Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ năm - 30/05/2024 06:08
Sáng nay (30/5), tại Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra chuỗi hoạt động: Lễ ký kết Thoả thuận hợp tác của Nhà trường với tổ chức Asahi Glass Foundation (AF), trao chứng nhận Đề tài Nghiên cứu Khoa học AF 2024 và Hội thảo Nghiên cứu Khoa học AF – HUST.
Trên cơ sở hợp tác thành công giữa Đại học Bách khoa Hà Nội và Asahi Glass Foundation từ năm 2020 đến nay, biên bản thoả thuận mới được ký kết đánh dấu bước phát triển mới trong mối quan hệ giữa hai đơn vị.
Thoả thuận mới sẽ có hiệu lực từ năm 2025, thời hạn 3 năm. Theo đó, Asahi Glass Foundation cam kết trao Bách khoa Hà Nội 30.000 USD (khoảng 730 triệu đồng) mỗi năm để hỗ trợ nghiên cứu trong các lĩnh vực Khoa học vật liệu, Khoa học đời sống, Công nghệ thông tin, Môi trường, Năng lượng và Khoa học xã hội.
Các ứng viên được ưu tiên nhận nguồn tài trợ là tiến sĩ đang công tác tại Đại học Bách khoa Hà Nội, chưa có đề tài tương đương cấp Bộ trở lên. Yêu cầu đầu ra là các đề tài phải có tối thiểu một bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI hoặc Scopus.
Chủ trì chuỗi hoạt động, GS. Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng đại học Đại học Bách khoa Hà Nội gửi lời cảm ơn tới tổ chức Asahi Glass Foundation vì đã hỗ trợ việc phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường.
“Sự hỗ trợ của tổ chức Asahi Glass Foundation là nguồn động lực to lớn cho những nhà khoa học trẻ, thúc đẩy họ nỗ lực hơn nữa trên con đường nghiên cứu khoa học trong tương lai.” – GS. Lê Anh Tuấn khẳng định.
Ông Takuya Shimamura - Chủ tịch tổ chức Asahi Glass Foundation - đánh giá cao kết quả nghiên cứu của các đề tài đã được tài trợ sẽ có nhiều tác động tích cực cho sự thịnh vượng của Việt Nam và vươn tầm quốc tế, đóng góp sự phát triển bền vững của môi trường toàn cầu.
Đại diện Bách khoa Hà Nội và tổ chức Asahi Glass Foundation gửi lời chúc mừng 7 dự án nghiên cứu đã hoàn thành thông qua chương trình tài trợ năm 2023 và trao chứng nhận cho 7 đề tài mới sẽ được triển khai trong năm nay.
Tại Hội thảo, PGS. Đặng Trung Dũng - Khoa Kỹ thuật Hoá học, Trường Hoá và Khoa học sự sống - trình bày kết quả của nhóm nghiên cứu đã thực hiện 1 năm qua.
Với đề tài “Nghiên cứu tổng hợp xanh tổ hợp vật liệu nano kim loại hóa trị 0 để xử lý nước thải”, nhóm nghiên cứu đã sử dụng chiết suất từ lá vối – loại cây quen thuộc có nhiều trong tự nhiên – trong quá trình tổng hợp tạo ra hợp chất sắt – nano xử lý các hợp chất hữu cơ trong nước thải từ quá trình dệt lụa, nhuộm vải, xử lý các ion kim loại nặng ảnh hưởng đến môi trường thủy sinh và sức khỏe con người. Đây còn là phương pháp hoá học xanh có thể ứng dụng để đánh giá dư lượng kháng sinh của các chất gây ô nhiễm môi trường.
Đến nay, báo cáo nghiên cứu của PGS. Đặng Trung Dũng và các cộng sự đã được công bố trên 6 tạp chí khoa học trong và ngoài nước.
Một trong những đề tài mới của chương trình tài trợ năm 2024 – “Điều chế vi nang nano dựa trên thuốc nhuộm Leuco bằng phương pháp trùng hợp nhũ tương không có chất nhũ hóa” – đang được TS. Dương Hồng Quyên - Khoa Vật liệu Hoá học Ứng dụng, Trường Vật liệu - triển khai.
Theo TS. Dương Hồng Quyên, bằng việc áp dụng kỹ thuật mới không nhũ hoá, nhóm nghiên cứu kỳ vọng sẽ tăng độ bền cho mực in bảo mật, thuốc nhuộm pin năng lượng và một số sản phẩm sinh học khác.
Tổ chức Asahi Glass Foundation đã hỗ trợ các dự án nghiên cứu ở nước ngoài tại Đại học Chulalongkorn (CU) ở Thái Lan (từ năm 1982), Viện nghiên cứu Institut Teknologi Bandung (ITB) ở Indonesia (từ năm 1988), Đại học Công nghệ King Mongkut (KMUTT) ở Thái Lan (từ năm 2012) và bắt đầu hỗ trợ Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) từ năm 2020.
Thông qua các chương trình thúc đẩy khoa học và công nghệ, Quỹ hy vọng sẽ đóng góp cho sự phát triển công nghiệp, kinh tế và xã hội của Việt Nam.