tâm đến mô hình chuyển giao công nghệ tại trường và rất cần sự hỗ trợ để phát triển chiến lược chuyển giao công nghệ một cách hiệu quả và triệt để. Với sự hỗ trợ của Bộ Khoa Học Công nghệ, và sự chia sẻ kinh nghiệm của các trường Đại học Châu Âu nói riêng, nhà trường đã có thêm nhiều bài học quý giá để định đường con đường chiến lược cho các hoạt động chuyển giao công nghệ của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội”.
Cũng tại buổi nói chuyện, ông Tom Corrie – Phó trưởng ban hợp tác phát triển, Phái đoàn Châu Âu tại Việt Nam, người luôn đồng hành và theo sát các dự án khoa học – công nghệ của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội vô cùng ủng hộ chương trình phát triển mạng lưới dự án VETEC.
Chia sẻ tại buổi hội thảo, ông Trần Vũ Tuấn Phan – quyền Giám đốc Trung tâm dịch vụ KH&CN, Học viện khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, một đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN đưa ra một số thông tin về Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo của Bộ KH&CN, đặc biệt là “Đề án bồi dưỡng nhân lực bằng ngân sách nhà nước” theo quyết định số 2395/QĐ-TTg của Chính Phủ.
Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí thoải mái, cởi mở, các cán bộ tham gia nhiệt tình thảo luận về chuyển giao công nghệ từ lý thuyết đến thực tiễn thực hiện, các nhóm thảo luận tích cực về các chủ đề: đào tạo chuyển giao công nghệ, chính sách chính phủ về CGCN&TT, các mô hình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, kết nối giữa doanh nghiệp và Nhà trường trong chuyển giao công nghệ, những thay đổi về văn hóa và thách thức trong đổi mới sáng tạo tại trường học và doanh nghiệp cũng là chủ đề đáng quan tâm được buổi tọa đàm đưa ra để thảo luận và chia sẻ.
Chuyển giao công nghệ và tri thức là xu thế tất yếu mà các trường Đại học tại Việt Nam đang rất quan tâm. Với sự tham gia và chia sẻ các mô hình chuyển giao công nghệ tại các trường ĐH Châu Âu, các trường ĐH tại Việt Nam sẽ có thêm những kinh nghiệm sâu sắc về các mô hình TTO (chuyển giao công nghệ tại trường) cho chính trường mình. Là thành viên của dự án VETEC, ĐH Bách khoa Hà Nội nói riêng và các trường Đại học khác của Việt Nam cũng đã và đang mở rộng thêm mạng lưới các đối tác và cơ quan chính phủ quan tâm trong lĩnh vực này.
Phòng truyền thông và quản trị thương hiệu
Ảnh Kim Chi
Tác giả: Phạm Thanh Huyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn