Với sự hợp tác của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Công ty Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số với mục tiêu chuyển từ gia công sang sản xuất theo hướng “Make in Viet Nam” nghĩa là chủ động sáng tạo, thiết kế và sản xuất sản phẩm tại Việt Nam.
Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ngày hôm nay ký thỏa thuận hợp tác với trọng tâm nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ. Theo đó, hai bên thành lập nhóm nghiên cứu chung theo mô hình doanh nghiệp liên kết với trường đại học. Các học giả của Bách khoa Hà Nội sẽ tư vấn và hợp tác nghiên cứu các vấn đề khoa học và công nghệ phù hợp với ngành sản xuất của Rạng Đông. Hai bên cũng đặt mục tiêu cùng nhau tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu chung.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Bách khoa Hà Nội, đặt hy vọng vào mô hình hợp tác quyết liệt, sòng phẳng, tất cả các bên đều hưởng lợi và phát huy tốt nhất năng lực, trí tuệ, khả năng sáng tạo để có nhiều nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm “Make in Vietnam” đúng nghĩa tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu.
Hiệu trưởng Huỳnh Quyết Thắng (giữa) nghe ông Nguyễn Đoàn Kết (trái), phó tổng giám đốc công ty Rạng Đông, giới thiệu về công nghệ chiếu sáng thông minh. Ảnh: CCPR-Hạnh Phạm.
Theo nhận định của các chuyên gia, bài học thành công trong khu vực Đông Nam Á cho thấy Thái Lan và Malaysia không chọn phát triển theo hướng trở thành nền kinh tế gia công. Nếu Việt Nam muốn cạnh tranh, vươn lên thành nước sản xuất sử dụng công nghệ cao hơn là thay thế vai trò của Trung Quốc như là công xưởng giá rẻ của thế giới thì cần đầu tư mạnh vào R&D (nghiên cứu và phát triển).
Không thể phủ nhận vai trò R&D trong sự đổi mới, phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đầu tư vào R&D đòi hỏi chi phí cao, thời gian thu hồi vốn dài, và hiệu quả không chắc chắn. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam ngần ngại.
Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông nhiều năm liên tiếp thực hiện việc trích 20% lợi nhuận sau thuế cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ. Rạng Đông là một trong những doanh nghiệp có tỷ lệ trích lợi nhuận đầu tư vào R&D cao nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.
Năm 2011, Rạng Đông thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển hợp tác với hơn 40 nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học lớn, bao gồm Bách khoa Hà Nội. Hàng năm Rạng Đông vẫn cho ra đời những sản phẩm mới, duy trì tăng trưởng doanh thu bình quân trong 10 năm qua đạt 13% mỗi năm.
Tại kỳ họp đại hội cổ đông vào tháng 5, lần đầu tiên lãnh đạo công ty đề xuất trích 7% lợi nhuận sau thuế, khoảng 6,3 tỷ đồng, đổ vào các hoạt động đầu tư mạo hiểm với mục đích giúp công ty chuyển đổi số thành công. Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Đoàn Thăng, Rạng Đông dành phần lớn nguồn tiền này để đầu tư vào Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo BK Fund của Bách khoa Hà Nội. Rạng Đông đã tham gia BK Fund với tư cách cổ đông sáng lập chiếm 17,5% cổ phần. BK Fund, hiện huy động được hơn 1 triệu USD từ cán bộ, giảng viên và cựu sinh viên, là một quỹ đầu tư hướng đến các công ty công nghệ khởi nghiệp trong giai đoạn “ươm tạo”.
Tại lễ ký kết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Rạng Đông nhận định Chuyển đổi Số với một doanh nghiệp truyền thống tiền Internet như Rạng Đông là một công việc khó khăn, mới mẻ, không có hình mẫu. “Không thực hiện Chuyển đổi Số thì chắc chắn Rạng Đông sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Nhưng tiến hành Chuyển đổi Số sẽ gặp rất nhiều rủi ro, xác suất thất bại cũng tới 50%,” ông Đoàn Thăng nói. “Chính tại thời điểm chuyển đổi quan trọng và khó khăn này công ty Rạng Đông nhận được sự giúp đỡ kịp thời của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.”
Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Rạng Đông (trái) và PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trao thỏa thuận hợp tác ngày 8/12 tại trụ sở của Công ty cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông. Ảnh: Việt Hòa.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Rạng Đông điểm lại những cột mốc trong lịch sử hợp tác giữa công ty và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Lớp kỹ sư Khóa 1, Khóa 3, Khóa 5 thuộc nhiều ngành của Trường Đại học Bách Khoa đã đảm nhiệm khối Kỹ thuật của Nhà máy.
Sau đó, cũng nhờ các nhà khoa học của Bách khoa Hà Nội “đã không kể ngày, đêm, không ngại ngần với nóng bức, dầu mỡ của xưởng máy”, ông Đoàn Thăng chia sẻ, trong thời gian hơn 10 năm, Rạng Đông chuyển đổi thành công hai tầng công nghệ trong chiếu sáng, từ đèn dây tóc sang đèn FL, CFL dựa trên công nghệ phóng điện hồ quang trong khí kém hơi thủy ngân, tiếp đó là đèn LED. "92 cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đang giữ những vị trí lãnh đạo tại công ty," ông Đoàn Thăng cho biết bản thân ông cũng là kỹ sư ngành điện tốt nghiệp Bách khoa Hà Nội.
Và trong lần chuyển đổi tầng công nghệ này, Rạng Đông kỳ vọng sự hỗ trợ của các nhà khoa học ở các Viện Nghiên cứu và Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội giúp Rạng Đông chuyển sang sản xuất các sản phẩm kết nối Internet Vạn Vật; thực hiện tự động hóa số hóa, ảo hóa công nghệ sản xuất; chuyển đổi mô hình kinh doanh trên các nền tảng số; và chuyển từ gia công lắp ráp sang sản xuất theo hướng “Make in Viet Nam”.
Rạng Đông đang xây dựng nhà máy công nghệ cao tại khu công nghệ cao Hòa Lạc với vốn đầu tư dự kiến 2,5 nghìn tỷ đồng. Đây sẽ là nơi nghiên cứu, sản xuất, thương mại hóa hai dòng sản phẩm gồm LED hệ sinh thái số và sản phẩm điện tử công nghệ cao, theo ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị.
PGS. Nguyễn Văn Minh, Viện Trưởng Viện Kinh tế - Thương mại Quốc tế của Trường Đại học Ngoại thương, đứng đầu Tổ Chuyên gia Tư vấn Chuyển đổi Số của Rạng Đông nhận định sự hợp tác giữa Bách khoa Hà Nội và công ty Rạng Đông là điển hình hợp tác, chuyển giao tri thức giữa trường đại học và doanh nghiệp.
“Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện ta chưa có nhà máy thông minh,” ông Văn Minh phát biểu. “Tôi mong rằng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cái nôi của đào tạo khoa học kỹ thuật trong nước, sẽ giúp Rạng Đông chuyển đổi số thành công và xây dựng nhà máy mới ở Hòa Lạc trở thành nhà máy thông minh đầu tiên ở Việt Nam.”
Đoàn giảng viên và cán bộ của Bách khoa Hà Nội thăm quan nhà máy sản xuất tại Công ty cổ phần Rạng Đông. Ảnh: Việt Hòa.
Công ty Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông vốn là doanh nghiệp nhà nước nhưng lại khá thành công trong kinh doanh, với giá cổ phiếu niêm yết cao và ổn định. Trong khi đối thủ Điện Quang tập trung khá mạnh vào xuất khẩu thì Rạng Đông có xu hướng tập trung vào thị trường nội địa, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 17%, theo Giám đốc Truyền thông của Rạng Đông. Bên cạnh mảng chính là thiết bị chiếu sáng, hiện chiếm 70% doanh thu, mảng phích nước mang lại doanh thu 20% cho Rạng Đông.
Vào quý 4 năm 2019, lần đầu tiên nhà máy sản xuất bóng đèn, phích nước này báo lỗ trong suốt 11 năm kinh doanh gần nhất. Nguyên nhân là do thiệt hại tài sản khoảng 150 tỷ đồng, gần 5% tổng tài sản sau vụ cháy tháng 8. Dẫu vậy, kết thúc năm 2019, Rạng Đông vẫn ghi nhận hơn 4 nghìn tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17,5% so với năm 2018 và đứng thứ 155 trong 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2019 theo bình chọn và xếp hạng của Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam VNR và Báo điện tử VietnamNet. Trong 4 năm gần đây, công ty liên tục thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ lên đến 50%.
Hồng Hạnh
TIN LIÊN QUAN:
Bách Khoa Hà Nội lập quỹ đầu tư mạo hiểm với số vốn lên tới 50 tỷ
Khi doanh nghiệp hỗ trợ các nhà khoa học trẻ làm nghiên cứu
Bách khoa Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số
Bách khoa Hà Nội tham gia Vành đai Nghiên cứu AI Toàn cầu
Tác giả: Phạm Thanh Huyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn