242 tân thạc sỹ của 27 chương trình đào tạo đã xuất sắc hoàn thành chặng đường hai năm khó khăn nhưng rất đáng nhớ để cầm trên tay tấm bằng danh giá từ Bách khoa Hà Nội.
Chuyến xe chở gia đình 8 người từ Hà Nam lên Hà Nội tham dự Lễ trao bằng thạc sỹ Bách khoa Hà Nội năm 2022 khởi hành từ 7h sáng, dù cho lễ tốt nghiệp bắt đầu lúc 2h chiều.
Ông Lê Sỹ Đạm, ông nội của tân thạc sỹ Lê Sỹ Dũng, năm nay 75 tuổi, rơm rớm nước mắt chứng kiến cháu trai lên nhận bằng thạc sỹ. “Lễ trao bằng năm nay rất trọng vọng, hoành tráng. Tôi rất cảm phục và xúc động. Quá trình nhà trường truyền dạy kiến thức và tình cảm để cháu Dũng nên người, tôi không bao giờ quên”.
Còn ông Lê Văn Điềm, ông ngoại của Dũng, năm nay 74 tuổi, không giấu được niềm hạnh phúc và tự hào: “Chứng kiến cháu ăn học trưởng thành cho đến ngày cháu thành đạt, chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi. Xin cảm ơn Đại học Bách khoa Hà Nội”.
‘Hãy giữ trái tim nóng và cái đầu lạnh’
“Đây là một khóa rất đặc biệt”, PGS. Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – mở đầu bài diễn văn chúc mừng các tân thạc sỹ nhận bằng trong Lễ trao bằng thạc sỹ năm 2022 vào chiều ngày 5/11.
Mặc dù chịu 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID, thầy trò Bách khoa đã hết sức cố gắng khắc phục khó khăn, đặc biệt là khi nhiều chương trình đào tạo yêu cầu phải thực hành trên các phòng thí nghiệm. Lứa học viên nhận bằng năm nay cũng chứng kiến kỷ niệm 65 năm thành lập Trường và sự thay đổi trong quá trình tái cấu trúc của Bách khoa Hà Nội. Ông cho rằng, những cuộc tranh luận trong các diễn đàn giáo dục về nâng cao chất lượng sau đại học thể hiện sự quan tâm của xã hội và công luận đối với nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Các thạc sỹ của Bách khoa Hà Nội sẽ là lực lượng nòng cốt của đất nước để làm việc khó. Tôi thấy ở đây những gương mặt ưu tú mà sau này sẽ trở thành các chuyên gia công nghệ hàng đầu hay những nhà quản lý xuất sắc. Tôi tin rằng, những phẩm chất cá nhân mà các học viên được rèn luyện tại Bách khoa Hà Nội sẽ là tiền đề vững chắc hướng tới thành công”, PGS. Nguyễn Phong Điền tin tưởng khẳng định.
Sau buổi lễ này, các tân thạc sỹ sẽ chính thức gia nhập đội ngũ gần 200,000 cựu sinh viên, cựu học viên đại gia đình Bách khoa Hà Nội. Tháng 7 năm nay, Nhà trường vừa khánh thành Tòa nhà Cựu sinh viên đầu tiên tại Việt Nam với mong muốn thúc đẩy sự đoàn kết, hợp tác và tinh thần sáng tạo, đổi mới. Với mạng lưới cựu sinh viên ngày càng lớn mạnh và gắn kết, Thầy thể hiện mong muốn các tân thạc sỹ sẽ tiếp nối và kế thừa truyền thống của các thế hệ Người Bách khoa để cùng chung tay phát triển mái nhà chung.
Phó Hiệu trưởng Bách khoa Hà Nội cũng nhắn nhủ các học viên phải luôn giữ cho mình “trái tim nóng” và “cái đầu lạnh” để tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc, dù định nghĩa về hạnh phúc của mỗi người có thể khác nhau. “Hãy sống đầy lòng biết ơn và giàu tình cảm để giữ một trái tim nóng. Hãy luôn lạc quan bởi Người Bách khoa không ngại khó. Hãy kiên nhẫn và tỉnh táo với một cái đầu lạnh để đưa ra những quyết định then chốt tại thời điểm thích hợp.”
Tại buổi lễ trao bằng, PGS. Nguyễn Đắc Trung, Trưởng phòng Đào tạo, đọc Quyết định Công nhận tốt nghiệp và cấp bằng Thạc sỹ năm 2022 cho 242 học viên hoàn thành bảo vệ tốt nghiệp trong 1/12/2021 – 31/8/2022.
Trong số đó, các đơn vị có số học viên nhận bằng cao nhất là Trường Điện – Điện tử với 55 học viên, Trường Cơ khí với 40 học viên, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông với 40 học viên, và Viện Kỹ thuật Hóa học với 33 học viên.
Thành quả hôm nay là khởi đầu một chặng đường mới
Đại diện cho 242 tân thạc sỹ, ThS. Trần Quốc Thanh xúc động phát biểu cảm tưởng tại Buổi lễ: “Chúng tôi mong muốn chứng minh và khẳng định với xã hội rằng: Sản phẩm nguồn nhân lực mà Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cung cấp cho xã hội là sản phẩm có chất lượng tốt: Tốt về nhân cách đạo đức – Tốt về tư duy kiến thức – Tốt về kỹ năng tác nghiệp chuyên môn, đặc biệt là những giá trị nhân văn”.
Trong bài diễn văn tri ân của mình, tân thạc sỹ cho biết hai năm học không quá dài nhưng mỗi học viên luôn tâm niệm rằng mình đã là một phần của nơi đây. Điều khiến ThS. Thanh cảm thấy ấn tượng nhất là văn hóa của một môi trường giáo dục “trong sáng, lành mạnh” với những “hình ảnh thầy cô đáng kính, gần gũi” và “giá trị nhân văn sâu sắc”.
Lê Sỹ Dũng, cựu sinh viên K60 Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện nay là Kỹ sư nghiên cứu phát triển sản phẩm tại Samsung, đến nhận bằng thạc sỹ cùng đại gia đình 8 người – 3 thế hệ. “Học thạc sỹ ở Bách khoa là con đường tôi đã chọn từ trước. Tôi cảm thấy mình vẫn có thể trau dồi thêm kiến thức sau khi tốt nghiệp đại học để vững bước hơn trên con đường sự nghiệp”.
Theo Dũng, học cao học ở Bách khoa Hà Nội không hề dễ dàng. “Đến giai đoạn cuối cùng, tôi đã gần như phải xin nghỉ ở công ty để hoàn thành chương trình thạc sỹ. Nhưng với tấm bằng này, tôi có một nền tảng vững chắc hơn và cũng có thể chứng minh khả năng nghiên cứu của mình trong lĩnh vực chuyên môn”.
Nguyễn Công Sơn là thạc sỹ từ Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, đang làm việc tại Công ty Hệ thống thông tin FPT. Sơn cho biết: “Tôi chọn học thạc sỹ tại Bách khoa vì tôi cũng tốt nghiệp đại học ở Bách khoa nên hiểu rõ chất lượng đào tạo của Trường”. Đối với Sơn, tấm bằng thạc sỹ là tiền đề để Sơn học cao hơn, đồng thời nâng cao chất lượng công việc và trình độ bản thân. Mặc dù yêu cầu đầu vào học tiến sỹ khá cao, Sơn dự định sẽ đăng ký học tiếp nghiên cứu sinh tại Bách khoa vào năm sau.
Tân thạc sỹ Trần Nhật Tân từ Trường Điện – Điện tử đang công tác trong lĩnh vực thiết bị y tế của Bệnh viện Đại học Y. Từng tốt nghiệp tại hai trường đại học khác, Tân cho biết chất lượng đào tạo của Bách khoa Hà Nội rất tốt, phương pháp giảng dạy của giảng viên và chương trình học đều hay hơn các trường trước kia Tân học. “Tôi đã tốt nghiệp hai trường đại học, nhưng cũng chưa từng tham gia lễ nhận bằng hoành tráng như hôm nay”, Tân hào hứng chia sẻ.
Trong khi đó, Nguyễn Thanh Hùng, sinh viên Viện Kỹ thuật Hóa học, bắt đầu nghiên cứu từ khá sớm, khi còn là sinh viên năm 2. Từ năm 4 đến nay, Hùng học tập và làm việc trong nhóm nghiên cứu của GS. Lê Minh Thắng ở bô môn Công nghệ Hữu cơ Hóa dầu.
Với chương trình hợp tác quốc tế Việt – Đức, Hùng đánh giá cơ sở vật chất cho các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này được trang bị đầy đủ và hiện đại. Nhiều cựu sinh viên Bách khoa hiện nay đang làm nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc khi về tham quan phòng Lab của GS. Lê Minh Thắng đều rất ấn tượng.
Sau khi tốt nghiệp, chàng cử nhân Viện Kỹ thuật Hóa học nhận được học bổng cao học dành cho sinh viên có thành tích học tập tốt. Hùng không chần chừ đăng ký ngay học thạc sỹ tại Bách khoa Hà Nội.
Trải qua 7 năm tại Trường, ThS. Hùng cho biết học thạc sỹ tạo điều kiện nghiên cứu, thực hành nhiều hơn ở phòng thí nghiệm so với chương trình đào tạo ở bậc đại học. Hiện nay, Hùng đang nghiên cứu quá trình chuyển hóa khí Metan thành các dạng nhiên liệu có giá trị cao hơn.
Mặc dù có nhiều cơ hội làm nghiên cứu sinh tại nước ngoài, tân thạc sỹ vẫn khá đắn đo vì không muốn bỏ dở đề tài đang theo đuổi trong khi vẫn rất hài lòng với điều kiện nghiên cứu ở Bách khoa. “Nếu học tiến sỹ tại Việt Nam, chắc chắn tôi sẽ làm nghiên cứu sinh ở Bách khoa Hà Nội”, tân thạc sỹ Nguyễn Thanh Hùng khẳng định.
Hà Kim
Ảnh: Kiên Phạm, Vi Lê
Tác giả: Hà Kim
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn