Phi hành đoàn HUST giúp thí sinh giải mã vũ trụ Bách khoa Hà Nội

Thứ bảy - 20/07/2024 01:51
Bên ngoài khu vực tư vấn chung của phi thuyền Bách khoa Hà Nội
Bên ngoài khu vực tư vấn chung của phi thuyền Bách khoa Hà Nội
Sáng nay (20/7), tại “Ngày Tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2024” diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội, gian tư vấn chung của đại học chủ nhà được thiết kế như một phi thuyền không gian, đưa hàng ngàn thí sinh và phụ huynh khám phá 64 ngành đào tạo trong vũ trụ Bách khoa Hà Nội. 

“Ngày tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2024” do báo Tuổi Trẻ phối hợp Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức, diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Năm nay, “Ngày tư vấn” có sự tham gia của 39 đơn vị với 153 gian tư vấn. 

Tham gia sự kiện, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức tư vấn tại 2 khu vực: Khu vực tư vấn chung và Khu vực tư vấn chuyên sâu về ngành, nghề và các chương trình đào tạo của Đại học. 6h sáng, phi hành đoàn gồm các giảng viên, cựu sinh viên, sinh viên Nhà trường đã có mặt, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh giải mã vũ trụ Bách khoa. 

Thí sinh nêu câu hỏi, thầy cô Bách khoa linh hoạt tư vấn online, offline!

Tại bàn tư vấn của Trường Cơ khí, PGS. Trần Xuân Bộ say sưa tư vấn cho thí sinh về ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực (TE2). Thầy Bộ chia sẻ cặn kẽ từ những thông tin về các môn học chuyên ngành, đến triển vọng nghề nghiệp, cơ hội du học cho các bạn sau khi hoàn thành chương trình học tại Bách khoa Hà Nội, hướng dẫn thí sinh truy cập group zalo của ngành để được các thầy cô hỗ trợ nếu còn có gì thắc mắc. 

Kết thúc cuộc trò chuyện, lo thí sinh vẫn mông lung về ngành, thầy ân cần dặn: “Tối nay thầy sẽ đăng lên Facebook clip “Một ngày là sinh viên TE2”, em theo dõi để hiểu hơn về ngành trước khi đặt nguyện vọng nhé!”
 
d05e7221c04c65123c5d6
PGS. Trần Xuân Bộ lắng nghe nguyện vọng của thí sinh để tư vấn, hỗ trợ thí sinh lựa chọn hướng đi tương lai
Thí sinh Lưu Khánh Thiện - Học sinh Trường THPT Thái Phiên (Hải Phòng), có anh trai là cựu sinh viên Bách khoa nên cậu đã đặt mục tiêu tiếp bước anh trai ngay từ khi là học sinh lớp 10. Đặc biệt sau khi nghe tư vấn từ PGS. Trần Xuân Bộ cậu càng thêm quyết tâm trở thành sinh viên ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực. 

“Trước đây, em chỉ hiểu đơn giản cơ khí động lực là ứng dụng các nguồn năng lượng có yếu tố sức đẩy như gió, nước,... vào chế tạo, vận hành máy móc. Sau khi được thầy Bộ tư vấn, em biết thêm rằng đây là ngành có sự kết hợp giữa tự động hóa và cơ khí, sinh viên theo học sẽ có những kỹ năng toàn diện và cơ hội việc làm rất rộng mở sau này.” - Khánh Thiện chia sẻ. 
 
038512f9a09405ca5c855
Lưu Khánh Thiện - Học sinh Trường THPT Thái Phiên (Hải Phòng),
Học sinh Nguyễn Tấn Dũng - Trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình có năng khiếu học Hóa nên rất quan tâm đến các ngành đào tạo của Trường Hóa và Khoa học Sự sống. Dũng dự định đặt 2 nguyện vọng đầu tiên vào ngành Kỹ thuật Hóa học (CH1) và Kỹ thuật Môi trường (EV1) của Đại học Bách khoa Hà Nội và rất quan tâm đến công việc tương lai sau khi ra trường.

Để giải đáp cho Tấn Dũng, TS. Trần Thanh Chi - Phó Trưởng khoa KH&CN Môi trường – cho biết: “Bất kỳ công ty sản xuất nào cũng đều cần có bộ phận chuyên môn về môi trường, do đó cơ hội việc làm của ngành này là rất lớn”. 

TS. Trần Thanh Chi cũng đưa ra những dẫn chứng thực tế về vị trí các cựu sinh viên của ngành đang làm việc như kỹ thuật viên, nghiên cứu viên môi trường tại các doanh nghiệp, cán bộ quản lý môi trường,...
 
20240720 CBO 7415
TS. Trần Thanh Chi - Phó Trưởng khoa KH&CN Môi trường tư vấn cho thí sinh Nguyễn Tấn Dũng
“Em rất ấn tượng với sự chu đáo, tận tình của các giảng viên Bách khoa Hà Nội. Mong rằng tháng 9 tới, em có thể đeo chiếc thẻ sinh viên của ngôi trường em luôn ao ước và cập nhật thông tin tại Facebook cá nhân là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội!” - Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ. 
 
a24c2230905d35036c4c8
Nguyễn Tấn Dũng - Trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình
Trong 64 chương trình đào tạo trong mùa tuyển sinh năm nay, Bách khoa Hà Nội đã cho ra mắt “tân binh” Quản lý Giáo dục (ED3). Dù mới tuyển sinh nhưng ngành ED3 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo thí sinh, bởi các bạn hiểu rằng ngành mới thường là "ngành hot" và xã hội đang cần. 

ThS. Nguyễn Yến Chi - Giảng viên Khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục - chia sẻ, bàn tư vấn của Khoa đã đón nhiều thí sinh muốn tìm hiểu thêm về ngành ED3, muốn hiểu rõ hơn về sự khác biệt của ngành này với Công nghệ Giáo dục (ED2). 

“Ngành Quản lý Giáo dục đào tạo theo 2 hướng chính là quản lý giáo dục số và quản lý chất lượng giáo dục, ngành kết hợp giữa kiến thức quản lý, đo lường, đánh giá chất lượng giáo dục với các kỹ năng số, giúp các bạn sinh viên có cơ hội đảm nhiệm các công việc liên quan tới phát triển chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, chuyển đổi số trong giáo dục, hay làm việc tại các đơn vị kiểm định trong và ngoài nước,...” - ThS. Nguyễn Yến Chi giải đáp. 
 
c0dbcfa77dcad89481db7
ThS. Nguyễn Yến Chi - Giảng viên Khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục tư vấn cho thí sinh về chương trình đào tạo mới
Chiến thuật chia nhóm nguyện vọng để chắc suất trúng tuyển 

Theo Bộ GD-ĐT, từ ngày 18/7 đến 17h ngày 30/7 là thời gian để thí sinh xét tuyển đại học năm 2024 đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.

Ngày 19/7, Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố dự báo điểm chuẩn tuyển sinh theo điểm thi Đánh giá tư duy (TSA) và điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 để thí sinh tham khảo trong quá trình đăng ký nguyện vọng xét tuyển. 
 
Slide2
Dự báo điểm chuẩn nhóm 1 và nhóm 2 được Đại học Bách khoa Hà Nội công bố ngày 19/7. Xem chi tiết TẠI ĐÂY
Theo PGS. Vũ Duy Hải - Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội, thí sinh xét tuyển vào vào Bách khoa Hà Nội có thể căn cứ từ bảng điểm dự báo, chia các nguyện vọng thành 3 nhóm: 

•    Nhóm 1: Nhóm ngành thí sinh yêu thích

•    Nhóm 2: Nhóm ngành có khoảng điểm chuẩn dự báo tương đồng với điểm thi của thí sinh.

•    Nhóm 3: Nhóm ngành có điểm chuẩn dự báo thấp hơn điểm thi của thí sinh. 
 
20240720 CBO 7350
PGS. Vũ Duy Hải - Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp - trong sự kiện sáng nay
Theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi thí sinh được đăng ký không hạn chế số nguyện vọng và phải xếp thứ tự nguyện vọng từ cao xuống thấp. Hệ thống sẽ xét theo thứ tự ưu tiên và dừng lại đến khi khi có nguyện vọng thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. 

Do đó, việc sắp xếp ngành theo các nhóm là phương án giúp thí sinh gia tăng cơ hội trúng tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội. 

Đối với thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển tài năng nhưng muốn lựa chọn ngành học khác yêu thích hơn, thí sinh có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển và đặt nguyện vọng này lên trên nguyện vọng đã trúng tuyển. 
 
Ở Bách khoa Hà Nội, các ngành học có mối liên quan mật thiết với nhau, nên ngoài những ngành học đang hướng tới, thí sinh có thể tìm hiểu thêm các ngành gần, ngành liên ngành để bổ sung vào danh sách nguyện vọng một cách phù hợp.

Ảnh: Duy Khiêm - Kiên Phạm

Tác giả: Nguyễn Thu Huệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây