Giảng viên Bách khoa “đèn sách” tại những đại học danh giá nhất thế giới 

Thứ tư - 15/03/2023 04:30
thumbnail 01 01
Sau khi tốt nghiệp Đại học, nhiều giảng viên Bách khoa Hà Nội tiếp tục học sau đại học tại các ngôi trường quốc tế danh tiếng. Trải nghiệm quý báu tại những môi trường giáo dục hàng đầu thế giới có ảnh hưởng lớn đến phong cách và thế giới quan mỗi nhà giáo, giúp định hướng và hỗ trợ các thầy cô trong công tác đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo tại Bách khoa Hà Nội. 


“Tôi cảm nhận được từng nhịp đập khoa học trong mỗi góc trường”  PGS. Phạm Văn Sáng, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí 

1 PGS Phạm Văn Sáng
PGS. Phạm Văn Sáng, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, tại Viện Công nghệ Massachusetts
Trải nghiệm ở cả hai ngôi trường danh giá trên thế giới: Viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Quốc gia Singapore, PGS. Sáng chia sẻ những năm tháng ở đây đã định hình tác phong giảng dạy và nghiên cứu của anh. 

Đối với anh Sáng, dấu ấn sâu sắc nhất trong hành trình du học của mình chính là con người và môi trường học tập.  

Trong thời gian học tập tại nước ngoài, ngọn lửa nghiên cứu khoa học trong anh được khơi gợi bởi chính sự quyết tâm, nghiêm túc trong nghiên cứu của những người thầy và bạn đồng lứa. “Tôi nhìn thấy sự khát khao chinh phục khoa học: Từ khí chất, cử chỉ đến lời nói đều toát lên điều đó”, PGS. Phạm Văn Sáng chia sẻ. Rất ít khi bắt gặp hình ảnh sinh viên ngủ gật trên giảng đường MIT. Nếu sinh viên nằm gục xuống bàn, có thể do họ đã làm việc quá sức, chứ không phải một tư thế uể oải. 

Khuôn viên được sắp xếp khoa học với sự chăm sóc tỉ mỉ, chính xác, “nếu một ô gạch bị hỏng sẽ được thay thế ngay bởi một ô gạch với đúng màu sắc, chất liệu đó”. Từng kiến trúc, thiết kế, trang trí, sắp đặt trong trường đều kích thích sự sáng tạo cho giảng viên và người học. Môi trường ấy được cộng hưởng và khuyếch tán để mỗi người có thể “cảm nhận được từng nhịp đập khoa học trong mỗi góc trường”, thôi thúc tinh thần và đam mê khoa học của mỗi cá nhân để ai cũng có thể phát tiết những thiên hướng tốt nhất.  

Tại các đại học hàng đầu thế giới, không khó để gặp những người thầy có học vấn uyên bác với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học chuyên sâu. Điều đáng quý là, mỗi người thầy đều mang trong mình sự bao dung và tâm huyết để đồng hành cùng trò phát triển, luôn khuyến khích, động viên sinh viên trong mọi hoàn cảnh. 

Học hỏi tác phong và tinh thần khoa học của những giảng viên đầu ngành, từ thao tác chuẩn bị tài liệu, phương pháp giảng dạy đến cách quan tâm sinh viên, Phó hiệu trưởng Trường Cơ khí mong muốn có thể đem lại cho học trò sự tự tin về giá trị của bản thân cũng như trong việc sử dụng tri thức để phát triển cao hơn, như những người thầy mà anh luôn ngưỡng mộ đã làm. 


“Tính ứng dụng là linh hồn của nghiên cứu khoa học”PGS. Nguyễn Thị Hồng Minh - Giảng viên Trường Cơ khí, Phó trưởng phòng Quản lý nghiên cứu 

2 PGS Hồng Minh
PGS. Nguyễn Thị Hồng Minh - Giảng viên Trường Cơ khí, Phó trưởng phòng Quản lý nghiên cứu 
Trong suốt quá trình làm nghiên cứu sinh tại Đại học nghiên cứu KU Leuven, PGS. Hồng Minh cho biết điểm chung giữa sinh viên Bách khoa và sinh viên nước ngoài trong các môi trường học tập hàng đầu là tính đề cao học thuật. “Học thật – Nghiên cứu thật – Kết quả thật” là tinh thần chung của các giảng viên, học viên và sinh viên. Chị chia sẻ, “mọi người vẫn bảo tôi chọn đi theo con đường khó khi vào Bách khoa, học kỹ thuật. Nhưng ở đây, tôi được làm thật, tôi cảm thấy phù hợp với mình.” 

Chị Minh nhớ lại những chuyến tham quan đến 7-8 nhà máy khi còn là nghiên cứu sinh để phát triển và ứng dụng đề tài của mình. Ở KU Leuven, những nghiên cứu phải đưa ra kết quả có thể chứng minh được và sẵn sàng chạy trên thực tế. Ngay từ bước đầu, các đề tài được đưa vào trường đại học không phải ý tưởng trên giấy mà xuất phát từ vấn đề của doanh nghiệp. 

Trên cơ sở đó, quá trình nghiên cứu dù khó khăn nhưng các nghiên cứu sinh đều có cơ hội được khẳng định bản thân bằng kiến thức và công trình của mình. Trong môi trường quốc tế, các giảng viên luôn khuyến khích tranh luận từ nhiều phía. Sau mỗi lần đứng lên bảo vệ lập trường và được thầy hướng dẫn chấp thuận, chị thêm trưởng thành và tự tin trên con đường chinh phục khoa học. 

Phó trưởng phòng Quản lý nghiên cứu ngẫm lại, chị học được tính chuyên nghiệp khi làm việc, sự chỉn chu trong từng chi tiết, và phong cách sống thân thiện, nhân văn trong thời gian ở đây. Những phẩm chất này theo chị trong cả thời gian công tác và nghiên cứu sau này.  

“Mọi người thường bóc tách vai trò nhà giáo, nghiên cứu hay quản lý, nhưng khi chủ trì một đề tài khoa học, không có ranh giới rõ ràng về từng chức năng, nhiệm vụ”, chị nhận định làm thế nào để công việc được triển khai minh bạch, trơn tru mới là điều quan trọng. PGS. Hồng Minh cũng kỳ vọng sự giao lưu nghiên cứu giữa đại học và doanh nghiệp ở Việt Nam được triển khai mạnh mẽ và chặt chẽ để mang những bài toán thực tế đến tay các nghiên cứu sinh và nhà khoa học. 


“Tôi hiểu biết hơn, trưởng thành hơn và có cái nhìn khác với mọi điều xung quanh mình” - ThS Phạm Hoài Anh - Phó viện trưởng Viện Ngoại ngữ 

3 ThS Phạm Hoài Anh
ThS Phạm Hoài Anh - Phó viện trưởng Viện Ngoại ngữ, trong thời gian ở Đại học Cambridge
Nhớ lại lần đầu khi biết mình nhận được học bổng và có cơ hội đặt chân đến Đại học Cambridge, ThS. Phạm Hoài Anh không khỏi bất ngờ và xúc động. Cơ duyên này đến rất tình cờ khi một sinh viên trong lớp của chị chia sẻ thông tin về Học bổng Cambridge. 

Cambridge được biết đến với tiêu chuẩn chọn sinh viên đầu vào rất cao. “Sinh viên, học viên đều được tuyển chọn kỹ lưỡng nên khi tham gia vào một môi trường học tập ‘ai cũng giỏi’ khiến bản thân được tiếp thêm động lực”, chị chia sẻ. 

Trong khoảng thời gian du học, nữ giảng viên trẻ luôn tìm tòi, học hỏi và giao lưu để thu nhận thêm những bài học mới với hy vọng có thể áp dụng vào quá trình giảng dạy tại Bách khoa, khích lệ sinh viên thêm hứng thú và ham học. 

Điều khiến chị Hoài Anh tâm đắc nhất là tính tự chủ của người học tại Cambridge. Tại đây, tính tự học của sinh viên được phát huy cao độ: Sinh viên không dành nhiều thời gian lên lớp để gặp giảng viên hướng dẫn mà tập trung cho việc tự học, tự tìm tòi, nghiên cứu, định hướng,... Cambridge cũng phát triển hệ thống cơ sở vật chất tiên tiến để hỗ trợ người học với thư viện, học liệu trực tuyến đồ sộ và các phòng tự học được cung cấp trang thiết bị chất lượng để đáp ứng nhu cầu của sinh viên.  

Sau khi học tập và nghiên cứu tại Đại học Cambridge, ThS. Hoài Anh nhận thấy bản thân có nhiều thay đổi: Hiểu biết hơn, trưởng thành hơn với góc nhìn đa chiều và toàn diện hơn. Chị cũng hình thành thói quen độc lập, tự chủ trong suy nghĩ, trong cách làm việc, với tinh thần chịu trách nhiệm cao với những gì mình làm.  

“Đó cũng là điều tôi đã vận dụng vào công tác của mình tại Đại học Bách khoa Hà Nội”, giảng viên nữ cho biết bản thân sẵn sàng trao quyền nhiều hơn cho sinh viên trong học tập và nghiên cứu để phát huy tốt nhất tính tự chủ của người học. “Có được chính tự chủ, chắc chắn các sinh viên sẽ thành công trên ghế nhà trường và trong tương lai”, giảng viên trẻ khẳng định. 
 
Lâm Ánh 

Tác giả: Hà Kim

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây