Bách khoa Hà Nội cùng 6 trường đại học kỹ thuật Hợp tác - Thay đổi - Dẫn dắt

Thứ năm - 08/09/2022 20:40

Sáng nay (9/9/2022), tại Lào Cai, 7 trường đại học kỹ thuật đã ký kết hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với mục tiêu cùng nhau phát triển hợp tác về các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, trao đổi học thuật, công bố khoa học và xuất bản; hợp tác khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội các địa phương/ngành; hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ và nâng cao hiệu quả thực hiện tầm nhìn, sứ mạng và chiến lược phát triển của mỗi trường. Đây là lần thứ tư 7 trường đại học kỹ thuật ký kết ghi nhớ hợp tác. 

Đoàn đại biểu Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tham dự buổi lễ

6 nội dung hợp tác về KHCN và ĐMST

7 trường đại học kỹ thuật tham gia ký kết Ghi nhớ hợp tác gồm: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường ĐH Bách khoa -  ĐH Đà Nẵng; Trường ĐH Bách khoa ĐHQG TP. HCM; Trường ĐH Giao thông Vận tải; Trường ĐH Mỏ - Địa chất; Trường ĐH Thủy lợi; Trường ĐH Xây dựng Hà Nội. 

7 trường đại học kỹ thuật thống nhất 6 nội dung hợp tác, gồm: 

1. Đề xuất, xây dựng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ và chương trình nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo liên trường, liên ngành và liên vùng, nhằm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

2. Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh liên trường, liên ngành, đặc biệt trong các lĩnh vực sau đây (nhưng không hạn chế đối với các lĩnh vực khác): Khoa học cơ bản; khoa học về sức khỏe; khoa học trái đất; nông nghiệp và an ninh lương thực; robot; cơ khí chính xác; Internet vạn vật; phân tích dữ liệu lớn; trí tuệ nhân tạo; chuyển đổi số; vật liệu tiên tiến; năng lượng tái tạo; bảo vệ môi trường và quản lý bền vững tài nguyên nước; kinh tế tuần hoàn và nâng cao năng suất lao động, giao thông thông minh,…

3. Cho phép phối hợp sử dụng nguồn lực về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm của mỗi Trường phục vụ các hoạt động hợp tác chung về khoa học công nghệ; chia sẻ dữ liệu về khoa học công nghệ (chuyên gia, kết quả nghiên cứu khoa học, dữ liệu khoa học) trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định riêng của mỗi Trường.

4. Xây dựng và triển khai các hoạt động trao đổi học thuật, công bố khoa học và xuất bản, hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ mới, thực hiện chuyển đổi số, viết bài báo khoa học và công bố khoa học, kết nối chung hệ thống các Tạp chí KHCN của 7 Trường.

5. Phối hợp tổ chức các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế trong các lĩnh vực khoa học công nghệ mà một hoặc các Trường đề xuất.

6. Phối hợp, hợp tác với địa phương/bộ/ngành thực hiện các nhiệm vụ khoa học và chuyển giao công nghệ, mang tính chiến lược nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

GS. Huỳnh Trung Hải - Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - phát biểu đề xuất các đầu mối phụ trách để triển khai nội dung ký kết hợp tác

Thay mặt Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, GS. Huỳnh Trung Hải - Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu - đã đề xuất các đầu mối phụ trách các nội dung để việc triển khai sau ký kết được hiệu quả. 
Cụ thể: Nội dung 1 do Trường Đại học Bách khoa làm đầu mối; Nội dung 2 do Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TP.HCM làm đầu mối; Nội dung 3 do Trường Đại học Mỏ - Địa chất làm đầu mối; Nội dung 4 – Trường Đại học Bách khoa – ĐH Đà Nẵng làm đầu mối; Nội dung 5 – Trường ĐH Xây dựng Hà Nội làm đầu mối; Nội dung 6 – Trường ĐH Thủy lợi và Trường ĐH Giao thông Vận tải làm đầu mối. 

Riêng với nội dung sáng tạo và khởi nghiệp, GS. Huỳnh Trung Hải thông tin: Cách đây 5 năm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã khởi xướng cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa. Cuộc thi đã được mở rộng tới tất cả các trường đại học trong hệ thống, đặc biệt lấy 7 trường đại học kỹ thuật cùng 26 trường trong câu lạc bộ khoa học công nghệ làm nòng cốt. Cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa đã là cầu nối cho các sinh viên từ nghiên cứu hàn lâm đến sáng tạo, khởi nghiệp.

“Trường Đại học Bách khoa Hà Nội mạnh dạn xin làm đầu mối về sáng tạo, khởi nghiệp không những cho sinh viên mà cho quý thầy cô, cán bộ nhân viên của 7 trường và các trường khác trong hệ thống” – GS. Huỳnh Trung Hải đề xuất. 

Được biết, đây là lần thứ tư 7 trường cùng nhau ký kết thỏa thuận, ghi nhớ hợp tác. Trước đó, ngày 27/6/2020, 7 trường đã cùng nhau ký kết nguyên tắc chung trong phát triển chương trình đào tạo kỹ sư. Ngày 22/1/2021, 7 trường đã ký bản thỏa thuận hợp tác toàn diện. Ngày 1/4/2022, 7 trường đã ký bản ghi nhớ hợp tác về Truyền thông và Tuyển sinh.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - phát biểu tại lễ ký kết hợp tác

“Không ký để vui vẻ mà ký để làm!"

Tại buổi lễ, hiệu trưởng 7 trường đại học kỹ thuật đã có những phát biểu về tiềm năng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của đơn vị mình cùng những triển vọng hợp tác trong lĩnh vực này giữa các trường trong nhóm. 

PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – mở đầu bài phát biểu bằng lời khẳng định: “Chúng ta hôm nay không phải ký kết để vui vẻ mà ký kết để làm!”. PGS. Huỳnh Quyết Thắng đã chia sẻ, phân tích về những khó khăn và thách thức với cả 7 trường trong triển khai các nội dung ký kết lần này qua 3 cụm từ khóa: Quyết tâm; Chia sẻ và hấp dẫn; Mô hình và đồng hành cùng với doanh nghiệp, địa phương.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng (bìa phải ảnh) và 6 hiệu trưởng các trường đại học kỹ thuật chụp ảnh lưu niệm cùng Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (áo trắng)

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, việc đầu tiên, 7 trường cần có sự quyết tâm và hợp tác. “Có những công việc đòi hỏi tập hợp đội ngũ của cả 7 trường, có những công việc cần liên kết, hợp tác với nước ngoài… Chỉ có quyết tâm và hợp tác với nhau chúng ta mới tạo nên sức mạnh, mới có thể nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.” – PGS. Thắng nói.

Bên cạnh đó, PGS. Thắng phân tích: Nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo cần có sự hấp dẫn với tập thể các thầy cô, cuốn hút các thầy cô đưa NCKH và ĐMST vào công việc. Có nghĩa là lãnh đạo các trường sẽ cần có những chính sách, có những giải  pháp để làm sao thu hút được các thầy cô vào công việc này. NCKH và ĐMST không chỉ cần trách nhiệm mà còn cần sự say mê, tham gia, chia sẻ bởi đôi khi quyền lợi, điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện tài chính mang lại không giống như nhiệm vụ khác của cán bộ, giảng viên. Vậy nên rất cần chính sách linh hoạt từ các trường. 

Từ kinh nghiệm của Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS. Huỳnh Quyết Thắng cho rằng đồng hành cùng 7 trường phải có doanh nghiệp. Ông phát biểu: “Những kết quả nghiên cứu của chúng ta trong nhà trường cần phải chuyển giao được cho doanh nghiệp để đưa vào thực tế, từ đó, sản phẩm, ý tưởng, kinh nghiệm của chúng ta sẽ được các doanh nghiệp vun đắp. Vậy nên các trường cần xây dựng mô hình hợp tác với địa phương, với doanh nghiệp, mô hình chuyển giao công nghệ để bảo vệ được quyền lợi của trường, của nhà khoa học và đảm bảo sự phát triển cho mô hình hợp tác đấy”. 

“Trường Đại học Bách khoa Hà Nội bày tỏ sự quyết tâm, cam kết, mong muốn chung tay, chung sức cùng nhóm 7 trường đại học kỹ thuật chúng ta (sắp tới sẽ có mạng lưới rộng hơn là 26 trường) sẽ làm tốt hơn nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, đưa được trí tuệ, chất xám của chúng ta vào thực tiễn cuộc sống, góp phần phát triển đất nước.” – PGS. Huỳnh Quyết Thắng bày tỏ. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi lễ

Lời chúc của lãnh đạo Bộ GD&ĐT: Hợp tác – Thay đổi – Dẫn dắt

Tham dự lễ ký kết của 7 trường kỹ thuật, PGS. Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT rất vui khi gặp lại những đồng nghiệp và nghe được các thông tin về sự phát triển của các trường đại học.

Tâm huyết chia sẻ với lãnh đạo các trường đại học về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của trường đại học,  phân tích rất thẳng thắn các con số về công bố khoa học, việc đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm… PGS. Hoàng Minh Sơn đã đưa tới các đại biểu góc nhìn từ nhà quản lý cấp Bộ về những công việc, nhiệm vụ của các trường đại học nói chung và 7 trường đại học kỹ thuật nói riêng.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh  Sơn, việc các trường hợp tác với nhau vô cùng quan trọng để giúp Bộ GD&ĐT, mà giúp Bộ chính là để giúp các trường. Các trường xây dựng các đề án, chương trình, ý tưởng, đưa ra những đề xuất thay đổi chính sách… để cùng với Bộ GD&ĐT đề xuất tới các cấp có thẩm quyền, tới Thủ tướng, Chính phủ... 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (áo trắng), PGS. Huỳnh Quyết Thắng (bìa trái ảnh) và 6 hiệu trưởng các trường đại học kỹ thuật bày tỏ quyết tâm đoàn kết, hợp tác 

Mong muốn các trường thể hiện vai trò tiên phong và dẫn dắt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhắn nhủ: Ở tầm vĩ mô, chúng tôi muốn các trường hợp tác không chỉ với nhau, mà hợp tác cùng với Bộ GD&ĐT để chúng ta thay đổi. Bởi nếu không thay đổi, hợp tác 7 trường chỉ tối ưu hóa cục bộ. Cần thể hiện vai trò dẫn dắt, vai trò tiên phong.

Trong những đổi mới này, những mô hình mới các thầy nghiên cứu và thí điểm, cần những gì mà cơ chế chính sách hiện nay chưa có, tôi tin rằng Bộ GD&ĐT và Bộ KH&CN sẽ xem xét, tháo gỡ; cần những cơ chế chính sách gì mới, thí điểm cách làm mới, doanh nghiệp trong trường đại học, nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nguồn, hợp tác doanh nghiệp như thế nào… các trường cần đi tiên phong. Vai trò, trách nhiệm của chúng ta là trao đổi cùng với Bộ GD&ĐT, cùng với Bộ KH&CN; cùng đó là vai trò dẫn dắt…”. 

Kết thúc bài phát biểu, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn dùng 3 từ khóa: Hợp tác, Thay đổi và Dẫn dắt để chúc hợp tác của các trường không chỉ dừng lại ở 7 trường mà các trường sẽ là hạt nhân, là nòng cốt lan tỏa, tác động tới toàn hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. 

Gia Hân. Ảnh: Huyền Linh

TIN LIÊN QUAN

Nhóm 7 trường Kỹ thuật ký kết hợp tác về Truyền thông

Nhóm 7 trường đại học kỹ thuật ký kết hợp tác toàn diện

Chương trình đào tạo Kỹ sư đạt được thống nhất giữa 7 trường kỹ thuật nhóm đầu

Tác giả: Phạm Thanh Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây