Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ sáu - 17/03/2023 21:21
Ngày 17/3/2023, sau khi dự và phát biểu tại buổi Lễ Công bố các Quyết định chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội, công nhận Hội đồng đại học, Chủ tịch hội đồng, Giám đốc đại học, các Nghị quyết chuyển Phó Chủ tịch Hội đồng, Thư ký Hội đồng và Phó Giám đốc đại học, Kế toán trưởng diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác đã có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Cùng tham dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn và đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục. Về phía Đại học Bách khoa Hà Nội có TS. Bùi Đức Hùng – Phó Bí thư Thường trực, điều hành Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng đại học; PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc đại học; GS. Lê Anh Tuấn - Ủy viên Thường vụ, Chủ tịch Hội đồng đại học; các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám đốc, Thường trực Hội đồng đại học, trưởng các đơn vị cấp 2 Đại học Bách khoa Hà Nội.
3 bài học, 5 định hướng, 3 tháo gỡ, 2 xung phong, 1 đồng hành
Tại buổi làm việc, PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - đã báo cáo nhanh với Bộ trưởng và đoàn công tác những kết quả nổi bật, toàn diện của Đại học Bách khoa Hà Nội theo 9 nội dung: Xây dựng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, đề án cho quá trình thực hiện tự chủ, Tổ chức cán bộ, Đào tạo, Tuyển sinh, Đảm bảo chất lượng, Khoa học Công nghệ, Hợp tác quốc tế, Tài chính, Cơ sở vật chất và đầu tư…; đồng thời nêu bật những điều Nhà trường tâm huyết, trăn trở qua những con số cụ thể, ngắn gọn, dễ nhớ.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng tổng kết 3 bài học kinh nghiệm (cá nhân thầy rất tâm đắc) mà Đại học Bách khoa Hà Nội đã rút ra trong thời gian qua, đó là:
- Tập thể đoàn kết, kiên định quá trình đổi mới, chuyển đổi thành công mô hình tổ chức quản trị, phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội đảm bảo triết lý “một Bách khoa”;
- Phát triển đội ngũ cán bộ, đổi mới tư duy đồng bộ, chất lượng hiệu quả của cán bộ, giáo dục đạo đức cho sinh viên “Người thầy là chủ thể, là động lực phát triển, người học làm trung tâm”, để nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt hoạt động, tạo động lực cho đổi mới và phát triển, tiếp tục là một hình mẫu đại học tự chủ;
- Xây dựng mô hình quản trị chiến lược tiên tiến dựa trên nền tảng số.
Cùng đó, lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội thẳng thắn nhận diện 4 tồn tại hạn chế, phân tích các nguyên nhân để từ đó mạnh dạn báo cáo trước Bộ trưởng và đoàn công tác những kế hoạch sẽ làm, những mong muốn hướng tới của Đại học Bách khoa Hà Nội – Phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội là đại học hàng đầu châu Á. Mục tiêu đến năm 2025, Bách khoa Hà Nội sẽ trở thành một đại học nghiên cứu đổi mới sáng tạo tự chủ, top 200-250 châu Á, có 6 nhóm ngành được xếp hạng trong hệ thống xếp hạng uy tín của thế giới, trong đó có ít nhất 4 nhóm ngành trong top 450. Đến năm 2030, Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành một đại học nghiên cứu đổi mới sáng tạo tự chủ toàn diện, một trung tâm nghiên cứu sáng tạo xuất sắc bám sát theo đề án của Chính phủ, của Ngành.
Để đạt mục tiêu trên, PGS. Huỳnh Quyết Thắng nêu định hướng 5 công việc Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ phải làm:
1. Tiếp tục xây dựng hình mẫu thành công, phát triển bền vững của một đại học tự chủ toàn diện với mô hình quản trị tiên tiến, hệ thống tài chính vững mạnh, hạ tầng khuôn viên và cơ sở vật chất hiện đại ngang tầm khu vực; Triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số và phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội theo mô hình đại học số chia sẻ;
2. Xây dựng môi trường học thuật sáng tạo, cởi mở và quốc tế hóa; thu hút sinh viên ưu tú, học giả xuất sắc trong nước và quốc tế đến học tập, nghiên cứu và làm việc; Đổi mới mạnh mẽ chương trình, phương pháp dạy và học đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài;
3. Nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động hỗ trợ người học, đảm bảo công bằng cho người học, khơi dậy cho sinh viên khả năng sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp;
4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh một số sản phẩm mang trí tuệ của Bách khoa Hà Nội trong một số lĩnh vực, công nghệ then chốt để đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng; Sẵn sàng đóng góp trí tuệ cho Thành phố Hà Nội dựa trên các lĩnh vực thế mạnh của Đại học Bách khoa Hà Nội để xây dựng Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Hồng tại thành phố Hà Nội;
5. Xây dựng hạ tầng khuôn viên và cơ sở vật chất hiện đại; Triển khai đồng bộ phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội tại khuôn viên 1 và khuôn viên 2 theo hướng: Tinh gọn, giảm quy mô đào tạo (giảm sinh viên) tại khuôn viên 1, dịch chuyển đào tạo đại học chính quy sang khuôn viên 2; Thống nhất cơ chế quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng đất hiện có tại khuôn viên 1 để phát triển thành cơ sở chính.
Thể hiện tầm nhìn và lộ trình phát triển Nhà trường giai đoạn 2023-2030, PGS. Huỳnh Quyết Thắng nêu nội dung “2 xung phong”, gồm:
- Xây dựng và thực hiện Đề án phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm cơ sở giáo dục hàng đầu châu Á;
- Bộ GD&ĐT giao Đại học Bách khoa Hà Nội chuẩn bị nội dung các đề án Trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0 theo mô hình Đại học số chia sẻ nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với công nghệ 4.0, phục vụ phát triển kinh tế - Xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Về kiến nghị, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất “3 tháo gỡ”: Kinh phí cho Dự án SAHEP; Vay vốn ưu đãi tập trung đầu tư cho khoa học công nghệ và cho phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội; Vốn trung hạn cho Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.
Đặc biệt, PGS. Huỳnh Quyết Thắng nêu nguyện vọng của Đại học Bách khoa Hà Nội tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với “1 đồng hành”.
“Chúng tôi mong muốn sự đồng hành của các Cục/Vụ với Đại học Bách khoa Hà Nội giúp chúng tôi xây dựng và thực hiện tốt Đề án “Tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2023-2030”, trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật mới nhất. Quá trình đồng hành này sẽ giúp cho Nhà trường tiếp tục thực hiện tự chủ đại học một cách tốt nhất” – Giám đốc Đại học - PGS. Huỳnh Quyết Thắng bày tỏ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn xúc động chúc mừng và chia sẻ niềm vui với lãnh đạo, các thầy/cô giáo và cán bộ Đại học Bách khoa Hà Nội trong ngày vui Nhà trường nhận các quyết định nhân sự quan trọng từ lãnh đạo Ngành Giáo dục. Đây là ngôi trường ông gắn bó nhiều năm trước khi đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại Bộ GD&ĐT. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn ghi nhận, đánh giá cao những kết quả, nỗ lực của Đại học Bách khoa Hà Nội, đồng thời chia sẻ quan điểm, mục tiêu, định hướng và gợi mở một số giải pháp để Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.
Đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng Bộ GD&ĐT đã phát biểu, trao đổi cùng làm rõ những nội dung theo đề xuất, kiến nghị của Đại học Bách khoa Hà Nội; ghi nhận và chia sẻ những khó khăn, thách thức, gợi mở hướng tháo gỡ đồng thời bày tỏ sự ủng hộ, sẽ phối hợp chặt chẽ với Đại học Bách khoa Hà Nội để cùng tham mưu với lãnh đạo Bộ tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển hơn nữa.
Lời khuyên của Bộ trưởng: Phân tích hết các thuận lợi của mình để bước vào hành trình mới
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi với các cán bộ chủ chốt Đại học Bách khoa Hà Nội: Chúng ta có rất nhiều thuận lợi. Nên phân tích hết các thuận lợi của mình để bước vào hành trình mới.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phân tích 6 thuận lợi của Đại học Bách khoa Hà Nội:
“Đại học Bách khoa Hà Nội có thế mạnh về lịch sử hơn 66 năm phát triển, có thế mạnh về thương hiệu. Bách khoa Hà Nội tiến tới đại học khi thực lực chúng ta đã tương đối. Chúng ta có một bước quá độ khi hình thành các đơn vị cấp dưới tương đối bài bản. Chúng ta trưởng thành – tái cấu trúc từ bên trong, chuẩn bị đầy đủ tâm thế khi thay đổi từ Trường thành Đại học để mở tiếp chặng mới”.
“Đại học Bách khoa Hà Nội có thuận lợi là có tài sản quý giá nhất – nguồn nhân lực với số lượng đông đảo giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, những chuyên gia đầu ngành. Chúng ta phải coi đây là tài sản quý nhất, lớn nhất, nền tảng nhất, quan trọng nhất và điều đó phải thành tuyên ngôn. Đây phải là xuất phát để kiến tạo cho những việc khác”.
“Đại học Bách khoa Hà Nội có thuận lợi là khối ngành kỹ thuật công nghệ, thuận lợi để hợp tác với doanh nghiệp, để sản phẩm khoa học đi vào cuộc sống, để chuyển giao được, thương mại hóa được so với các khối ngành khác. Chúng ta có chỗ dựa rất quan trọng là cả thành tựu công nghệ của thế giới đi trước. Vậy nên trong hội nhập quốc tế, khoa học, chúng ta phải đặt thành chiến lược theo thuận lợi riêng của ngành, của lĩnh vực để hiện đại hóa và đi đầu trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật”.
“Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm nằm ở tâm điểm được ưu tiên phát triển để giải quyết vấn đề nhân lực cao cho đất nước, đào tạo đội ngũ kỹ sư”.
“Bộ GD&ĐT xác định tạo điều kiện tốt nhất cho thực hiện tự chủ đại học. Luật đã có, cùng với xu hướng của thời đại, vai trò Bộ chủ quản sẽ thay đổi, nhưng phương diện quản lý nhà nước với các đơn vị tự chủ cần đổi mới nhưng không buông lỏng. Trách nhiệm Bộ chủ quản sẽ được thực hiện đầy đủ, không chỉ là đồng hành mà phải chỉ đạo dẫn dắt, phải đúng vai. Các trường đã tự chủ, việc chỉ đạo, quản lý phải khác trước, đi vào chiều sâu và chặt chẽ. Đại học Bách khoa Hà Nội cần coi đây là một thuận lợi khi cơ chế quản lý Nhà nước của Bộ đang thay đổi để quản lý hệ thống các trường”.
Điểm thuận lợi cuối cùng được Bộ trưởng chia sẻ rất chân thành: “Tôi với tư cách là Bộ trưởng, cũng từng là Giám đốc một Đại học lớn, cũng đã từng trăn trở về câu chuyện phát triển của đại học đa ngành, có những điều đã từng làm được, có điều chưa làm được. Tôi rất hiểu những khó khăn, vướng mắc của một đại học đa ngành nên có thể hiểu được các đồng chí mong muốn gì, cùng nhau tháo gỡ trong chặng đường đi tiếp, cần xem đó là một thuận lợi!”.
“Đại học Bách khoa Hà Nội nên mạnh dạn “xung phong” nhiều hơn nữa!”
Lắng nghe báo cáo của Giám đốc Huỳnh Quyết Thắng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn vui vẻ đề nghị: Trong 2 xung phong của thầy Huỳnh Quyết Thắng nên có vài xung phong nữa!
Theo Bộ trưởng, Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị đi đầu cho một mô hình khác với mô hình của ĐHQG, ĐH vùng, mô hình này gần với thông lệ quốc tế cho các đại học hiện nay. Chính vì vậy, Bách khoa Hà Nội phải xung phong xem trong quá trình triển khai, học tập tiền lệ của các đại học đa ngành của thế giới, áp dụng mô hình quản trị mới, nếu có gì vướng phải trao đổi ngay với Bộ GD&ĐT để cùng tháo gỡ, đồng thời rút kinh nghiệm cho một số ĐH khác đang có kế hoạch làm giống Bách khoa Hà Nội, để người đi sau không phải “trả giá”.
Bộ trưởng chỉ đạo Đại học Bách khoa Hà Nội sớm nhất sau 3 năm phải có sơ kết mô hình mới này. Các ý tưởng về quản lý, quản trị cần mạnh bạo hơn nữa, thậm chí cần có một số đề xuất cơ chế thí điểm, cơ chế chính sách cho mô hình của đại học đa ngành mới này.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý Đại học Bách khoa Hà Nội cố gắng tránh những cái “vướng” đi trước của ĐHQG và ĐH vùng liên quan đến các trường đại học thành viên. “Chúng ta là một thực thể nhưng chia cắt, phân ra làm các tầng thứ, đúng vai, thuộc bài cùng vận hành trong một hệ thống. Cấp trên vận hành chủ yếu theo nguyên tắc hành chính, nguyên tắc quản trị. Còn cấp dưới vận hành theo những nguyên lý của sức mạnh chuyên môn. Đó mới là câu chuyện cần phải phân cấp. Bộ máy lãnh đạo của Hội đồng và Ban Giám đốc phải rất chắc tay trong việc dẫn dắt đoàn tàu lớn để vận hành. Đây là điều hết sức lưu ý trong vận hành, triển khai mô hình quản trị đại học.” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tầm nhìn lớn cho tương lai
Để Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện đầy đủ quyền tự chủ theo mô hình mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo Nhà trường cần tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế: Tiếp tục hoàn thiện về chiến lược, về các quy định nội bộ, quy chế nội bộ, quy chế phối hợp giữa hai bộ phận Hội đồng đại học và Ban Giám đốc rõ ràng, rành mạch, đúng vai,... “Quy định luật chơi đầy đủ đảm bảo thuận lợi phối hợp nhịp nhàng, đảm bảo đoàn kết lâu dài” – Bộ trưởng nhận định.
Cùng đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Đại học Bách khoa Hà Nội rà soát, cân nhắc một số nội dung về cơ cấu đào tạo, tài chính… Đặc biệt, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn trong đề án sắp tới, Đại học Bách khoa Hà Nội có tầm nhìn lớn cho tương lai khi đưa ra phương án phát triển cơ sở mới ở ngoại thành – xây một khuôn viên được thiết kế hiện đại, đồng bộ, trọn vẹn từ đầu; còn tại cơ sở trong thành phố, quy hoạch sắp xếp các PTN, phòng thực hành đang có thành một hệ thống để sử dụng một cách tiết kiệm… “Muốn trở thành đại học hàng đầu, phải tiến đến một tầm nhìn như vậy” – Bộ trưởng chia sẻ.
Về nghĩa vụ với Ngành, theo Bộ trưởng, Đại học Bách khoa Hà Nội nên chia sẻ với Bộ GD&ĐT bài toán tuyển sinh, khảo thí, có phương án mở rộng trong nhóm khối trường, coi đây là đóng góp trực tiếp, chia sẻ với Ngành trong thời gian sắp tới.
Thay mặt lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS. Huỳnh Quyết Thắng trân trọng tiếp thu và bày tỏ quyết tâm thực hiện tốt các ý kiến chỉ đạo, định hướng của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, đồng thời cảm ơn Bộ trưởng, Thứ trưởng và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã quan tâm, chỉ đạo sâu sát, dành thời gian thăm và làm việc với Đại học Bách khoa Hà Nội.
“Chúng tôi vui mừng khi Bộ trưởng đề nghị Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ 2 xung phong mà cần nhiều hơn. Chúng tôi nghĩ rằng đó là sự đánh giá cao của lãnh đạo Bộ GD&ĐT với những mong muốn phát triển của Bách khoa Hà Nội. Chúng tôi cam kết thực hiện tốt tất cả những nội dung, kỳ vọng của Bộ trưởng với Đại học Bách khoa Hà Nội: Đúng tầm nhìn, đóng góp cho hệ thống giáo dục. Tôi rất tâm đắc với ý nói của Bộ trưởng: Đúng vai, đúng tầm, đúng luật và thực hiện đúng tự chủ theo chiều sâu, có chia sẻ, đồng hành. Tất cả những điều đó Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ đồng hành, đồng làm với các Cục/Vụ của Bộ, cam kết thực hiện tốt nhất để tiếp tục phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội như kỳ vọng, để phát triển giáo dục đại học Việt Nam nói riêng, giáo dục Việt Nam nói chung” – PGS. Huỳnh Quyết Thắng bày tỏ quyết tâm.
“Bách khoa nhưng không trăm mối. Bách khoa là một mối. Thống nhất trong đa dạng. Đa dạng nhưng phải thống nhất” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kết luận buổi làm việc của mình tại Đại học Bách khoa Hà Nội trong tâm trạng rất phấn khởi với những chia sẻ về khẩu hiệu Bách khoa.