Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ ba - 20/06/2023 07:06
Ngày 19/6/2023, lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà đã có buổi làm việc với đoàn giám sát của Ngân hàng thế giới về kết quả và báo cáo hoàn thành dự án Sahep tại Bách khoa Hà Nội. Ngay khi nghe báo cáo của BQL dự án và trưởng các phòng/ban đại học, ông Michael Drabble - Chuyên gia giáo dục cao cấp của Ngân hàng thế giới (WB), Chủ nhiệm Dự án SAHEP tỏ ý tiếc nuối: Giá mà có trường thuộc dự án SAHEP họp cùng để học tập kinh nghiệm Bách khoa!
Bách khoa Hà Nội là một đại học rất mạnh
Tại buổi làm việc, PGS. Trần Ngọc Khiêm – Phó Giám đốc đại học cùng các thầy trưởng phòng Đào tạo, Quản lý nghiên cứu, Hành chính Tổng hợp, Tổ chức cán bộ đã báo cáo và trả lời các câu hỏi của đoàn Giám sát WB về 3 nội dung: Nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực nghiên cứu, hiệu quả công tác quản trị của Nhà trường từ khi triển khai dự án SAHEP.
Từ những báo cáo, đoàn giám sát WB đã rất ấn tượng với một số kết quả nổi bật của Đại học Bách khoa Hà Nội, như: Trong khuôn khổ dự án, bằng nguồn vốn đối ứng đã có 54/67 chương trình đào tạo được cập nhật, điều chỉnh đáp ứng yêu cầu của mô hình đào tạo. Giai đoạn 2019 -2022, tổng chương trình đào tạo thuộc dự án SAHEP của Đại học Bách khoa Hà Nội đã được kiểm định và đạt chứng nhận chất lượng tính đến thời điểm báo cáo là 20, đạt 167% kế hoạch đã đề ra;
Với việc tái cấu trúc mô hình Đại học Bách khoa Hà Nội và thành lập các trường Cơ khí, Điện – Điện tử (2021) và Trường Vật liệu, Trường Hoá và Khoa học sự sống (2023) theo các lĩnh vực đào tạo được thụ hưởng chính của Dự án SAHEP, các chương trình đào tạo đại học đủ điều kiện kiểm định của của cả 4 Trường này (có ít nhất 1 khóa sinh viên tốt nghiệp - quy định của Bộ GD&ĐT) đều đã được kiểm định chất lượng và đạt chứng nhận của các tổ chức quốc tế uy tín;
Công tác sắp xếp lại bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Số đơn vị thuộc/ trực thuộc đại học giảm từ 52 còn 42 đơn vị, giảm 50-60% số đầu mối đơn vị quản lý hành chính và đội ngũ cán bộ quản lý các cấp…;
Đại học Bách khoa Hà Nội đã chính thức ra mắt Hệ thống Quản trị đại học trực tuyến eHUST vào 9/2021 và phiên bản 2.0 vào 10/2022. Hệ thống được vận hành trên 1 ứng dụng giúp sinh viên và giảng viên có thể truy cập theo cơ chế Single Sign-On sử dụng email của Đại học Bách khoa Hà Nội, thực hiện các tác vụ giúp cho công việc, nghiệp vụ giảng dạy của các giảng viên; hoạt động học tập, các thủ tục hành chính của sinh viên được thuận tiện và hiệu quả hơn;
Cũng trong năm 2022, hệ thống Văn phòng số D-Office được triển khai, tích hợp ký số trên các thiết bị máy tính, điện thoại, máy tính bảng; tích hợp văn bản và công việc thành một luồng; hiện đang thử nghiệm liên thông dữ liệu với hệ thống E-Office của Bộ GD&ĐT và trục dữ liệu quốc gia.
Việc phát triển và nâng cao chất lượng từ bên trong, không ngừng cải tiến về đào tạo và nghiên cứu, tái cấu trúc mô hình của Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng với sự đồng hành của SAHEP từ năm 2019 đến nay đã đem lại đổi mới, nâng cao năng lực cho hoạt động đảm bảo chất lượng, phục vụ hiệu quả trong các mục tiêu phát triển bền vững của Nhà trường.
Trước khi tham quan tòa nhà C7 sắp khánh thành vào ngày 22/6/2023, thăm các phòng thí nghiệm tại nhà D8, ông Michael Drabble đánh giá tại Đại học Bách khoa Hà Nội, tự chủ đã thể hiện ở các nguồn lực, ở đào tạo. Nhà trường có các nguồn tài chính để có thể thực hiện nhiều nghiên cứu hơn, có thêm nhiều tài năng hơn, có hội đồng đại học hoạt động tốt…
“Bách khoa Hà Nội là đại học đã tăng được thứ hạng sau tự chủ, cho phép mọi cán bộ, giảng viên trong đại học thực hiện công việc với trách nhiệm cao. Điều đó thể hiện tính kiên cường, đổi mới sáng tạo của Bách khoa, cũng thể hiện Bách khoa Hà Nội là đại học rất mạnh. Tất cả những điều này chúng ta có thể sử dụng như một nghiên cứu thí điểm sau 10 năm” – chuyên gia WB nói.
Giảng viên, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội hưởng lợi gì từ SAHEP?
Đoàn Giám sát của WB đã dành nửa ngày để lắng nghe những chia sẻ của giảng viên, sinh viên, học viên cao học, NCS đã hưởng lợi về nghiên cứu, giảng dạy, quản lý... như thế nào khi dự án SAHEP được triển khai tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Để các ý kiến được khách quan, chuyên gia WB Michael Drabble cho biết đối tượng cung cấp thông tin sẽ được ẩn danh trong báo cáo.
Các giảng viên, sinh viên, học viên Đại học Bách khoa đều tỏ ra rất hài lòng khi được sử dụng các thiết bị do dự án Sahep tài trợ. Có các thiết bị hiện đại, thầy và trò Đại học Bách khoa không phải gửi mẫu đến đơn vị khác, rút ngắn thời gian chờ đợi, đi lại; giảm thiểu chi phí, chuyên tâm vào nghiên cứu...
Các sinh viên, học viên cho biết có phòng thí nghiệm hiện đại, họ được thao tác trên máy, biết được quá trình làm thí nghiệm, khi tốt nghiệp ra trường, làm việc tại doanh nghiệp có thể thao tác luôn, tăng cơ hội việc làm.
Cơ sở vật chất hiện đại cũng thu hút được các sinh viên, học viên cao học, NCS đến Bách khoa. Một NCS nghiên cứu về robot, trí tuệ nhân tạo đã rất vui sướng bày tỏ: Vấn đề tôi nghiên cứu rất mới. Cái gì tôi cần, PTN Bách khoa Hà Nội đều có. Tôi đã chọn làm tiến sỹ tại đây chứ không phải cơ sở nào khác vì lý do này.
Đặc biệt hơn, thiết bị được trang bị đúng với nhu cầu của giảng viên, nhà nghiên cứu bởi chính họ là người tìm hiểu, đề xuất, theo dõi tiến độ thiết bị được gửi về... Các thầy cô cũng đăng ký các đề tài “đón đầu” thiết bị, để máy móc “cập bến” Bách khoa là bắt tay vào nghiên cứu luôn!
Với các thầy cô quản lý, có sơ sở vật chất hiện đại, các đơn vị tự tin trong hợp tác, trao đổi học thuật, trao đổi sinh viên với các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Hiện tại Viện ITIMS – một đơn vị của Trường Vật liệu – đang có các sinh viên Hàn Quốc đến nghiên cứu. Hàng năm, Viện cũng đón các chuyên gia quốc tế đến nghiên cứu tại PTN của Viện.
Trong số 7 sinh viên, học viên làm việc với đoàn giám sát WB, có 5 bạn là nữ. Các chuyên gia đoàn giám sát WB đã đặt câu hỏi liên quan đến khó khăn của giới nữ khi học về khoa học kỹ thuật? Các bạn đều cho biết họ không gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến vấn đề giới khi học tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
Các chuyên gia WB còn làm việc tại Việt Nam 1 tuần. Trong thời gian này, phía Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục cung cấp các số liệu, minh chứng theo yêu cầu của đoàn giám sát.