Khánh thành tòa nhà C7 dự án SAHEP, bước chuyển mình mạnh mẽ của Bách khoa Hà Nội

Thứ năm - 22/06/2023 03:10
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên gia WB cùng các đơn vị liên quan cắt băng khánh thành tòa nhà C7, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên gia WB cùng các đơn vị liên quan cắt băng khánh thành tòa nhà C7, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Sáng nay (22/6/2023), công trình xây dựng, cung cấp lắp đặt thiết bị tòa nhà C7 thuộc Dự án SAHEP tại Đại học Bách khoa Hà Nội được khánh thành, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực nghiên cứu, hiệu quả công tác quản trị của nhà trường. Những trang thiết bị mới cho sinh viên và giảng viên sẽ hỗ trợ nâng cao chất lượng dạy và học. Đây là ưu tiên hàng đầu của Bách khoa Hà Nội cũng như của SAHEP. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Kết quả hôm nay nhờ nỗ lực của Bách khoa Hà Nội là chính


Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện Tiểu dự án thuộc Hợp phần 1 của Dự án SAHEP (Support for Autonomous Higher Education Project for Vietnam) do Ngân hàng Thế giới tài trợ với mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu, chất lượng đào tạo và thể chế quản trị đại học. Dự án có tổng mức đầu tư 50 triệu USD, trong đó 21,5 triệu USD đầu tư cho các hạng mục xây dựng và 24,5 triệu USD đầu tư cho 30 phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu.
20230613 DJI 0020
Tòa nhà C7 nhìn từ trên cao. Ảnh: Đặng Trung Dũng
Tòa nhà C7 có tổng diện tích khoảng 40.000 m2 là kết quả đầu ra quan trọng của dự án, tạo ra cho Đại học Bách khoa Hà Nội thêm không gian, phòng làm việc để sắp xếp các phòng, ban, khoa, viện của các trường thuộc trong quá trình tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình và thực hiện tự chủ. Toàn bộ diện tích nhà C7 dự kiến bố trí làm các phòng làm việc, phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm và phòng chức năng cho các Trường Điện - Điện tử và Trường Cơ khí.

Đây cũng là ý tưởng cho thiết kế toà nhà khi nhìn từ trên cao xuống là chữ E (Electrical- Electronic Engineering) hoặc chữ M (Mechanical Engineering). Mô hình tòa nhà C7 với cơ sở vật chất hiện đại sẽ là hình mẫu để Đại học Bách khoa Hà Nội thử nghiệm những giải pháp đổi mới quản trị.
20230622 CBO 0853
PGS. Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - phát biểu tại buổi lễ
Công trình tòa nhà C7 được khởi công ngày 23/3/2021. Trong suốt quá trình thực hiện, dự án bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina gây ra biến động về giá, thiếu nguồn cung nguyên vật liệu do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy... Những nguyên nhân khách quan, bất khả kháng này ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình thực hiện dự án nói chung và gói thầu xây dựng tòa nhà C7 nói riêng. Ban lãnh đạo Đại học và các đơn vị liên quan đến công việc của dự án đã tích cực làm việc, tháo gỡ nhiều khó khăn để tòa nhà C7 được khánh thành hôm nay.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của lãnh đạo và tập thể cán bộ, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng có được buổi lễ khánh thành tòa nhà C7 sáng nay là nhờ sự nỗ lực của lãnh đạo, tập thể Đại học Bách khoa Hà Nội là chính. So với các trường tham gia dự án SAHEP, Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị khắc phục khó khăn, nỗ lực rất lớn, nhất là trong thời gian bị tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 trong 2 năm, gần đây nhất là tình hình biến động của thế giới với cuộc xung đột Nga – Ucraina.
20230622 CBO 0780
PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội: "Hình ảnh tòa nhà C7 sáng bừng trong ánh nắng thể hiện những bước chuyển mình vô cùng mạnh mẽ của ĐHBK Hà Nội, là công sức của tất cả chúng ta ngồi đây, của tập thể ĐHBKHN và rất nhiều người đã cống hiến thầm lặng cho Dự án, cho sự phát triển của Nhà trường."
20230622 CBO 0956
PGS. Huỳnh Quyết Thắng và PGS. Trần Ngọc Khiêm tặng hoa tri ân PGS. Trần Văn Tớp - nguyên Phó Hiệu trưởng, nguyên Trưởng BQL dự án SAHEP - Đại học Bách khoa Hà Nội
“Đây là một trong những minh chứng khả năng của Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện những dự án lớn, dự án tầm cỡ theo đúng kế hoạch và yêu cầu chất lượng. Hy vọng việc cải thiện môi trường làm việc của Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tiếp tục lan tỏa và giải phóng sự sáng tạo của giảng viên. Nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất để phát huy đổi mới sáng tạo của sinh viên theo đúng tinh thần “một Bách khoa”: Nhà trường làm nền tảng - Người thầy là chủ thể, là động lực phát triển - Người học là trung tâm.” – PGS. Huỳnh Quyết Thắng bày tỏ.

Chủ nhiệm dự án SAHEP của WB: Bách khoa Hà Nội đang có những đóng góp quan trọng cho giáo dục ĐH Việt Nam

Phát biểu tại buổi lễ, ông Michael Drabble – Chuyên gia giáo dục cao cấp, Chủ nhiệm dự án SAHEP – chúc mừng Đại học Bách khoa Hà Nội đã vượt khó, nỗ lực hoàn thành xây dựng tòa nhà C7; đồng thời dành phần lớn thời gian để nói về một số hoạt động và kết quả quan trọng khác Đại học Bách khoa Hà Nội đã đạt được thông qua dự án SAHEP.

Theo chuyên gia WB, Đại học Bách khoa Hà Nội đã có thêm những khoản đầu tư quan trọng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trong đó cải tạo các tòa nhà D8, T và T1. Đồng thời, Bách khoa Hà Nội đã thực hiện 5 hợp đồng thiết bị lớn. Những thiết bị này đã mang lại lợi ích cho 15 phòng thí nghiệm nghiên cứu và 15 phòng thí nghiệm đào tạo cùng 3 nhóm nghiên cứu.
20230622 CBO 0876
Ông Michael Drabble – Chuyên gia giáo dục cao cấp, Chủ nhiệm dự án SAHEP - phát biểu tại buổi lễ
Nhóm chuyên gia WB đã có nhiều cơ hội đến thăm các phòng thí nghiệm mới và nói chuyện với các giảng viên và sinh viên. Lần nào nhóm cũng nghe những lời chia sẻ thống nhất từ các sinh viên đánh giá cao việc thực hành trong phòng thí nghiệm mới. Các em có thể trực tiếp áp dụng lý thuyết vào thực tế để tiếp thu những kiến thức mới, kỹ năng mới, ứng dụng vào công việc sau này tại doanh nghiệp. Các trang thiết bị mới này cũng giúp các em làm bài tập trong khóa học và viết bài nghiên cứu.

Các thầy cô giảng viên cũng đánh giá cao phòng thí nghiệm mới. Việc giảng dạy của các thầy cô hiệu quả hơn, sinh viên hiểu bài tốt hơn, nhanh hơn. Quan trọng hơn, thiết bị mới giúp các thầy cô nghiên cứu với chất lượng cao hơn, giúp công bố các bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học chất lượng tốt hơn… Những điều này có tác động tích cực đến chất lượng sinh viên. Hơn 85% sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp.

Đại học Bách khoa Hà Nội còn thúc đẩy nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo thông qua các chương trình chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cao từ thị trường lao động như chương trình Elitech, chương trình về kỹ thuật vi điện tử, công nghệ nano, khoa học dữ liệu, AI, thúc đẩy các chương trình kiểm định quốc tế. Hơn 60% các chương trình đại học đã được kiểm định. Đại Bách khoa Hà Nội là một trong những đại học hàng đầu trong việc kiểm định chương trình đào tạo.
20230622 TSP 7070
PGS. Trần Ngọc Khiêm - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - giới thiệu với Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và các vị khách về Tòa nhà C7 mới khánh thành
“Chúng tôi cũng rất vui khi chứng kiến những cột mốc rất quan trọng được phát triển trong “một Bách khoa”. Nhà trường đạt được điều này thông qua việc có cơ chế tự chủ tốt hơn, những tiến bộ trong việc quản lý, thu hút nhân tài... Trên ¾ giảng viên của Bách khoa Hà Nội đạt học vị tiến sỹ. Công tác tuyển sinh rất tốt khi đã tuyển được những học sinh xuất sắc; quá trình chuyển đổi số rất tuyệt vời khi Nhà trường có eHust; có BK Holdding thúc đẩy chuyển giao công nghệ và kết nối doanh nghiệp... Và còn rất nhiều thành tựu khác nhờ vào tự chủ của đại học” – ông Michael Drabble phân tích.

Chuyên gia WB kết luận: Đại học Bách khoa Hà Nội đang có những đóng góp quan trọng cho giáo dục đại học ở Việt Nam!
 
5 nhiệm vụ Thứ trường Bộ GD&ĐT giao Đại học Bách khoa Hà Nội
 
1. Hoàn thiện các công tác đã đề ra của dự án SAHEP tại Đại học Bách khoa Hà Nội, đảm bảo dự án kết thúc thành công, đúng tiến độ, đáp ứng sự hài lòng của các bên liên quan;

2. Trên cơ sở năng lực quản trị được nâng cao, mô hình quản trị được cải tiến, xây dựng hình mẫu Đại học Bách khoa Hà Nội tự chủ và hiện đại, chú trọng hội nhập quốc tế trong đào tạo và NCKH, chú trọng chuyển đổi số…

3. Trên cơ sở năng lực nghiên cứu, chất lượng đào tạo được nâng cao, quy hoạch phát triển các lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu thế mạnh của Đại học Bách khoa Hà Nội, đảm bảo hiện đại, phát triển bền vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả NCKH và chuyển giao công nghệ, đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, cho ngành và của cả nước;

4. Tăng cường hợp tác doanh nghiệp và hợp tác quốc tế, tiếp tục xây dựng hạ tầng thông minh và cơ sở vật chất hiện đại, xây dựng hệ thống tài chính vững mạnh, phát triển đội ngũ cán bộ cả về chất lượng đào tạo nhân lực, và đòi hỏi của xã hội phát triển nhanh và mạnh…

5. Xây dựng đề án phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm các cơ sở giáo dục phát triển hàng đầu châu Á theo Nghị quyết số 14 ngày 22/2/2023 của Chính phủ về chương trình hành động, thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030 và năm 2045.
Gia Hân. Ảnh: Duy Thành -  Kiên Phạm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây