Thần chú NCKH từ đũa phép của các “phù thuỷ” Ngoại ngữ Bách khoa 

Chủ nhật - 21/07/2024 22:00
Nhóm nghiên cứu LUMOS:  Vũ Nhật Hà, Phạm Phương Thảo, Ngô Minh Phúc (từ trái sang)
Nhóm nghiên cứu LUMOS: Vũ Nhật Hà, Phạm Phương Thảo, Ngô Minh Phúc (từ trái sang)
Hơn 1 năm nghiên cứu, 2 lần tham gia Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp Đại học, 3 sinh viên K66 Khoa Ngoại ngữ, Đại học Bách khoa Hà Nội - Phạm Phương Thảo, Ngô Minh Phúc, Vũ Nhật Hà - đã hái những “trái ngọt” đầu tiên.

Nhóm nghiên cứu lựa chọn cái tên LUMOS – câu thần chú tạo ra tia sáng từ đầu đũa của các phù thuỷ trong bộ truyện Harry Potter – với mong muốn tỏa sáng trên đường đua NCKH. 

Có lẽ nhờ cái tên đặc biệt đó mà đề tài “Nghiên cứu chức năng của kỹ thuật chuyển mã/trộn mã (Code-Switching/Code-Mixing) trong việc tiếp thu ngôn ngữ tại các lớp học Tiếng Anh chuyên ngành (ESP)” đã giành giải Nhất – Hạng mục Khoa học Xã hội và Kinh tế - Hội nghị Sinh viên NCKH lần thứ 41 và được đăng tải trên Tạp chí Giáo dục và Xã hội (Journal of Education and Society) số đặc biệt tháng 5 - Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
4f7309acb355110b4844
Nghiên cứu của nhóm LUMOS được đăng tải trên Tạp chí Giáo dục và Xã hội (Journal of Education and Society) số đặc biệt tháng 5 - Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đề tài được hướng dẫn bởi 3 Thạc sỹ - giảng viên Khoa Ngoại ngữ: Nguyễn Thị Minh Hà , Nguyễn Thị Minh Trang và Nguyễn Xuân Nghĩa. 

ThS. Nguyễn Xuân Nghĩa đã đồng hành cùng nhóm trong khoảng thời gian đầu tiếp cận với đề tài, sau đó ThS. Nguyễn Thị Minh Trang hướng dẫn nhóm tiến hành thu thập dữ liệu và “trao tay” cho ThS. Nguyễn Thị Minh Hà khi nghiên cứu đi vào những bước cuối cùng. 

Bắt đầu nghiên cứu từ “10 vạn câu hỏi vì sao?”

“Vì sao sinh viên không tìm ra phương pháp học tiếng Anh hiệu quả?”
“Vì sao học mãi mà vốn từ vựng không lên?”
“Đâu là cách học tiếng Anh đúng đắn?”


Đó là những câu hỏi quen thuộc với sinh viên Ngôn ngữ Anh nói chung và người học ngoại ngữ nói riêng, cũng chính là nguồn cảm hứng để nhóm nghiên cứu LUMOS của Phương Thảo, Minh Phúc, Nhật Hà gia nhập “đường đua” nghiên cứu khoa học. 

“Là những sinh viên Ngoại ngữ, chúng tôi hiểu rằng để học tốt cần tìm ra phương pháp đúng đắn, nhưng thế nào là cách học đúng và minh chứng cụ thể thì ít ai chứng minh được.” – Nhóm trưởng Phạm Phương Thảo chia sẻ. 

Trong quá trình tìm hiểu các phương pháp học tiếng Anh phù hợp cho sinh viên, nhóm nghiên cứu đặc biệt chú ý đến phương pháp truyện chêm của người Do Thái (những câu chuyện, văn bản bằng tiếng mẹ đẻ có chèn thêm các từ khóa của ngôn ngữ cần học). Nhóm xác định bản chất của phương pháp này là sử dụng kỹ thuật chuyển mã/ trộn mã (code-switching/ code-mixing) giúp học từ vựng hiệu quả. 
 
09a9935e20a782f9dbb6
Sinh viên Vũ Nhật Hà, Ngô Minh Phúc báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng Khoa học
Từ cơ sở những nghiên cứu đã chỉ ra hiệu quả của kỹ thuật chuyển mã/ trộn mã với việc học tiếng Anh cơ sở (General English), nhóm đã đặt ra câu hỏi: Liệu việc sử dụng kỹ thuật này trong lớp học tiếng Anh chuyên ngành (Specific English) có tương quan hay không?

Với mức độ khó cao hơn và từ vựng phức tạp hơn, việc phải nhờ tới ngôn ngữ gốc trong việc dạy và học tiếng Anh chuyên ngành là điều hoàn toàn thường thấy, tuy nhiên nhiều nghiên cứu lại chỉ ra rằng để học tiếng Anh tốt, người học nên đặt mình vào trong môi trường 100% tiếng Anh thay vì xen lẫn cả ngôn ngữ mẹ đẻ. 

Để tìm hiểu sâu hơn về hiệu quả của phương pháp này, nhóm LUMOS quyết định phát triển đề tài xoay quanh nghiên cứu mối quan hệ giữa việc sử dụng kỹ thuật chuyển mã/ trộn mã với kết quả học tập nhận thức (cognitive learning outcomes) của sinh viên trong lớp tiếng Anh chuyên ngành (ESP - English For Specific Purposes) của K66, Khoa Ngoại ngữ, Đại học Bách khoa Hà Nội. 

Trong lần “lên sàn” đầu tiên tại Hội nghị NCKH lần thứ 40, nhóm đã phải dừng bước trước khi nộp báo cáo cuối cùng do không đủ thời gian tiến hành lớp thực nghiệm. Quyết tâm tỏa sáng như cái tên LUMOS của mình, nhóm tiếp tục ghi danh và phát triển đề tài tại Hội nghị NCKH lần thứ 41 và đã gặt hái thành công.

Nhóm LUMOS đã tiến hành cuộc khảo sát bằng câu hỏi để đánh giá thái độ của sinh viên với kỹ thuật này. Dữ liệu được phân tích tương quan Pearson trong SPSS cho ra kết quả: Không có mối tương quan đáng kể giữa việc sử dụng kỹ thuật chuyển mã/trộn mã và kết quả học tập nhận thức của sinh viên – có nghĩa các kỹ thuật này không góp phần trực tiếp vào việc cải thiện kết quả học tập nhận thức trong lớp ESP.
 
0277cd4e7eb7dce985a6
Sinh viên Ngô Minh Phúc (thứ 6 từ trái sang) đại diện nhóm nhận giải Nhất – Hạng mục Khoa học Xã hội và Kinh tế - Hội nghị Sinh viên NCKH lần thứ 41
Kết quả nghiên cứu đã góp phần giúp giảng viên và sinh viên Bách khoa Hà Nội lựa chọn và kết hợp hợp lý các phương pháp dạy và học với học phần tiếng Anh chuyên ngành. Trong tương lai, nhóm LUMOS hy vọng có thể mở rộng quy mô nghiên cứu để gia tăng tính chính xác cho kết quả.

Những mảnh ghép nhỏ tạo nên sức mạnh lớn

Tháng 1/2023, nhóm nghiên cứu LUMOS chính thức “debut”.

“Khi quyết định lập nhóm nghiên cứu, chúng tôi không đặt ra bất cứ tiêu chí nào cho đồng đội bởi mỗi người đều là mỗi cá thể riêng biệt và luôn tỏa sáng theo cách họ mong muốn. Các thành viên đều có niềm đam mê cháy bỏng với ngôn ngữ, với việc nghiên cứu nên dễ dàng “bắt sóng” và nhập team!” – Sinh viên Ngô Minh Phúc chia sẻ cuộc hội ngộ của các thành viên LUMOS.

3 mảnh ghép với 3 màu sắc khác nhau đã cùng nhau trải qua vui buồn của chặng đường nghiên cứu: Trưởng nhóm Phạm Phương Thảo đầy bản lĩnh và trách nhiệm với công việc, luôn đưa ra những ý tưởng hay khi nhóm đang gặp bế tắc. Ngô Minh Phúc là một cậu bạn vui vẻ, hài hước cùng khả năng sáng tạo vô đối, một tay thiết kế ấn phẩm của nhóm. Cô gái Vũ Nhật Hà hòa đồng, thân thiện và rất tỉ mẩn, luôn tích cực đưa ra những nhận xét đa chiều để hoàn thiện bài làm của nhóm một cách hoàn hảo nhất.

Trong suốt hơn 1 năm nghiên cứu, giai đoạn khó khăn nhất mà nhóm trải qua đó là khi “thuyền trưởng” Phạm Phương Thảo tham gia chương trình trao đổi tại Pháp. Khoảng cách địa lý khiến những cuộc thảo luận của nhóm sinh viên và những buổi trao đổi với giảng viên hướng dẫn phải thực hiện hoàn toàn bằng hình thức online. 
1fd9e22451ddf383aacc
Sinh viên Vũ Nhật Hà, Ngô Minh Phúc chụp ảnh cùng ThS. Nguyễn Thị Minh Hà trong buổi bảo vệ kết quả nghiên cứu - Hội nghị NCKH lần thứ 41. Do đang trong khóa trao đổi tại Pháp, trưởng nhóm Phạm Phương Thảo tham gia theo hình thức online. 
Nhóm sinh viên năm 3 cũng khó sắp xếp được lịch họp phù hợp bởi chênh lệch múi giờ, lịch học, lịch ngoại khóa của mỗi bạn khác nhau. Để cuộc họp có đầy đủ thành viên, LUMOS thường bắt đầu cuộc họp vào 23 giờ đêm và kéo dài tới khoảng 1 - 2 giờ sáng, đôi khi tới 4 – 5 giờ. Hoạt động khuya khiến các “cú đêm” cũng cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ nhưng cả nhóm vẫn tự động viên, khích lệ tinh thần lẫn nhau để theo đuổi nghiên cứu đến cùng. 

“Dù có những lúc chúng tôi bất đồng ý kiến và tranh cãi kịch liệt, nhưng rồi sẽ nhanh chóng tìm được cách giải quyết và thấu hiểu nhau hơn. Có lẽ đối với LUMOS, phần thưởng quý giá hơn cả giải Nhất Hội nghị Sinh viên NCKH lần thứ 41 đó là tình bạn tuyệt đẹp!” – Sinh viên Vũ Nhật Hà bày tỏ.

“The greater difficulty, the greater glory” (Tạm dịch: Trải qua càng nhiều khó khăn thì thành tựu càng giá trị!) Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, các “phù thủy” nhóm LUMOS đã nhận được thành quả xứng đáng với nỗ lực của mình. Mọi khó khăn đã qua đều trở thành kỷ niệm quý giá và là niềm tự hào mỗi khi nghĩ về quãng thời gian thanh xuân tại Đại học Bách khoa Hà Nội!
 

Tác giả: Nguyễn Thu Huệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây