Cán bộ, nhà quản lý Bách khoa Hà Nội trao đổi cùng lãnh đạo Quốc hội về chất lượng giáo dục đại học

Thứ hai - 03/10/2022 15:15

Ngày 30/9/2022, trong khuôn khổ Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cấp chiến lược của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Nhà trường đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội tổ chức Tọa đàm “Chất lượng giáo dục đại học”. 

Đây là cơ hội để 142 nhà giáo, nhà quản lý của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có cơ hội được chia sẻ, trao đổi, thảo luận về các vấn đề trong lĩnh vực Chất lượng giáo dục đại học với các đại biểu quốc hội, các chuyên gia Ủy ban Văn hóa – Giáo dục và lãnh đạo các Bộ với mong muốn góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội; Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cùng lãnh đạo các Cục/Vụ của Ủy ban và hai Bộ đã dự tọa đàm và có những trao đổi các vấn đề xoay quanh “chất lượng giáo dục đại học”.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Kim Chi

Đổi mới quản trị nhà trường trong bối cảnh thực hiện tự chủ đại học

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tự hào giới thiệu Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trải qua 66 xây dựng và trưởng thành (15/10/1956), từ những giai đoạn chiến tranh, đến sau khi thống nhất đất nước và thời kỳ đổi mới, vẫn luôn đi đầu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Mỗi cán bộ và giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội luôn tự hào về truyền thống của Trường, về phẩm chất của con người Bách Khoa: mộc mạc, giản dị, chân thành, luôn làm việc với sự tôn trọng cá nhân, với sự đoàn kết, với tinh thần tận tâm, tận lực, với khát vọng tìm tòi, đổi mới, sáng tạo và đột phá.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng cho biết: Hiện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có 1.785 cán bộ, trong đó có 1.065 cán bộ giảng dạy cơ hữu, 805 cán bộ có trình độ tiến sỹ chiếm 76,3%, trong số đó có 279 GS/PGS, chiếm 26,19%. Nhà trường đang đào tạo khoảng 37,000 sinh viên đại học và sau đại học. 

“Trong giai đoạn 2022-2025, giai đoạn về đích của thực hiện chiến lược phát triển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2017-2025, Nhà trường đã đề ra 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, với 32 chỉ số đo lường rất thách thức để đạt được vào năm 2025, trong đó có 12 chỉ số có mức thách thức rất cao.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội luôn phát triển theo phương châm “Nhà trường làm nền tảng - Người thầy là chủ thể, là động lực phát triển - Người học làm trung tâm”. Đây là cơ sở để trường từng bước phấn đấu, khẳng định vị thế, bản sắc của cơ sở đại học hàng đầu trong đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao” – PGS. Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh. 

GS. Vũ Văn Yêm - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - trình bày tham luận tại tọa đàm. Ảnh: Kim Chi

Tại tọa đàm, các đại biểu đã trình bày các tham luận liên quan đến vấn đề đổi mới quản trị nhà trường trong bối cảnh thực hiện tự chủ đại học: 

GS. Vũ Văn Yêm – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ nêu một số kiến nghị nhằm nâng cao năng lực hệ thống và chất lượng giáo dục đại học Việt Nam nhìn từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; 

PGS. Trương Việt Anh – Trưởng phỏng Quản lý chất lượng phân tích Một số vấn đề thực tiễn về quản lý chất lượng phù hợp với tiến trình đổi mới theo tự chủ đại học tại Đại học Bách khoa Hà Nội; 

PGS. Nguyễn Hữu Thanh – Hiệu trưởng Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội trình bày tham luận có nội dung: Nâng cao chất lượng đào tạo các ngành kỹ thuật và công nghệ trong thời đại chuyển đổi số - Góc nhìn của Trường Điện – Điện tử; 

GS. Huỳnh Trung Hải - Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu Trường Đại học Bách khoa Hà Nội -  trình bày tham luận tại tọa đàm. Ảnh: Kim Chi

GS. Huỳnh Trung Hải – Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu đóng góp tham luận: Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức...

Bên cạnh đó, một số nhà quản lý, cán bộ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: GS. Lê Anh Tuấn - Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS. Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng; GS. Ngô Chí Trung – Trưởng phòng Pháp chế; PGS. Trương Hoành Sơn – Hiệu trưởng Trường Cơ  khí, … đã thẳng thắn trao đổi về thực tiễn về quản lý chất lượng phù hợp với tiến trình đổi mới theo tự chủ đại học, những vướng mắc, khó khăn đối với khối ngành kỹ thuật công nghệ ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng như nhiều cơ sở đào tạo đại học khác hiện nay; Quản lý tài chính, cơ chế tập trung để phát triển giáo dục đại học; Một số điểm nghẽn liên quan đến luật khi các trường đại học tổ chức mô hình chuyển giao khoa học công nghệ, mô hình doanh nghiệp trong trường đại học…

GS. Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Kim Chi

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng –một cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – đã có những chia sẻ rất tâm huyết về tầm quan trọng trong đào tạo nhân lực kỹ thuật – cụ thể là ngành Cơ khí – ngành ông theo học đại học ngày trước.

Cùng đó, vị lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ cũng nhấn mạnh về những kết quả rất đáng tự hào của khoa học – công nghệ Việt Nam trong một số lĩnh vực như Y tế, cầu đường… Qua đó để thấy rằng những nghiên cứu khoa học công nghệ trong các trường đại học có đóng góp vô cùng to lớn vào kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: Kim Chi

Còn bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT - cho rằng những giải pháp về mặt cơ chế sẽ tạo khuôn khổ, đồng thời các trường cũng sẽ có sự thay đổi phát triển trong nội tại, cải thiện về quản trị, về cơ chế chính sách bên trong gắn với đào tạo chuyển giao. Như vậy rất nhiều yếu tố tổng hòa vào thì mới có thể đẩy mạnh được sự đổi mới phát triển của giáo dục đại học. Tự chủ đại học là một cơ chế vô cùng quan trọng, là động lực thúc đẩy giáo dục đại học. Bên cạnh việc hoàn thiện chính sách, năng lực tự chủ, khả năng tự quyết của các trường sẽ tạo sự chuyển biến của giáo dục đại học.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội - biểu dương những thành tích của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong thời gian qua. Ảnh: Kim Chi

Gợi ý của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội

Chăm chú lắng nghe, ghi nhận các ý kiến tại tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh biểu dương những thành tích, nỗ lực của Trường Đại học Bách khoa suốt thời gian qua. Ông đánh giá:

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong số ít những cơ sở giáo dục đại học tham gia các hệ thống đánh giá xếp hạng và khẳng định được vị thế của mình ở khu vực và thế giới. Trong những năm qua, nhà trường luôn kiên định giữ vững chất lượng, đồng thời tiến hành đổi mới mạnh mẽ trên tất cả các mặt nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của người học, mong đợi của xã hội trong bối cảnh mới nền kinh tế số và hội nhập quốc tế.

Với chiến lược đúng đắn về phát triển đào tạo chất lượng cao, nhà trường đã đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp nhằm thực hiện các chính sách, giải pháp thu hút, tuyển dụng người giỏi về làm cán bộ, giảng viên viên trong nhà trường. Hiện nhà trường có hơn 75% giảng viên có trình độ tiến sĩ, đứng đầu trong các cơ sở giáo dục của cả nước và vượt xa tỷ lệ chung của toàn ngành.

Nhiều chương trình đào tạo tiên tiến, nâng cao chất lượng Elitech tiếp cận chuẩn mức quốc tế trong đào tạo các ngành kỹ thuật và công nghệ được nhà trường triển khai hiệu quả trong đó có nhiều chương trình đào tạo mới thuộc lĩnh vực ưu tiên hàng đầu như: khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, phát triển năng lượng xanh... Theo đó, số lượng công trình công bố quốc tế ở các tạp chí Scopus và ISI, số lượng bằng sáng chế và giải pháp hữu ích của nhà trường không ngừng tăng trong những năm gần đây.

Các cán bộ, nhà quản lý Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chăm chú lắng nghe các ý kiến, trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Kim Chi

"Với truyền thống vẻ vang, với sứ mệnh, tầm nhìn của một đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu về kỹ thuật - công nghệ và những giá trị cốt lõi về chất lượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cần có sự đổi mới đột phá để trở thành đại học nghiên cứu đa lĩnh vực, lựa chọn hàng đầu của những sinh viên ưu tú, cũng như trở thành trung tâm sáng tạo công nghệ xuất sắc của khu vực, xứng đáng trường tốp đầu về năng lực sáng tạo của đất nước" – Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

Ghi nhận các ý kiến tại tọa đàm đã chỉ ra các hạn chế, vướng mắc, tồn tại, đưa ra khuyến nghị chính sách giúp các cơ sở giáo dục đại học - trong đó có Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - phát huy tiềm năng, thế mạnh, sức sáng tạo để phát triển, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh gợi ý Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cần có các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, như:

Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị; Xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng cao; Đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất, chi phí cho nghiên cứu khoa học, đào tạo; Tăng cường các công trình nghiên cứu khoa học, đổi mới, ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động hỗ trợ người học, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học, sau đại học…

"Chúng tôi thực sự kỳ vọng Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục phát triển nhanh, đạt nhiều thành tựu hơn nữa. Vai trò của Đại học Bách khoa Hà Nội vô cùng quan trọng trong bối cảnh nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật của nước ta hiện nay đang rất thiếu. Muốn nguồn nhân lực này đủ hay không dựa rất nhiều vào trường đại học như Bách khoa Hà Nội.” – Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội.

Gia Hân

TIN LIÊN QUAN

Bồi dưỡng kiến thức cho các cán bộ cấp chiến lược Đại học Bách khoa Hà Nội

Bách khoa Hà Nội chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, nghiên cứu, đổi mới và chuyển giao công nghệ

Bách khoa Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng thông qua kiểm định quốc tế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây