Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ tư - 08/03/2023 20:36
Cách đây hơn 27 năm, số tiến sỹ trẻ trong lĩnh vực Hóa học ở Việt Nam không nhiều, ở lứa tuổi 27 đạt được học vị danh giá lại càng hiếm. Đứng trước nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn, PGS. Trần Thu Hương đã quyết định lựa chọn gắn bó với Bách khoa Hà Nội.
Niềm đam mê Hóa học từ thuở bé
Hồi nhỏ, chị Hương vẫn khiến bố mẹ bật cười khi thường đặt ra những câu hỏi “hóc búa”: Tại sao hạt ớt lại cay, tại sao quả chanh chua nhưng vỏ chanh lại thơm, hay tại sao hoa lá lại nhiều màu sặc sỡ như vậy... Có bố mẹ đều làm trong ngành Hoá, niềm yêu thích với môn học này được nhen nhóm trong chị từ rất sớm.
“Tôi đã đứng trên bục giảng hơn 25 năm, nhưng chẳng nhớ nổi mình bắt đầu say mê Hóa từ khi nào, có lẽ phần nhiều từ những năm cấp ba”. Chị là lứa học sinh khóa đầu tiên chuyên Hóa trong chương trình phổ thông của thành phố Hà Nội. Cô học sinh cấp ba ngày càng hào hứng khi nhận thấy sự hiện diện gần gũi của hóa học ở mọi ngóc ngách cuộc sống.
Sau khi tốt nghiệp ngành Hóa học – Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), chị Hương là một trong hai sinh viên xuất sắc nhất khóa được lựa chọn chuyển tiếp Nghiên cứu sinh.
Những năm tháng nghiên cứu sinh khó khăn nhưng đầy kỷ niệm. PGS. Thu Hương nhớ về những đêm phải “mắc màn” tại phòng thí nghiệm để canh cột sắc ký vì sợ mất chất đang tinh chế. Rồi đến những lần vội vàng phân lập, điều chế các chất từ thiên nhiên để kịp đưa giáo sư mang mẫu sang nước ngoài phân tích, do thời đó các máy móc trong nước còn rất nhiều hạn chế. Ngày ấy, gõ máy chữ chỉ sai một từ cũng cần phải gõ lại cả trang, và muốn phô-tô bản thuyết trình A0 phải in từng tờ A4 ghép lại.
Vừa làm mẹ, vừa làm nghiên cứu, PGS. Trần Thu Hương bảo vệ thành công tấm bằng Tiến sỹ Hóa học khi mới 27 tuổi.
Nhận được lời mời của Cố GS. Hoàng Trọng Yêm, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, và PGS. Nguyễn Đăng Quang, Nguyên Trưởng Bộ môn Hóa Hữu cơ, PGS. Trần Thu Hương đã về Bách khoa và gắn bó với Bộ môn từ năm 1998 đến nay.
Thời trước đây, tiến sỹ Hóa học không nhiều như bây giờ, nên sau khi bảo vệ, chị được nhiều nơi mời về làm việc. “Các cơ quan nghiên cứu, công ty nước ngoài, hay Tổ chức Y tế thế giới đều trả lương rất cao với chế độ phúc lợi tốt, nhưng tôi đã quyết định về Bách khoa Hà Nội để giảng dạy và nghiên cứu vì tình yêu với môi trường sư phạm”.
Sau 5 năm công tác, PGS. Hương trở thành Trưởng Bộ môn và được tín nhiệm giữ chức vụ này trong 15 năm. Chị cũng từng giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hóa học, phụ trách về nghiên cứu khoa học từ năm 2008-2018. Từ năm 2009 đến nay, chị đã có 5 bằng Sáng chế, 1 Giải pháp hữu ích và công bố rất nhiều bài báo trong nước, quốc tế trong lĩnh vực Hóa học các hợp chất thiên nhiên.
Sứ mệnh của nhà nghiên cứu là phục vụ đời sống
Đối với các nhà Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, việc tìm ra hợp chất mới từ thực vật, vi sinh vật, động vật có hoạt tính sinh học là một hành trình rất thú vị và ý nghĩa trong cuộc sống. Chị và nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc nghiên cứu, tìm ra các hoạt chất trong nhiều loài cây như huyết giác, lược vàng, xoài, măng cụt, xakê...
Những sáng chế và giải pháp hữu ích mới nhất từ năm 2020-2023 của chị đều xoay quanh vỏ quả măng cụt, một loại quả nhiệt đới rất gần gũi. Trong các nghiên cứu gần đây, những hợp chất xanthon, tannin mới từ vỏ quả măng cụt với hoạt tính hạ đường huyết, kháng vi sinh vật kiểm định, gây độc tế bào, chống oxi hóa... được sử dụng trong việc điều chế thực phẩm chức năng.
“Chỉ riêng các nghiên cứu đối với vỏ quả măng cụt, nhóm chúng tôi đã công bố được 2 sáng chế, 1 giải pháp hữu ích, 2 bài báo quốc tế và 4 bài báo trong nước. Đó là một nghiên cứu rất thú vị”, PGS. Hương tự hào cho biết.
Theo các nhà nghiên cứu, các bài thuốc dân gian từ các cây thuốc dân tộc đều có thành phần thân thiện, gần gũi và dễ hấp thu với cơ thể. Đây là kết quả được đúc kết từ kinh nghiệm của nhiều thế hệ đi trước. Nhiệm vụ của các nhà khoa học trong ngành Hóa học các Hợp chất thiên nhiên là chiết tách, phân lập các hoạt chất để lý giải các bài thuốc dân gian, từ đó tạo ra các dược phẩm, thực phẩm chức năng phục vụ đời sống.
Để đăng ký sáng chế, các sản phẩm phải mang tính mới, duy nhất và có khả năng áp dụng công nghệ. PGS. Trần Thu Hương cho biết, có thể chỉ mất vài tháng để nhận được kết quả công bố bài báo quốc tế, nhưng một sáng chế cần ít nhất 2 năm để kiểm duyệt bởi quy trình rất chặt chẽ và phạm vi kiểm định toàn cầu. Trong quá trình đó, bản mô tả sáng chế cần phải cải thiện và sửa chữa.
Từ đề tài trên giấy đến sản phẩm ứng dụng là một quá trình không đơn giản. Đặc biệt là khi các sản phẩm của nhóm nghiên cứu liên quan đến sức khoẻ con người, đòi hỏi nhiều thử nghiệm rộng rãi với nguồn kinh phí lớn. Nhà khoa học nữ chia sẻ cũng có công ty ngỏ ý thương mại hoá sản phẩm của mình, “nhưng chúng tôi muốn sản phẩm phải được kiểm định an toàn và hoàn chỉnh về chất lượng trước khi tới tay người sử dụng.”
Với lượng chất được chiết tách, phân lập từ thực vật, vi sinh vật… vô cùng nhỏ bé, cần nhiều bước phân tích tiếp theo để xác định cấu trúc và thử nghiệm hoạt tính sinh học, nên ngành Hóa học các Hợp chất thiên nhiên có yêu cầu cao về sự khéo léo và tính cẩn thận. Ví dụ, để chiết tách tinh dầu, hương liệu từ thiên nhiên đòi hỏi sự tỉ mẩn trong từng thao tác bởi chỉ một sai sót nhỏ có thể dẫn đến mất chất, hỏng chất hoặc mùi thơm không được như ý.
Cho đến nay, đây vẫn là một ngành nghề có sức hút trên toàn thế giới bởi xu hướng của người tiêu dùng luôn muốn sử dụng các sản phẩm hữu cơ sạch, gần gũi với thiên nhiên. Theo một nghiên cứu gần đây từ tạp chí Nutrition Business, nền công nghiệp sản phẩm thiên nhiên trong lĩnh vực hàng tiêu dùng đã cán mốc 250 tỉ đô trong năm 2020, với tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 8% trong một thập kỷ.
Hóa học các Hợp chất thiên nhiên là lĩnh vực đa ngành, liên quan đến Hóa học, Thực vật học, Sinh học, Dược học, Vật lý... Vì vậy, để có một sản phẩm hoàn thiện cần công sức của tập thể. Trong nhóm nghiên cứu của PGS. Hương, mỗi thành viên đều được đảm nhiệm một công việc thích hợp như một mắt xích trong quy trình phát triển sản phẩm, từ thu thập mẫu, xác định tên khoa học, chiết tách, xác định cấu trúc, thử hoạt tính sinh học, viết báo…
“Những thành tích này không phải của cá nhân tôi, mà đó là nhờ sự phối hợp và đồng lòng của nhóm nghiên cứu. Trong nghiên cứu khoa học, tập thể làm nên sức mạnh”, PGS. Trần Thu Hương khẳng định.