Nghiên cứu bộ chuyển đổi năng lượng cho ắc quy xe điện vòng đời thứ hai

Thứ sáu - 04/07/2025 19:53
Hòa nhịp cùng xu thế chuyển đổi xanh của thế giới, PGS. Vũ Hoàng Phương - Giám đốc chương trình Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hoá (EE2), Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội - đã triển khai nghiên cứu chuyên sâu liên quan đến các hệ thống tích trữ điện năng từ những nguồn năng lượng tái tạo. Điểm nhấn trong nghiên cứu này là tăng thêm một vòng đời mới cho mỗi chiếc ắc quy nhằm tích trữ năng lượng để có thể sử dụng vào ban đêm cho các hộ gia đình.

Tận dụng ắc quy xe điện vòng đời thứ hai 

PGS. Vũ Hoàng Phương theo đuổi các nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống biến đổi năng lượng: Hệ thống biến đổi năng lượng mặt trời, hệ thống dự trữ năng lượng và các hệ thống liên quan đến đảm bảo chất lượng điện năng. 
 
PGS. Vũ Hoàng Phương (bìa phải) làm việc cùng đồng nghiệp tại lab Trường Điện - Điện tử
Gần đây, thầy Phương thực hiện đề tài nghiên cứu cấp cơ sở về Hệ thống tích trữ năng lượng của hộ gia đình. Hiện nay, các hộ gia đình có nhiều sự lựa chọn các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, năng lượng gió, thủy điện,... Điều nhà khoa học Bách khoa hướng đến là tích trữ nguồn năng lượng điện mặt trời vào ắc quy để các hộ gia đình có thể sử dụng được vào ban đêm. Việc làm này giúp người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng hơn và đảm bảo sự ổn định của dòng điện. 

Để hoàn thành đề tài này, PGS. Hoàng Phương cần nghiên cứu sử dụng vòng đời thứ hai cho ắc quy xe điện. Khi dung lượng ắc quy không còn đảm bảo để tiếp tục lắp trên xe điện nữa, có thể tận dụng để tích trữ năng lượng cho hộ gia đình. Với giải pháp tối ưu này, nhà khoa học Trường Điện – Điện tử có thể biến đổi một hệ thống chuyển đổi năng lượng để tích hợp giữa ắc quy và tích trữ điện trong gia đình. 

Đề tài trọng điểm này đã được nghiệm thu năm 2024, được triển khai từ năm 2022 đến năm 2024, hiện vẫn được nhóm tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm. Khó khăn lớn nhất của PGS. Vũ Hoàng Phương là giải các bài toán về hạn chế của ắc quy xe điện đã hết một vòng đời trên thị trường. Do vậy, trong quá trình nghiên cứu, thầy Phương và nhóm nghiên cứu phải dùng những nguồn giả lập đặc tính của ắc quy và tập trung vào thiết kế hệ thống tích trữ năng lượng. 

Bên cạnh đó, ắc quy xe điện có nhiều chủng loại, kích cỡ khác nhau. Đề bài dành cho các nhà nghiên cứu là tạo bộ chuyển đổi năng lượng có thể tương thích được nhiều loại ắc quy. 

Để giải quyết những thách thức này, nhóm PGS. Phương đã thiết kế bộ chuyển đổi năng lượng có độ dải rộng để có thể tương thích được nhiều loại ắc quy có trên thị trường xe điện. Bên cạnh đó, tại phòng thí nghiệm nghiên cứu Kỹ thuật biến đổi điện, nhà khoa học xây dựng bộ nguồn chuẩn với những đặc tính chuẩn của một ắc quy vòng đời thứ hai. Nghiên cứu này vừa là tiền đề cho các ý tưởng khoa học sau, vừa có thể triển khai thực tế trong tương lai. 

Những cơ hội của sinh viên Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa 

Là Giám đốc chương trình đào tạo của ngành Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa, PGS. Vũ Hoàng Phương có nhiều lợi thế trong việc lắng nghe ý kiến của sinh viên và các doanh nghiệp để cải thiện chất lượng đào tạo, đóng góp ý kiến phát triển chương trình đào tạo. Bên cạnh việc giảng dạy những môn chuyên ngành, thầy Phương còn tham gia giảng dạy học phần nhập môn, giúp sinh viên sau khi vào trường hiểu rõ hơn về định hướng ngành nghề của Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa ở thời điểm hiện tại và tương lai. 

PGS. Phương nhận định, Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa là ngành học rất có triển vọng bởi chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng gắn với thực tiễn công nghiệp và phủ rộng trên nhiều lĩnh vực. “Liên tục nhiều năm gần đây, công tác tuyển sinh của ngành luôn ổn định và tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường luôn ở mức cao nhất trong toàn đại học”, thầy Phương cho biết. 
 
Các thầy, cô giáo Trường Điện - Điện tử tham gia Hội nghị quốc tế về Truyền thông và Điện tử năm 2024
Bên cạnh đó, chất lượng đầu ra của sinh viên cũng rất tốt, góp phần tạo nên thương hiệu kỹ sư Đại học Bách khoa Hà Nội. “Các doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực từ Bách khoa Hà Nội phản hồi rất tích cực”, Giám đốc chương trình đào tạo của ngành Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa cho biết. Rất nhiều cử nhân, kỹ sư Bách khoa Hà Nội làm việc và giữ vị trí then chốt tại các đơn vị như Viettel, Vinfast,... Cơ hội việc làm cho sinh viên Bách khoa Hà Nội rộng mở. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước như Samsung, LG, Siemens,... rất trọng dụng nhân tài Bách khoa. Đối với những sinh viên có định hướng tiếp tục học sau đại học, các bạn có thể lựa chọn học ở Việt Nam hoặc nhờ thầy, cô giới thiệu du học tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,... 

Theo PGS. Vũ Hoàng Phương, Bách khoa Hà Nội nói chung và Khoa Kỹ thuật Điều khiển – Tự động hóa nói riêng là môi trường tốt, tạo điều kiện học tập và làm việc cho sinh viên và cán bộ Nhà trường. Các phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm được trang bị cơ sở vật chất tốt và đồng bộ cũng là một yếu tố khích lệ tinh thần học tập và nghiên cứu của sinh viên. 

Đặc biệt, những chủ trương, quyết sách mạnh mẽ từ Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia khi được triển khai cụ thể theo Chương trình hành động của Chính phủ và kế hoạch thực hiện của các bộ, ngành, địa phương sẽ tạo ra xung lực và cơ hội lớn đẩy mạnh NCKH gắn kết với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược của quốc gia như ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hoá. 
 
Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hoá là ngành học nghiên cứu, thiết kế, vận hành các hệ thống tự động, các quá trình công nghệ và sản xuất tự động tại các nhà máy (điện tử, bán dẫn, xi măng, sắt thép, nước giải khát, dược phẩm,...); Thiết kế, điều khiển, giám sát và chế tạo các hệ thống biến đổi năng lượng, hệ thống robot; Quản lý sản phẩm tại các công ty kinh doanh các thiết bị điện tử tự động;... 

Đây là ngành học phù hợp với những người có đam mê và tư duy trong Toán học và Vật lý, có kỹ năng giải quyết vấn đề, đề cao sự chính xác và chi tiết, yêu công nghệ, đam mê sáng tạo và có tinh thần làm việc nhóm. 

Tác giả: Trần Thu Trang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây