Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ tư - 22/03/2023 00:50
“Những ngày mới thành lập, trong văn phòng 40m2, 4-5 người chúng tôi chỉ nghĩ làm thế nào để vượt qua tháng thứ nhất, tháng thứ 3, rồi tháng thứ 6...”, CSV Bách khoa Trần Trọng Việt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư CETECH, kể lại khó khăn trong những ngày đầu khởi nghiệp. Trải qua 7 năm hình thành và phát triển, anh cùng các cộng sự đã đưa công ty trở thành doanh nghiệp có chỗ đứng vững vàng trong lĩnh vực hiển thị hình ảnh chuyên dụng.
Khởi nghiệp với số vốn chỉ... 20 triệu
Đơn hàng đầu tiên CETECH giành được khá thú vị. Không doanh nghiệp nào ở Hà Nội nhận dự án này do chi phí triển khai cao hơn giá khách hàng đề xuất. “Chúng tôi biết sẽ lỗ, nhưng dòng tiền từ đơn hàng có thể giúp công ty sống sót qua tháng đầu tiên”, Chủ tịch CETECH nhớ lại. Cứ thế, đơn hàng đầu tiên tuy lỗ 10-15% nhưng là cơ sở cho những dự án tiếp theo.
Đối với mỗi doanh nghiệp, vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là vốn để trang trải chi phí vận hành và các hoạt động thương mại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chứng minh uy tín và năng lực bởi tư duy thận trọng của người Việt trong các hoạt động mua bán.
“Thôi nôi” công ty, các thành viên ăn mừng và “thở phào” vì đã trải qua một năm đầy biến động. Từ 20 triệu đồng, sau năm thứ nhất, vốn của doanh nghiệp chạm ngưỡng mười chữ số. Không nguồn quỹ, không mối quan hệ, CETECH vươn lên hoàn toàn từ nội lực của công ty. 2 trong 5 nhà sáng lập đầu tiên là người Bách khoa. Anh Việt khẳng định, Bách khoa không chỉ dạy anh kiến thức mà quan trọng hơn là một tư duy hệ thống.
Năm 2018, ba năm sau thành lập, công ty gặp sóng gió khi đứng trước nguy cơ phá sản. Nhận được dự án lớn hợp tác cùng Viettel, CETECH trở thành nhà đại diện một hãng thiết bị quốc tế tại Việt Nam. Nhưng kỳ vọng bản thân người điều hành và điều kiện thực tế không phải lúc nào cũng trùng nhất. Nhiều lý do khách quan khiến dự án kéo dài đến 9 tháng, đẩy doanh nghiệp vào khó khăn.
“Từ một người chuyên về kỹ thuật, tôi chuyển sang học quản trị nhân lực, tài chính, tối ưu hóa dòng tiền”, anh Việt bắt đầu đọc sách về tư duy quản trị, bổ sung cho bản thân những kiến thức ngoài những gì được học trên giảng đường đại học.
Cựu sinh viên Khoa Điện khẳng định: “Để phát triển đến năm thứ 7, tôi nghĩ điều quan trọng là sự kiên định và niềm tin”. Khi thất bại đến, anh và đồng nghiệp vui vẻ chấp nhận bởi thực tế tiềm ẩn nhiều thách thức khó lường trước.
Trải qua những khó khăn từ nhỏ đến lớn, nhờ sự đồng lòng của các cộng sự và một tập thể đoàn kết đồng hành cùng anh từ những ngày đầu, công ty dần chuyển mình và có chỗ đứng nhất định trong lĩnh vực hiển thị ở Việt Nam. Đến nay, anh Việt có thể kỳ vọng công ty đang bước đi mạnh mẽ để hướng tới những mốc 10 năm, 15 năm, và còn xa hơn nữa.
Từ một văn phòng 40m2, CETECH hiện nay có một tòa nhà trên phố Bà Triệu với diện tích sử dụng lớn hơn gấp 10 lần, phục vụ những tệp khách hàng lớn trong nhiều lĩnh vực như điện lực, dầu khí, giám sát an ninh, quốc phòng...
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tỉ lệ chất xám trong dịch vụ cung cấp giải pháp của công ty; đồng thời khẳng định uy tín, thương hiệu của công ty và trở thành nhà cung cấp hàng đầu trong lòng khách hàng”, Cựu sinh viên Trần Trọng Việt chia sẻ về kế hoạch tương lai sắp tới.
Cánh cổng parabol - Niềm ao ước thuở thơ bé
Khi còn bé, nhà ở gần Bách khoa, bố và chú ruột vẫn hay đèo anh Việt qua Bách khoa chơi. Lần đầu tiên đặt chân đến trường, anh mới chỉ là cậu bé 4 tuổi, choáng ngợp với khuôn viên rộng và nhiều cây xanh. Sau này nhà anh chuyển qua Giải Phóng, cánh cổng parabol nằm trên con đường anh đi học hàng ngày.
Có truyền thống gia đình theo học kỹ thuật, chú ruột là giảng viên Bách khoa Hà Nội, nam sinh Trần Trọng Việt lúc đó có một ao ước là được bước chân qua cánh cổng parabol. Tháng 9/2002, anh hòa chung niềm vui với các đồng môn thi đỗ Bách khoa. Anh kể lại, vào ngày nhập học, nhiều bố mẹ không ngại xa xôi đưa con lên Hà Nội bởi đối với các gia đình khi ấy, đỗ Bách khoa là niềm tự hào của cả dòng họ.
Chú ruột anh - PGS. Trần Trọng Minh, là người có nhiều ảnh hưởng đến quá trình anh trưởng thành. Như nhiều giảng viên Bách khoa khác, ông dạy anh về kỹ năng tư duy và tính kỷ luật.
Hiện anh Việt đang tham gia học Tiến sỹ về Quản trị kinh doanh tại Viện Công nghệ châu Á. Anh quan niệm, sự học không bao giờ kết thúc, chừng nào bản thân còn muốn nâng cao năng lực để trở nên có ích cho xã hội. CSV ngành Tự động hóa hi vọng một vài năm nữa có thể sử dụng những kiến thức mình học để hướng dẫn cho đội ngũ lãnh đạo kế cận của công ty và truyền lửa cho các sinh viên Bách khoa muốn khởi nghiệp.
“Nếu không có Bách khoa Hà Nội, sẽ không có tôi ngày hôm nay” - NCS Trần Trọng Việt - CSV K47 khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ tịch CETECH.
20 năm quay lại trường, anh cảm thấy vui khi nhìn thấy sự khác đổi của lứa sinh viên ngày nay: Thông minh, hoạt bát và giàu năng lượng. Với kinh nghiệm của mình, anh khuyên các sinh viên nên tăng cường trang bị kỹ năng mềm và ngoại ngữ, bởi công việc sau này không chỉ xoay quanh những phương trình, con số mà còn yêu cầu kỹ năng xã hội và khả năng cạnh tranh quốc tế.
Đối với anh Việt, Bách khoa không chỉ là nơi anh từng học, mà còn là chìa khóa gắn kết các cựu sinh viên. Đến bất kỳ nhà máy hay công ty nào, ngay khi nói mình từng học Bách khoa sẽ có các cựu sinh viên chào đón tay bắt mặt mừng. Thậm chí, ở những bữa tiệc, cựu sinh viên Bách khoa được sắp xếp chỗ ngồi riêng, vì người Bách khoa cứ gặp nhau lại rôm rả ôn lại kỷ niệm cũ.
Mạng lưới Cựu sinh viên Bách khoa ra đời mang lại nhiều ý nghĩa. Thay vì trước đây, các hoạt động chỉ mang tính giao lưu nội bộ giữa các viện, trường, thì nay sự kiện được tổ chức quy củ với quy mô rộng hơn. Anh Việt mong muốn có thể tiếp tục đồng hành và đóng góp cho sự phát triển chung của Nhà trường. “Đây là sự tri ân chân thành của tôi trong tư cách một cựu sinh viên. Bởi nếu không có Bách khoa Hà Nội, sẽ không có tôi của ngày hôm nay”, cựu sinh viên K47 gửi gắm chia sẻ.