Là một trong số 23 trường đại học công lập đầu tiên thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, Bách khoa Hà Nội đã góp phần đẩy nhanh quá trình “luật hóa tinh thần tự chủ đại học”, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Đổi mới giáo dục đại học theo hướng tự chủ đã có “một bước tiến dài và đúng hướng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020 Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn ngày 27/11 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp tổ chức với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng một số trường đại học.
Phó Thủ tướng chia sẻ khái niệm quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học lần đầu được đưa vào Luật Giáo dục năm 1998. Từ đó đến nay, chất lượng giáo dục đại học đã cải thiện rõ rệt khi mà “không chỉ một trường mà nhiều trường đại học Việt Nam đã có tên trong các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới”.
Trước kia, các trường đại học công lập được bao cấp toàn bộ và chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Các trường đại học vì vậy không bận tâm về nguồn thu, chỉ tập trung giảng dạy và nghiên cứu. Tuy nhiên, do trợ cấp của Nhà nước có hạn, các trường không thể trả lương cao cho đội ngũ giảng viên cũng không thể nâng cấp chất lượng cơ sở vật chất. Nghiên cứu khoa học, hoạt động cốt lõi của một trường đại học, trì trệ do thiếu tài chính và môi trường học thuật.
Trong bối cảnh đó, chính phủ nhận thức rằng việc cho phép các trường đại học tự chủ là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó, phát triển nguồn nhân lực có trình độ, tính cạnh tranh cao trên thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Khi không gian tự quyết - bao gồm tự chủ tài chính, tự quyết nhân sự và tự do học thuật - của các trường được nới ra, cơ sở vật chất nhanh chóng được cải thiện, đầu tư vào nghiên cứu tăng mạnh, đội ngũ giảng viên có động lực nâng cao chất lượng giảng dạy và làm khoa học.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020 ngày 27/11 tại hội trường Quốc hội. Ảnh: CCPR - Hạnh Phạm.
“Hầu hết các trường tham gia thí điểm tự chủ đều có bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu,” Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo. Ông dẫn chứng bằng thống kê cho thấy tại 23 trường thí điểm tự chủ tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng gần 10%, tỉ lệ tuyển sinh so với chỉ tiêu tăng từ 87% lên 92%; số chương trình đào tạo được kiểm định tăng từ 1 lên 100 tương đương 30% chương trình được kiểm định trên cả nước và tổng thu-chi hằng năm tăng khoảng 1,5 lần mặc dù ngân sách nhà nước cấp giảm hơn 2 lần.
Năm 2019, tỉ lệ giảng viên Bách khoa Hà Nội có trình độ tiến sĩ chiếm khoảng 70%. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục đại học có tỉ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ cao nhất Việt Nam, cao hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình 28.2% toàn quốc.
Bách khoa Hà Nội hiện là trường đại học công nghệ kỹ thuật hàng đầu trong nước đã được xếp hạng 33 về ‘Mục tiêu phát triển bền vững - Năng lượng sạch với giá thành hợp lý’ theo Times Higher Education Impact Rankings 2020. Trường xếp hạng 351-400 đại học hàng đầu thế giới về lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, xếp hạng 601 ngành Khoa học máy tính theo bảng xếp hạng Times Higher Education World University Rankings by Subject 2020. Bách khoa Hà Nội cũng lọt vào danh sách 300 trường đại học tốt nhất tại các nước có nền kinh tế mới nổi của Times Higher Education.
Hiện nay, hàng năm tổng kinh phí các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp của Bách khoa Hà Nội đạt hơn 100 tỉ đồng, kinh phí chuyển giao và dịch vụ khoa học công nghệ đạt 22 tỉ đồng, năm sau luôn tăng cao hơn năm trước. Ngoài ra, Bách khoa Hà Nội còn có hệ thống đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp kết hợp giữa mạng lưới cựu sinh viên, hệ thống doanh nghiệp nhằm thúc đẩy một môi trường nghiên cứu khoa học phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của một số trường đại học lớn, bao gồm Bách khoa Hà Nội, đi tiên phong thực hiện thí điểm, góp phần thúc đẩy "luật hoá tinh thần tự chủ đại học".
Tự chủ đi kèm áp lực tài chính
PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, phát biểu tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020 với tư cách người điều phối phiên thảo luận về "Thể chế tự chủ trong giáo dục đại học". Ảnh: CCPR - Hạnh Phạm.
Trước khi tự chủ, ngân sách Nhà nước cấp cho Bách khoa Hà Nội là hơn 100 tỷ đồng/năm. Sau năm đầu tiên khó khăn do kinh phí từ ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên bị cắt hoàn toàn, tình hình tài chính của Trường đã được cải thiện đáng kể. Thu từ học phí, tăng trên 15% so với thời điểm trước tự chủ, đã trở thành nguồn thu chính của trường, chiếm trên 70% tổng thu, theo tham luận Đổi mới chính sách học phí và học bổng trong thực hiện tự chủ do Hiệu trưởng PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Phó hiệu trưởng PGS. Nguyễn Phong Điền và Trưởng phòng Đào tạo PGS. Nguyễn Đắc Trung đồng tác giả.
Các chuyên gia tham dự hội thảo lý giải việc các trường đại học hiện “sống” chủ yếu nhờ nguồn thu học phí. “Muốn tự chủ hiệu quả thì phải có nguồn lực kinh tế mạnh,” một chuyên gia trả lời báo chí bên lề. “Nhưng Luật Đầu tư công, Luật Thuế hiện nay không tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào trường đại học”. Trong khi đó, nguồn tài chính của các trường đại học lớn trên thế giới phần lớn là từ nguồn lực xã hội và thương mại hóa các nghiên cứu khoa học của trường. Ví dụ nguồn thu chính của Harvard Business School, trường kinh doanh uy tín nhất thế giới, không phải là học phí mà đến từ mảng nghiên cứu và xuất bản.
Luật Giáo dục Đại học cho phép các trường đại học công lập được sử dụng tài sản công vào việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tham dự hội thảo cho biết qua khảo sát các trường thí điểm tự chủ, hiện các trường cũng không thể tự quyết chi tiêu, đầu tư mua sắm hoặc liên kết với doanh nghiệp do ràng buộc và chi phối bởi luật pháp như Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Đất đai.
"Tự chủ đại học không có nghĩa là buông lỏng quản lý, mà Nhà nước vẫn quản lý bằng pháp luật," Phó Thủ tướng nói.
Trong bối cảnh đó, việc tăng học phí là “điều bất khả kháng”. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc thực hiện tự chủ phải có cơ chế để đảm bảo các đối tượng như người nghèo, khuyết tật, những người yếu thế trong xã hội không bị giảm bớt cơ hội tiếp cận giáo dục đại học. Các biện pháp được đề xuất bao gồm chính phủ xây dựng hệ thống tín dụng lãi suất thấp cho sinh viên và các chương trình học bổng đa dạng.
Năm 2018, Quỹ học bổng của Bách khoa Hà Nội đạt trên 32 tỷ đồng. Quỹ học bổng được bổ sung khoảng 10-15 tỷ đồng mỗi năm từ tiền lãi gửi ngân hàng, từ khoản thu sự nghiệp và từ nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Theo chính sách cấp học bổng mới nhất, Bách khoa Hà Nội trích 8% từ nguồn học phí để trao học bổng khuyến khích học tập.
Hiệu trưởng Huỳnh Quyết Thắng cam kết Trường luôn tìm mọi giải pháp để sử dụng nguồn kinh phí học phí nhằm cải thiện các điều kiện học tập cho người học một cách hiệu quả nhất. Phần kinh phí có được do tăng học phí hàng năm sẽ được sử dụng để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phòng học và các cơ sở thí nghiệm phục vụ đào tạo để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, uy tín và sức thu hút người học - yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển và tránh nguy cơ tụt hậu.
Kiến tạo một nền đại học tự do học thuật
Mục đích của giáo dục đại học là phát triển tri thức mới. “Sản phẩm của giáo dục đại học đó là những con người có khả năng sản xuất ra tri thức,” theo tham luận Tăng cường nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ trong tự chủ đại học do Hiệu trưởng Huỳnh Quyết Thắng và Phó hiệu trưởng Huỳnh Đăng Chính đồng tác giả.
Để thực hiện mục đích này, tự do học thuật trở nên vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, sự thiếu tự chủ của các trường thể hiện rõ khi ngân sách nghiên cứu bị phân bổ thiên lệch, không dựa vào chuẩn mực khoa học mà “theo chiếu trên chiếu dưới” như so sánh của GS. Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hay khi cán bộ giảng viên thuộc biên chế nhà nước không đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công việc nhưng trường không thể sa thải; ngược lại, những người có kinh nghiệm đến tuổi về hưu, trường cũng không thể tự ý giữ lại.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020 ngày 27/11 tại hội trường Quốc hội. Ảnh: CCPR - Hạnh Phạm.
Tự do học thuật bao gồm tự do trong giảng dạy như quyền được chọn giáo trình và tài liệu, xây dựng chương trình, lựa chọn phương pháp giảng dạy, và đánh giá sinh viên; tự do trong nghiên cứu là quyền lựa chọn chủ đề và phương pháp nghiên cứu, quyền tiếp cận các nguồn tài trợ nghiên cứu một cách công bằng, quyền tự do công bố kết quả nghiên cứu.
“Đại học cần tự chủ chuyên môn, áp dụng mô hình quản trị tiên tiến, nâng cao tính dân chủ, tính sáng tạo và tính khoa học từ đó hướng đến phụng sự xã hội,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
Trước kia, nếu muốn mở chương trình đào tạo mới, các trường đại học phải xin phép Bộ chủ quản. Việc áp đặt chương trình khung cùng thủ tục xin phép rườm rà khiến các trường không tự chủ trong thiết kế chương trình và nội dung đào tạo.
Ngoài ra, do chỉ được phép trích một phần nhỏ từ nguồn thu học phí để đầu tư vào nghiên cứu khoa học, các trường phải chủ động và linh hoạt xây dựng các mối liên kết chặt chẽ, hữu cơ, tương trợ lẫn nhau với doanh nghiệp để có nguồn kinh phí cho hoạt động nghiên cứu.
Bách khoa Hà Nội kết nối với các doanh nghiệp ngoài mục đích nắm bắt nhu cầu của thị trường lao động còn để tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính cho giảng viên và sinh viên. Hồi tháng 10, Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF, thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata, Tập đoàn Vingroup đã hỗ trợ tài chính cho ba dự án nghiên cứu của các giảng viên Bách khoa Hà Nội với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng. Hoặc hai năm gần đây, hàng chục nghiên cứu sinh tiến sĩ và sinh viên cao học của Bách khoa Hà Nội đã nhận học bổng VinIF trị giá hơn lần lượt là 150 triệu đồng/năm và 120 triệu đồng/ năm.
Các đại biểu thống nhất quan điểm rằng tự chủ đại học là một xu thế khách quan, không thể đảo ngược. Và theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mỗi quốc gia đều có đặc thù riêng nên Việt Nam không thể sao chép máy móc từ nước ngoài nhưng cũng không thể vin vào đặc thù để đi ngược xu thế trên thế giới. “Tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình,” Phó Thủ tướng nói, do vậy, để tự chủ thành công, trước tiên các trường đại học phải có Hội đồng Trường với đầy đủ thực quyền để thực hiện vai trò giám sát.
Hồng Hạnh
TIN LIÊN QUAN:
Khi doanh nghiệp hỗ trợ các nhà khoa học trẻ làm nghiên cứu
Bách khoa Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số
Bách khoa Hà Nội tham gia Vành đai Nghiên cứu AI Toàn cầu
Tác giả: Phạm Thanh Huyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn