Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ ba - 20/06/2023 23:55
Ngày mai (22/6/2023), Tòa nhà C7 Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ được khánh thành. Gần đến sự kiện, mỗi lần đi qua C7 - Tòa nhà chữ E hiện đại, khang trang, PGS. Trần Văn Tớp – nguyên Phó Hiệu trưởng, nguyên Trưởng ban BQL Dự án SAHEP Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – người tham gia dự án SAHEP ngay từ những ngày đầu – lại bồi hồi nhớ lại “thuở ban đầu ấy” với Dự án SAHEP.
Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện Tiểu dự án thuộc Hợp phần 1 của Dự án SAHEP (Support for Autonomous Higher Education Project for Vietnam) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy và thể chế quản trị đại học.
Bên cạnh việc đầu tư 30 phòng thí nghiệm đào tạo và nghiên cứu cùng các hoạt động chuyên sâu, công trình xây dựng tòa nhà C7 thuộc Dự án SAHEP tại Đại học Bách khoa Hà Nội được khánh thành, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu, chất lượng công tác quản trị của Nhà trường.
Trường đại học đầu tiên thuộc dự án SAHEP tín chấp vay ngân hàng
Dự án thành phần tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có tổng mức đầu tư 50 triệu USD (45 triệu USD vốn vay của Ngân hàng thế giới và 5 triệu USD vốn đối ứng của Đại học Bách khoa Hà Nội) trong đó 21,5 triệu USD đầu tư cho các hạng mục xây dựng chủ yếu xây dựng nhà C7 cùng một số hạng mục phục vụ phá dỡ, di dời nhà C7, C8 cũ và 24,5 triệu USD đầu tư cho 15 phòng thí nghiệm đào tạo và 15 phòng thí nghiệm nghiên cứu.
Trong 45 triệu USD vay của WB, 90% là Chính phủ cấp phát. Phần vay lại của Bách khoa Hà Nội là 4,5 triệu USD (10%).
Câu chuyện vay lại thực sự là mới với Bách khoa Hà Nội, bởi trước đó các dự án ODA hoàn toàn do cấp phát hoặc viện trợ không hoàn lại. Đại học Bách khoa Hà Nội cần phải chứng tỏ năng lực tài chính mạnh, đủ để trả nợ. Bộ Tài chính giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thẩm định năng lực của Bách khoa Hà Nội.
Đây là giai đoạn thực sự khó khăn và kéo dài. Nhà trường đã xuất trình đủ các báo cáo tài chính nhiều năm để chứng minh khả năng của Nhà trường về khoản vay. Nhưng để vay lại, còn cần thực hiện bảo lãnh đủ 120% với số tiền 4,5 triệu USD (120 tỷ đồng với quy định của năm 2019).
Hầu hết tài sản của Bách khoa Hà Nội đều có nguồn gốc từ Ngân sách nhà nước nên không thể thế chấp. Ban Quản lý dự án đề xuất thế chấp bằng tài sản của Dự án hình thành trong tương lai, bằng thiết bị của các phòng thí nghiệm. Cũng giống như một người muốn vay ngân hàng để mua ô tô thì có thể thế chấp bằng tài sản là nhà cửa, thậm chí thế chấp bằng chính ô tô sẽ mua…
Tuy nhiên phía VDB cho rằng các thiết bị của dự án toàn thứ “độc”, rất đặc thù, nên nếu ngân hàng phải thu hồi để trả nợ thì cũng khó bán, chỉ bán lại được cho chính Bách khoa thôi. Hơn nữa, thiết bị mua từ vốn Ngân sách. Vậy nên ngân hàng không chấp nhận thế chấp tài sản này.
Quá sốt ruột, có lúc “bí” quá, PGS. Trần Văn Tớp còn đùa: Hay mỗi thầy trong BGH và mỗi trưởng khoa/Viện cho Nhà trường mượn tạm “sổ đỏ”, chắc chỉ cần vài chục “cuốn” là đủ trăm tỷ đồng rồi. Nghĩ về sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể khi làm một việc lớn để giải tỏa những căng thẳng, chứ lãnh đạo Bách khoa Hà Nội cũng biết là không thể làm như vậy được!
Thời gian thấm thoắt trôi, nhưng rồi một “khe cửa hẹp” đã hé mở ra, lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất hình thức vay tín chấp từ Quỹ Đầu tư phát triển của Nhà trường và được Ngân hàng VDB chấp thuận. Ngày 22/6/2020, Dự án SAHEP, Đại học Bách khoa Hà Nội đủ điều kiện để giải ngân và bắt đầu triển khai.
Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị mở màn bằng hình thức tín chấp để Dự án được chấp thuận. Kinh nghiệm này được các trường khác của Dự án SAHEP là Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế quốc dân – hai đơn vị thuộc Dự án SAHEP làm theo. Sau này, Bách khoa cũng chia sẻ kinh nghiệm này với WB và một số dự án tương tự sử dụng nguồn vốn ODA của WB.
Cuộc họp 1 tiếng đồng hồ sử dụng 3 ngôn ngữ
Dự án đã được khơi thông, các cấu phần thiết bị cho phòng thí nghiệm bắt đầu chạy, nhưng thủ tục xây dựng toà nhà C7, nhất là hồ sơ thẩm định thiết kế vẫn còn chưa được phê duyệt.
Thời điểm giữa năm 2020, có nhiều người hoài nghi tính khả thi của hạng mục xây dựng toà nhà C7, kể cả phía WB vì thời gian của Dự án còn lại không nhiều và “khuyên” PGS. Trần Văn Tớp nên dừng, chỉ tập trung vào đầu tư các phòng thí nghiệm.
Thầy Tớp hiểu hạng mục toà nhà C7 có tầm quan trọng với giai đoạn tiếp theo của Đại học Bách khoa Hà Nội, là cơ sở để đặt đại bản doanh của các trường Điện – Điện tử và Cơ khí sẽ thành lập trong thời gian gần, là cơ hội để “dồn điền đổi thửa”. Và quan trọng nhất, Nhà trường có một công trình khang trang, đẹp nổi bật, tạo đà và niềm tin cho cán bộ và sinh viên, nên bằng mọi giá phải thuyết phục được WB và các cơ quan quản lý cho triển khai.
Ngày 25/8/2020, đích thân bà Steffi Stallmeister – Giám đốc Điều hành hoạt động dự án, một chuyên gia người Đức của WB – phải trực tiếp đến Bách khoa để “khảo sát” về khả năng triển khai xây dựng toà nhà C7. Nếu không chứng tỏ được tính khả thi và quyết tâm thì hạng mục về xây dựng này phải dừng, 21,5 triệu USD sẽ không triển khai được.
Thầy Tớp bước vào cuộc họp với tâm thế phải thuyết phục được chuyên gia WB, chứng minh khả năng hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra của Đại học Bách khoa Hà Nội khi triển khai dự án SAHEP.
Trước cuộc họp, PGS. Trần Văn Tớp đề nghị Phòng Hợp tác đối ngoại hỗ trợ 2 phiên dịch. Nhưng khi biết đoàn WB và bà Steffi chỉ có 1 giờ đồng hồ để họp cùng, lãnh đạo Bách khoa quyết định “tay bo” bằng tiếng Anh. Bà Steffi và đoàn của WB hiểu vấn đề nhưng quan trọng hơn họ hiểu quyết tâm của Nhà trường với hạng mục công trình này. Biết bà Steffi có thể nói được tiếng Pháp, thầy Tớp lại dùng tiếng Pháp để trình bày thêm những suy nghĩ của mình.
Cuối buổi họp, PGS. Hoàng Minh Sơn – lúc đó là Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (hiện là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) – đi họp về. Thầy Sơn từng du học Đức nhiều năm nên trao đổi với chuyên gia WB bằng tiếng Đức. Đó là một cuộc họp đặc biệt với 3 ngôn ngữ được sử dụng trong 1 tiếng đồng hồ.
Sau này, một vài chuyên viên của WB kể lại, trước sự chân thành và quyết tâm rất cao của những con người Bách khoa, Giám đốc Steffi Stallmeister rất xúc động và đã hoàn toàn bị thuyết phục. Và như Nhà trường đã cam kết, ngày 23/3/2021, công trình xây dựng toà nhà C7 được khởi công. Đoàn của WB dự lễ khởi công đã rất phấn khởi và tin tưởng với quyết tâm cao, chắc chắn Dự án SAHEP của Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ về đích.
Từ chỗ có nhiều hoài nghi khả năng triển khai hạng mục xây dựng và ngay cả khi đã khởi công, còn rất nhiều khó khăn khác mà điển hình là đại dịch COVID-19, nhưng chỉ 27 tháng sau, một toà nhà đẹp, bừng sáng trong khuôn viên Bách khoa Hà Nội chính thức khánh thành ngày 22/6/2023. Thật là một kỳ tích.
BỂ NƯỚC 600m3 DƯỚI TÒA NHÀ C7
Rất ít người biết, trong quá trình thiết kế tòa nhà C7, có một chi tiết phải thay đổi liên quan đến bể nước ngầm PCCC. Theo thiết kế cơ sở, C7 có một bể nước 300m3 ở bên cạnh toà nhà. Sang giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công, quy định mới về phòng cháy chữa cháy yêu cầu bề 600m3 và nhiều giải pháp về PCCC khắt khe khác. Chủ đầu tư đã phải thiết kế bể nước 600m3 nằm trong sàn nhà của tầng hầm. Cùng điều chỉnh này là các thủ tục thẩm định của các cơ quan chức năng liên quan và hoàn thành thủ tục giấy tờ mất nhiều tháng trời.