Chuyện các giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu làm chủ công nghệ đang là độc quyền của nước ngoài

Thứ tư - 17/05/2023 01:12
Thầy trò Bách khoa Hà Nội và các thành viên chính R&D Tập đoàn Hóa chất Đức Giang lắp đặt tháp tinh chế Acid Phosphoric trích ly (WPA)
Thầy trò Bách khoa Hà Nội và các thành viên chính R&D Tập đoàn Hóa chất Đức Giang lắp đặt tháp tinh chế Acid Phosphoric trích ly (WPA)
Năm 2014, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang tiến hành khai khoáng Apatit ở Lào Cai, đầu tư tổ hợp hóa chất và sản xuất được Acid phosphoric. Sau các tiếp cận, đàm phán chuyển giao công nghệ không thành công, không muốn phụ thuộc vào đơn vị khác, lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Đức Giang) quyết tâm tự nghiên cứu công nghệ lõi - tinh chế Acid phosphoric. Tập đoàn Đức Giang đã tìm các giảng viên – nhà khoa học Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội để gửi gắm tương lai phát triển, thực hiện tầm nhìn của mình.

Tại thời điểm đó, Acid phosphoric trích ly trên thị trường có giá khoảng 6-6,5 triệu đồng/tấn còn Acid phosphoric tinh chế có giá trị rất cao, khoảng 22 triệu đồng/tấn. Bản quyền công nghệ tinh chế Acid phosphoric - công nghệ rất hiện đại mang tính xu thế, không dễ dàng nhận được sự đồng ý chuyển giao từ các đối tác nước ngoài  thuộc về Tập đoàn Prayon (Bỉ); ngoài ra còn có công nghệ của Israel, Nhật Bản.
4
PGS. Tạ Hồng Đức - Phó Trưởng bộ môn Máy và Thiết bị Công nghiệp hóa chất – Dầu khí, Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội
Thầy giáo  kết nối nhà trường – doanh nghiệp

Sẽ có thắc mắc rằng tại sao Tập đoàn Hóa chất Đức Giang lại  tin tưởng tìm đến các giảng viên của Đại học Bách khoa Hà Nội mà không phải của các trường đại học khác? Câu trả lời đến ngay từ đội hình ban lãnh đạo Tập đoàn Đức Giang: Đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhân viên và các “nhân viên đặc biệt” làm công tác tư vấn cho lãnh đạo Tập đoàn và phòng Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm (R&D) của Tập đoàn đa  phần là các cựu sinh viên, giảng viên của Đại học Bách khoa Hà Nội, đóng góp to lớn vào sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của Tập đoàn. Giảng viên Tạ Hồng Đức – Viện Kỹ thuật Hóa học – người kết nối Tập đoàn hóa chất Đức Giang và Đại học Bách khoa Hà Nội trong hợp tác nghiên cứu này là một “nhân viên” đặc biệt như vậy.

PGS. Tạ Hồng Đức sinh năm 1977, sau 5 năm tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành Máy & Thiết bị công nghiệp Hóa chất - Dầu khí, anh được Trường Đại học Bách khoa Hà Nội giữ lại làm giảng viên. Anh Đức làm tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Otto von Guericke Magdeburg, và Viện Nghiên cứu Các hệ thống công nghệ Phức tạp trong Công nghiệp Max Planck, CHLB Đức rồi trở về Bách khoa giảng dạy, nghiên cứu. Hiện PGS. Tạ Hồng Đức là Phó Trưởng bộ môn Máy và Thiết bị Công nghiệp hóa chất – Dầu khí, Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Anh Đức nhớ lại: “Năm 2012, từ Anh trở về Việt Nam, hai vợ chồng tôi tiếp tục theo đuổi sự nghiệp giảng dạy tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Cá nhân tôi luôn nghĩ đến việc làm thế nào để mang ý tưởng từ phòng thí nghiệm ra thực tiễn, tạo ra giá trị kinh tế, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phục vụ cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội, của đất nước. Nhận thấy hợp tác nhà trường - doanh nghiệp sẽ mở ra nhiều cơ hội, tôi mạnh dạn đề xuất với PGS. Huỳnh Đăng Chính – hồi đó là Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hóa học, hiện là Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội về hình thức hợp tác với doanh nghiệp. Lãnh đạo Viện đã ủng hộ, tạo điều kiện cho tôi và các đồng nghiệp kết nối, đưa hợp tác doanh nghiệp về Nhà trường. Cán bộ, giảng viên chúng tôi kết nối, tư vấn cho doanh nghiệp, nhưng luôn đảm bảo công việc giảng dạy, nghiên cứu và các nhiệm vụ khác tại Đại học Bách Khoa Hà Nội”.

Băn khoăn hỏi: Một giảng viên thuần về chuyên môn, “lính mới” về kinh tế thị trường thì làm thế nào để tạo được lợi thế, tạo được lòng tin với các “cá mập đầu đầy sỏi”?

Anh Đức khẳng định trong vai trò là giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, anh và các đồng nghiệp có lợi thế cực kì lớn. Vì ở lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng như kỹ thuật hóa học, dầu khí, than khoáng sản; lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các Tập đoàn … đều là cựu sinh viên Bách khoa. “Khi màu sắc Bách khoa, dòng máu Bách khoa “chạm” nhau rồi thì câu chuyện cứ tự nhiên mở ra, từ chuyện học Hình họa, học Toán ngày xưa, mô phỏng Toán, học Toán để làm gì… đến chuyện ra làm doanh nghiệp “dân Bách khoa” được trọng dụng ra sao, các ý tưởng đề xuất nghiên cứu…, hai bên cứ thế gần gũi, tin tưởng, coi nhau như người một nhà, đồng cảm với nhau về lợi ích, ý tưởng.

Đặc biệt, ở những công ty, tập đoàn cổ phần hóa, các lãnh đạo rất thích làm việc với Người Bách khoa vì họ đã luôn tạo ra lợi ích nhìn thấy rõ cho công ty. PGS. Tạ Hồng Đức đã kết nối Bách khoa Hà Nội với Tập đoàn Đức Giang trong tâm thế như vậy.
11
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Tập đoàn Hóa chất Đức Giang ký kết hợp tác toàn diện (năm 2016)
Đề tài nghiên cứu chế biến sâu khoáng sản Việt Nam

Năm 2016, PGS. Hoàng Minh Sơn – lúc đó là Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS. Huỳnh Quyết Thắng – lúc đó là Phó Hiệu trưởng, nay là Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội và PGS. Huỳnh Đăng Chính cùng đoàn công tác Đại học Bách khoa Hà Nội đã lên Tổ hợp Hóa chất Đức Giang tại Lào Cai ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu công nghệ nhằm tăng cường hiệu quả nghiên cứu phát triển và đào tạo trong lĩnh vực hóa chất công nghiệp.

Chữ ký chưa ráo mực, các thầy, cô giáo và các sinh viên Bách khoa Hà Nội cùng với các anh chị Trung tâm R&D của tập đoàn Hóa chất Đức Giang đã làm việc ngày đêm thực hiện các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm như dự án xây dựng dây chuyền thiết bị công nghệ tinh chế axit phosphoric, công nghệ sản xuất DCP, MCP, …

Hợp tác thành công về mảng chế biến sâu khoáng sản, hóa chất cơ bản đã mở rộng cơ hội hợp tác sau này của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang và nhiều doanh nghiệp khác với Đại học Bách khoa Hà Nội mà một trong những đối tượng hưởng lợi chính là các sinh viên Bách khoa.

Hàng năm, Đức Giang và nhiều doanh nghiệp trao học bổng có giá trị cho sinh viên, tạo điều kiện cho các em thực tập tại doanh nghiệp; “đón đầu” các tân kỹ sư làm việc tại công ty, tập đoàn. Từ lứa sinh viên Máy hóa, Hóa công K54 trở đi, học đến năm 3, năm 4, các em đã tự tin tham gia các dự án kết nối nhà trường và doanh nghiệp, làm việc dưới sự hướng dẫn của thầy, được trả lương, được vận dụng kiến thức để thực hành, có kinh nghiệm làm việc tại hiện trường. Hiện tại, những cựu sinh viên Bách khoa đó đều là những lãnh đạo chủ chốt tại Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, nối dài sợi dây hợp tác doanh nghiệp – nhà trường mà thầy giáo Tạ Hồng Đức đã khởi tạo.

Không chỉ kết nối trong nước, các giảng viên Bách khoa với mối quan hệ từ  giai đoạn học thạc sỹ, làm tiến sĩ, trao đổi học giả tại các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài còn tạo nên những mạng lưới hợp tác doanh nghiệp, hợp tác đào tạo xuyên biên giới.

Khi có những “đầu bài” của doanh nghiệp, các thầy cô Bách khoa sẽ nghiên cứu, thăm dò tại Việt Nam, tại chính những phòng thí nghiệm của Đại học Bách khoa trước. Trên cơ sở đó, họ kết nối với các giáo sư trong mạng lưới chuyên môn tại nước ngoài, các thầy cô sẽ thảo luận đưa ra thêm nhiều ý tưởng, tối ưu hóa khả năng nghiên cứu “Máu lửa” hơn, các thầy cô sẽ bay sang Việt Nam và ngược lại.
5 1
Kết nối Nhà Trường - Doanh nghiệp trong Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Đại học Bách khoa Hà Nội (15/10/2021)
Nhiều chương trình hợp tác như chương trình Erasmus+, các chuyên gia được chính phủ Đức hỗ trợ chi phí ăn ở đi lại để giúp các nước đang phát triển như Việt Nam nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và chuyên gia Việt Nam cũng bay sang Đức để thảo luận thực hiện triển khai. Đặc biệt, hàng năm, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Kỹ thuật Dresden (TU Dresden, Đức) có những chương trình trao đổi học tập. Với những đề tài liên quan đến công nghiệp, hai bên sẽ hợp tác cùng giải quyết. Khi ý tưởng đủ chín muồi, thầy cô sẽ định hướng đưa sinh viên sang nước ngoài học tập, đến những phần mấu chốt về công nghệ, thầy cô sẽ trực tiếp sang hướng dẫn sinh viên.

Như PGS. Tạ Hồng Đức, những năm gần đây, thầy kết nối với giáo sư chuyên về vô cơ, hóa chất cơ bản GS. Jan J. Weigand ở TU Dresden, hai bên cùng trao đổi ý tưởng về phương thức nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và chuyển quy mô từ phòng thí nghiệm lên quy mô công nghiệp. Sau đó, Giáo sư Jan J. Weigand sang Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo sinh viên Bách khoa; còn PGS. Tạ Hồng Đức sang TU Dresden giảng dạy và thu hút sinh viên quốc tế của TU Dresden qua trao đổi tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là nội dung trong chương trình vừa nghiên cứu, vừa chuyển giao công nghệ, vừa đào tạo.

“Làm như vậy, sinh viên sẽ hiểu rất thấu đáo về kỹ thuật công nghệ là nghiên cứu liên ngành, ở đó nghiên cứu cơ bản cùng với nghiên cứu ứng dụng được vận dụng sáng tạo ra sản phẩm công nghệ phục vụ xã hội và đất nước” – thầy Đức cho biết. Có thể thấy, từ hợp tác doanh nghiệp – nhà trường và network của các thầy cô, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội có cơ hội gia nhập giới khoa học toàn cầu, được truyền lửa đam mê học tập, nghiên cứu, và sẽ lại tiếp nối thầy cô của mình trên con đường nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
6
Hai vợ chồng PGS. Tạ Hồng Đức đều là giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội
Khát khao của thầy giáo Bách khoa liên quan đến cây quế

Với tình yêu đặc biệt dành cho Bách khoa - nơi bố vợ và chị vợ anh từng học; nơi vợ anh đang làm giảng viên Viện Ngoại ngữ; nơi anh có các “sếp” rất tâm lý, tạo mọi điều kiện cho  cán bộ; nơi anh có những người anh em nếu cảm thấy cần được chia sẻ khích lệ, chỉ cần gặp nhau  nói chuyện là  thấy cuộc  sống luôn vui tươi tích cực và niềm đam mê khoa học lại được truyền lửa bùng cháy mạnh mẽ hơn … thầy Đức có lẽ không biết mình mắc một “bệnh nghề nghiệp”, nói vui là: “Mở lời là Bách khoa”!

Thầy bày tỏ rất chân thành: “Dù là công việc gì, tôi vẫn là vai người thầy, đam mê lan tỏa tri thức để tạo ra những thứ có giá trị hơn. Dù nhiều tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp mời chào nhưng tôi không bao giờ xa rời Bách khoa. Việc giảng dạy, nghiên cứu ở Bách khoa chính là lý do để tôi trờ về Việt Nam sau thời gian nghiên cứu làm việc tại nước ngoài”.

Hiện tại, một trong những ưu tiên lớn của PGS. Đức liên quan đến cây quế. Trong những lần trên đường đi lên Lào Cai, thầy chứng kiến cảnh dưới trời nắng như nung, những em bé theo bố mẹ làm việc vất vả trên đồi quế, lấy cành quế, lá quế chất lên xe để chở về nhà máy quế chỉ được 2.000 đồng/cân. Thầy dừng xe, đi vào tận nơi xem xét tình hình, hỏi chuyện người nông dân và được biết họ chỉ thu được 2.000 đồng/kg. Từ đó, thầy suy nghĩ về một nghiên cứu có thể đi vào cuộc sống mang tính hiệu quả, lâu dài hơn cho bà con vùng cao.

Theo PGS. Tạ Hồng Đức, Việt Nam có khoảng 150.000 ha quế, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc (Lào Cai, Yên Bái). Khi cây quế đến mùa thu hoạch, thương lái nước ngoài sang mua tinh dầu thô, trong đó hàm lượng Cinnamaldehyde (hợp chất chính mang lại hương vị và mùi cho quế) khoảng 85%. Hiện giá của lá quế khoảng 2.000 đồng/cân, khi bà con cho vào nồi chưng lôi cuốn hơi nước được dầu quế, giá dầu quế khoảng 400.000 - 500.000 đồng/cân, nếu tinh chế, giá trị nó có thể lên gấp 4 lần. “Công nghệ này Viện Kỹ thuật Hóa học đang làm chủ nhưng chưa chuyển giao ồ ạt ra công nghiệp. Nếu mình làm được đề án đấy của Đại học Bách khoa Hà Nội thì sẽ vừa chuyển giao được công nghệ, vừa giúp đỡ bà con nông dân” – anh Đức nghĩ.

Kết hợp các chuyến công tác lên Lào Cai làm việc, anh Đức đã kết nối được với một Công ty lớn về tinh dầu quế, đơn vị này đang có nhu cầu tiếp nhận công nghệ từ ĐHBK Hà Nội thông qua dự án kinh tế công nghiệp nhằm phát triển công nghệ chế biến các sản phẩm thiên nhiên từ tinh dầu quế thô. Hiện nhóm nghiên cứu phát triển các hợp chất thiên nhiên, Đại học Bách khoa Hà Nội đang tiếp tục triển khai nghiên cứu hoàn thiện công nghệ chế biến sâu tinh dầu quế với đích đến là làm ra những chất tạo ra sản phẩm thiên nhiên đạt tiêu chuẩn thực phẩm, dược phẩm từ cây quế Việt Nam, Make in HUST.
 
Nếu hỏi chuyện thầy giáo Tạ Hồng Đức, Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội, hãy cẩn thận không sẽ bị “mê” đấy! Bởi vì bạn sẽ bị cuốn theo các câu chuyện về nghiên cứu khoa học, về hợp tác kinh doanh, về điện rác, axit điện tử, thiết kế nhà máy thông minh, … Và dù câu chuyện có gay cấn, căng thẳng thế nào cũng sẽ trở nên nhẹ nhàng, thong thả với tinh thần tích cực của người kể chuyện, một người Bách khoa rất nhiệt huyết!
Gia Hân

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây