Đại học Bách khoa Hà Nội xem đây là dịp để kết nối tất cả các thế hệ giảng viên, cán bộ và cựu sinh viên cũng như sinh viên hiện tại của Trường.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là một ngày để nhìn lại chặng đường đã qua và cùng nhau hướng về những mục tiêu sắp tới, PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường, phát biểu tại lễ mít-tinh. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phấn đấu trở thành một đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực về kỹ thuật và công nghệ, phát triển bền vững để dẫn dắt hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
“Trong bối cảnh mới của nền kinh tế số và toàn cầu hóa, Bách khoa Hà Nội đang thực hiện tự chủ toàn diện và đổi mới mạnh mẽ, kiên định giữ vững chất lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu và đào tạo nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học, của thị trường lao động, của nghiên cứu và hợp tác quốc tế ở trình độ khoa học cao, mong đợi của xã hội và Nhà nước,” Hiệu trưởng Huỳnh Quyết Thắng nói.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng, hiệu trưởng Bách khoa Hà Nội phát biểu tại buổi lễ ngày 20/11. Ảnh: Duy Thành
PGS. Huỳnh Quyết Thắng cũng chia sẻ các giảng viên Bách khoa Hà Nội luôn cố gắng làm việc để xứng đáng với những lời cảm ơn và tri ân của học trò và với kỳ vọng về phần trách nhiệm thúc đẩy cải cách giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học nói riêng.
PGS. Nguyễn Đắc Trung, Trưởng phòng Đào tạo, chia sẻ rằng năm 2020 là một năm đặc biệt và ngày 20/11 năm nay là dịp để tôn vinh những nỗ lực của các thầy cô giáo trong việc khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 chất thêm gánh nặng lên các giảng viên đại học, những người vốn đã quá tải với công việc giảng dạy và nghiên cứu. “Tuy nhiên, khi đối mặt với thử thách bất ngờ, Bách khoa Hà Nội đã chủ động ứng biến,” PGS. Nguyễn Đắc Trung nói.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Nhà trường liên tục mở hội thảo đào tạo nhằm trang bị nhanh cho giảng viên các kỹ năng giảng dạy trực tuyến đồng thời đẩy nguồn học liệu dồi dào của Trường lên mạng. Các giảng viên của Bách khoa Hà Nội ngay lập tức thay đổi cách thức giảng dạy, tổ chức lớp học, thiết kế bài giảng để phù hợp với tình hình mới. Để tăng khả năng tập trung và tương tác với sinh viên, các thầy cô yêu cầu sinh viên đọc trước tài liệu. Sau đó, khi giảng online, các thầy cô giảm thời lượng lý thuyết và tăng thời gian trao đổi, bàn luận, hướng dẫn và gợi mở kiến thức cho sinh viên.
Theo PGS. Nguyễn Đắc Trung, Bách khoa Hà Nội có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mạnh, hơn nữa, Trường đã bắt đầu thúc đẩy chuyển đổi số trong vài năm gần đây. Do vậy, việc thay đổi hình thức giảng dạy, từ truyền thống sang trực tuyến, không gây ra quá nhiều khó khăn cho các thầy cô. Tuy nhiên, do Bách khoa Hà Nội là một trường đại học khoa học và kỹ thuật, chương trình học không chỉ nặng lý thuyết mà còn nhiều thực hành. “Mặc dù học trực tuyến có ưu điểm là giúp sinh viên tiếp cận nhanh các nguồn học liệu, ta không thể phủ nhận những nhược điểm như sinh viên khó có cơ hội thực hành thí nghiệm,” ông nói.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới 1,6 tỷ học sinh, sinh viên trên toàn cầu, theo thống kê của UNESCO. Nhiều gia đình không có điều kiện sắm máy tính và kết nối mạng Internet để con em học trực tuyến. Từ nguồn tiền quyên góp của cán bộ và cựu sinh viên, Bách khoa Hà Nội đã hỗ trợ tài chính cho hàng nghìn sinh viên mua máy tính, máy tính bảng trong đợt dịch.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo, PGS Hoàng Minh Sơn (phải) trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Phòng Đào tạo - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Duy Thành
Hiệu trưởng Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ những cống hiến của các thầy cô trong năm qua đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Tại lễ mít-tinh, phòng Đào tạo Trường Bách khoa Hà Nội nhận Huân chương Lao động hạng Nhì; Viện Sư phạm Kỹ thuật được trao Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho những thành tích đổi mới, sáng tạo trong dạy và học. Ngoài ra, 10 tập thể được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, 7 nhà giáo được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng 11 thầy cô được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp Bộ.
Kết thúc buổi lễ, Hiệu trưởng chúc thầy cô Bách khoa Hà Nội luôn làm việc hết mình với tinh thần “đoàn kết, đổi mới và đột phát”. Ông cũng gửi lời tri ân đến các thế hệ thầy cô giáo trước đây của Trường vì “mãi là những tấm gương sáng vượt qua mọi khó khăn, đưa nhà trường từng bước phát triển vững chắc.”
Cũng trong sáng nay, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trang trọng công bố và trao các quyết định bổ nhiệm Trưởng các đơn vị tiếp tục nhiệm kỳ 2018- 2023. Theo đó, GS. Vũ Văn Yêm được bổ nhiệm vị trí Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, PGS. Lê Minh Hoàng - Trưởng Phòng Hành chính Tổng hợp, PGS. Nguyễn Đắc Trung - Trưởng phòng Đào tạo và PGS. La Thế Vinh - Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hoá học.
Hồng Hạnh
Tác giả: Phạm Thanh Huyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn