Con gái người nông dân 4 kỳ giành học bổng Bách khoa Hà Nội, 3 kỳ nhận học bổng Chắp cánh Bách khoa

Thứ hai - 27/05/2024 23:56
Dáng người nhỏ bé, làn da ngăm rám nắng và cử chỉ rụt rè là những ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp Nguyễn Thị Thu Thảo - K65 Ngành Công nghệ Giáo dục, Khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục, Đại học Bách khoa Hà Nội. 

Vượt qua hoàn cảnh khó khăn, Thu Thảo không ngừng nỗ lực duy trì kết quả cao trong học tập, giành 4 kỳ học bổng khuyến khích học tập liên tiếp của Đại học Bách khoa Hà Nội, 3 kỳ nhận học bổng Chắp cánh Bách khoa từ Quỹ Chắp cánh CC Foundation. Kết thúc học kỳ 1 năm học 2023 – 2024, Thu Thảo đạt kết quả GPA 3.85, tổng kết quả trung bình tích lũy CPA là 3.66. Với mức điểm tốt như hiện tại, Thảo sẽ chạm đến tấm bằng tốt nghiệp loại Xuất sắc trong tháng 8 tới đây. 

Tan học là lăn xả việc đồng áng giúp gia đình

Gặp Thu Thảo khi cô gái được vinh danh là 1 trong 31 sinh viên vượt khó học giỏi được nhận học bổng Chắp cánh Bách khoa tại buổi lễ tổ chức tháng 5/2024, tôi có cơ hội được trò chuyện với nữ sinh rất đặc biệt này. 

Thảo ít nói lắm, nói về mình lại càng ít. Nhìn cô sinh viên năm cuối với làn da rám nắng, đôi tay đầy những vết chai sạn cũng phần nào hiểu được cuộc sống Thu Thảo có bao nhiêu vất vả, khó khăn. Cuộc trò chuyện với Thảo không dài nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận được ý chí, sự quyết tâm để tạo nên một cô sinh viên mạnh mẽ như hiện tại.

Nguyễn Thị Thu Thảo là con thứ 3 trong gia đình thuần nông nghèo có 5 chị em, kinh tế cả nhà trông chờ vào ruộng rau của mẹ và những chuyến bốc vác hàng của bố. Thu nhập gia đình bấp bênh, phải chi tiêu tiết kiệm mới đủ trang trải cuộc sống hàng ngày nhưng bố mẹ của Thảo vẫn cố gắng xoay sở để cho cả 5 chị em được ăn học đàng hoàng. Để chắt chiu từng đồng cho con, bố Thảo bị bệnh sỏi thận đã nhiều năm cũng không nỡ dùng tiền chạy chữa. 

Thảo kể lại, vì gia đình không dư dả, sức khỏe bố mẹ cũng sa sút nên mấy chị em luôn cố gắng phụ giúp việc nhà, việc đồng áng trong khả năng của mình. Ngay từ nhỏ, cô bé Thu Thảo đã thành thạo việc trồng rau, cấy mạ, gánh nước, gặt lúa… -  những công việc mà những đứa trẻ nông thôn như Thảo làm mỗi ngày, trở thành một phần trong cuộc sống. 
 
20240528 CBO 0834
Nguyễn Thị Thu Thảo - K65 Ngành Công nghệ Giáo dục, Khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục
Biết ơn sự hy sinh của bố mẹ, chị em Thảo cũng luôn phấn đấu học giỏi. Cô gái không có điều kiện học thêm, không có máy tính tìm tài liệu nên chủ yếu tiếp thu kiến thức trên lớp. Thông minh, chăm chỉ, Thảo luôn đạt kết quả tốt cuối mỗi năm học. 

Hiện hai chị gái của Thảo đã học xong đại học và đi làm để hỗ trợ gia đình. Thu Thảo cũng đặt mục tiêu tốt nghiệp đúng hạn vào tháng 8 năm nay, sau đó sẽ tìm kiếm một công việc phù hợp và đỡ đần bố mẹ lo cho 2 em còn đang đi học. Xa hơn nữa, cô gái mong muốn sẽ có cơ hội học tiếp lên Thạc sĩ tại Đại học Bách khoa Hà Nội. 

Đường đến Bách khoa Hà Nội...

Xuất phát điểm là học sinh khối C nhưng Thu Thảo lại có niềm yêu thích đặc biệt với Bách khoa Hà Nội. 

Thảo biết đến ngành Công nghệ Giáo dục của Bách khoa từ người bạn thân thiết là sinh viên của ngành. Sự tò mò về những môn học mới lạ, những hoạt động ngoại khóa thú vị qua lời kể của bạn đã thôi thúc Thu Thảo tìm kiếm cơ hội để được trở thành “đồng môn”.

Vài tháng trước kỳ thi đại học, Thu Thảo quyết định chuyển sang ôn luyện khối D, quyết tâm chinh phục nguyện vọng 1 là ngành Công nghệ Giáo dục...Nhưng may mắn chưa mỉm cười với cô học trò Ứng Hòa ở thời điểm ấy. Không từ bỏ ước mơ, Nguyễn Thị Thu Thảo quyết tâm “phục thù”, dành thêm 1 năm ôn luyện để thi lại đại học và những nỗ lực ấy đã được đền đáp bằng tờ giấy báo trúng tuyển. 

Tôi hỏi Thảo: - Ngành Công nghệ Giáo dục có gì mà thu hút bạn đến thế? 

Thảo kể lứa học sinh nông thôn như Thảo rất ít có cơ hội được tiếp cận với những bài giảng điện tử, slide, mà chỉ học bằng phương pháp bảng – phấn truyền thống. Gia đình cũng không có điều kiện để mua máy tính, điện thoại xịn nên việc học thêm từ các nguồn trên mạng cũng hạn chế.

Khi theo đuổi ngành Công nghệ Giáo dục, Thảo mong muốn có thể làm thay đổi phương pháp dạy và học cho học sinh nông thôn, giúp các bạn không có điều kiện cũng được tiếp cận với nguồn tri thức chất lượng nhất. 
 
20240525 LLM 0651
Nguyễn Thị Thu Thảo (thứ hai từ phải qua) và các sinh viên Khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục trong Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ 41
Hiểu đơn giản, các phần mềm chúng ta đang dùng mỗi ngày, ví dụ như trang LMS của Nhà trường để lưu trữ học liệu cho sinh viên, phần mềm học ngoại ngữ, phần mềm họp online như Teams, Zoom,... đều là sản phẩm của công nghệ giáo dục. Những sản phẩm này đã quá quen thuộc với học sinh, sinh viên ở thành phố, nhưng vẫn chưa được đông đảo học sinh nông thôn tiếp cận. 

“Học Công nghệ Giáo dục ở Bách khoa Hà Nội vừa để tôi thực hiện ước mơ của riêng mình, vừa hoàn thành ước mơ của nhiều học sinh nghèo khác” – Thảo chia sẻ với đôi mắt ngập tràn niềm hy vọng. 

Người thầy, người… chị tri kỷ

Trong 4 năm gắn bó với Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Thị Thu Thảo luôn dành tình cảm đặc biệt cho cô giáo TS. Nguyễn Thị Thanh Tú – người thầy đã dìu dắt từ những năm đầu đại học, cũng là người “làm mối” cho Thảo với học bổng Chắp cánh Bách khoa. 

Sau khi được cô Tú giới thiệu về chương trình “Chắp cánh Bách khoa”, Thảo vừa hy vọng mà cũng lo lắng vô cùng. Hy vọng vì nếu được nhận học bổng, áp lực học phí của gia đình cô sinh viên sẽ giảm bớt nhưng cũng lo lắng vì không biết sẽ phải nói gì trong vòng phỏng vấn. 

Trong suốt quá trình chuẩn bị hồ sơ và chuẩn bị gặp gỡ trực tiếp với CC Foundation, Thu Thảo luôn có sự đồng hành của TS. Thanh Tú. Cô Tú nhắc nhở Thảo về từng loại giấy tờ cần hoàn thiện, dặn dò Thảo về phong thái, lời nói để ghi ấn tượng với đại diện quỹ học bổng. Buổi tối trước ngày phỏng vấn, cô Tú đã gọi điện thoại trao đổi với Thảo gần 2 tiếng đồng hồ để dặn kỹ các nội dung cần lưu ý và cùng Thảo tập dượt một số câu hỏi. 
 
20240521 CBO 9501
Nguyễn Thị Thu Thảo (thứ sáu từ phải qua) nhận học bổng Chắp cánh Bách khoa tháng 5/2024
Thảo bảo tôi, nếu không có TS. Thanh Tú, có lẽ Thảo sẽ không bao giờ chạm tay được tới học bổng Chắp cánh Bách khoa. Với Thảo, cô Tú là người thầy mà Thảo luôn biết ơn, là người chị tri kỷ mà cô sinh viên năm cuối luôn tìm đến mỗi khi cần sự chia sẻ. Nhờ sự giúp đỡ của cô Tú, Thu Thảo đã chinh phục được CC Foundation và nhận 3 kỳ học bổng trong 4 năm học tại Bách khoa Hà Nội. 

“Quỹ Chắp cánh CC Foundation, cô Tú và các thầy cô Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ hỗ trợ tôi về vật chất mà còn tiếp thêm cho tôi sức mạnh từ tình yêu thương và lòng bao dung. Tôi cảm thấy mình rất may mắn, bởi có nhiều bạn ngoài kia không có cơ hội đi học, thậm chí vẫn phải lo lắng đến cái ăn, cái mặc.”

Với cô sinh viên năm cuối Nguyễn Thị Thu Thảo, để đến được Bách khoa Hà Nội và có được những cơ hội như ngày hôm nay là cả một hành trình dài với rất nhiều nỗ lực của bản thân, kỳ vọng của gia đình, thầy cô. Vậy nên cho dù có vất vả hơn, gian nan hơn bao nhiêu chăng nữa, Thảo vẫn sẽ tiếp tục tiến lên phía trước!
 

Đại học Bách khoa Hà Nội dành khoảng 70-80 tỷ đồng làm quỹ học bổng Khuyến khích học tập (xét theo học kỳ) cho những sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện tốt.

Cùng đó, Học bổng Trần Đại Nghĩa là học bổng của Đại học Bách khoa Hà Nội xét theo học kỳ và có 2 mức tương ứng với 50% và 100% học phí cho sinh viên có hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn (hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn khác), có ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Ngoài ra, hàng năm, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội nhận được khoảng từ 5-7 tỷ đồng học bổng, giải thưởng từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước như: Giải thưởng “Honda Yes”, học bổng Sumitomo, Samsung, Toyota, Microsoft, Kova, Mitsubishi, Nitori, Vallet, PTSC,...

Từ năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu triển khai chương trình cấp học bổng cho sinh viên sang học tập, thực tập ngắn hạn tại các trường, đơn vị đối tác nước ngoài. Kinh phí học bổng dành cho năm 2024 là 5 tỷ đồng.

Mới đây, tháng 4/2024 Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai Học bổng “Gắn kết quê hương”, cấp cho sinh viên, học viên chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù có đồ án/khóa luận tốt nghiệp (ĐATN) có đồ án tốt nghiệp/khóa luận tốt nghiệp góp phần cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh, sản xuất hoặc chất lượng các dịch vụ an sinh xã hội tại quê hương của sinh viên/học viên. 
 

Ảnh: Duy Thành

Tác giả: Nguyễn Thu Huệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây