Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ tư - 25/09/2024 06:08
Sáng nay (25/9), tại Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra Toạ đàm“Tổng quan hoạt động nghiên cứu khoa học Pháp ngữ tại các trường đại học Việt Nam”. Sự kiện do Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với Tổ chức đại học Pháp ngữ (AUF - Agence Universitaire de la Francophonie) tổ chức.
Tham dự Tọa đàm có: Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, lãnh đạo Tổ chức Đại học Pháp ngữ và đại diện các trường đại học sử dụng tiếng Pháp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Hoạt động NCKH Pháp ngữ thúc đẩy cải thiện môi trường GDĐH Việt Nam
Tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định: Giáo dục đại học (GDĐH) nói riêng và giáo dục nói chung là quốc sách hàng đầu, được khẳng định qua nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nhấn mạnh cần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; trang bị cho học sinh, sinh viên các kỹ năng thiết yếu để thích ứng học tập, làm việc hiệu quả, an toàn trong không gian số; phát triển các phương thức đào tạo mở, khuyến khích phát triển các mô hình trường học số, trường học thông minh, trường học hạnh phúc.
Phát huy những chỉ đạo từ Kết luận số 91-KL/TW và Quyết định số 569/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch thực hiện, xây dựng định hướng cho giai đoạn 2025 - 2030 ưu tiên khuyến khích nhiều lĩnh vực nghiên cứu gồm: Nghiên cứu kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; các ngành khoa học mới như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, bán dẫn,...
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao những đóng góp của Tổ chức AUF tại Việt Nam từ năm 1993 đến nay, đã hỗ trợ cho các cơ sở GDĐH trên toàn quốc thực hiện nhiều sự án, đề tài nghiên cứu Pháp ngữ hữu ích góp phần cải thiện môi trường GDĐH nói riêng, phát triển giáo dục nói chung.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT kỳ vọng AUF và các cơ sở GDĐH sẽ tăng cường hợp tác, phát triển mối quan hệ hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục để đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế.
Bách khoa Hà Nội sẵn sàng phát triển cộng đồng NCKH Pháp ngữ tại Việt Nam
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa Nhà trường và Tổ chức AUF. Bách khoa Hà Nội sẵn sàng đồng hành cùng AUF thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật và cộng đồng NCKH Pháp ngữ tại Việt Nam.
“Theo Chiến lược phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội đến năm 2025 và trong 10 năm tới, Nhà trường đặt mục tiêu phát triển thành trung tâm đào tạo tài năng, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo (ĐMST) xuất sắc, trở thành hạt nhân của mạng lưới cơ sở GDĐH trọng điểm về khoa học – công nghệ. Đại học Bách khoa Hà Nội quyết tâm đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu với các đối tác trong và ngoài nước khai thác các nguồn lực dành cho NCKH, đồng thời dành tỉ trọng lớn các khoản đầu tư cho nghiên cứu và thúc đẩy ĐMST.” – PGS. Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.
Năm 2024, tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học – công nghệ trên tổng thu của Đại học Bách khoa Hà Nội tăng khoảng 6%, số lượng công bố khoa học tính bình quân trên giảng viên toàn thời gian là 2 bài báo/giảng viên. Đây là những kết quả đáng khích lệ và là động lực để Bách khoa Hà Nội tiếp tục phấn đấu trên con đường trở thành đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu trong nước và khu vực.
Từ khi Đại học Bách khoa Hà Nội và Tổ chức AUF ký kết hợp tác vào tháng 1/2023, 2 bên đã có những bước phát triển mạnh mẽ với 2 cột mốc lớn:
• Tháng 3/2023, thành lập Trung tâm Công nghệ Giáo dục Pháp ngữ CNF Hà Nội tại tầng 2 - Tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu, Đại học Bách khoa Hà Nội.
• Tháng 4/2024, khánh thành Văn phòng đại diện của Tổ chức Đại học Pháp ngữ tại châu Á – Thái Bình dương (AUF-DRAP) tại tầng 6 - Tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Với tỉ lệ giảng viên từng học tập tại Pháp chiếm hơn 10% tổng số giảng viên, Nhà trường mong muốn đẩy mạnh lợi thế khai thác các nguồn lực, hỗ trợ cộng đồng Pháp ngữ, phát triển cộng đồng NCKH Pháp ngữ trong khuôn viên Bách khoa Hà Nội, thắt chặt hơn mối quan hệ song phương với AUF.
Toạ đàm “Tổng quan hoạt động nghiên cứu khoa học Pháp ngữ tại các trường đại học Việt Nam”.
Giới thiệu mục đích buổi Tọa đàm, ông Nicolas Maïnetti - Giám đốc Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức AUF - mong muốn sự kiện là nơi diễn ra các thảo luận mở để chia sẻ kinh nghiệm, nêu bật các kết quả thực tiễn đã đạt được trong việc thực hiện chiến lược nghiên cứu của các cơ sở GDĐH, từ đó có thêm nhiều đề xuất làm cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng kế hoạch hành động của AUF trong tương lai.
Ông Nicolas Maïnetti cho biết, buổi Tọa đàm được xây dựng theo mô hình thảo luận nhóm với 3 tiểu ban thuộc các lĩnh vực: Khoa học xã hội, Khoa học kỹ thuật và Khoa học sức khỏe đời sống - sẽ được tổ chức song song.
Nội dung trao đổi và đề xuất nhằm giải quyết các câu hỏi:
• Làm thế nào để các cơ sở GDĐH Việt Nam tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển NCKH hiệu quả, có tổ chức và cơ cấu chặt chẽ, thúc đẩy tính liên ngành trong nghiên cứu và sự kết nối giữa các nhà nghiên cứu sử dụng tiếng Pháp?
• Nghiên cứu bằng tiếng Pháp có thể đóng góp nhiều hơn ở mức độ như thế nào cho sức hấp dẫn và tầm ảnh hưởng của các trường đại học Việt Nam cũng như cho quá trình đa dạng hóa nguồn tài chính của các đơn vị?
• Bằng cách nào Tổ chức Pháp ngữ có thể có những hỗ trợ phù hợp cho sự phát triển NCKH ở Việt Nam?
Bên cạnh những kỳ vọng về Toạ đàm “Tổng quan hoạt động nghiên cứu khoa học Pháp ngữ tại các trường đại học Việt Nam”, ông Nicolas Maïnetti hy vọng trong thời gian tới Tổ chức AUF sẽ tiếp tục có những chương trình, dự án đồng hành cùng các trường đại học/ đại học nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung để đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh quốc tế hóa, tăng cường hội nhập.