Bách khoa Hà Nội đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp phát triển công nghệ nanocellulose

Thứ hai - 06/03/2023 21:54
Bách khoa Hà Nội đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp phát triển công nghệ nanocellulose
Ông Kim Chan Joong, Giám đốc công ty CelluFab khẳng định tại lễ ký kết, hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội là ví dụ điển hình trong việc phát triển công nghệ xanh tiên tiến, đóng góp cho công cuộc bảo vệ môi trường, giảm phát thải cacbon mang tính toàn cầu.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Đại học Bách khoa Hà Nội và Công ty CelluFAB và Biên bản hợp tác giữa Viện Kỹ thuật Hoá học và Công ty CelluFAB về thành lập “Trung tâm nghiên cứu và phát triển ứng dụng Nanocellulose” tại Bách khoa Hà Nội vừa được tổ chức ngày 3/3.

Phát biểu khai mạc Lễ ký kết, PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết đây là một dự án rất đặc biệt bởi sự hợp tác giữa hai bên xuất phát từ mong muốn của doanh nghiệp. Ông tin rằng, dự án này sẽ đem lại thành công lớn với các sản phẩm được thương mại hóa và đi vào ứng dụng thực tiễn.
 
20230303 CBO 2151
PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, phát biểu trong Lễ Ký kết
“Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Nanocellulose CelluFAB-SCE” (CHRC), do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, được thành lập với mục đích nghiên cứu và phát triển công nghệ liên quan đến nanocellulose, cụ thể là chế tạo nanocellulose từ bã mía và các nguồn nguyên liệu gỗ, phi gỗ khác, hay các sản phẩm thứ cấp trên nền nanocellulose.

Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ thực hiện chức năng thử nghiệm trình diễn tại địa phương thuộc ‘Dự án CTS1 của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc’ do CelluFAB thực hiện và tiến hành các dịch vụ nghiên cứu về công nghệ chế tạo nanocellulose và ứng dụng liên quan ở Việt Nam và nước ngoài.
 
20230303 CBO 2144
Ông Cho Han Deog (phải), Giám đốc Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA) và Ông Kim Chan Joong, Giám đốc công ty CelluFab
Ông Cho Han Deog, Giám đốc Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA), khẳng định Tổ chức này rất quan tâm đến các dự án khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có đóng góp cho phát triển bền vững và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Đây là lý do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc rất quan tâm đến những nghiên cứu khoa học từ môi trường học thuật uy tín với chất lượng cao như Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo PGS. Lê Quang Diễn, Trưởng nhóm nghiên cứu “Hóa chất cơ bản và vật liệu mới trên nền vật liệu lignocellulose” của Viện Kỹ thuật Hóa học, hướng nghiên cứu vật liệu nanocellulose đã được triển khai tại Đại học Bách khoa Hà Nội trong vài năm trở lại đây. Đây là phương pháp mới được áp dụng cho nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau và đang trong quá trình đăng ký sở hữu trí tuệ.

Gỗ, bã mía, rơm rạ, trấu... là nguồn nguyên liệu lignocellulose tự nhiên tái tạo tiềm năng tại Việt Nam. Nhóm nghiên cứu từ Viện Kỹ thuật Hóa học đã đạt được nhiều thành công trong phương pháp chế tạo nanocellulose từ nhiều nguồn nguyên liệu sinh khối lignocellulose, hướng tới sản xuất loại vật liệu mới ở quy mô bán công nghiệp, đồng thời ứng dụng cho các lĩnh vực khác nhau.

Điểm nổi bật của phương pháp chế tạo nanocellulose là công nghệ được phát triển và hoàn thiện để sản xuất sản phẩm ở quy mô lớn, với chi phí thấp và thân thiện với môi trường. Sản phẩm được kỳ vọng sẽ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, y tế, y sinh...

Để có thể ký kết các văn bản hợp tác, đồng thời nhận được sự ủng hộ của KOICA, trong suốt thời gian vừa qua, các bên đã có nhiều buổi gặp mặt và trao đổi học thuật, thông tin. Các nhà khoa học Việt Nam cũng gửi những mẫu sản phẩm được chế tạo thử nghiệm ở quy mô phòng thí nghiệm sang Hàn Quốc và nhận được sự tin cậy cho hợp tác phát triển công nghệ thành công.

Giám đốc công ty CelluFab Kim Chan Joong bày tỏ hi vọng có thể phát triển công nghệ thành một sản phẩm thân thiện với môi trường ở Việt Nam khi được làm việc với “đội ngũ nghiên cứu có bề dày kinh nghiệm của Đại học Bách khoa Hà Nội”.

Dự án sẽ tập trung ứng dụng nanocellulose cho sản xuất bê-tông và các loại vật liệu xây dựng khác gia sử dụng phụ gia là nanocellulose từ bã mía – phế phụ phẩm nông nghiệp của sản xuất mía đường, thay cho phương pháp sản xuất truyền thống từ xi-măng và đá, bởi quá trình sản xuất bê-tông từ xi măng hiện nay đang chiếm đến 79% lượng phát thải trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Công nghệ sản xuất các sản phẩm từ nguồn sinh khối tự nhiên sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc mở ra thị trường mới có các sản phẩm thân thiện với môi trường, từ đó giảm thiểu đáng kể hiệu ứng nhà kính, một trong những vấn đề nóng trên toàn cầu.
 
20230303 CBO 2214
Lễ Ký kết về Thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Nanocellulose CelluFAB-SCE
Sự thành lập của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Nanocellulose CelluFAB-SCE không chỉ tăng cường cơ sở vật chất cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, phục vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn mở ra các hình thức thương mại hóa sản phẩm hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài từ nghiên cứu khoa học.

Trong năm đầu tiên, trung tâm dự kiến hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo nanocellulose ở quy mô phòng thí nghiệm. Quy trình xây dựng dây chuyền sản xuất ở quy mô bán công nghiệp và ứng dụng sản phẩm sẽ được tiếp tục phát triển trong 5 năm tiếp theo.

Hà Kim. Ảnh: Duy Thành

Tác giả: Hà Kim

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây