Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ tư - 26/04/2023 23:35
Những câu chuyện nhỏ, nhưng gây ấn tượng rất lớn đối với tôi về một thần tượng trong số cha đẻ của công nghiệp quốc phòng Việt Nam, về một nhà khoa học uyên thâm rất nặng lòng với sự phát triển khoa học nước nhà và về một con người tâm huyết với công việc tập hợp đội ngũ cán bộ khoa học vì sự nghiệp đưa tiến bộ công nghệ đến quần chúng lao động.
Những ngày đầu hoạt động Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Giai đoạn tôi được gần gũi với thầy Trần Đại Nghĩa nhiều nhất là trong công tác Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật (LHH) Việt Nam. Với trách nhiệm là Chủ tịch Hội LHH Hà Nội nhiệm kỳ đầu tiên (1982 - 1987), tôi tham gia một số việc chuẩn bị cho đại hội thành lập Hội LHH Trung ương, tiến hành sau đó khoảng một năm. GS. Trương Tùng - Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội, đồng thời là Phó Chủ tịch LHH Hà Nội - đã rất nhiệt tình tìm cách cấp trụ sở làm việc cho LHH Việt Nam, tại số nhà 30B Bà Triệu, gần sát hồ Hoàn Kiếm.
Thời gian này, thầy Trần Đại Nghĩa không ít niềm ưu tư, nhưng vẫn tập trung làm rất nhiều việc, thường ra về rất muộn. Đôi khi, GS bảo tôi lên xe cùng về nhà ở Hàng Chuối, lúc đó đường phố Hà Nội đã lên đèn. Dọc đường trên xe hai thầy trò lại tiếp tục câu chuyện dang dở ở cơ quan.
Ngay sau khi thành lập, LHH Hà Nội đã nhanh chóng kết nghĩa với Hội Kiến thức của Thủ đô Matxcơva. Nhờ sự hợp tác đó, LHH Hà Nội đã nhanh chóng tổ chức được các câu lạc bộ khoa học, khai trương một triển lãm ở nhà thuyền trên hồ Thiền Quang và bắt đầu có được các trang bị như ô tô, máy ghi hình các bài giảng phổ biến khoa học... Cùng đó, chúng tôi còn là cầu nối để LHH Việt Nam hợp tác với Hội Kiến thức toàn Liên bang Xô viết.
Trong quá trình hợp tác này, tôi được chứng kiến nhiều cuộc tọa đàm giữa thầy Nghĩa và các nhà khoa học, các nhà hoạt động Hội Khoa học Kỹ thuật của Liên bang Xô viết. Thầy Nghĩa thường nhắc chúng tôi phải học tập kinh nghiệm rất bài bản của bạn trong hoạt động phổ biến nâng cao kiến thức khoa học cho quần chúng và cần nhận thức về vai trò cực kỳ quan trọng của quần chúng lao động - những người trực tiếp biến các thành tựu khoa học thành của cải vật chất cho xã hội.
Trong hoạt động Hội, tôi cũng không ít lần được đi công tác đến các tỉnh thành với GS. Nghĩa. Lần đi dự hội nghị ở LHH - Hải Phòng tôi thấy GS rất trăn trở về vấn đề quản lý kinh tế ở các địa phương. GS thường đem theo bộ sách quản lý kinh tế của Tây Âu và giới thiệu với họ. Nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất chính là những ngày cùng GS dự đại hội thành lập LHH - Tp. Hồ Chí Minh.
Tất cả hoạt động đều vì sự phát triển khoa học của Việt Nam
Đêm trước ngày đại hội (2/1986), Ban Tổ chức đã đến báo cáo tình hình chuẩn bị với GS. Trần Đại Nghĩa. Sau buổi làm việc đó thầy có vẻ ưu tư lắm và dường như không ngủ được. Thầy gọi tôi sang, pha một ấm chè và hai thầy trò nói chuyện với nhau đến rất khuya. Câu chuyện bắt đầu từ việc sửa sang, chỉnh lý lại 2 bài phát biểu để thầy và tôi sẽ đọc vào sáng mai. Sau đó, thầy hỏi thăm về tình hình hoạt động khoa học ở trường Bách khoa, về cách thức triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học ở các trường của Nga. Thầy rất tâm tư về vấn đề đầu tư cho khoa học ở Việt Nam.
Tôi rất muốn được tiếp tục câu chuyện về mối quan hệ giữa sức mạnh của tính du kích linh hoạt và xu thế tự động hóa trong công nghiệp quốc phòng, nhưng cứ ngại để thầy thức quá khuya, nên lại nhắc thầy đi nghỉ. “Không sao! Tôi ngủ ít nhưng sáng mai vẫn sẽ tỉnh táo”- GS. Nghĩa nói. Thấy thầy nói vậy, tôi không dám nhắc nữa.
Từ đêm hôm đó, 2 điều thầy căn dặn tôi vẫn nhớ mãi!
Thầy nói: Khi giảng dạy người ta phải chia nhỏ kiến thức thành các môn học để cho sinh viên tiếp thu được, nhưng để làm được việc, phải làm sao cho họ biết vận dụng kiến thức tổng hợp.
Ngạc nhiên hơn, thầy còn nhắc: “Trường Bách khoa các anh tự gọi là Đại học Bách khoa Hà Nội đấy chứ, chắc là để dễ phân biệt với các trường Bách khoa mới mở sau này, còn theo Quyết định lúc thành lập năm 1956 thì chỉ ghi là Đại học Bách khoa thôi! Nói như thế, không phải là cốt giành lấy cái danh hiệu quốc gia để xin được thêm kinh phí đầu tư, mà ở chỗ cần phải tự xác định vị trí của mình để ý thức được phải dạy với trách nhiệm quốc gia và phải học với ý thức tự tôn của một dân tộc!”. Tôi nhớ mãi lời dạy đó và đã truyền đạt lại đến lãnh đạo Trường.
Buổi tối sau Đại hội, chúng tôi tham dự buổi liên hoan tại 43 Nguyễn Thông. Có hơi khác với các buổi liên hoan của các Hội ở phía Bắc thời đó. Bữa tiệc rất phong phú, các món ăn đều do các nữ hội viên tự nấu, có cả các tiết mục văn nghệ do các nhà khoa học cùng nhau ca hát, tự chơi đàn, đánh trống. Trong căn phòng xinh xắn các bàn tiệc xếp liên tiếp tạo thành sân khấu bên trong. Tất cả điều đó gây ấn tượng về một tập thể năng động, hay phát biểu, hay tranh luận.
Từ phía đối diện xa xa một phụ nữ rất duyên dáng nhìn về phía chúng tôi và nói “Ly rượu của hai đại diện sỹ phu Bắc Hà vẫn còn nguyên”. Tôi và thầy Nghĩa nâng cốc nhưng không uống vì hôm qua vào đây thấy trên báo Sài Gòn giải phóng có nhắc đến tin đồng chí Bí thư Thành ủy Phạm Hùng nhắc nhở không uống rượu trong hội họp ở cơ quan. Tất cả cười vui vẻ! Liền sau đó, GS. Nghĩa chia sẻ với mọi người: “Tôi là người con của miền Nam và cũng là người con của miền Bắc. Bây giờ đất nước đã thống nhất, Nam - Bắc một nhà. Trong LHH Việt Nam không phân biệt ai Nam ai Bắc, tất cả hoạt động đều vì sự phát triển khoa học của Việt Nam thống nhất”. Mọi người trong phòng đều vỗ tay rất dài, tỏ ý đồng tình.
Tầm nhìn xa trong hoạt động khoa học kỹ thuật
Vào những năm 1985-1990, với nhiệm vụ ủy viên Hội đồng Khoa học Khối SEV (hợp tác kinh tế các nước XHCN), tôi cũng bị thu hút vào các công việc đánh giá các công trình. Đồng thời theo thông báo số 2/UBGT, ngày 13/10/1984 của Ủy ban Giải thưởng Nhà nước, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng là Chủ tịch, tôi được cử vào Hội đồng Giải thưởng Khoa học kỹ thuật. Theo Thông báo số 1627/VP ngày 31/10/1984 - phiên họp do Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Khoa học kỹ thuật, GS. Trần Đại Nghĩa chủ trì - đã bầu ra 5 Ủy viên Thường trực Hội đồng, trong đó có tôi. Tôi vẫn còn giữ bản thông báo Quyết định này làm kỷ niệm về những ngày được làm việc trực tiếp với thầy Trần Đại Nghĩa. Tôi cũng được bầu làm Trưởng ban Công nghiệp của Hội đồng Khoa học Thủ đô từ năm 1995.
Với những bài học từ các hoạt động nói trên, nhất là qua những chỉ đạo của thầy Nghĩa, tôi đã có được những kinh nghiệm để triển khai nhiệm vụ Trưởng ban Cơ khí hóa Tự động hóa trong Hội đồng Giải thưởng Sáng tạo khoa học Việt Nam từ nhiều năm nay.
Trong quãng thời gian làm công tác quản lý khoa học và Phó Hiệu trưởng ở Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi có đôi lần thay mặt Nhà trường, trong những dịp lễ tết, đến thăm và tặng quà các cán bộ lão thành của Bách khoa. Tôi nhớ nhất lần cùng các cán bộ Phòng Khoa học đến nhà thầy Nghĩa ở phố Hàng Chuối, tặng thầy một món quà rất nhỏ - chiếc màn tuyn, sản phẩm do anh em cán bộ giảng dạy của trường cải tiến máy dệt màn vải xô, mắt vuông, thành máy dệt được màn tuyn, mắt lục giác. Thời đó, màn xô cũng phân phối, còn màn tuyn thì rất hiếm vì trong nước chưa nhập đươc loại máy này. Thầy rất cảm ơn và khen ngợi về việc làm thiết thực đó, nhưng cương quyết không nhận quà, vì muốn dành cho nhiều giáo viên còn chưa có.
Một điều bất ngờ nữa là sau nhiều năm, vào một dịp đi công tác khác, lúc rỗi thầy còn nhớ đến chuyện chiêc màn tuyn ấy và hỏi rằng việc cải tiến máy dệt ấy khó đến mức nào mà cần đến các thầy Bách khoa. Tôi giải trình với thầy, việc cải tiến từ máy dệt vải màn mắt vuông thành máy dệt vải màn mắt lục giác cũng không quá khó, nhưng để cho dàn máy cồng kềnh chạy thật êm, không gầm rú, thì tính toán và thử nghiệm mãi mới được.
Tôi nói đến đó thì thầy tiếp lời: “Không dễ đâu, đó là vấn đề dynamique des mécanismes!”. Thầy dùng thuật ngữ tiếng Pháp để nói về động lực học cơ cấu. Tôi cứ nhớ mãi câu chuyện đó để nhắc nhở sinh viên của mình phải nắm rất chắc những kiến thức cơ bản để có thể nhìn ra ngay các nội dung khoa học khi giải quyết những nhiệm vụ kỹ thuật tưởng chừng đơn giản. Bản thân tôi trong quá trình đi khảo sát thực tế khi chấm các công trình dự thi Giải thưởng sáng tạo khoa học VIFOTEC cũng gặp không ít trường hợp tương tự và đã vận dụng lời dạy của thầy Nghĩa để lý giải, đồng thời góp ý cho cơ sở giải quyết được một số vấn đề rất hiệu quả.
GS. Trần Đại Nghĩa và GS. Nguyễn Văn Đạo từ hồi còn phụ trách Viện Khoa học Việt Nam có lần đề nghị tôi chuyển sang nghiên cứu về robotics sau khi biết tôi đang làm luận án tiến sỹ khoa học ở Đại học Bách khoa Leningrad - một trong số ít trường đươc giao nhiệm vụ tiếp cận lĩnh vực khoa học mới mẻ này. Từ đó tôi bắt đầu tham gia một nhóm nghiên cứu robotics, theo học một vài lớp chuyên đề về các lĩnh vực liên quan và bắt đầu triển khai đề tài nghiên cứu.
Tuy nhiên, hồi đó ở Liên Xô chưa cho phép người nước ngoài bảo vệ luận văn/luận án về lĩnh vực robotics mới mẻ này, nên tôi phải quay lại với đề tài cũ và đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ khoa học. Sau khi tốt nghiệp về nước tôi được phân công phụ trách một Trung tâm nghiên cứu về robotics. Đó là đơn vị phối hợp do GS. Nguyễn Đình Tứ - Bộ trưởng Bộ Đại học và GS. Trần Đại Nghĩa - Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam cùng ký Quyết định. Khó khăn lớn Trung tâm phải đối mặt là phải theo chế độ tự nuôi phần lớn số biên chế cán bộ nên không dễ triển khai công việc theo ý muốn, tuy cũng đạt được không ít kết quả. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, người khích lệ và động viên tôi nhiều nhất chính là GS. Trần Đại Nghĩa và GS. Nguyễn Văn Đạo. Tôi luôn nhớ và thầm cảm ơn hai người thầy rất tâm huyết này.
Con người của công nghiệp quốc phòng
Trong những năm giảng dạy ở Đại học Bách khoa, tôi có nhiều dịp phụ trách một số lớp học tại chức hoặc học ban đêm, trong đó có những học viên là cán bộ quân giới đã từng làm việc với GS. Trần Đại Nghĩa. Những năm gần đây, ở vị trí Trưởng ban trong Hội đồng chấm Giải thưởng Sáng tạo khoa học tôi có nhiều cơ hội giao lưu với nhiều kỹ sư ở một số cơ sở công nghiệp quốc phòng, nhất là ở Viện Vũ khí, nơi thầy Nghĩa là Viện trưởng đầu tiên. Qua những câu chuyện trao đổi với các học viên và các kỹ sư ở các cơ sở đó, tôi rất cảm động khi thấy ở các nơi đó đều nhắc đến GS. Trần Đại Nghĩa như một thần tượng trong số những người cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng nước ta. Họ học ở thầy khí phách anh hùng, trong hoàn cảnh khó khăn đến thế mà vẫn sáng tạo ra những vũ khí ngăn được bước tiến quân thù.
Ngày nay, Việt Nam đã có một ngành công nghiệp quốc phòng hoành tráng. Không phải lúc nào cũng cần đầu tư những khí tài hiện đại nhất, mà quan trọng hơn là phải đầu tư cho sự sáng tạo khai thác những gì đang có. Đó là tư duy chiến lược, xuất phát từ GS. Trần Đại Nghĩa, một nhà khoa học bậc thầy trong chỉ đạo phát triển công nghiệp quốc phòng nước nhà. Có người kể lại rằng, trong một buổi giao lưu, một chuyên gia nước ngoài nhận xét: Trong khu vực này nhiều nước có thể mua được các loại vũ khí tối tân, nhưng ít có nước tự cải tiến, chế tạo và sản xuất được vũ khí hiện đại như Việt Nam. Một bước tiến quá xa, từ những súng Bazôka, súng phóng lựu, đạn chống tăng nổ 2 lần, đến tên lửa vác vai hiện đại…
Ngay cả khi đã chuyển sang phụ trách công tác Hội Khoa học công nghệ, GS. Trần Đại Nghĩa vẫn say sưa với những câu chuyện về vũ khí quốc phòng. Có lần, giáo sư hỏi chuyện tôi về tình hình nghiên cứu robotics, tôi có đề cập đến việc khi tên lửa được phóng thì nó như quả pháo, còn khi đã bay ra thì nó như một robot, biết tự tìm mục tiêu. Thầy vui vẻ nhắc lại một vài kỷ niệm về những ngày thời Thế chiến thứ 2 khi thầy còn tham gia nghiên cứu về vũ khí chiến lược ở nước ngoài.
Chúng ta tin tưởng rằng với khí thế đó và với tinh thần noi gương AHLĐ.GS.VS Trần Đại Nghĩa, thế hệ kỹ sư trẻ Việt Nam sẽ xây dựng được ngành công nghiệp quốc phòng thật hùng mạnh!