Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Chủ nhật - 26/05/2024 07:45
Ngày 22/5/2024, PGS. Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - đã ký ban hành văn bản số 4688/QĐ-ĐHBK về Đề án tuyển sinh đại học năm 2024 của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh như các năm trước. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 9.260 sinh viên vào 64 ngành/chương trình đào tạo, trong đó có 36 chương trình đại trà (chương trình chuẩn), 23 chương trình CLC (chương trình ELITECH của Bách khoa Hà Nội), 2 chương trình PFIEV và 3 chương trình liên kết đào tạo quốc tế.
Đại học Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu kỹ về nhu cầu việc làm, nguồn lao động tại các ngành/chương trình đào tạo của Nhà trường. Kết quả điều tra khảo sát, nghiên cứu, thăm dò thị trường lao động và lấy ý kiến các doanh nghiệp cho thấy tất cả các ngành đang đào tạo tại Trường đều có sức nóng về nhu cầu lao động.
Kết quả khảo sát sinh viên có việc làm trong khoảng 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp năm 2023 cho thấy, hơn 92% sinh viên Bách khoa Hà Nội có việc làm sau 1 năm ra trường. Giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh
Đại học Bách khoa Hà Nội giữ ổn định 3 phương thức xét tuyển như năm 2023 với tỷ lệ phân bổ chỉ tiêu như sau: 20% chỉ tiêu cho phương thức Xét tuyển tài năng (XTTN), 30% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi Đánh giá tư duy (ĐGTD), 50% chỉ tiêu theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2024.
PGS. Vũ Duy Hải – Trưởng Ban Tuyển sinh – Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Việc phân bổ tỷ lệ 20% cho XTTN, 30% cho ĐGTD và 50% cho thi tốt nghiệp THPT thể hiện rõ sự ổn định về phương thức tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội trong những năm qua.
Bên cạnh đó, tỷ lệ phân bổ này sẽ đảm bảo tính công bằng về cơ hội học tập tại Bách khoa Hà Nội cho tất cả các thí sinh trên cả nước. Thí sinh có thế mạnh về phương thức nào có thể lựa chọn phương thức đó để xét tuyển.
Tuy nhiên tỷ lệ phân bổ trên là tỷ lệ trung bình chung cho cả Đại học. Trong Đề án tuyển sinh đã công bố chi tiết tỷ lệ phân bổ này cho từng chương trình đào tạo và có sự khác nhau. Thí sinh nên nghiên cứu kỹ về tỷ lệ này đối với chương trình đào tạo mình đang mong muốn đăng ký xét tuyển để có được sự lựa chọn tối ưu nhất với năng lực của bản thân mình.
1. Phương thức xét tuyển tài năng
Diện 1.1: Xét tuyển thẳng học sinh giỏi (HSG) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Diện 1.2: Xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level, AP và IB;
Diện 1.3: Xét tuyển dựa theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn.
Với xét tuyển theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn, điều kiện thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2024, có điểm trung bình chung học tập các môn văn hóa từng năm học lớp 10, 11 và lớp 12 đạt 8.0 trở lên.
Đồng thời thí sinh phải đáp ứng ít nhất một trong những điều kiện sau:
- Được chọn tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức hoặc đoạt giải nhất, nhì, ba, tư hoặc khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố do sở giáo dục và đào tạo tổ chức (hoặc tương đương do các đại học quốc gia, đại học vùng tổ chức) các môn toán, lý, hóa, sinh, tin, ngoại ngữ, tổ hợp trong thời gian học THPT.
- Được chọn tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức.
- Được chọn tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức từ vòng thi tháng trở lên.
- Có chứng chỉ IELTS (Academic) quốc tế 6.0 trở lên (hoặc chứng chỉ tiếng Anh khác tương đương) được đăng ký xét tuyển vào các ngành ngôn ngữ Anh, kinh tế quản lý, công nghệ giáo dục, quản lý giáo dục.
- Học sinh hệ chuyên (gồm chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Ngoại ngữ) của các trường THPT và THPT chuyên trên toàn quốc, các lớp chuyên, hệ chuyên thuộc các trường đại học, đại học quốc gia, đại học vùng.
Năm 2024, có 5.744 thí sinh đăng ký theo phương thức XTTN vào Đại học Bách khoa Hà Nội, tăng 1,9 lần so với số lượng năm 2023. Có thể thấy phương thức XTTN của Nhà trường đang “siêu” thu hút các thí sinh tài năng bởi sự minh bạch, công bằng.
Đại học Bách khoa Hà Nội đang rất chủ động tìm kiếm những sinh viên phù hợp với mình, hướng đến người học và nhận được sự hồi đáp nhiệt tình từ các học sinh tài năng trên khắp cả nước!
2. Phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy
Kỳ thi Đánh giá tư duy (TSA) do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức, điều kiện dự tuyển khi thí sinh đã tốt nghiệp THPT, đạt ngưỡng điểm đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội quy định (thông báo sau).
3. Phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2024
Điều kiện dự tuyển khi thí sinh đã tốt nghiệp THPT, đạt ngưỡng điểm sàn do Đại học Bách khoa Hà Nội quy định (thông báo sau). Các tổ hợp xét tuyển A00, A01, A02, B00, D01, D07, D26, D28 và D29 (tùy theo từng chương trình đào tạo). Học phí Bách khoa Hà Nội năm học 2024 – 2025
Tại Đề án Tuyển sinh đại học năm 2024 của Đại học Bách khoa Hà Nội, mức học phí đối với sinh viên đại học chính quy của Đại học Bách khoa Hà Nội được xác định theo từng khóa, ngành/chương trình đào tạo căn cứ chi phí đào tạo, tuân thủ quy định của Nhà nước. Mức học phí có thể được điều chỉnh cho các năm học sau, nhưng không tăng quá 10% mỗi năm.
Đối với khóa nhập học năm 2024 (K69), học phí của năm học 2024 - 2025 như sau:
- Các chương trình chuẩn: 24 đến 30 triệu đồng/năm học (tùy theo từng ngành);
- Các chương trình ELITECH: 33 đến 42 triệu đồng/năm học, riêng các chương trình Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (IT-E10) và Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (EM-E14) có học phí 64 - 67 triệu đồng/năm học;
- Chương trình song bằng Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế (FL2): 45 triệu đồng/năm học (đã bao gồm phí ghi danh);
- Các chương trình có chuẩn đầu ra ngoại ngữ khác (chương trình quốc tế) và liên kết đào tạo quốc tế (đối tác nước ngoài cấp bằng): 24 đến 29 triệu đồng/học kỳ (riêng chương trình TROY-BA và TROY-IT một năm học có 3 học kỳ);
Đại học Bách khoa Hà Nội cam kết đảm bảo đầy đủ quyền lợi của sinh viên trong quá trình học tập, trong đó dành khoảng 70-80 tỷ đồng làm quỹ học bổng Khuyến khích học tập (xét theo học kỳ) cho những sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện tốt.
Cùng đó, Học bổng Trần Đại Nghĩa là học bổng của Đại học Bách khoa Hà Nội xét theo học kỳ và có 2 mức tương ứng với 50% và 100% học phí cho sinh viên có hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn (hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn khác), có ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Ngoài ra, hàng năm, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội nhận được khoảng từ 5-7 tỷ đồng học bổng, giải thưởng từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước như: Giải thưởng “Honda Yes”, học bổng Sumitomo, Samsung, Toyota, Microsoft, Kova, Mitsubishi, Nitori, Vallet, PTSC,...
Mới đây, tháng 4/2024 Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai Học bổng “Gắn kết quê hương”, cấp cho sinh viên, học viên chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù có đồ án/khóa luận tốt nghiệp (ĐATN) có đồ án tốt nghiệp/khóa luận tốt nghiệp góp phần cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh, sản xuất hoặc chất lượng các dịch vụ an sinh xã hội tại quê hương của sinh viên/học viên.