Tất cả cán bộ, giảng viên, sinh viên và cựu sinh viên đều có thể làm tốt công tác truyền thông để giúp xã hội hiểu rõ hơn vai trò, sứ mạng và hoạt động của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Bách khoa Hà Nội hôm nay tổ chức tập huấn cho hơn 100 cán bộ và giảng viên nhằm phổ biến quy định ban hành vào ngày 30/12/2020 về truyền thông và quản lý thương hiệu.
Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng PGS. Huỳnh Quyết Thắng cho rằng công tác truyền thông không phải là việc của riêng ai mà bất kỳ một cá nhân nào thuộc hệ thống Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đều có thể tác động tích cực đến việc quảng bá thương hiệu và xây dựng hình ảnh cho Trường.
“Truyền thông là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của Trường năm 2021,” Hiệu trưởng nói.
Mọi cán bộ, giảng viên, sinh viên và cựu sinh viên đều là "những đại sứ truyền thông" giúp xã hội hiểu rõ hơn sứ mạng, vai trò và hoạt động của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh công tác truyền thông, với sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ thông tin, sẽ tạo ra những sự khác biệt lớn trong giai đoạn phát triển mới.
Trong nghị quyết hội nghị cán bộ viên chức năm nay, Bách khoa Hà Nội đặt ra mục tiêu phát triển hệ thống truyền thông đồng bộ, tích hợp và chuyên nghiệp trên đa nền tảng để góp phần thúc đẩy đưa Trường trở thành một đại học nghiên cứu đa lĩnh vực.
Bách khoa Hà Nội đang làm truyền thông trên các nền tảng chính bao gồm website, đặc san điện tử, mạng xã hội Facebook, một nền tảng chia sẻ video Youtube, ứng dụng chia sẻ ảnh chia sẻ ảnh Instagram và mạng xã hội kết nối các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực LinkedIn.
Hiện nay, fanpage Đại học Bách khoa Hà Nội - Hanoi University of Science and Technology, với hơn 200.000 lượt likes, đã có tích xanh xác nhận chính chủ do Facebook cung cấp cho các cá nhân hoặc tổ chức có ảnh hưởng tới cộng đồng.
“Chúng ta làm thủ tục lấy tích xanh nhằm giúp phân biệt fanpage thật của Trường với các trang giả mạo”, PGS. Phạm Thanh Huyền, Trường phòng Truyền thông và Quản trị Thương hiệu (TT&QTTH), cho biết.
PGS. Phạm Thanh Huyền, Trưởng phòng Truyền thông và Quản trị Thương hiệu, phổ biến các quy định mới về truyền thông vừa được Ban Giám hiệu ban hành trong Buổi tập huấn ngày 27/1 diễn ra tại Hội trường C2, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Duy Thành - Kim Chi.
Việc giúp công chúng nhận biết các kênh thông tin chính thức của Bách khoa Hà Nội rất quan trọng. Nhờ vậy, xã hội, báo chí, cán bộ, giảng viên và sinh viên có thể dễ dàng tìm đến nguồn thông tin đáng tin cậy về Nhà Trường khi cần thiết, theo Trưởng phòng TT&QTTH.
Trường đặc biệt khuyến cáo các cá nhân không bình luận, trao đổi, chia sẻ thông tin có thể ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, hình ảnh và thương hiệu Trường trên báo chí và mạng xã hội.
Ngoài ra, để đảm bảo truyền thông nội bộ đầy đủ, chính xác, kịp thời và đúng đối tượng, Nhà Trường sử dụng Microsoft Teams và Yammer. Hai công cụ này giúp kết nối cán bộ, giảng viên và sinh viên trong toàn trường một cách hiệu quả.
“Các thông tin ‘nóng’ như chính sách học phí, học bổng đều được chia sẻ công khai trên hai nền tảng Teams và Yammer” PGS. Phạm Thanh Huyền cho biết Nhà Trường không đăng những thông tin nội bộ lên các trang mạng xã hội nhằm tránh việc truyền thông sai đối tượng.
Các giảng viên và cán bộ tham gia buổi tập huấn truyền thông ngày 27/1 diễn ra tại Hội trường C2, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Duy Thành - Kim Chi.
Theo quy định mới ban hành về truyền thông và quản lý thương hiệu, tất cả các Viện phải quản lý kênh thông tin riêng và các ấn phẩm của đơn vị dựa theo "Sổ tay Nhận diện Thương hiệu Trường Đại học Bách khoa Hà Nội".
Theo đó, các đơn vị không được vẽ lại, chỉnh sửa hay thay đổi bất kỳ thành phần nào, bao gồm màu sắc, chi tiết, kích cỡ, của logo tiếng Việt Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và logo viết tắt tiếng Anh HUST.
Nhà Trường cấm việc sử dụng logo chính thức để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh trái pháp luật, hoặc các hoạt động tạo các liên tưởng tiêu cực đến thương hiệu và hình ảnh Trường.
Toàn bộ nhận diện thương hiệu, bao gồm logo tiếng Việt và tiếng Anh trên các loại nền; font chữ chính và font chữ phụ dùng cho biển hiệu, pano, băng-rôn, ấn phẩm và quà tặng; hệ màu quy chuẩn và thứ cấp, đều được lưu trữ trên Microsoft Teams để mọi người trong Trường tải xuống sử dụng.
Giảng viên và cán bộ thảo luận trong buổi tập huấn truyền thông ngày 27/1 diễn ra tại Hội trường C2, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Duy Thành - Kim Chi.
PGS. Phạm Thanh Huyền cho biết 5 tháng trước Phòng truyền thông đã rà soát và gửi khuyến cáo đến lãnh đạo mọi đơn vị về hiện tượng kết hợp logo Trường với tên đơn vị thành viên chưa chuẩn.
“Sau 5 tháng, vẫn còn nhiều đơn vị chưa sửa theo đúng quy định nhận diện thương hiệu”, PGS. Huyền thẳng thắn phát biểu.
Tuy nhiên, Phòng TT&QTTH mong rằng sau khi quy định về truyền thông và quản lý thương hiệu có hiệu lực, các Viện, phòng ban và mọi đơn vị sẽ nghiêm túc thực hiện để đảm bảo tính đồng bộ thông tin và hình ảnh về Trường.
Sau khi phổ biến các quy định mới ban hành, lãnh đạo Trường mời chuyên gia truyền thông nói về vai trò truyền thông trong quản trị đại học và cách thức làm truyền thông cơ bản trong thời đại số.
Chuyên gia truyền thông Vũ Thế Cường chia sẻ kinh nghiệm tại buổi tập huấn ngày 27/1 diễn ra tại Hội trường C2, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Duy Thành - Kim Chi.
Ông Vũ Thế Cường, chuyên gia có hàng chục năm kinh nghiệm về báo mạng điện tử, báo chí đa phương tiện, truyền thông, đã chia sẽ nhiều kiến thức hữu ích nhằm giúp nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ Bách khoa Hà Nội về truyền thông.
Ngoài những quy tắc, kỹ thuật về việc xây dựng nội dung bằng nhiều phương tiện và trên nhiều nền tảng, sau ba tiếng trao đổi, các cán bộ và giảng viên Bách khoa Hà Nội hiểu rằng trong thời đại số, bất cứ ai với chiếc điện thoại thông minh trong tay đều có thể tạo ra những nội dung truyền thông hiệu quả dưới dạng chữ viết, hình ảnh hoặc video. Không phải chỉ những người làm truyền thông chuyên nghiệp mới có khả năng tạo ra những thông điệp mạnh mẽ.
“Quảng bá cho thương hiệu và hình ảnh của Trường vừa là quyền vừa là trách nhiệm của mỗi con người Bách Khoa Hà Nội,” chuyên gia kết luận.
CCPR
Tác giả: Phạm Thanh Huyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn